Bài Ðọc I: Kn 2, 12. 17-20
“Chúng ta hãy kết án cho nó chết cách nhục nhã”.
Trích sách Khôn Ngoan
(Những kẻ gian ác nói rằng:) “Chúng ta hãy vây bắt kẻ công chính, vì nó không làm ích gì cho chúng ta, mà còn chống đối việc chúng ta làm, khiển trách chúng ta lỗi luật và tố cáo chúng ta vô kỷ luật. Vậy chúng ta hãy xem điều nó nói có thật hay không, hãy nghiệm xét coi những gì sẽ xảy đến cho nó, và hãy chờ xem chung cuộc đời nó sẽ ra sao. Vì nếu nó thật là con Thiên Chúa, Chúa sẽ bênh vực nó, sẽ giải thoát nó khỏi tay những kẻ chống đối nó. Chúng ta hãy nhục mạ và làm khổ nó, để thử xem nó có hiền lành và nhẫn nại không. Chúng ta hãy kết án cho nó chết cách nhục nhã, vì theo lời nó nói, thì người ta sẽ cứu nó!”
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 53, 3-4. 5. 6 và 8
Ðáp: Chúa đang nâng đỡ tâm hồn con (c. 6b).
Xướng: 1) Ôi Thiên Chúa, xin cứu sống con nhân danh Ngài, và xin sử dụng uy quyền phán quyết cho con! Ôi Thiên Chúa, xin nghe tiếng con cầu, xin lắng tai nghe lời miệng con xin. – Ðáp.
2) Vì những kẻ kiêu căng nổi lên chống đối, và bọn người hung hãn tìm sát hại con, bọn chúng không nhớ Thiên Chúa ở trước mặt mình. – Ðáp.
3) Kìa, Thiên Chúa phù trợ con, Chúa đang nâng đỡ tâm hồn con. Con sẽ tự nguyện hiến dâng lễ vật lên Chúa. Lạy Chúa, con sẽ ca tụng danh Ngài, vì danh Ngài thiện hảo. – Ðáp.
Bài Ðọc II: Gc 3, 16 – 4, 3
“Hoa quả của công chính được gieo vãi trong bình an cho những người xây đắp an bình”.
Trích thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.
Anh em thân mến, ở đâu có ganh tị và cãi vã, ở đó có hỗn độn và đủ thứ tệ đoan. Nhưng sự khôn ngoan từ trời xuống, thì trước tiên là trong trắng, rồi ôn hoà, bao dung, nhu mì, hướng thiện, đầy lòng nhân từ và hoa quả tốt lành, không xét đoán thiên vị, không giả dối. Hoa quả của công chính được gieo vãi trong bình an cho những người xây đắp an bình.
Bởi đâu anh em cạnh tranh và cãi cọ nhau? Nào không phải tại điều này: tức tại các đam mê đang giao chiến trong chi thể anh em đó sao? Anh em ham muốn mà không được hưởng, nên anh em giết nhau. Anh em ganh tị mà không được mãn nguyện, nên anh em cạnh tranh và cãi cọ. Anh em không có là tại anh em không xin. Anh em xin mà không nhận được, là vì anh em xin không đúng, cứ mơ tưởng thoả mãn các đam mê của anh em.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Ga 8, 12
Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống”. – Alleluia.
Phúc Âm: Mc 9, 29-36
“Con Người sẽ bị nộp. Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ từ trên núi xuống, rồi đi ngang qua xứ Galilêa và Người không muốn cho ai biết. Vì Người dạy dỗ và bảo các ông rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại”. Nhưng các ông không hiểu lời đó và sợ không dám hỏi Người.
Các ngài tới Capharnaum. Khi đã vào nhà, Người hỏi các ông: “Dọc đàng các con tranh luận gì thế?” Các ông làm thinh, vì dọc đàng các ông tranh luận xem ai là người lớn nhất. Bấy giờ Người ngồi xuống, gọi mười hai ông lại và bảo các ông rằng: “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người”. Rồi Người đem một em bé lại đặt giữa các ông, ôm nó mà nói với các ông rằng: “Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy”.
