Căn tính và Vai trò của Tu huynh SVD…

0
890

Căn tính và Vai trò của Tu huynh trong Giáo Hội và trong sứ vụ của Dòng Ngôi Lời: Là một Tu huynh – Trở nên một Tu huynh

Cha Paulus Budi Kleden, SVD, Bề Trên Tổng Quyền và Ban Lãnh Đạo của Dòng Ngôi Lời – Arnoldus Nota, June 2021, trang 1-2 – Lm. Giuse Đỗ Nguyên Vũ, SVD chuyển ngữ

 

Bản chất ơn gọi tu trì của chúng ta là một tu huynh và trở nên một tu huynh. Ơn gọi thánh hiến của các Tu huynh nhắc nhở và mời gọi tất cả mọi người là hãy kiên định với ơn gọi chung là trở nên những người anh em cho nhau. Vì vậy, phần chia sẻ sau đây dựa theo tài liệu của Bộ Tu sĩ (Bộ Đời sống Thánh hiến và Các Tu đoàn Tông đồ – The Congregation for Institutes of Consecrated Life and Societies of Apostolic Life – CICLSAL): Căn tính và Sứ vụ của Ơn gọi Tu huynh trong Giáo Hội, không những dành cho các Tu huynh mà còn cho tất cả chúng ta, cả tu huynh và linh mục, như là ơn gọi nền tảng của những nhà truyền giáo thánh hiến.

Sự ưu việt của Thiên Chúa là hồng ân Tu huynh mà chúng ta đón nhận

  1. Đời tu là một hồng ân. Từ tình yêu Ngài dành cho thế giới và cho Giáo Hội, Thiên Chúa mời gọi chúng ta là những tu sĩ theo cách đặc biệt là làm Tu huynh và trở nên người Tu huynh. Tài liệu của Bộ tu sĩ viết: “Ơn gọi Tu huynh là một phần lời đáp trả mà Thiên Chúa dành cho thế giới hôm nay đang bị sút giảm tình huynh đệ. […] Vì thế, ở nơi Tu huynh, chiều kích hiệp thông gắn kết chặt chẽ với sự nhạy cảm sâu sắc đối với tất cả những gì xúc phạm đến phẩm giá của những người dân thấp kém nhất […] (số 6)i.
  2. Tất cả chúng ta bình đẳng trong ơn gọi tu trì. Bởi vì Lời đầu tiên thuộc về Thiên Chúa, còn chúng ta tất cả là những anh em /[chị em]. Ơn gọi của một Tu huynh không xuất phát từ ơn gọi làm linh mục. Làm Tu huynh là một món quà (hồng ân) đến từ Thiên Chúa không phải ít quan trọng và giá trị hơn ơn gọi làm linh mục. Trong sắc lệnh Đức mến Trọn lành (Perfectae Caritatis, PC), ĐGH. Phaolô VI viết: “Đời sống tu trì dành cho giáo dân, nam cũng như nữ, mang đầy đủ ý nghĩa của một bậc sống với việc khấn giữ các lời khuyên Phúc Âm” (số 10).ii
  3. Tất cả chúng ta là những người lắng nghe. Lắng nghe là tố chất nền tảng của một người môn đệ, một Kitô hữu, của một tu sĩ. Ơn gọi vĩnh viễn cho tất cả chúng ta là cắm rễ vào Ngôi Lời Thiên Chúa và nhờ đó là nguồn dấn thân cho Sứ vụ của Ngài. Là những tu huynh, chúng ta tất cả là những người môn đệ với những thao thức ưu tiên là: Chúa muốn chúng ta làm gì? Sau khi khuyến khích các môn đệ về việc không cư xử như thầy, Chúa Giêsu đã nói: tất cả là anh em với nhau (x. Mt 23,8).
  4. Trong việc thể hiện mình là ai và làm gì, chúng ta rao giảng Lời Chúa. “Ơn gọi của họ [tu huynh] gói ghém luôn cả bổn phận tận hiến cho sứ mạng[…] Trước khi nói đến các hoạt động bên ngoài, sứ mạng được thực thi bằng cách để cho Chúa Kitô hiện diện trong thế giới nhờ chứng tá cá nhân” (PC, số 28).ii Việc rao giảng Lời Chúa không phải là đặc ân riêng dành cho các linh mục, mà là sứ vụ của mỗi người chúng ta, như ĐGH. Phanxicô viết trong Tông huấn Evangelii Gaudium: Tôi là một sứ mệnh trên trái đất này” (số 273).

