Ta sẽ cứu các ngươi!

0
513

Lm. Phêrô Nguyễn Đức Vinh, SVD

 

… thè lưỡi tớp nước như chó hay dùng tay đưa nước lên miệng

Trong thời sa sút thì một con số lớn dễ bị hiểu lầm với sức mạnh. 32.000 chiến binh là một con số đáng kể. Nhưng nhìn kỹ một lần thì nó chẳng có nghĩa lý gì, so với con số của những người họ sẽ đối đầu: quân Mađian và đồng minh được mô tả là “nhiều vô kể như châu chấu”, với số lạc đà nhiều “như cát trên bờ biển” (Tl 7,12). Cái tên nơi thủ lãnh Ghítôn và toàn dân đóng trại nói lên tâm trạng của họ: Ên Kharốt, nghĩa là “sợ hãi” hay “kinh hãi”. Mà “ai sợ hãi và run khiếp” thì bị loại, không được tham chiến. Cái sợ làm lây lan sang người khác. Tiêu chuẩn chọn lính này của Thiên Chúa có thể hiểu được, nhưng cũng rất lí tưởng, vì đã tổng động viên thì không trừ ai.

Quyết định giảm binh số của Thiên Chúa phải có lí do khác nằm ngoài suy nghĩ con người. Nhất là cách thức chọn lựa dựa vào cách giải khát của họ ở bờ sông (Tl 7,4-7). Một hình thức lạ kỳ đã trở thành đề tài của nhiều nghiên cứu và nhiều giải thích. Bị loại gồm “tất cả những ai thè lưỡi tớp nước như chó” và “tất cả những ai quỳ xuống mà uống.” Hình ảnh này[1] cho thấy một cách hành động theo bản năng nguyên thủy, nghĩa là ở một mức độ thô sơ tự nhiên. Được ví uống nước “như chó” không là một xác nhận tích cực cho một phong cách một con người; trái lại, lời đó nghe như là một sự giáng cấp. Dùng tay múc nước uống bày tỏ một phong cách lịch sự và tiến bộ hơn.

Photo: https://dwellingintheword.wordpress.com/

Nhưng phải hỏi tại sao cần phải có phong cách tốt mới cho tham gia tác chiến? Thiên Chúa hẳn có những lý do của Người. Ở mỗi cuộc giải phóng người ta chờ đợi một sự nâng cấp đời sống, một thời phát triển hơn cho những người được tự do. Như thời nay, không có một dân tộc văn minh nào muốn những người Taliban hay IS chiếm đóng và thống trị họ, đơn giản vì không ai muốn đi thụt lùi về thời đồ đá và bị đối xử phân biệt và mọi rợ. Đem sự lạc hậu của thời hoang sơ mà phô trương như thành quả đỉnh cao thì tai hại khôn lường cho dân.

Trong ngữ cảnh đang bàn, tưởng cũng nên nhìn kỹ hơn một lần vai trò và ý nghĩa của đôi bàn tay con người. Trong chiến đấu, chúng được cần đến để sử dụng các vũ khí. Nhưng đôi tay có nhiều chức năng quan trọng hơn thế. Khi hỏi về sự khác biệt cơ bản giữa con người so với các sinh vật, sự phát triển của ngôn ngữ và sự tăng trưởng của khối óc, cũng như việc sử dụng các dụng cụ, thì người ta phải bàn luận về đôi tay. Đôi bàn tay đóng vai trò trung tâm trong sự tiến hóa con người.[2] Chúng là công cụ đa năng duy nhất trong việc khám phá thế giới, vì chúng ta không thể học cách ứng xử trong thế giới ba chiều chỉ với đôi mắt.

Đôi bàn tay giúp chúng ta “nắm bắt” thế giới xung quanh, và qua đó thế giới mới trở nên cụ thể, đa chiều và tạo hình hài được. Con người ghi nhận trong óc những gì đôi tay khám phá và làm ra. “Sự tiến hóa của bàn tay và các cơ cấu kiểm soát của chúng là những yếu tố quan trong cho việc tổ chức kiến trúc nhận thức và các chức năng tinh thần.”[3] Trong tiếng latinh “hiểu biết” là com-prehendere (prehendere: “chạm đến, nắm lấy“); tiếng hi lạp là haptesthai: “chạm vào, sờ mó”. Chúng ta cũng dùng chữ “mò mẫm” (nghĩa là bằng đôi tay) cho việc kiếm tìm Ý Chúa!

Dùng những người biết sử dụng đôi tay để múc nước uống thay vì lè lưỡi liếm, Thiên Chúa như  muốn dẫn Israel tiến tới trên đường phát triển toàn diện hơn về nhân cách và nhân tính. Người không muốn những con người chỉ biết thi hành mệnh lệnh chém giết như những robots. Nhìn vào diễn tiến sau đó chúng ta hiểu thêm ý nghĩa của việc tuyển chọn: Ông Ghít-ôn và 300 người theo ông chiến thắng đội quân đông đúc của Mađian chỉ bằng việc rúc tù và với đuốc cháy sáng trong tay. Họ hô to “Vì Thiên Chúa” để tuyên xưng xác tín rằng Người đứng về phía Israel, và họ dấn thân dưới sự hướng dẫn của người được Thiên Chúa chọn: “và vì Ghít-ôn”. Chính họ không dùng đến vũ khí để sát hại đối phương, mà trong cơn hoảng loạn cả doanh trại của Mađian đã tự hại nhau (Tl 7,22). Thiên Chúa đã trao chiến thắng vào tay họ.