Ðó là lời Chúa.
Bài giảng chủ đề:
QUYỀN, DANH, LỢI (Lm. Phaolô Nguyễn Hữu Thiện, SVD)
Tiền tài danh vọng là mơ ước của hầu hết con người trong suốt lịch sử nhân loại, kể cả thời Đức Giêsu nhập thể làm người. Có thể nói hầu hết mọi thời đại, người ta nể người có tiền, sợ người có quyền. Lời Chúa hôm nay sẽ giúp chúng ta phân định được đâu là danh lợi, chức tước theo tiêu chuẩn của thế gian, và danh lợi, chức tước theo tiêu chuẩn của người môn đệ Chúa.
1. Danh Lợi, chức tước thế gian
Từ những cuộc xung đột giữa con người sống bầy đàn thời nguyên thủy, đến cảnh chiếu trên, chiếu dưới ở làng xã và cảnh chạy chức chạy quyền ngày hôm nay trong xã hội cho thấy danh lợi, chức tước thế gian có sức mạnh lôi cuốn con người mọi thời đại.
Lúc mới dựng nên các thiên thần, Luxiphe đã muốn tranh ngôi bá chủ với Thiên Chúa. Thiên Chúa buộc lòng phải tống cổ hắn xuống làm bá chủ hoả ngục. Ađam và Evà cũng đòi đồng hàng với Thiên Chúa và cũng bị tống cổ ra khỏi vườn địa đàng, đến làm bà chủ trái đất khô cằn và chết chóc. Giacóp đã bất chấp tất cả để tranh dành cho được ngôi trưởng nam với anh mình. Cũng vì tranh giành, ganh ghét mà các con của Giacóp ném em mình là Giuse xuống giếng, sau đó bán cho ngoại bang.
Vì ham danh lợi tạm bợ mà thế lực thế gian luôn rình rập để loại trừ những người công chính, con cái của Ánh Sáng. Điều này cho chúng ta thấy rất rõ mưu mô của con cái thế gian qua Lời Chúa trong bài đọc 1, trích từ sách Khôn Ngoan: “Chúng ta hãy vây bắt kẻ công chính, vì nó không làm ích gì cho chúng ta, mà còn chống đối việc chúng ta làm” (Kn 2,12). Bài đọc 1 cho ta thấy, những người vì muốn bảo vệ danh lợi phe nhóm theo kiểu thế gian mà họ mưu toan bách hại, loại trừ người công chính. Vì khi những người công chính xuất hiện như ánh sáng, làm phơi bày tất cả con người cũng như hạnh động của con cái thế gian. Họ muốn loại trừ người công chính bằng mọi cách. Thế nhưng, Lời Chúa cho chúng ta xác tín sức mạnh của Ánh Sáng. Điều này cũng được nhắc đến rất rõ trong Tin Mừng theo Thánh Gioan: “Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được Ánh Sáng” (Ga1,5).
Nhìn lại lịch dọc dài lịch sử cứu độ, chúng ta thấy mỗi khi con người chìm đắm trong tội lỗi, sẽ có hiện tượng ganh tỵ, oán hận nhau. Ngay từ những chương đầu của Kinh Thánh cũng đã nhắc đến điều này, như việc Cain giết Aben cũng chỉ vì ganh tỵ. Điều này cũng được nhắc đến trong Lời Chúa qua bài đọc 2, “ở đâu có ganh tị và cãi vã, ở đó có hỗn độn và đủ thứ tệ đoan” (Gc 3,16).
