LỄ GIỖ LẦN THỨ 10 CỦA CHA PHAOLÔ NGÔ HÀNH, SVD (2015 – 24/05 – 2025)

0
117

Sáng Chúa Nhật ngày 18/05/2025, những người thân và bạn hữu của cha Phaolô Ngô Hành, SVD đã quy tụ về Nhà thờ Thánh Gia (Gp. Nha Trang) để dâng lễ và hiệp ý cầu nguyện cho người cha, người anh, người thầy, và vị lương y đáng kính, nhân dịp 10 năm ngài về với Chúa (2015 – 24/05 – 2025). Cha Phaolô là người sáng lập Bệnh viện Chẩn Trị Y Học Cổ Truyền Ngô Hành (số 50 Võ Thị Sáu – Phước Long – Nha Trang – Khánh Hoà).

Thánh Lễ Chúa Nhật V Phục Sinh và hiệp ý giỗ do cha GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD – Giám Tỉnh Tỉnh Dòng Ngôi Lời Việt Nam chủ tế, cùng với cha khách và 24 linh mục Dòng Ngôi Lời đồng tế. Sau Thánh Lễ, cha Antôn Nguyễn Thông, Giám đốc Bệnh viện đã thay lời cho phòng khám cảm ơn Cha Giám Tỉnh, Quý Cha, Quý Thầy, Quý Sơ, ca đoàn Thỉnh viện Ngôi Lời, Cha xứ, Cha phó và các ban ngành Giáo xứ Thánh Gia, Quý Sơ Dòng MTG Nha Trang, quý thân nhân, ân nhân, đội ngũ y bác sĩ, nhân viên và tất cả mọi người đã hiện diện và chung tay để Thánh Lễ được diễ ra sốt sắng. Xin mọi người cầu nguyện cho linh hồn cha Phaolô và sự phát triển của phòng khám.  

Lm. Antôn Nguyễn Thông, SVD – Giám đốc Phòng khám Y học Cổ truyền Ngô Hành cảm ơn cộng đoàn.

Dưới đây là bài chia sẻ rất tâm tình của Cha chủ tế, Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD, về bài học sống yêu thương từ đời sống gương mẫu của cha Phaolô dưới ánh sáng của Tin Mừng theo chân vị lương y tình thương mang tên Giêsu…

***

HỌC YÊU NHƯ THẦY GIÊSU
(Ga 13, 31-33a. 34-35)

Anh chị em thân mến,

Thánh Giêrônimô có kể lại một chuyện về thánh Gioan tông đồ như sau: Lúc vị tông đồ đã về già, ngài vẫn không ngừng nhắc nhở các Kitô hữu trong cộng đoàn là hãy yêu thương nhau. Người ta phát chán vì thấy ngài cứ nói mãi điều ấy, nên mới hỏi ngài lý do. Ngài trả lời: “Bởi vì đó là điều răn của Chúa. Chỉ cần giữ điều răn này là đủ”. Điều răn yêu thương ấy chính là bản di chúc của Chúa Giêsu để lại trước khi bước vào cuộc thương khó: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.”

Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng từng biết yêu, muốn yêu thương và được yêu thương nhưng có lẽ không phải ai cũng biết yêu đúng cách. Thế nào là yêu đúng cách? Câu trả lời không gì khác hơn là yêu như Chúa yêu. Nhìn vào đời sống Chúa Giêsu, ta thấy một tình yêu đong đầy trong từng cử chỉ: chạm vào người phong hủi, chữa lành bệnh tật, tha thứ cho kẻ tội lỗi, làm cho kẻ chết sống lại, không chấp tội của kẻ đóng đinh mình… Yêu như Chúa là hiến thân vì người khác, là trao ban không tính toán, là chấp nhận bị hiểu lầm, bị loại trừ nhưng vẫn không ngừng yêu. Yêu như Chúa là yêu bằng những hành động cụ thể, yêu cách khiêm tốn và hy sinh, yêu mà không mong đền đáp.

Mười năm đã trôi qua kể từ ngày cha Phaolô Ngô Hành, người sáng lập Phòng Chẩn Trị Y Học Cổ Truyền Ngô Hành được Chúa gọi về. Hôm nay, trong tâm tình thánh lễ giỗ, chúng ta không chỉ cầu nguyện cho linh hồn ngài mà còn được mời gọi nhìn lại di sản quý báu mà cha Hành đã để lại: đó là một đời sống yêu thương phục vụ, đặc biệt với những người đau khổ và bất hạnh, theo tinh thần Tin Mừng.

Chính trong tinh thần ấy mà cha Phaolô Ngô Hành đã chọn con đường phục vụ qua nghề y. Ngành y học cổ truyền vốn cần sự kiên nhẫn, sự thấu cảm, và tình thương sâu sắc đối với bệnh nhân. Nhưng với cha Hành, nghề y không chỉ là một chuyên môn – đó là một sứ mạng, một cách thế để sống Tin Mừng. Có lẽ không ít lần ngài đã nhìn thấy nơi người bệnh – nhất là người nghèo khổ – hình ảnh của Chúa Giêsu đang đau đớn. Ngài không chỉ chữa lành phần xác, nhưng còn chữa lành cả những nỗi đau trong tâm hồn. Có lẽ đối với ngài, mỗi toa thuốc là một lời cầu nguyện, mỗi lần khám bệnh là một cử chỉ của lòng thương xót. Và chính vì vậy, phòng khám không chỉ là nơi khám bệnh mà còn là nơi biểu lộ lòng thương, nơi mà người ta cảm nhận được hơi ấm của tình người, và qua đó, chạm đến được tình yêu của Thiên Chúa.

