Đừng nguyền rủa, hãy chúc phúc!

0
535
Photo: https://sk.pinterest.com/pin/774689573383000105/

Lm. Phêrô Nguyễn Đức Vinh, SVD

Nếu có một lần …

Thử hình dung một lần bầu khí trong một cộng đoàn, nơi những kẻ “có Đạo” thực hiện từng chấm từng phẩy các lời khuyên của Tông đồ Phêrô. Theo đó, họ không nguyền rủa lại khi bị người khác nguyền rủa[1], không lấy oán báo oán, mà làm ngược lại: Họ chúc phúc cho kẻ vu oan cáo vạ, nói xấu, tố cáo mình. Họ “từ bỏ mọi thứ gian ác, mọi điều xảo trá, giả hình và ghen tương cùng mọi lời nói xấu gièm pha” (1Pr 2,1). Hơn nữa, vì là Kitô hữu nên họ sống tinh thần Phúc âm: thẳng thắn và chân thật với nhau; có họ nói có, và không thì họ nói không. Họ không để bụng hay nuôi thù hận vì đã bị đàn áp, kỳ thị, phỉ báng và vu khống. Trái lại, họ cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi mình và đem yêu thương vào nơi oán thù (Kinh Hòa Bình).

Thử hỏi chuyện gì sẽ xảy ra?

Hành động ngược đời như vậy luôn là một thách đố cho chính các tín hữu, và cho thế giới không-Kitô xung quanh. Sẽ có những phản ứng trái chiều và cả những cuộc bàn cãi sôi nổi. Phía ngưỡng mộ cho đó mới thật là sống Đạo, là biểu lộ giá trị nhân bản Kitô, coi đó là biểu hiện của lòng bao dung độ lượng, nhân ái. Phía đối lập sẽ cho đó là cách ứng xử ngây thơ, không thực tế. Trong thế giới của chúng ta, nơi đầy những quốc nạn (gian tham, bạo lực, thù hận) thì phải suy khác làm khác mới có thể tồn tại được. Nhất là khi nuôi sợ hãi và thái độ thù địch[2] được coi như là một yếu tố không thể thiếu để giữ tinh thần như trong thời chiến.

Thực tế chứng minh điều đó: đại đa số không “sống ảo” như những kẻ “có Đạo” ngây ngô được hình dung ở trên! Ngay cả những kẻ “có Đạo” bình thường cũng không làm vậy! Sẽ có một nhóm khác đi xa hơn và phủ nhận lí tưởng đó; họ không thể tin rằng có những người “điên như vậy” trong thế giới này – vì hành động như thế là tự sát. Cũng có những người nhìn nhận các giá trị nhân văn, và lòng nhân ái trong đó; nhưng cho rằng chúng chỉ dành cho một thành phần ưu tú được chọn. Rồi biết đâu có ai đó thắc mắc tự hỏi: Tại sao kẻ “có Đạo” lại sống khác người như vậy? Cho trường hợp này Tông đồ Phêrô nhắc các tín hữu miền Tiểu Á (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) phải “luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em” một cách hiền hòa và trong sự kính trọng (1Pr 3,15t).

Đường hy vọng…

Dám hành động khác người vì kẻ “có Đạo” sống hy vọng. Thái độ này đến từ niềm tin rằng Thiên Chúa làm chủ thời gian và muôn vật, lịch sử và tương lai – cả khi hiện trạng nói một thứ ngôn ngữ đối nghịch lại. Dù thực tế là vậy, con người sống hy vọng vẫn không bằng lòng với hiện trạng không thỏa mãn, mà học nhìn xa hơn. Trong đường hầm tối dài họ chú tâm vào chút ánh sáng khó nhận ra ở cuối đường, và định hướng cuộc đời theo đó. Một cách nhìn đời tích cực từ niềm tin.