Ngay trong chính hàng ngũ thân cận của Thầy Giêsu là nhóm mười hai cũng không thoát khỏi sức hút của quyền lực. Họ đã từng cãi nhau xem ai sẽ là người có chức tước lớn hơn khi Đức Giêsu được đăng quang làm vua. Rồi ta thấy bi đát nhất là ngay sau khi Thầy Giêsu loan báo lần thứ ba về cuộc khổ nạn, họ lại có chuyện xích mích với nhau cũng về chuyện chức quyền. Vậy mới thấu cảm rằng: Cô đơn không phải là khi chúng ta ở một mình mà là khi ở giữa những người thân mà không có ai để đồng cảm, sẻ chia. Mục đích của các môn đệ khi theo Chúa phần lớn cũng mong được đổi đời, mong được giàu sang và kiếm tìm một chút chức tước theo xu kiểu mẫu thế gian. Vì thế các ông đang âm thâm phấn đấu để mong được chức vụ cao nhất trong triều đình khi Đức Giêsu đăng quang làm vua.
Đức Giêsu khi nhập thể làm người, cũng không tránh khỏi cám dỗ về danh lợi. Như việc Xatan dẫn Ngài lên đỉnh núi, chỉ cho thấy tất cả vinh hoa của thế gian và nói: “Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi, và tôi muốn cho ai tuỳ ý. Vậy nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông” (Lc 4,6-7). Mỗi người chúng ta nhiều lúc cũng đứng trước sự ngả giá: cúi lạy tà thần để chọn vinh hoa thế gian chóng qua hay chọn trung tín thờ phượng một mình Thiên Chúa trong bất cứ hoàn cảnh nào.
2. Chức tước theo tinh thần của Đức Giêsu.
Trong môi trường xã hội, nhiều khi chúng ta phải chứng kiến những trường hợp thật đau lòng, khi cha mẹ đang lo âu khắc khoải trước giờ chết, thay vì đồng cảm, an ủi, những người con lại ẩu đả, tranh dành nhau của cải, địa vị. Nếu là nhà giàu, có chức vị, công ty lại chúng ta càng rõ điều này. Trong khi cha mẹ đang hấp hối thì con cái tranh dành ai ngôi vị thừa kế công ty, tài sản. Thậm chí họ kiện nhau ra tòa, chém giết nhau để giành giật của cải, chức tước.
Điều đang tiếc này cũng xảy ra nơi Đức Giêsu và các môn đệ. Đang khi Chúa tiên báo về việc Ngài sắp lên Giêrusalem để chịu chết, Chúa chia sẻ về tất cả những ưu tư, trăn trở của mình thì hầu hết các môn đệ chẳng màng chi đến tâm trạng của Thầy. Cô đơn nhất là biết mình sắp từ giã cõi trần mà không chia sẻ được với ai. Các môn đệ là những người thân tín nhất, nhưng dường như các ông lại hiểu sai về Đấng Mêsia nơi con người Đức Giêsu.
Chúng ta không kết án các môn đệ vô tâm, vô cảm, vì dường như các ông chưa hiểu việc Chúa lên Giêrusalem. Các ông tưởng rằng, Chúa lên Giêrusalem để đăng quang ngôi vua, vì bao đời nay họ luôn trông chờ đời một Đấng Mêsia như thế. Họ nghĩ rằng Chúa sắp làm vua, và nếu quả thực Chúa làm vua thì nhóm Mười Hai sẽ có những chức vị khá quan trọng trong triều đình. Họ đang dò xem ai sẽ làm quan chức lớn nhất bên cạnh vua Giêsu sau này.