Khi nhớ về cha Hành, ai trong chúng ta cũng có thể kể ra những câu chuyện cảm động: có người được cha bắt mạch bốc thuốc mà không hề đòi hỏi đáp đền; có người được cha an ủi, khích lệ giữa lúc đau khổ do bệnh tật; có khi là một ánh mắt cảm thông, có lúc là một lời hỏi han,… Nhưng điều sâu xa hơn cả, chính là con tim của người mục tử mang lấy tình thương của Chúa Giêsu, Đấng là vị lương y tối cao.

Anh chị em thân mến,

Tình yêu thương không phải là điều gì đó trừu tượng hay chỉ dành cho những người đã đạt đến mực độ hoàn thiện hay bậc thánh nhân. Thánh Phaolô trong bài ca đức mến đã dạy rất thực tế rằng: “Yêu thương thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tuông… không nóng giận, không nuôi hận thù… Yêu thương thì tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13). Đó là những điều cụ thể, gần gũi mà mỗi người chúng ta có thể thực hiện hằng ngày: một lời nói nhẹ nhàng, một hành động giúp đỡ, một sự nhường nhịn trong gia đình, một thái độ cảm thông trong cộng đoàn, một ánh mắt trìu mến đối với những người xung quanh, một nụ cười thân ái với người bệnh đang nhăn nhó vì cơn đau, một bàn tay nhẹ nhàng đặt lên vai động viên bệnh nhân…

Có thể chúng ta không có khả năng khám bệnh như cha Hành, nhưng chúng ta vẫn có thể chữa lành những vết thương tâm hồn bằng cách biết lắng nghe, biết nâng đỡ, biết tha thứ. Và đó cũng là cách làm chứng cho Chúa trong thế giới hôm nay. Thật vậy, Chúa Giêsu nói với chúng ta trong Tin Mừng hôm nay rằng: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.” Người ta sẽ không tin vào Thiên Chúa nếu họ không thấy tình thương nơi chúng ta. Lời chứng mạnh mẽ nhất cho Tin Mừng không phải là những bài giảng hay, mà là một cuộc đời đầy yêu thương. Khi sinh thời Mahatma Gandhi từng nói: “Tôi yêu mến Chúa Kitô, nhưng tôi không yêu người Kitô hữu“. Khi có người hỏi tại sao ông yêu Chúa mà lại không yêu những người thuộc về Chúa, ông trả lời: “Tôi không yêu người Kitô hữu vì họ không giống Chúa Kitô”. Ý ông muốn nói là người Kitô hữu không biết yêu như Chúa yêu. Đó là một lời cảnh tỉnh sâu xa: Chúng ta chỉ thực sự là môn đệ Chúa khi chúng ta biết yêu thương như Chúa yêu.

Anh chị em thân mến,

Kỷ niệm 10 năm ngày mất của cha Hành không chỉ là một dịp để nhớ về một con người có lòng thương cảm, mà còn là lời mời gọi mỗi người chúng ta tiếp tục nối dài tình yêu thương ấy trong cuộc sống hôm nay. Nếu ai đó đang cô đơn, chúng ta hãy đến bên an ủi. Nếu ai đó đang bệnh tật, chúng ta hãy chăm sóc với tất cả sự dịu dàng. Nếu ai đó đang bị bỏ rơi, chúng ta hãy trở nên bạn đồng hành. Nếu trong đời sống chung có những hiểu lầm, chúng ta hãy là người xây dựng hòa giải. Hãy bắt đầu bằng những điều nhỏ bé, nhưng làm với một tình yêu đủ lớn, đủ đầy, đủ sâu.

Lạy Chúa Giêsu, Ngài đã yêu thương mọi người và từng người trong chúng con; Ngài đã yêu thương chúng con cho đến cùng, bất chấp cả cái chết; yêu cả những yếu đuối và bất toàn của chúng con; yêu cả những khi chúng con không hề đáng yêu tí nào; yêu cả những lúc chúng con không hề xứng với tình yêu của Ngài; yêu cả những khi chúng con vô cảm, vô tình, vô tâm với anh chị em chúng con. Xin dạy chúng con biết học yêu mỗi ngày để cuộc sống chúng con là dấu chỉ giúp người khác nhận ra chúng con là những người theo đạo yêu thương, và nhờ những dấu chỉ cụ thể và rõ ràng của yêu thương mà họ nhận ra và tin theo Chúa. Amen.

Photo: Trung Tuyến – Nguyễn Ánh

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 5 Phục Sinh – Năm C
Bài tiếp theoCÁO PHÓ: Bà Cố Maria Nguyễn Thị Nga (thân mẫu của Thầy Antôn Nguyễn Hồng Sơn, SVD)