Bốn vị Hồng Y đã công bố lời thỉnh cầu Đức Thánh Cha Phanxicô trong đó các ngài lập luận rằng cần phải làm rõ Tông Huấn Amoris Laetitia, vì có những căng thẳng giữa tài liệu này của Đức Thánh Cha và giáo lý truyền thống của Công Giáo về hôn nhân.
Bốn vị Hồng Y đã gởi đến Đức Thánh Cha Phanxicô vào ngày 19 tháng 9 năm nay lời thỉnh cầu của các ngài xin được làm rõ vấn đề. Các ngài đã không nhận được phúc đáp. Các vị Hồng Y xem sự im lặng của Đức Thánh Cha như “một lời mời gọi để tiếp tục suy tư, và thảo luận, một cách bình tĩnh và trong niềm tôn trọng.”
Trong một thông báo nhằm giải thích quyết định công bố những câu hỏi của các ngài trước công chúng, các vị Hồng Y nhận xét rằng các ngài đã chứng kiến “một sự mất phương hướng nghiêm trọng và một sự hoang mang rất lớn nơi nhiều tín hữu” về giáo huấn hôn nhân của Giáo Hội. Sự hoang mang này, các ngài nói thêm, có thể thấy tỏ tường nơi những giải thích mâu thuẫn của các Giám Mục trên thế giới về tài liệu này, đặc biệt là nơi Chương 8.
Các vị Hồng Y giải thích thêm là truyền thống Giáo Hội khuyên nên đặt ra những câu hỏi như thế với Đức Thánh Cha “để ngài giải quyết những nghi vấn là nguyên nhân gây ra sự mất phương hướng và lầm lạc.”
Bốn Hồng Y, gồm có các Đức Hồng Y Walter Brandmüller, Raymond Burke, Carlo Caffara, và Joachim Meissner, đã trình lên Đức Thánh Cha bốn “dubia”, nghĩa là bốn bản câu hỏi cần được làm sáng tỏ.
Trước hết, các ngài xin Đức Thánh Cha minh định rằng dưới ánh sáng của Tông Huấn Amoris Laetitia, một người Công Giáo đã kết hôn, sau đó ly hôn, và rồi sống chung với một đối tác khác có thể được nhận bí tích xá giải và được rước lễ hay không?
Sau đó, các ngài cũng xin Đức Thánh Cha làm rõ rằng liệu Giáo Hội có còn duy trì những giáo huấn của Thánh Gioan Phaolô II trong Thông Điệp Veritatis Splendor (Chân lý Rạng ngời), theo đó có một số hành vi luôn luôn và tự bản chất của nó là tội lỗi, và không thể có một hoàn cảnh giảm khinh nào có thể biện minh cho một hành vi tự bản chất của nó là xấu xa, và chỉ dựa vào lương tâm mà thôi thì không thể là đủ để biện minh cho một hành động tự bản chất nó là một điều ác.
Bốn vị Hồng Y viết rằng khi đặt ra những câu hỏi này, các ngài thực thi nhiệm vụ của mình như các Hồng Y, theo đúng điều # 349 của Bộ Giáo Luật về việc trợ giúp Đức Giáo Hoàng trong việc chăn dắt Giáo Hội hoàn vũ.
Các vị Hồng Y lý luận rằng, vì Đức Thánh Cha đã quyết định không trả lời các ngài nên các ngài phải trình bày các câu hỏi này trên các phương tiện truyền thông đại chúng với Giáo Hội phổ quát để “thông báo cho toàn thể dân Chúa sáng kiến của chúng tôi, tất cả cho tài liệu này.”
(nguồn: giesu.net)