Đức Giêsu đã xoay chuyển tiêu chuẩn của người làm lớn, không phải để cai trị mà là để phục vụ với tất cả tình mến dấn thân trọn vẹn. Tinh thần đó Chúa đã sống và thi hành. Quyền bính Chúa được thể hiện rõ nhất là khi Ngài cúi xuống rửa chân cho các học trò của mình. Mặc dù Ngài là Con Thiên Chúa, Ngài không bao giờ dùng quyền để thống trị người khác, nhưng Ngài dùng nó để phục vụ tha nhân. Qua đó, Ngài cũng mốn dạy chúng ta hãy thi hành quyền bính như Chúa, là hạ mình xuống để phục vụ anh chị em mình. “Vậy nếu Ta là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13,15). Tinh thần đó Chúa đã nói rất rõ qua bài Tin Mừng hôm nay. “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9,36). Trong tinh thần đó, con đường Đức Giêsu mời gọi các môn đệ cách riêng và tất cả chúng ta nói chung chính là con đường Ngài đã đi: đường lên Giêrusalem, ở đó, “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại” (Mc 9, 31). Tuy nhiên, chúng ta xác tín rằng, qua con đường thập giá mà Chúa mời gọi chúng ta bước đi cùng với Ngài là con đường dẫn đến đến bến bờ vinh quang Phục Sinh.
Lạy Đức Giêsu, chúng con tuy đã nhận ra con đường theo Chúa là con đường thập giá, nhận ra tinh thần của người môn đệ Chúa là tinh thần yên mến, phục vụ, nhưng chúng con đang sống giữa thế gian và những danh lợi, quyền bính của thế gian vẫn có sức mạnh hấp dẫn chúng con. Xin Chúa ban sức mạnh, để trong mọi chọn lựa, chúng con dám chọn Chúa trên tất cả, chọn theo thánh ý Chúa hơn là ý riêng chúng con, để chúng con trở thành những người môn đệ theo tinh thần của Chúa. Amen.
PHỤC VỤ (Tu sĩ Gioan Hoàng Xuân Hải, SVD)
Khi nói đến hai từ “phục vụ” chúng ta thường sẽ nghĩ đây là công việc tầm thường dành cho những người có địa vị thấp trong xã hội: như những người giúp việc, những người làm thuê, những người đầy tớ, hay những người nô lệ. Ít ai nghĩ rằng “phục vụ” cũng dành cho những người có chức cao, quyền trọng trong xã hội như vua, quan, các ông chú, các bà chú … Với quan điểm ta là ông lớn, chức cao quyền trọng, người ta không muốn mình trở thành người phục vụ, nhưng muốn được người khác phục vụ. Chính vì vậy, nhiều người đã tìm mọi cách, kể cả những thủ đoạn xấu xa hòng đạt được vị thế cao trong xã hội.
Tin Mừng Chúa Nhật XXV hôm nay, thánh sử Máccô thuật lại cho chúng ta thấy việc Chúa Giêsu loan báo lần thứ hai về cuộc thương khó và phục sinh của Người cho các môn đệ, khi Người nói: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết Người sẽ sống lại” (Mc 9,31). Dù đây là lần thứ hai Chúa Giêsu loan báo điều này, thế nhưng các môn đệ không hiểu và không mấy bận tâm đến những điều Đức Giêsu loan báo. Thay vào đó các ông lại mãi lo “cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả” (x. Mc 9, 34).
Việc các môn đệ cãi nhau để xem ai là người lớn nhất, điều đó cho thấy, dù các môn đệ là những người đã từ bỏ mọi sự để theo Thầy Giêsu: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy” (Mc 10, 28), thế nhưng, các ông vẫn chưa từ bỏ được danh vọng nơi mình. Không chỉ là cãi nhau xem ai là người lớn nhất, nhưng có người lại tìm mọi cách để xin cho được mình có quyền và vị thế cao trong nhóm. Đó là trường hợp hai anh em Giacôbê và Gioan. Hai ông đã trực tiếp đến xin Thầy Giêsu và nói: “xin cho hai anh em chúng con, một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy, khi thầy được vinh quang” (Mc 10, 37). Còn Tin Mừng theo thánh Mátthêu thì thuật lại rằng chính đích thân mẹ của các ông đã đến xin cho hai con mình, một người ngồi bên hữu và một người ngồi bên tả Chúa Giêsu (x. Mt 20, 20-23). Qua đó, chúng ta thấy quyền bính và chức vụ là một thứ mà lối kéo con người ta chạy theo chúng.