Sống vì nhau: chia sẻ hồng ân

Các Tu huynh không chỉ là những người sống với nhau (cùng tồn tại) mà còn hơn thế nữa, họ sống nhau. Làm một tu huynh hàm chứa một mối quan hệ. Không có một tu huynh hay ngành tu huynh nào mà lại chỉ có một người. Cách hiểu này về việc làmtrở thành Tu huynh cho thấy những hiệu quả sau:

  1. Đời sống cộng đoàn. Trong lịch sử của Dòng Ngôi Lời, thực trạng nhiều cộng đoàn vẫn còn cho thấy các Tu huynh đóng một vai trò cốt yếu trong việc gìn giữ đời sống cộng đoàn. “Nền tảng của cộng đoàn tu trì tiên vàn là món quà của tình huynh đệ được lãnh nhận, trước khi là nỗ lực hoặc sự quảng đại của mỗi thành viên hoặc là nhiệm vụ họ thực hiện. ‘Khi nào chúng ta đánh mất chiều kích huyền nhiệm và thần học kết nối các cộng đoàn tu trì với mầu nhiệm hiệp thông của Thiên Chúa hiện diện và  được truyền thông cho cộng đoàn, thì tất nhiên chúng ta sẽ quên những lý do sâu xa của việc làm  cộng đoàn, của việc kiên nhẫn xây dựng đời sống huynh đệ’” (PC số 21)ii.
  2. Thúc đẩy tinh thần hiệp thông trong Giáo Hội. Như Công đồng Vatican II đã công bố trong Văn kiện Lumen Gentium (LG 4), về bản chất, Giáo Hội là một mầu nhiệm hiệp thông. Giáo Hội là một sự hiệp thông của những người anh em và chị em tu sĩ, nơi mà những thành viên đón nhận những ân sủng khác nhau từ Chúa Thánh Thần để thi hành những tác vụ khác nhau. Làm và trở thành Tu huynh là vô cùng quan trọng vì giúp cho Giáo Hội phát triển như một cộng đoàn. Sự hiện diện của các Tu huynh trong Hội Dòng giúp cho việc “phi giáo sĩ hóa” (de-clericalization) trong Hội Dòng và trong Giáo Hội.
  3. Cổ vũ tình huynh đệ trên thế giới. Lumen Gentium số 1 nói về bí tích của sự hiệp nhất giữa nhân loại và con người với Thiên Chúa. Giáo Hội không tồn tại chỉ vì mình, mà còn vì thế giới. Vì thế, các cộng đoàn tu trì khi phục vụ phải nhận ra tình huynh đệ giữa các dân tộc trên thế giới.
  4. Làm chứng cho sự hiện diện của Thiên Chúa trên trần gian. Các tu huynh là dấu chỉ cho sự hiện diện của Thiên Chúa nơi các thực tại trần gian. Vì vậy, họ tìm kiếm và hướng về Thiên Chúa nơi các yếu tố hữu hình của văn hóa, khoa học, sức khỏe con người, nơi làm việc, và chăm sóc cho người yếu và người chịu thiệt thòi.
  5. Cổ vũ đạo đức trách nhiệm. Bằng sự hiệp thông huynh đệ, chúng ta cùng chia sẻ những quyền và nghĩa vụ để thực thi những sứ vụ với nhau. Sự phân bổ rõ ràng những nhiệm vụ là cần thiết, nhưng điều này không cho phép chúng ta chỉ tập trung vào phạm vi trách nhiệm. Là những người anh em đòi hỏi sự sẵn sàng sống từ trong cộng đoàn và để cộng tác vì cộng đoàn. Chúng ta cần phải cảnh giác về cám dỗ trong đời tu: khuynh hướng lấy của Hội Dòng nhiều nhất có thể và cho lại Hội Dòng chút ít khi cần.

Làm chứng rằng có thể có thế giới khác: món quà chúng ta loan báo

Là những Kitô hữu, chúng ta không đi theo hệ tư tưởng nhưng theo một người, Đức Giêsu, Đấng loan báo rằng nơi Ngài, Nước Thiên Chúa gần đến, một kỷ nguyên mới đã đến. Là những tu sĩ, chúng ta dâng hiến đời mình không phải cho một kế hoạch nhưng cho một người làm chứng trong cuộc đời Ngài bằng lời nói và việc làm, rằng có thể có cách khác để đối xử với nhau. Chúa Giêsu đã mở mắt cho chúng ta không phải để đi theo một cơ cấu quyền lực của những Ông chủ và những nô lệ [và] luật cạnh tranh sinh ra kẻ thắng người thua. Đây là  bốn chiều kích ngôn sứ của đời sống thánh hiến mà chúng tôi muốn nói đến:

  1. Chiều kích mang tính ký ức – biến đổi (memorative-transformative)

Các ngôn sứ nhắc nhở về nguồn gốc của chúng ta và giúp mở chúng ta ra cho tương lai. Sứ ngôn của ơn gọi tu huynh là một sự nhắc nhớ vĩnh viễn cả thế giới, cho Giáo Hội, và cho Hội Dòng về cùng một nguồn gốc, căn tính, và sứ vụ.