Cách nhìn đó dạy cho phân định các giá trị sống hiện tại. Ai đi con Đường hy vọng như Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, thì cũng biết rằng: “Khôn ngoan thế gian quá không làm thánh được.”[3] Biết rằng sống trong xã hội con người buộc phải thích nghi. Nhưng một sự thích nghi quá để tồn tại sẽ phản lại các giá trị của Đạo, và không giúp con người đạt tới mục đích cuộc đời. “Biết sống” theo cách này thiếu độ xa của tầm nhìn mà niềm hy vọng mở ra, mà chỉ thấy bóng đêm dài, nên những người khôn quá bám thật chặt vào các vách hầm. Họ quên đi rằng những chỗ tựa cho sự an toàn lúc này thuộc về bóng tối, không chỉ lối tìm đến ánh sáng tương lai nằm cuối đường. “Thực tế buộc phải vậy” và “Ai cũng làm như vậy cả!” là cách giải thích quen thuộc. Sống không có hy vọng, tức là tầm nhìn xa hơn bóng tối đang bao quanh, nên họ không có động lực để tiến tới.

Cố Hồng Y nhắc rằng: Một lần bước đi con đường hy vọng thì cần phải biết bất chấp tiếng đời, những khen chê và sự chấp nhận hay chối từ của thiên hạ; thân phận giàu nghèo sang hèn không còn gây ảnh hưởng. Cho nên ba phải là thái độ không hợp với người sống hy vọng. Người hy vọng không thể đi ba đường, tin Ba Chúa, Ba Hội Thánh, sống Ba luân lý, sở hữu ba lương tâm. Điều được đòi hỏi nơi người đi con đường hy vọng là một sự dứt khoát, không nhượng bộ. Ngài động viên: “Đi, đi, đi mãi, đi quyết liệt, đi không nhượng bộ”, vì “yêu thương quyết liệt lý tưởng của mình. Nhượng bộ tiền của, chức tước, nhượng bộ mạng sống để giữ lý tưởng, danh dự, đức tin, con chấp nhận. Nhưng không bao giờ con chấp nhận đổi ngược lại: lỗ lã quá.”[4] Và ngài nói thêm rằng: “Không ai đi với người đi lui” – sống hy vọng là đi tới, là bước vào tương lai.

Tông đồ Phêrô động viên các tín hữu “tìm kiếm và đeo đuổi bình an” (1Pr 3,11). Bình an trong tâm hồn là kết quả của sự tranh đấu liên lỉ, ngang qua trăm chiều thử thách – như hòa bình là hoa trái của chiến thắng, mà chiến thắng là nhờ tranh đấu không ngừng.[5] Trong đó, việc phân định là quan trọng, để đừng “khôn ngoan thế gian quá” mà hóa dại. Vì khôn như vậy khiến chúng ta quên đi ơn gọi “làm thánh” – là “lý do hiện hữu của người đi tu”,[6] của chúng ta. Một kiểu khôn thiển cận phủ nhận nền tảng và mục đích sống của chính mình – kiểu khôn “đi lui”, trong khi tương lai không nằm sau lưng!

Nghe “khó” như vậy thì hỏi ai có thể làm chứng cho đường hy vọng?

Tông đồ Phêrô trả lời: Kitô hữu. Niềm hy vọng của họ được xây trên nền tảng vững chắc chắn nhất. Trước hết, họ biết mình có giá trị lớn trước Thiên Chúa. Có giá lắm, vì Thiên Chúa đã cứu chuộc họ “nhờ Máu châu báu của Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ tích, là Đức Kitô”, chứ “không phải nhờ những của chóng hư nát như vàng hay bạc” (1Pr 1,18). Họ được tái sinh bằng Lời “hằng sống và tồn tại mãi mãi”, được làm thành những “viên đá sống động” để “xây nên ngôi Đền Thờ thiêng liêng”, và họ thuộc về “hàng tư tế thánh”. Cuối cùng, họ được tái sinh là “để nhận lãnh niềm hy vọng sống động, để được hưởng gia tài không thể hư hoại, không thể vẩn đục và tàn phai.” (1Pr 1,4)

Sống hy vọng, vì người “có Đạo” biết rõ mình là ai và được phép chờ đợi gì ở tương lai. Từ đó, họ biết mình cần hành động như thế nào lúc này.