Vậy phải chăng quyền bính, chức vụ và danh vọng lại làm cho con người trở nên xấu? Xấu hay tốt là phụ thuộc vào việc mình dùng quyền bính, chức vụ để làm gì. Nếu theo cách “thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân” (x. Mt 20, 25), thì điều này cho thấy quyền bính làm cho con người trở nên xấu. Nhưng nếu dùng quyền bính, chức vụ để “phục vụ anh em” và để làm “đầy tớ anh em” thì điều này cho thấy quyền bính lại làm cho con người trở nên tốt.
Trở lại với bài Tin Mừng hôm nay, nhân việc các môn đệ cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả, Chúa Giêsu đã mặc khải cho các môn đệ, cũng như cho chúng ta biết về giá trị đích thực của “phục vụ”, cũng như vai trò của người muốn làm lớn. Đối với Thiên Chúa thì “phục vụ” không phải là công việc tầm thường, thấp bé chỉ dành cho những người giúp việc, những người có địa vị thấp kém trong xã hội. “Phục vụ” cũng không làm cho phẩm giá của con người bị hạ thấp, nhưng “phục vụ” nâng phẩm giá con người trở nên cao cả, vì vậy “phục vụ” là điều kiện cần thiết để trở thành người đứng đầu, là người lớn hơn cả. Chính vì thế mà Chúa Giêsu đã qủa quyết: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9,35). Nhưng tại sao lại phải phục vụ người khác mới trở nên người lớn hơn cả? Để trả lời câu hỏi trên chúng ta cần đi tìm hiểu những giá trị mà “phục vụ” mang lại là gì?
Trước hết, “phục vụ” là thể hiện tình liên đới và tồn tại xã hội. Nếu không có sự “phục vụ” lẫn nhau thì không có tính liên đới và xã hội sẽ không tồn tại. “Phục vụ” không chỉ dừng lại ở việc của kẻ thấp hèn làm cho người quyền quí. Nhưng “phục vụ” dành cho tất cả mọi người vì “sống trên đời không ai là một hòn đảo”. Vì thế, nhờ “phục vụ” mà làm nổi bật lên xã hội tính nơi con người. Chúng ta có thể nhận thấy, có rất nhiều mối tương quan giữa các công việc trong xã hội đều mang tính chất liên đới và phục vụ lẫn nhau. Ngay cả những nhà bác học, ngày đêm ngồi trước những quyển sách, nhưng họ là những người đang miệt mài “phục vụ” mọi người, qua việc tìm và phát minh ra những điều mới lạ cho nhân loại. Hay những người thầy cô giáo, ngày ngày miệt mài giảng dạy cho các em học sinh, là họ cũng đang “phục vụ” vì tương lai tốt đẹp của xã hội. Hay thậm chí những người quét rác, họ cũng đang phục vụ mọi người, vì mong có môi trường xanh sạch đẹp… và rất nhiều công việc khác nữa, tất cả đều nhằm “phục vụ” lẫn nhau vì tính liên đới trong xã hội.