Dân chúng đi với ngươi quá đông … 

Dù có quả quyết rằng chất lượng hơn số lượng, thì người ta vẫn luôn âm thầm nuôi mộng một con số lớn. Đánh giá thành công của mình dựa vào các con số thống kê là khuynh hướng chung được chấp nhận. Số đông vẫn luôn gây ấn tượng mạnh, được để ý và tôn trọng hơn, trong khi các nhóm nhỏ dễ bị lờ và dễ bị quên. Có đông người thì làm gì cũng nhanh hơn và làm hoành tráng hơn. Vậy, không ngạc nhiên, khi vì để đạt con số nhất định người ta sẵn sàng hạ thấp chuẩn mực chọn lựa, chấp nhận pha loãng các đòi hỏi của Tin Mừng và các luật lệ, hành động theo lối có còn hơn không, thay vì bỏ 99 để đi tìm 1 như Tin Mừng đề nghị (x. Lc 15,3-7).

Chính vì vậy, việc giảm binh số theo các tiêu chuẩn khác thường của Thiên Chúa là một câu đố lớn khó giải. Việc làm khó hiểu khó tin đó muốn tô đậm một điều: không là con số đông hay con số ít, không là các thành tích to hay nhỏ để hãnh diện khoe khoang và để say chiến thắng, mà là sự tin tưởng vào Thiên Chúa là điều quyết định thắng bại trong đời. Lý do mà Thiên Chúa giảm đội binh của Ghít-ôn đến mức ít ỏi khó tin, là để Israel không thể tự phụ mà nói: “Chính tay tôi đã cứu tôi” (Tl 7,2).

Là tướng dẫn quân vào trận mà phải học logic của Thiên Chúa đòi hỏi một niềm tin lớn nơi Ghít-ôn, và Thiên Chúa cần phải rất kiên nhẫn với ông. Ghít-ôn tìm một câu trả lời hợp với sự thách đố của hoàn cảnh, còn Thiên Chúa thì làm ngược lại và chỉ tìm sự tin tưởng của ông. Thiên Chúa đi những lối khác với những gì chúng ta hình dung và chờ đợi. Người hành động khác so với logic của chúng ta. Đầy bí ẩn và đầy ngạc nhiên.

Ghít-ôn không là “chiến sĩ can trường” ngay từ đầu, như được thần sứ Chúa gọi. Ông chưa tin được rằng Thiên Chúa ở với mình (Tl 6,12). Người phải “quay lại” và động viên ông “mạnh bạo lên đường” (Tl 6,14), vì ông lắm nghi ngại. Vị thủ lãnh trẻ này chần chừ do dự, đòi phải có bằng chứng và xác nhận nhiều lần mới dám tin vào ơn gọi của mình. Để ông có thể tin được rằng chính Thiên Chúa trao người Mađian và cả doanh trại vào tay mình, Người đã phải rất kiên nhẫn dắt dìu ông từng bước. Ghít-ôn cần nhiều thời gian để đạt mức tin tưởng hoàn toàn vào Thiên Chúa.

Một điểm đáng chú ý khi tuyển quân: Thiên Chúa không kích thích ý chí chiến đấu và sự hăng say của các chiến binh trước khi vào trận, như hứa hẹn trọng thưởng hay cho lên chức lên lương sau đó. Người không thúc đốc anh hùng tính hay sự cuồng tín nơi họ, mà ngược lại Thiên Chúa tìm mọi cách đẩy lùi sự góp phần của con người vào cuộc chiến và vào thành công. Những tiêu chuẩn giảm binh nghe có vẻ khôi hài đến ngớ ngẫn và như một virus xói mòn logic chiến tranh từ bên trong. Từ 36.000 xuống còn 300 lính – nghĩa là ít hơn 1% của con số ban đầu.

Số đông không là chuẩn lý tưởng ở đây. Nhưng quan niệm cho rằng với số ít thì tự động tăng nhuệ khí không được kiểm chứng. Cũng giống như cho rằng việc sống “đức khó nghèo” của các tu sĩ sẽ giúp họ có khả năng buông bỏ tốt hơn, hay gia tăng sức mạnh thiêng liêng hay giúp họ gần gũi Chúa hơn. Đó chỉ là những chờ đợi không thực tế. Con số nhỏ không tự động bảo đảm cho một chất lượng cao. Giảm binh số là để nhấn mạnh đòi hỏi tin tưởng vào Thiên Chúa, vào sự cứu thoát đến từ Người, và cảnh báo trước việc tự hào về mình chống lại Thiên Chúa. Con người không giảm mất danh dự khi họ đặt Thiên Chúa lên hàng đầu và chúc tụng ngợi khen Người. Họ được công nhận trong vai trò là cộng tác viên của Đấng Toàn Năng. Thiên Chúa không làm một mình, mà với con người với mọi tài năng của họ. Người hành động và sẽ trao quân thù vào tay Israel, nên Người chỉ chờ đợi sự tin tưởng giúp vượt qua sự bất an và sợ hãi. ▄

Chú thích:

[1] Cũng được giải thích như vậy: Dùng tay giải khát là cách làm nhanh và như thế là tư thế sẵn sàng và toàn tâm toàn sức hơn cho chiến đấu, thay vì thoải mái và tốn công tốn giờ nằm hay quỳ xuống lè lưỡi tớp nước.  

[2] Die Bedeutung der menschlichen Hand in der Evolution des Menschen. Von Stefan Knobel und Stefan Marty., in: Lebensqualität: die Zeitschrift für Kinaesthetics 03/2008.

[3] Frank R. Wilson, Die Hand – Geniestreich der Evolution. Ihr Einfluss auf Gehirn, Sprache und Kultur des Menschen. Stuttgart 2000,306.

Bài trướcLỜI SỐNG (Chúa Nhật, Tuần 4 Mùa Chay – C)
Bài tiếp theoCổ vũ ơn gọi: mục vụ không thể thiếu trong Dòng Ngôi Lời (Arnoldus Nota, 4/2022)