Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha

0
16

✍️ Tu sĩ Giuse Nguyễn Đình Trường
– Học Viện Ngôi Lời

“Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha” (Ga 14,8). Điều mà Philíphê xin không chỉ dừng lại ở việc thấy Thiên Chúa nhưng còn được hiểu là sự khao khát Thiên Chúa, khao khát những giá trị thuộc về Ngài như sự sống vĩnh cửu hay hạnh phúc Nước Trời. Khao khát Chúa nên mong được thấy Chúa, Thiên Chúa trở nên đích điểm cuộc đời mà con người cần hướng về. Được ngắm nhìn Thiên Chúa, được thấy Ngài mang đến cho con người niềm hạnh phúc đích thực. Và với Philiphê, điều đó làm ông mãn nguyện. Thế nhưng, liệu rằng vị Thiên Chúa ấy có đủ sức thoả mãn những khát vọng của con người hay chăng?

  1. Cậy dựa vào những thành tựu nhân loại

Kitô giáo trong lịch sử xa xưa cũng như trong những thập kỷ gần đây đã phải hứng chịu không ít những phê phán như là căn nguyên dẫn con người xa rời thực tế, rao giảng một thứ lý thuyết hão huyền, hướng con người đến một nơi cực lạc khác mà quên mất những giá trị của đời sống hiện tại trên mặt đất này. Chúng ta có thể bắt gặp những “lời kêu gọi” này trong tư tưởng của các triết gia hiện sinh vô thần hay của học thuyết Mác-xít cũng như của nhiều những nhà xã hội học…

Những phê phán ấy càng được củng cố khi nhìn về những điều tốt đẹp mà khoa học, chính trị và xã hội mang lại: những thành công “nhãn tiền”. Đến độ, có những thời điểm con người hả hê cho rằng khoa học, chính trị hay kinh tế có thể giải quyết mọi vấn đề và làm cho con người được thoả mãn mọi khát vọng. Điều đó càng làm con người “hiện đại” chẳng còn mơ về trời cao, thay vào đó là tìm kiếm những sự đời này. Thực tế, chúng ta không thể phủ nhận những thành tựu của khoa học kỹ thuật trong những thời gian qua, đó là kết tinh từ những nỗ lực, giá trị lao động và trí tuệ của nhân loại và do đó, điều đó cần được chân nhận và phát huy. Thế nhưng, dẫu tốt đẹp và đáng trân trọng cách mấy đi chăng nữa, chúng ta vẫn phải thừa nhận rằng những giá trị ấy không làm con người thực sự mãn nguyện. Một xác quyết như vậy xem ra không dễ dàng để chấp nhưng! Thế nhưng, thực tế đã minh chứng điều đó.

Vì lẽ, tất cả chúng sẽ qua đi cùng với thời gian. Còn về phía mình, con người ôm lấy biết bao những nỗi khát khao cần được khoả lấp. Những nhu cầu vật chất có thể được đáp ứng cách nào đó, thế nhưng đâu chỉ có vậy, con người còn bao nỗi khao khát sâu xa nơi đáy lòng: khát khao hướng về ánh sáng, khát khao chân lý và điều thiện, khao khát tình yêu đích thực… Thử hỏi những giá trị tạm bợ bởi khoa học, chính trị hay kinh tế đủ sức đáp lại những nỗi khao khát khôn nguôi ấy chăng? Một câu trả lời chắc chắn và minh bạch chắc hẳn là điều không dễ để đưa ra cho vấn đề này nhưng khi nhìn vào bối cảnh của thời đại, thực tế cho thấy rằng con người đang sống trong những hoàn cảnh đầy bấp bênh và chông chênh: chiến tranh, xung đột khắp nơi; thế giới toàn cầu hoá nhưng con người lại trở nên xa rời nhau như thông điệp Fratelli Tutti đã diễn tả … Những thực tế đó được nêu ra để minh chứng rằng những giá trị của khoa học, chính trị hay kinh tế thật đáng trân trọng nhưng dường như chúng không đủ sức đáp lại những nỗi khao khát khôn nguôi và thậm chí, biết bao những bất an lại đang nảy sinh và khiến nhân loại phải nhìn lại điều mà mình đang tự hào và cậy dựa. Con người cần can đảm nhìn nhận rằng những giá trị của khoa học kỹ thuật, những nỗ lực tự cá nhân quả thật là những giá trị tốt đẹp, cần được trân trọng và tiếp tục phát huy; tuy nhiên, thật khó lòng để chúng làm vui thoả cõi lòng sâu thẳm của con người với biết bao những khát khao thuộc bình diện Chân – Thiện – Mỹ.

  1. Cậy dựa vào một mình Thiên Chúa mà thôi

Khi con người đã không còn bám dựa vào bản thân và những thành tựu cá nhân, con người nhận ra rằng chỉ có nơi Thiên Chúa, Đấng ngập tràn sự thiện hảo mới đủ sức làm con người mãn nguyện mà thôi. Hay có thể nói, những khát vọng này không ai và không cái gì có thể thỏa mãn cho con người, ngoài một mình Thiên Chúa như Sách Giáo lý Hội thánh Công Giáo (GLHTCG) số 27 nhấn mạnh: vì chỉ nơi Thiên Chúa, họ mới sống và tìm được chân lý và hạnh phúc viên mãn mà họ luôn tìm kiếm. Khao khát đó làm con người được mãn nguyện.