Kế đến, “phục vụ” là cách thức để thể hiện tình yêu thương và sự quan tâm đối với nhau. Điều này chúng ta dễ dàng nhận thấy nơi hình ảnh những người cha, người mẹ chăm sóc những đứa con thơ bé của mình. Cha mẹ không quản ngại hay so đo, tính toán, khi chăm sóc những đứa con của mình. Tất cả những gì mà cha mẹ đã dành cho con cái cũng chính là “phục vụ” những người con của mình. Một tinh thần “phục vụ” vì yêu thương, “phục vụ” vô vị lợi. Một hình ảnh khác, là mẫu gương tuyệt đối của “sự phục vụ” đó chính là Thiên Chúa. Chính vì yêu thương, vì muốn “phục vụ mọi người” mà Thiên Chúa đã ban cho thế gian Người Con duy nhất là Đức Giêsu Kitô, để đến ở và phục vụ mọi người, đúng như lời Người đã nói: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28). Tiếp nối mẫu gương “phục vụ” mà Thầy Giêsu để lại, là những tấm gương của các thánh, đặc biệt gần đây nhất đó là mẹ thánh Têrexa thành Calcutta. Mẹ đã một đời tận tâm phục vụ những người nghèo, những người bệnh tật và những người mà bị xã hội bỏ rơi. Dù mẹ chỉ làm những công việc nhỏ bé, đơn sơ của mình, một người tầm thường, thế nhưng mẹ đã được cả thế giới ngưỡng mộ và đã trao tặng cho mẹ giải Nobel hòa bình (1979). Hơn thế nữa, đức độ của mẹ đã được cả Giáo Hội tuyên dương khi mẹ được nâng lên bậc hiển thánh vào năm 2016. Như vậy, chúng ta thấy “phục vụ” không làm cho con người ta trở nên thua thiệt hay bị hạ thấp phẩm giá của bản thân, nhưng ngược lại, nhờ “phục vụ” mà giá trị và nhân phẩm con người được nâng lên. Bởi qua “phục vụ” tình yêu trở nên hiện thực, nhờ “phục vụ” tình yêu và lòng thương xót được lan tỏa.
Cuối cùng, “phục vụ” là thể hiện lòng tôn trọng phẩm giá và nhân vị nơi mỗi người. Như đã nói “phục vụ” không chỉ dành cho những người giúp việc, nhưng “phục vụ” là dành cho tất cả mọi người. Nếu người nào không biết “phục vụ” thì họ đang đánh mất dần tính người nơi họ. Bởi khi ta hạ mình “phục vụ” người khác, là ta tôn trọng phẩm giá và nhân vị nơi người đó như chính mình. Bởi không ai có quyền bắt người khác “phục vụ” mình vì nghĩ mình đáng được phục vụ. Hình ảnh người Samari nhân hậu, trong Tin Mừng theo thánh Luca (x. Lc 10, 29-37), đã cho thấy được giá trị của sự “phục vụ” là tôn trọng nhân vị nơi người khác. Mặc dù người Samari không hề quen biết người bị hại do bọn cướp gây ra, ấy vậy mà người Samari đã sẵn sàng “phục vụ” nạn nhân, vì nạn nhân cũng là con người, cũng cần được giúp đỡ khi gặp hoạn nạn, vì thế người Samari đã “lại gần, lấy dầu rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc” (Lc 10,34). Như vậy, “phục vụ” giúp chúng ta biết tôn trọng nhân vị nơi người khác và thể hiện lòng yêu thương giữa người với người.
Qua bài Tin Mừng Chúa Nhật XXV hôm nay, Thiên Chúa mời gọi mỗi người trong chúng ta hãy biết “phục vụ” lẫn nhau. “Phục vụ” không phải chỉ là những công việc của những người có địa vị thấp trong xã hội, nhưng ngược lại, nghĩa là những người càng làm lớn thì càng phải phục vụ người khác nhiều hơn, vì “ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”. Hơn nữa, “phục vụ” không chỉ là điều kiện để chúng ta trở nên người lớn hơn cả, nhưng “phục vụ” là cách thức để chúng ta trở nên người hơn qua việc chúng ta thể hiện tình yêu thương, lòng thương xót, sự tôn trọng và tình liên đới với nhau. Do đó, “phục vụ” không phải là điều tôi muốn làm hay không tùy ý, nhưng đó là mệnh lệnh mà Thiên Chúa muốn chúng ta phải thi hành. Bởi “nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13,14-15). Amen.
