Ra đi là để thấy mình rõ hơn

0
454
Bài và hình ảnh do tác giả cung cấp

Tác giả: Lm. Phêrô Nguyễn Đức Vinh, SVD

Chọn một lối đi

Tìm lối đi nào ngắn nhất để đến đích, mà đường tốt, an toàn, ít kẹt xe, giá rẻ nhất là những tiêu chuẩn được đưa ra khi chúng ta tìm đường đến một nơi nào đó. Ngày nay, Internet với các Apps giúp thực hiện nhanh gọn công việc này. Hành động như vậy là hợp lý. Nhưng bước theo Đức Giêsu, các tông đồ phải làm quen với những tiêu chuẩn khác khi chọn lối đi.

Trở thành môn đệ Đức Giêsu là học trở nên đồng hình đồng dạng[1] với Người; nghĩa là học suy nghĩ, hành động và chịu một số phận như Người. Sự biến đổi này là kết quả của một đời tu tâm. Những nhận thức cụ thể và gợi ý cần thiết cho quá trình biến đổi này, các tông đồ đón nhận trên các nẻo đường đi chung với Thầy. Muốn trở thành môn đệ thì điều kiện tiên quyết là phải ở lại bên Người (Ga 1,39). Chỉ thỉnh thoảng ghé thăm thì khó lòng học được “tư tưởng của Thiên Chúa” (Mc 8,33).

Ước muốn bước theo Chúa của họ được củng cố qua những ngạc nhiên và ngưỡng mộ, những điều tốt đẹp và những điều kỳ vĩ mắt thấy tai nghe. Các môn đệ của Đức Giêsu cũng phải làm quen với sự thất vọng, vì phải buông dần những hình ảnh và chờ đợi của mình về Đấng Mêsia. Thầy Giêsu không là con người như họ hình dung lúc ban đầu, khi họ dứt bỏ mọi sự để đi theo: Người nói những lời nghe rất chướng tai, đòi hỏi những điều trái ngược với văn hóa và truyền thống; Người làm những việc Luật không cho phép vào ngày Sabát.

Nhìn vậy, tiêu chuẩn chọn lối đi đến Giêrusalem ngang qua đất Samari là một quyết định nằm trong chương trình đào tạo các môn đệ của Đức Giêsu. Họ, những sứ giả Nước Trời tương lai, cần phải là những con người biết suy nghĩ những tư tưởng của Thiên Chúa và hành động như Thầy.

Các cuộc gặp gỡ của Đức Giêsu với những người bên lương như trong đoạn Tin Mừng (Luca 9,51-54) là một thách đố, buộc các môn đệ đặt câu hỏi về cách suy cách cảm của mình như xưa nay. Nhờ đó, họ học mở rộng tầm nhìn và học vượt qua dần mọi ranh giới vô hình trong tim mình. Cuối cùng, Tin Mừng của Đức Giêsu cần được họ loan truyền khắp nơi và cho mọi người.

Vượt qua mọi cấm kỵ

Chọn lối đi ngang qua vùng đất người Samari để đến Giêrusalem, Đức Giêsu làm một điều trái ngược với người đồng hương. Giữa người Do Thái và người Samari có nhiều căng thẳng lớn từ nhiều thế hệ. Những đối nghịch mang tính quốc gia, những bất đồng mang tính tôn giáo và sự khác biệt giống nòi, đã phân chia hai dân tộc là bà con với nhau này. Nhiều ranh giới hữu hình đã được dựng lên, và nhiều bức tường vô hình được xây bằng vô số thành kiến đầu độc bầu khí giữa họ.

Vì thế, khi có sự chọn lựa, không người Do Thái nào chọn đi ngang qua đất của phe đối nghịch. Thà rằng họ phải đi vòng xa hơn nhiều dọc theo miền duyên hải, còn hơn là đi con đường ngắn mà phải ngang qua đất của người Samari. Đó là một luật chơi bất thành văn mà hai bên đều biết.

Đức Giêsu thì rõ ràng thích chọn lối đi tắt ngang này. Một việc làm mang tính cách mạng. Người không quan tâm đến các căng thẳng, các cấm kỵ và thành kiến tồn tại. Đi xuyên qua các rào cản địa lý và các thành kiến, Đức Giêsu tìm sự gần gũi với con người bị thù ghét và tránh né, để làm rõ sức mạnh của tình yêu hòa giải. Và đây không là lần duy nhất Người đi lối này.

Tất nhiên, cách chọn lối đi ngược đời này không thể luôn luôn suôn sẻ, mà phải tính đến những cản trở, chống đối và khước từ. Nhưng đó là bài học không thể thiếu trong đời người môn đệ Giêsu. Từ chối hay phản kháng đến từ người khác, còn họ phải học ứng xử như sứ giả của Tin Mừng bình an trong các trường hợp đó. Một thách đố lớn đòi hỏi một sự trưởng thành nhân cách và niềm tin nơi người theo Chúa.

