Theo tin CNA/EWNT News, trước sự thất vọng của nhiều người, kết quả sớm nhất cho thấy hơn 69 phần trăm công dân Ái Nhĩ Lan đã bỏ phiếu “yes” trong cuộc trưng cầu dân ý nhằm hợp pháp hóa việc phá thai trong nước.
Thực vậy, những kết quả sớm hôm thứ Bẩy vừa qua đủ để dự phóng việc hủy bỏ luật cấm phá thai tại Ái Nhĩ Lan, một quyết định được các nhóm phò sự sống coi là bi thảm và gây thất vọng.
Thực ra, các cuộc thăm dò của RTÉ cũng đã dự đoán 69.4 phần trăm các công dân sẽ bỏ phiếu vào ngày 25 tháng 5 chống lại việc duy trì Tu Chính Án Thứ Tám, là tu chính án thừa nhận quyền sống bình đẳng của người mẹ và đứa con chưa sinh trong Hiến Pháp Ái Nhĩ Lan, trong khi 30.6 phần trăm muốn duy trì Tu Chính Án này.
Theo New York Times, 80 phần trăm số phiếu đã được đếm, nhưng kết quả chính thức chỉ có vào chiều thứ Bẩy. Marjorie Dannenfelser, chủ tịch Susan B. Anthony List, nói trong cuộc họp báo ngày 26 tháng 5 rằng “Trong khi các quốc gia Tây Phương khác, trong đó có Hoa Kỳ, chiều theo các nhóm vận động hành lang phá thai cực đoan, Aí Nhĩ Lan vốn là ngọn hải đăng chói sáng hy vọng vì chính sách bảo vệ mạnh mẽ các trẻ chưa sinh và các bà mẹ của chúng” nhưng, Dannenfelser nói thêm, “với kết quả này, chúng ta rất buồn rầu”.
Một tuyên bố của chiến dịch “Save the 8th” (Hãy Cứu Tu Chính Án Thứ Tám), tức nhóm tranh đấu chống việc hợp pháp hóa phá thai tại Ái Nhĩ Lan, gọi cuộc bỏ phiếu này là “một thảm kịch có tầm vóc lịch sử” nhưng ca ngợi những người dám đứng lên tranh đấu cho quyền sống “Chúng tôi hết sức hãnh diện về tất cả những ai cùng đứng với chúng tôi trong chiến dịch này”.
Chiến dịch nhận định thêm rằng họ sẽ tiếp tục tranh đấu cho quyền sống ở Ái Nhĩ Lan: “mỗi lần một em bé chưa sinh bị kết liễu sự sống ở Ái Nhĩ Lan, chúng tôi sẽ chống lại việc đó, và làm cho tiếng nói của chúng tôi được nghe thấy”.
Bản tuyên bố nói tiếp: “Phá thai sai lầm hôm qua. Nó vẫn sai lầm hôm nay. Hiếp pháp đã thay đổi, nhưng các sự kiện thì không thay đổi”.
Dưới luật lệ hiện hành, thực hành phá thai ở Ái Nhĩ Lan là bất hợp pháp, ngoại trừ sự sống của người mẹ bị coi là lâm nguy. Tu Chính Án Thứ Tám đã được thông qua ở Ái Nhĩ Lan năm 1983 với 67 phần trăm phiếu thuận. Một phần tu chính án này như sau: “Nhà Nước thừa nhận quyền sống của trẻ chưa sinh và, về quyền sống bình đẳng của người mẹ, cũng bảo đảm trong luật lệ của mình sẽ tôn trọng, và, dùng luật lệ của mình để bảo vệ và bào chữa quyền này, bao nhiêu có thể”.
Lá phiếu “Yes” trong cuộc trưng cầu dân ý sẽ loại bỏ Tu Chính Án phò sự sống năm 1983 ra khỏi hiến pháp và thay thế nó bằng một điều khoản cho phép “qui định việc chấm dứt có thai”.
Trước đây, một số nhà làm luật Aí Nhĩ Lan từng nói rằng nếu cuộc trưng cầu dân ý thành công trong việc hủy bỏ Tu Chính Án Thứ Tám, họ sẽ đề xuất một đạo luật cho phép phá thai không hạn chế cho tới khi thai kỳ đã được 3 tháng, và được 6 tháng trong trường hợp có nguy cơ đối với sức khỏe thể lý và tâm thần của người mẹ.
Bất chấp phần trăm lớn trong dân số, 78 phần trăm, tự nhận là người Công Giáo, nhưng các cuộc thăm dò dư luận đã tỏ ra nghiêng về phía phá thai trong nhiều tuần lễ trước khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý.
Ngày 9 tháng Ba, các giám mục Ái Nhĩ Lan công bố một thư mục vụ về quyền sống, tựa là “Two Lives, One Love” (Hai Sự Sống, Một Tình Yêu). Các ngài cảnh cáo rằng thay đổi Hiến Pháp Ái Nhĩ Lan sẽ không phục vụ bất cứ mục tiêu nào ngoài mục tiêu rút quyền sống khỏi một số loại trẻ chưa sinh. Các ngài viết: “Đối với mọi trẻ chưa sinh và quả thực đối với mọi người chúng ta, làm thế sẽ thay đổi nguyên tắc này là quyền sống là nhân quyền căn bản”.
Giã biệt Ái Nhĩ Lan Công Giáo
Linh Mục Matthew P. Schneider, LC, nhân dịp này buồn bã cho chạy hàng tít Goodbye Catholic Ireland: Lessons from the Abortion Referendum (Giã Biệt Aí Nhĩ Lan Công Giáo: Các Bài Học từ Cuộc Trưng Cầu Dân Ý Về Phá Thai). Vì theo ngài, cuộc trưng cầu này đã kết liễu ý niệm Ái Nhĩ Lan Công Giáo, Đảo Các Thánh!
Aí Nhĩ Lan Công Giáo vốn cứu văn minh khỏi bị diệt thời đen tối, sản sinh ra rất nhiều các nhà truyền giáo và các thánh. Nhưng nay không còn nữa. Nó không chết ngoài mặt trận mà chết trong thút thít. Bao năm bách hại của người Anh không bẻ gẫy được Ái Nhĩ Lan Công Giáo, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn thờ ơ đã ít nhiều dập tắt đức tin. Quốc gia này trước đây có 87 phần trăm tham dự Thánh Lễ hàng tuần nhưng nay, họ bỏ phiếu 2 chống 1 để hợp pháp hóa phá thai. Thay đổi chi quá lớn vậy!
Theo Cha Schneider, có khá nhiều nhân tố chồng chéo nhau ở đây và có nhiều bài học có thể học được, như:
1. Sự thờ ơ và tinh thần thế gian gây hại cho Giáo Hội hơn sự bách hại rất nhiều.
2. Giáo Hội phải duy trì một chủ trương luân lý, nhưng không phe phái trong lãnh vực công cộng.
3. Giáo Hội cần chiếm được trái tim các nhà lãnh đạo văn hóa. Trong lần bỏ phiếu này, hầu hết các nhà lãnh đạo văn hóa, trừ các linh mục và giám mục, đứng ở phía bên kia.
Vũ Văn An