PHỤC VỤ TRONG KHIÊM NHƯỜNG (Lm. Phaolô Đậu Văn Pháp, SVD)
Tin Mừng thánh Máccô được viết ra đầu tiên trong các sách Tin Mừng. Ngài tường thuật những biến cố trong cuộc đời Chúa Giêsu và các Tông đồ một cách đơn sơ, ngắn gọn và đi thẳng vào vấn đề.
Thánh Máccô nói về cuộc sống của các Tông Đồ cũng là cuộc sống của mỗi người sống trên trần gian, cũng mang những hệ lụy của con người, những yếu đuối, những tật xấu của con người.
- Từ chuyện ngoài đường
Trên đường đi, các Tông Đồ đã tranh luận với nhau, ai là người lớn nhất trong các ông. Thói đời là thế tranh giành nhau, đấu tranh với nhau để tìm vị trí cao hơn trong xã hội. Đó cũng là chuyện xảy ra trên đường đời: “Cái vòng danh lợi cong cong, kẻ hòng ra khỏi người mong bước vào” (Ca dao Việt Nam).
Cũng vì cái danh vọng đó mà người ta tốn biết bao công sức để đạt cho được, người ta đã đấu tranh nhau về mọi phương diện, không những cái danh, mà kể cả thể xác, sức mạnh và sự giàu có… như “Ai là người giàu nhất thế giới? Người đẹp nào là hoa hậu hoàn vũ 2013? Đội bóng nào là vô địch của World Cup 2014?”.
Chuyện đời thì người đời nào mà không vướng phải. Chuyện gì đã xảy ra giữa các Tông Đồ, cũng cho phép chúng ta nghĩ, là không tránh khỏi trong các gia đình, trong các cộng đoàn tín hữu, trong các cộng đoàn Dòng tu và trong Giáo Hội! Vấn đề đặt ra ở đây là chức quyền mà chúng ta đang có là để làm gì? Quyền đi đôi với phục vụ, hay nói cách khác, người càng làm lớn thì phải phục vụ nhiều hơn. Về phần mình, Chúa Giêsu đã có lời tâm huyết với các Tông Đồ, như là bài học để đời cho các ông, cũng như cho những người lãnh đạo các cộng đoàn đức tin sau này, rằng: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và là người phục vụ mọi người” (Mc 9,35).
- Đến chuyện trong nhà
Tin Mừng Máccô kể, sau chuyện tranh luận với nhau ngoài đường rồi, đến Ca-phác-na-um, khi các Tông đồ vào nhà Chúa Giêsu gọi Nhóm Mười Hai để giảng dạy; điều này muốn nói lên một ý rất quan trọng là, Lời giảng dạy của Chúa Giê-su muốn nhắm đến một cách toàn thể truyền thống, hay nói cách khác, đây là lệnh truyền.
Nói rõ hơn là Chúa Giêsu đem ra một mẫu mực, chân dung của người môn đệ Chúa trong cung cách của người phục vụ: Phục vụ trong khiêm nhường. Người làm lớn không phải là để cai trị, nhưng là để phục vụ kẻ khác như chính Chúa Giêsu đã nói: “Tôi đến để phục vụ, chứ không phải là được phục vụ” (Mc 10,45).
Thái độ phục vụ của Chúa Giêsu đã trở nên gương mẫu cho cung cách phục vụ của Giáo Hội. Giáo Hội là đoàn người Kitô hữu, là những người theo Chúa. Điều mà chúng ta cần nhớ là động từ theo, là làm cho giống, bắt chước cho giống; chúng ta phải bắt chước Chúa Giêsu để giống Chúa.
Bởi đó, quá trình của đời sống đức tin, là một quá trình biến đổi. Đức tin của chúng ta phải được biến đổi hằng ngày, mỗi ngày mỗi giống Chúa Giêsu hơn.