  1. Chiều kích mang tính loan báo – tu chỉnh (proclamatory-corrective)

Các ngôn sứ được gọi để đương đầu với những cách người ta nghĩ, xét đoán, và hành động, so với đường lối của Thiên Chúa. Chúng ta là những người anh em đích thực của nhau nếu chúng ta thành thật giúp nhau lớn lên trong đời tu. Trong Tổng Tu Nghị thứ 18 vừa qua, chúng ta đã nói đến tầm quan trọng của việc sửa lỗi huynh đệ cho nhau như những người anh em.

  1. Chiều kích mang tính đối thoại – giải thích (dialogical-interpretative)

Các lời khấn của những người được thánh hiến sẽ làm cho người đi tu nhạy cảm với lịch sử và xã hội đồng thời mở lòng hoàn toàn cho Lời Chúa. Yêu cầu ở đây chính là sự giải thích mang tính ngôn sứ về những dấu chỉ của thời đại dựa trên những thay đổi lịch sử, chính trị, và văn hóa đang diễn ra xung quanh chúng ta. Việc giải thích các dấu chỉ thời đại này chỉ có thể thực hiện trong tinh thần đối thoại ngôn sứ.

  1. Chiều kính mang tính liên văn hóa (intercultural)

Loan báo Thiên Chúa duy nhất nghĩa là trình bày Ngài là Thiên Chúa của các dân tộc và các nền văn hóa. Phần Mở Đầu trong Hiến pháp Dòng Ngôi Lời tuyên bố SVD chúng ta là ai: là “những anh em khác nhau về ngôn ngữ và dân tộc, chúng ta trở nên một dấu chỉ sống động cho sự hiệp nhất và tính đa dạng lớn lao của Giáo Hội.” Tổng tu nghị thứ 17 đã tuyên bố rằng liên văn hóa tính (interculturality) là một đặc trưng riêng biệt và phần chủ yếu của căn tính SVD.

Kết luận

Chúng ta sống trong thời đại lịch sử phức tạp. Chúng ta chứng kiến ngôi nhà chung của mình đang bị phá hủy do tội lỗi của loài người. Tất cả tạo thành đang rên siết như người phụ nữ sắp sinh con, đặc biệt là thiên nhiên và những người bần cùng. COVID-19 và sự tê liệt cục bộ của những hoạt động con người đã làm trầm trọng thêm sự đau khổ của những ai bần cùng. Do tuyệt vọng, họ đã bắt đầu nổi loạn ở vài quốc gia nhằm chống lại những cơ cấu bất công áp bức họ. Chúng ta đã thấy tình hình bạo lực và phá hủy trên toàn cầu, đe dọa đến việc chung sống hòa bình của các dân tộc.

Sứ mệnh của chúng ta như những đại sứ của Đức Kitô trong thời khắc lịch sử này là gì? Là những tu sĩ truyền giáo của Ngôi Lời, chúng ta được gọi nhằm giúp chữa lành những mối quan hệ giữa con người, giữa con người với tạo thành, và giữa con người với Đấng Sáng Tạo. Vì vậy, điều căn bản là phải nhận ra ơn gọi tu trì của mình được thực hiện bằng việc là một Tu huynh và trở nên một người anh em cho nhau.

Các Tu huynh trong Dòng Ngôi Lời nhắc nhở chúng ta về điều đó. Con số các Tu huynh liên tục giảm trong Hội Dòng là mối quan tâm cho tất cả chúng ta.

Hãy là những người anh em và trở nên những người anh em cho nhau, để chúng ta có thể giúp chữa lành những mối quan hệ bị tổn thương do tội lỗi con người gây ra. Vì thế, mỗi người hãy thực hiện một tiến trình canh tân và biến đổi thiêng liêng, dẫn đến Tin Mừng của Chúa Giêsu trở nên thân xác của chúng ta trong đời sống hằng ngày. Chúng ta được gọi trở nên tin mừng cho mọi người chúng ta gặp gỡ hằng ngày, nhất là cho những ai đau khổ nhất do sự ích kỷ và sự ruồng bỏ.

Đọc và suy gẫm tài liệu Căn tính và Sứ vụ của Ơn gọi Tu huynh trong Giáo Hội do Bộ Giáo sĩ xuất bản năm 2015 có thể giúp chúng ta trong sự canh tân và biến đổi này. Đặc biệt cho những cơ sở đào tạo, chúng tôi mạnh mẽ đề nghị hãy sử dụng tài liệu này làm nguồn tài liệu đào tạo của chúng ta.

­­­­­­­­_____

Chú thích bản dịch:

(i) Theo bản dịch trên: https://catechesis.net/4984-2/

(ii) Theo bản dịch của Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, http://www.giaolyductin.net/cong-dong-vaticano-ii-sac-lenh-ve-viec-canh-tan-thich-nghi-doi-song-tu-tri.html

Bài trướcNgày 03/06 – BẠN ĐÃ LÃNH NHẬN BÍ TÍCH THÊM SỨC ?
Bài tiếp theoNgày 04/06 – THÁNH CA VENI CREATOR SPIRITUS