… là để thừa hưởng lời chúc phúc

Chúc phúc hay “nói rằng mọi sự tốt đẹp” là học nói theo Tạo Hóa lúc Người tác tạo muôn loài và con người (St 1,22.28). Cách nói này phản ảnh một lối nhìn đời tích cực lạc quan, vì chờ đợi sự sống tràn lan khắp nơi: đầy sông biển, đầy bầu trời và trên mặt đất. “Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp” là điệp khúc được lập lại sau các phiên khúc của bài ca tạo dựng, bày tỏ sự hài lòng của Tạo Hóa. Và sau khi tạo dựng con người thì sự thỏa mãn đó được nhấn mạnh: “Rất tốt đẹp!”

Nhắc nhở dùng lời chúc phúc để đáp lại những nguyền rủa, tông đồ Phêrô kêu gọi thực hiện cụ thể lối nhìn tích cực lạc quan của thuở ban đầu. Tức là giúp trả lại cho thế giới trật tự tốt lành như lúc được Thiên Chúa tạo dựng. Đó là nền tảng vượt trội hơn mọi lời nguyền rủa. Cho nên mọi nỗ lực canh tân, cải cách trong lịch sử Giáo hội được hiểu như là việc tìm về lại với nguồn cội. “Bắt đầu lại từ Đức Kitô“[7] là một cách nói cho thực tế đó.

Cử chỉ chúc lành là một phần của thế giới này và đồng thời vượt xa hơn thế giới này. Lời chúc lành chứa đựng một hướng dẫn cho tương lai, mà chúng ta được phép thông phần vào đó. Đó là một cử chỉ chạm đến tâm hồn, cả khi lí trí không hoạt động – như khi làm dấu Thánh giá chẳng hạn. Người được chúc lành là được Thiên Chúa “nói tốt” cho, để góp sức tạo hình hài cho tương lai với một cách nhìn lạc quan tích cực – với hy vọng.

Bức thư của Tông đồ Phêrô suy nghiệm mầu nhiệm bí tích rửa tội.[8] Phép rửa tội đã làm cho chúng ta thành những con người mới. Qua đó, chúng ta được “cứu thoát khỏi lối sống phù phiếm do cha ông anh em truyền lại” (1Pr 1,18); được giải thoát khỏi những khuôn mẫu sống đã trói buộc chúng ta: thù hận, gian tham, bạo lực và gây sợ hãi. Thần Khí Đức Giêsu cũng giải thoát chúng ta khỏi những cơ chế tâm lý cản ngăn chúng ta sống thật là chính mình, sống sung mãn. Thần khí chữa lành và giúp con người biết sống với nhau như thuở ban đầu của công trình tạo dựng. Kitô hữu  cần sống như những con người được Thiên Chúa kêu gọi để thừa hưởng lời chúc phúc – để rồi qua đó trở nên lời chúc lành cho thế giới.▄

Chú thích:

[1] 1 Pr 3,9 (Lc 6,28; Rm 12,14-2).

[2] Hệ quả là sống thời bình mà vẫn luôn nhìn thấy những kẻ thù địch bao quanh với ý đồ làm hại mình, nên không tin tưởng được ai thực sự. Nghe như một triệu chứng của bệnh hoang tưởng (paranoia); Robert S. Robins/Jerrold M. Post, Die Psychologie des Terrors. Vom Verschwörungsdenken zum politischen Wahn. München 2002, 20tt.

[3] Câu 6 trong tập sách Đường Hy Vọng của Cố Hồng y F.X. Nguyễn Văn Thuận.

[4] Sđd, Nr. 9-16.

[5] Sđd, Nr. 79

[6] Huấn thị Xuất phát lại từ Đức Kitô, Nr. 14.

[7] Xem: Huấn thị Xuất phát lại từ Đức Kitô: Canh tân cam kết sống đời thánh hiến trong ngàn năm thứ ba.

[8] Anselm Grün, Die Bibel verstehen – Hinführung zum Buch der Bücher, Freiburg 2010, 137-138.

Bài trướcSỰ GÌ THIÊN CHÚA KẾT HỢP, LOÀI NGƯỜI KHÔNG ĐƯỢC PHÂN LY (CN XXVII TN – B)
Bài tiếp theoCĐ. Triết SVD Tĩnh tâm Tháng 10/2021: “ĐỨC MARIA VÀ SỨ VỤ TRUYỀN GIÁO”