CĐ. Triết SVD Tĩnh tâm Tháng 10/2021: “ĐỨC MARIA VÀ SỨ VỤ TRUYỀN GIÁO”

0
600

Ban truyền thông CĐ. Triết – Học viện Ngôi Lời

“ĐỨC MARIA VÀ SỨ VỤ TRUYỀN GIÁO”

Tĩnh tâm là nói về sự tĩnh lặng của tâm hồn, là gạt đi những ồn ào, náo nhiệt để trở về với con người của mình, là dịp để mỗi người xem xét lại những gì đã qua, tự vấn lương tâm mình trước những yếu đuối; từ đó, mỗi người củng cố và xây dựng lại mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa, Đấng là nguồn mạch bình an. Trong tâm tình đó, cộng đoàn Triết học bước vào ngày tĩnh tâm đầu tháng 10 với chủ đề “ĐỨC MARIA VÀ SỨ VỤ TRUYỀN GIÁO”.

Giữa lúc Sài Gòn náo nhiệt trở lại sau hơn 4 tháng yên lặng trong giãn cách, thì Cộng đoàn Triết học thuộc Học viện Ngôi Lời có ngày tĩnh tâm đầu tiên trong Niên khóa mới với sự tham dự của 21 anh em trong cộng đoàn, quý cha và 2 anh em vừa kết thúc chương trình thực tập OTP tại Philippines.

Bước vào ngày tĩnh tâm, mọi người quỳ trước Thánh Thể để hòa mình vào không gian tĩnh lặng chiêm ngắm Chúa Giêsu đang hiện diện trên bàn thờ. Anh em được gợi mở bởi những tâm tình trong bài suy niệm của thầy Phaolô Trần Văn Bằng với chủ đề “Tình yêu – lòng thương xót của Chúa”. Bài suy niệm dẫn dắt anh em đến với tâm tình cảm tạ Thiên Chúa bởi những gì Ngài đã trao tặng cho từng người, đồng thời, qua đó, nói lên sự hiệp thông trong tình yêu, ân sủng và chuyển cầu lên Thiên Chúa tất cả những ước nguyện, những nỗi thống khổ mà biết bao người đang phải đối diện trước cơn đại dịch COVID-19.

Trong bài chia sẻ tĩnh tâm với chủ đề “Đức Maria và sứ vụ truyền giáo”, cha Phêrô Đỗ Cao Cương, SVD nhấn mạnh đến vai trò của Đức Maria trong sứ vụ truyền giáo của mỗi người. Trước hết, Mẹ chính là một nhà truyền giáo gương mẫu trong việc lắng nghe thánh ý Thiên Chúa, tin tưởng phó thác vào Ngài. Qua hai tiếng “Xin vâng”, Mẹ đã khai mở chương trình cứu độ của Thiên Chúa ở trần gian. Đặc biệt, khi được thiên thần truyền tin, Mẹ đã “vội vã lên đường” để đến với người chị họ của mình là bà Elisabet… Những hành động này của Mẹ đã gợi mở cho mỗi anh em, những tu sĩ truyền giáo ý thức được vai trò và bổn phận của mình. Là những nhà truyền giáo trong tương lai, mỗi chúng ta phải luôn biết noi gương bắt chước Mẹ, sẵn sàng lên đường để mang Tin Mừng đến với bất cứ ai, bất cứ nơi nào. Trong bài chia sẻ, cha Phêrô còn nhấn mạnh đến vai trò của Chúa Thánh Thần trong sứ vụ truyền giáo, ngài nói: “Người loan báo Tin Mừng là người được Thánh Thần tác động cách đặc biệt”. Điều này được minh chứng bởi Đức Giêsu khi Ngài bắt đầu sứ vụ công khai của mình: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn…” (Lc 4, 18). Cuối bài chia sẻ, cha Phêrô đặc biệt lưu ý đến vai trò của chuỗi kinh Mân Côi. Là một người Kitô hữu, hơn nữa còn là một tu sĩ truyền giáo, chúng ta không thể không yêu mến kính Mân Côi được. Bởi lẽ, chuỗi kinh Mân Côi là bản Tin Mừng rút gọn sống động nhất.

Ngày tĩnh tâm kết thúc trong tâm tình tạ ơn trong Thánh lễ. “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng cho mọi loài Thụ tạo” (Mc 16, 15) là lệnh truyền của Đức Giêsu trước khi Ngài về Trời. Ước gì, mỗi anh em chúng ta luôn sẵn sàng để ra đi, dù là đoạn đường ngắn hay dài, nhưng chúng ta luôn cảm nghiệm được Chúa đồng hành, để rồi, chúng ta trao ban và công bố điều chính chúng ta xác tín cho người khác. Đồng thời, mỗi chúng ta phải quyết tâm trở thành một nhà truyền giáo theo gương Mẹ Maria xưa.◊

Bài trướcĐừng nguyền rủa, hãy chúc phúc!
Bài tiếp theoTĩnh Tâm: LỜI CHÚA VÀ THA NHÂN LÀ HỒNG ÂN