Hơn thế nữa, khao khát ấy không phải điều gì đó xa lạ với con người nhưng nằm sâu nơi đáy lòng con người ngay từ thuở tạo dựng. Cũng trong số 27, GLHTCG diễn tả: Khi tạo dựng con người, chính Thiên Chúa đã khắc ghi vào trong tâm hồn họ sự khát khao nhìn thấy Ngài. Do đó, con người dù sống trong danh vọng, vinh quang vẫn mang nỗi khắc khoải Thiên Chúa, cho đến khi nghỉ yên trong Ngài như thánh Augustinô đã từng thốt lên. Chính điều đó không ngừng lôi kéo con người hướng về Thiên Chúa. Đó là khao khát hướng thượng, khao khát bắc một nhịp cầu với Ðấng siêu việt, muốn có cảm nghiệm và tương quan với Đấng Tạo Hóa. Vì nỗi khao khát ấy, con người chẳng thể và cũng không thể nào tách rời khỏi Thiên Chúa, vì “chỉ có Thiên Chúa mới làm con người được thoả chí toại lòng” mà thôi. Không có Thiên Chúa, con người không có hạnh phúc, ngay cả trong cuộc đời hữu hạn của mình, và thậm chí, như một tác giả đã quả quyết rằng “không có Thiên Chúa, số phận dành cho con người là địa ngục”.

  1. Con người có thể đạt đến được Ngài hay chăng?

Quả vậy, những điều trên giúp chúng ta xác quyết rằng Thiên Chúa đủ sức làm con người mãn nguyện và chỉ nơi một mình Thiên Chúa, con người mới được mãn nguyện mà thôi. Nhưng trước một vị Thiên Chúa cao sang như vậy, con người có thể đạt đến được Ngài không hay chỉ là một ảo vọng? Câu hỏi của Philípphê diễn tả điều đó: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện” (Ga 14,8). Lời này của thánh nhân, một mặt cho thấy rằng thánh nhân chân nhận chỉ một mình Thiên Chúa là Đấng có thể làm thoả mãn tâm hồn khao khát của con người, mặt khác, “được thấy, được nhận biết” Chúa Cha là điều vượt quá sức con người. Thật vậy, tự sức con người sẽ chẳng thể nào vươn tới được.

Thế nhưng, Thiên Chúa, Đấng yêu thương đã đáp lại khát vọng gieo nơi con người. Ngài mở cho con người một lối đi mang tên là Đức Giêsu. Ðức Giêsu không phải chỉ là người đưa đường dẫn lối, còn hơn thế nữa chính Người là đường dẫn đến Cha, như Người đã nói: “Chính Thầy là con đường… Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (14,6). Đức Giêsu chính là hiện thân tình yêu của Thiên Chúa: “Ai thấy Thầy là thấy Cha”. Nơi Ðức Giêsu Kitô, chúng ta bắt gặp được một vị Thiên Chúa cảm thông với những đau khổ của con người, một vị Thiên Chúa đã cúi mình xuống để băng bó những vết thương nhân loại phải chịu do tội lỗi, vị Thiên Chúa ấy giàu lòng xót thương và trên hết, vị Thiên Chúa ấy đã dám chết hầu con người được đón nhận hạnh phúc vĩnh cửu. Đức Giêsu đã thực trở nên con đường, đã mở lối dẫn nhân loại hướng về Thiên Chúa. Điều đó mang đến niềm xác tín cho những ai khao khát Thiên Chúa, mong ước có Chúa làm nguồn hạnh phúc viên mãn đều sẽ được thoả lòng.

Tóm lại

Điều mà Philipphê đã xin biểu lộ niềm khao khát Thiên Chúa. Và điều quan trọng hơn là thánh nhân xác quyết rằng điều đó sẽ làm ngài được mãn nguyện. Mãn nguyện vì Thiên Chúa chứ không phải vì những sự trần gian này. Điều mà thánh Philípphê đã xin cùng Đức Giêsu cũng phải trở nên lời nguyện cầu của mỗi người môn đệ Đức Giêsu. Người Kitô hữu cũng phải mang trong mình khao khát ấy và lan toả khao khát ấy để nó trở nên khao khát của nhiều người, những người thiện chí không ngừng tìm kiếm Thiên Chúa hầu mọi người được hưởng hạnh phúc viên mãn. Nhất là trong bối cảnh của thời đại, Thiên Chúa đang dần trở nên xa lạ với con người. Không phải vì Thiên Chúa xa rời nhân loại nhưng chính con người bằng cách này hay cách khác đã phủ nhận sự hiện diện của Ngài, thậm chí, còn muốn “loại trừ” Thiên Chúa ra khỏi những liên hệ với kiếp nhân sinh. Liệu rằng trong bối cảnh đó khát khao tìm kiếm Thiên Chúa, ước mong được thấy Thiên Chúa có còn nữa hay không? Điều đó có thể gợi lên nơi mỗi người câu hỏi rằng khi Con Người đến, liệu rằng có còn ai muốn “thấy” Người nữa hay chăng?

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Tư, Tuần 3 Phục Sinh)
Bài tiếp theoDÒNG NGÔI LỜI (SVD) THÔNG TIN TUYỂN SINH