Mỗi ngày chúng ta phải được đổi mới, canh tân nhờ Lời Chúa và Thánh Thần mà chúng ta lãnh nhận hằng ngày. Điều đó cho ta xác tín rằng, ai càng siêng năng cầu nguyện, thường xuyên nghe và suy niệm Lời Chúa, siêng năng tham dự Thánh Lễ với tâm tình đạo đức, thì người đó sẽ luôn tiến triển trên con đường nhân đức.
Chúng ta theo Chúa cũng có nghĩa là đi theo con đường Chúa đi, đó là con đường tự hạ, con đường từ bỏ mà Thánh Phaolô đã nhận ra được và đã vẽ lại cho chúng ta thấy trong Thánh ca Philípphê (Pl 2,5-11). Chúa Giêsu đã vâng lời Chúa Cha, bởi vì yêu thương nhân loại lỗi lầm, nên Ngài đã sinh ra làm người để cứu độ chúng ta. Ngài đã từ trời xuống đất, từ thiên cung đến trần gian, nhất là từ bỏ sự giàu sang phú quý trong chức phận làm Con Thiên Chúa, để trở nên con loài người mang thân phận con người, sống kiếp con người và trở thành người nô lệ để phục vụ mọi người (Mc 10,44).
Đó là linh đạo của Kitô giáo, là con đường sống, con đường hành động của người tín hữu chúng ta.
Người được nhiều người tôn vinh và trân trọng không phải là người quyền thế, giàu sang mà là người có lòng bao dung và hết lòng yêu thương mọi người, nhất là yêu thương những người nghèo khó.
Ngày nay người ta nhắc đến Mẹ Têrêxa Calcutta. Bà chỉ là một nữ tu tầm thường, suốt đời chỉ biết phục vụ âm thầm những người nghèo khổ, bệnh tật, thế mà cả thế giới hết lòng ngưỡng mộ bà và gọi bà một cách thân thương là mẹ. Mẹ Têrêxa là nhân vật của thời đại. Mẹ đã trở thành vĩ nhân của chúng ta. Mẹ là vĩ nhân không phải vì đã tạo nên những công việc lớn lao cho nhân loại, nhưng mẹ được người ta nhắc nhớ nhiều nhờ cuộc sống của mẹ, nhất là trái tim và bàn tay rộng mở của mẹ.
Mẹ Têrêxa đã đi đúng con đường của Chúa đi. Mẹ đã sống theo Chúa để phục vụ những người xấu số và đau khổ. Chúng ta hãy cùng với Chúa Giêsu, như mẹ Têrêxa, từ bỏ tính ích kỷ, kiêu căng mà đến với những người cần đến lòng thương xót của chúng ta.
- Con đường mở rộng
Đây là công cuộc của Giáo Hội, đây là thao thức của Giáo Hội hôm nay, được diễn tả qua ý định của Công Đồng Vatican II.
Sắc lệnh Ad Gentes (truyền giáo): Giáo Hội đến với muôn dân, không chờ kẻ khác đến với mình. Giáo Hội với tính cách là thừa sai nên phải đến với kẻ khác. Kẻ khác là anh em lương dân, những người chưa biết Chúa. Họ là thượng khách mà Giáo Hội phải mở cửa để đón mời họ.
Hiến chế Lumen Gentium (Ánh sáng muôn dân): Giáo Hội tự hỏi mình rằng: Tôi là ai? Giáo Hội phải làm gì? Giáo Hội không chọn con đường nào khác con đường mà Chúa Giêsu đã chọn, đã đi: Đi khắp nơi và đến với mọi người (Mc 16,15), nhất là những người nghèo.
Người nghèo là người trắng tay, không có gì để đáp đền. Đó là đối tượng mà Giáo Hội phải phục vụ một cách vô vị lợi. Người nghèo chính là người bé nhỏ. Đó là hình ảnh rất đẹp khi Chúa Giêsu gọi một em bé đứng giữa các Tông đồ mà nói: “Ai đón nhận một người như em bé này là đón nhận Thầy” (Mc 9,37).