Sức tàn phá khốc liệt của xúc phạm

Hai tông đồ Giacôbê và Gioan giận dữ, khi bị dân làng miền Samari từ chối đón tiếp (Lc 9,54). Thái độ này của dân làng được Giacôbê và Gioan hiểu như là một sự tấn công cá nhân họ. Và hơn nữa: khước từ họ được hai ông hiểu như muốn khước từ luôn cả sư phụ của họ. Ghét ai ghét cả tông ti họ hàng! Nhưng là người Do-thái, hai ông phải biết rõ rằng trên nguyên tắc không người Samari nào muốn tiếp đón người Galilê đang trên đường đi Giêrusalem, dù hiếu khách là luật được coi trọng.

Trong trường hợp này, các tông đồ đã suy nghĩ và ước muốn như chúng ta khi bị khước từ, là muốn trừng phạt nặng nề tức khắc người từ chối mình. Con người ta xưa nay vẫn không lạ với lối phản ứng như vậy trong cùng một hoàn cảnh. Giacôbê và Gioan muốn kéo lửa từ trời tiêu hủy cái làng Samari đã không muốn tiếp đón họ. Qua đó, hai ông hẳn cũng muốn biểu dương quyền lực mạnh mẽ của Thầy, và một cách gián tiếp của cả chính mình, là những môn đệ của Người! Đó cũng là hình phạt mà ngôn sứ Êlia đã giáng trả các kẻ thù nghịch của ông (x. 2 V 1,10). Ai có quyền lực đến nỗi có thể “khiến lửa từ trời xuống thiêu rụi” cả làng, thì chờ đợi được kính nể và đón tiếp cách tương xứng!

Hầu như mọi vấn đề, xung đột và khủng hoảng lớn nhỏ của con người đều có nguyên nhân trong một sự xúc phạm.[2] Được hiểu như là một sự tấn công vào lòng tự trọng, vào danh dự và các giá trị cao quý thiêng liêng của một người[3]. Là một sự xúc phạm, vì chạm đến nạn nhân ở điểm sâu kín và nhạy cảm nhất. Bị chạm tự ái là cách nói chúng ta ưa dùng để mô tả thực tế này. Những thảm trạng gia đình được tường thuật hàng tuần với những tựa đề như: “Chạm tự ái giết người yêu” hay “Chồng giết vợ rồi tự sát” đều là những câu chuyện về xúc phạm hay chạm tự ái.

Nhìn từ chiều kích tâm lý thì đó là nỗ lực tự tái tạo lòng tự trọng và danh dự, được thủ phạm cho là bị tổn thương nặng bởi sự xúc phạm. Sự mất mát được cảm nhận thật lớn, nên sự cân bằng qua trả thù cũng đi vượt mức có thể tưởng tượng. Nỗ lực vượt qua cảm giác nhỏ nhoi và giành lại quyền kiểm soát đời mình hoàn cảnh đòi giá thật đắt. Sự vô độ nhắm đến việc nắm lại tay trên bằng mọi giá của kẻ (cho rằng mình) bị tước mất danh dự.

Nghiên cứu tâm lý cho thấy: những người mắc “hội chứng tự mê” (Narcist) dễ bị xúc phạm, vì họ hết sức nhạy cảm. Các Hitlers, Neros là những người thông minh và lịch thiệp nhưng vô cùng ái ngã theo cách tàn ác, bởi đầy những mặc cảm tự ti. Và một ông vua chột chỉ chấp nhận được những người mù quanh mình thôi. Là những người bình thường, nên các vị này phải ra tay tàn bạo và hạ thấp những người khác, để họ có thể nổi trội lên.

Từ chối đón nhận, vì chủ nhà không biết họ là ai, cũng được hai tông đồ Giacôbê và Gioan cảm nhận như là một sự xúc phạm không thể tha thứ. Vì vậy, phản ứng của họ thật mạnh mẽ. Hai tông đồ đã phải thất vọng lắm, và vì vậy họ giận lắm khi tỏ bày ước muốn kéo lửa từ trời xuống thiêu hủy, bình địa cả làng – dân cư, thú vật, nhà cửa, vườn tược. Ước muốn trừng phạt để trả thù cho một xúc phạm thì luôn vô độ.

Một kẻ vô danh tiểu tốt không có phương tiện đe dọa hay gây áp lực như vậy. Người đó không thể vỗ ngực xưng tên để hù dọa ai, và cũng vì không có ai chống lưng để dám “nổ” to như vậy. Đấng trút bỏ hoàn toàn mọi vinh quang, mặc lấy thân nô lệ (Pl 2,7) không đồng ý với đề nghị giải quyết vấn đề bằng việc phô trương quyền lực của hai môn đệ của mình: “Đức Giêsu quay lại quở mắng các ông. Rồi Thầy trò đi sang làng khác” (Lc 9,55).●

CHÚ THÍCH:

[1] Thư Rôma 8,29.

[2] Reinhard Haller, Die Macht der Kränkung, Salzburg 2015. R. Haller (1951) là một bác sĩ tâm thầnnhà trị liệu tâm lý và thần kinh học người Áo. Trọng tâm của công việc của mình là nghiên cứu nghiện. Ông còn được biết đến như một chuyên gia nhận định tâm thần.

[3] Nhiều người chịu đựng mọi sỉ nhục được, nhưng họ phản ứng mạnh, khi cha mẹ ông bà họ bị xúc phạm.

Bài trướcNhà tình thương Hướng Dương: gặp gỡ và kết nối
Bài tiếp theoChú Giải Tin Mừng Chúa Nhật XV Thường Niên, năm C (Lc 10,25-37)