OTP TẠI CHILÊ: LỚN LÊN TRONG ƠN GỌI NGÔI LỜI

0
98

Tôi đã có 2 năm và 3 tháng tham gia chương trình huấn luyện tại nước ngoài (OTP) tại Tỉnh dòng Ngôi Lời Chilê, một quốc gia thuộc khu vực Nam Mỹ (10/ 2019 – 12/2022). * Xem hình ảnh khi lật trang file PDF dưới đây.

MỞ ĐẦU

Sau 3 năm hoàn thành chương trình Triết học, tôi bước vào giai đoạn thực tập mục vụ trước khi vào chương trình Thần học. Với tư cách là tu sĩ trong Dòng Ngôi Lời với đặc sủng truyền giáo, việc tham gia OTP là một trải nghiệm vô cùng thú vị để tôi thêm định hình ơn gọi và có những trải nghiệm mới trước khi có thể lên đường thi hành sứ vụ trong tương lai.

Vào giai đoạn cuối của năm tốt nghiệp Triết học, anh em chúng tôi đã có thời gian để viết lên những nguyện vọng cho những nơi mà mình sẽ muốn trải nghiệm. Mỗi nơi đều có những nét độc đáo, nhưng không vì thế mà chúng tôi có thể chọn bừa vì còn phải cầu nguyện cũng như suy nghĩ tới khả năng đồng thời những kinh nghiệm của anh em đi trước là rất giá trị trong lúc này. Sau khi đã gửi đơn nguyện vọng, thông qua sự suy xét của quý cha hữu trách, tôi đã được chọn gửi đi Chilê cho bước đầu tiên trên hành trình sứ vụ.

Sau một thời gian chờ đợi để hoàn thành thủ tục với một vài phát sinh, anh em chúng tôi đã tới Chilê vào một sáng đầu tháng 10/ 2019 với một hành trình bay cũng như quá cảnh gần trọn hai ngày đêm. Những ngày này, Chilê đã vừa kết thúc mùa đông và bước qua mùa xuân. Chúng tôi được cha phụ trách OTP tại Chilê cùng cha G.B. Trịnh Đình Tuấn đang thi hành sứ vụ tại Chilê ra đón tại sân bay ở thủ đô Santiago. Sau đó, hai anh em được đưa về căn nhà nhỏ ở thủ đô, nơi có cha Giám Tỉnh và một cha phụ trách về giới trẻ người Indonesia đang sinh sống.

VÀI NÉT VỀ ĐẤT NƯỚC, CON NGƯỜI CHILÊ VÀ TỈNH DÒNG SVD CHILÊ

Về địa lý, địa hình: Chilê là một đất nước nằm ở khu vực Nam Mỹ. Nếu nhìn vào bản đồ, Chilê sẽ có chút tương đồng với Việt Nam: trông như hình trái ớt với khoảng hơn 4.300km chiều dài (Việt Nam khoảng 1.650km) nhưng hẹp bề ngang, cũng chia thành ba miền bắc – trung – nam; một mặt giáp Thái Bình Dương, một mặt ngăn cách với Argentina bởi dãy Andes (tương tự Việt Nam ngăn với Lào là dãy Trường Sơn). Ở Chilê thường xuyên có các trận động đất hoặc rung lắc, với rất nhiều thiệt hại có thể dễ dàng nhìn thấy ở khắp nơi. Quốc ngữ là tiếng Tây Ban Nha vì chịu sự thống trị hơn 400 năm của người Tây Ban Nha (người Nam Mỹ gọi chung tiếng Tây Ban Nha ở đây là “Castellano” để phân biệt với Español là ngôn ngữ của người Tây Ban Nha bản xứ). Khí hậu Chilê là điểm đặc biệt có lẽ nhất thế giới, khi mà hai người ở hai miền khác nhau sẽ như là ở hai đầu trái đất: đi từ miền trung ra miền bắc thì địa hình được bao phủ gần như là sa mạc khô cằn, quanh năm hầu như không có mưa, đặc biệt là có sa mạc Atacama còn khô cằn hơn cả Sahara; nhưng từ miền trung càng đi về phía nam thì ngược lại hoàn toàn: mưa nhiều, cây cối tốt tươi thậm chí đi về cực nam còn có khu vực quanh năm là băng tuyết nên chim cánh cụt có thể sinh sống; miền trung có thời tiết cân bằng so với cả nước với bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Biển Chilê hầu như không quá thuận lợi cho việc tắm bởi nước lạnh và dọc bờ biển rất nhiều đá lởm chởm, trừ một số ít vùng biển dành cho du lịch. Vì những điều kiện địa hình và khí hậu như vậy, dân số Chilê chỉ khoảng 18 triệu người nhưng lại phân bố rất không đồng đều: khá thưa ở miền nam, tập trung đông hơn ở miền trung, rất thưa ở miền bắc.

Tình hình xã hội: nhìn chung người dân Chilê khá hiền hậu, hiếu khách. Khi gặp nhau, họ chào nhau bằng cái ôm và nụ hôn trên má (đối với phụ nữ) và một cái ôm hoặc bắt tay (đối với đàn ông). Hầu hết đều yêu mến chủ đề về thể thao và chính trị, đây là hai đề tài có thể dễ dàng để giao tiếp với mọi người. Tuy nhiên, ở đây có rất nhiều cuộc biểu tình, xuống đường vì bất kỳ lý do nào; và thực tế, hầu hết chúng đều mang tính bạo loạn, lợi dụng hỗn loạn để cướp phá hơn là ôn hòa (thường là sự tham gia của người trẻ). Hiện tại, Chilê cũng đang phải giải quyết các vấn đề chính trị giữa chính phủ và người Mapuche, những cuộc bạo loạn đòi chia tách ở miền nam.

Về kinh tế: ở Chilê, sự phân vùng kinh tế là rất rõ ràng. Ở miền bắc, kinh tế chính là nghề khai thác mỏ đồng. Miền trung là nơi có thủ đô Santiago – là trung tâm tập trung dân cư, kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước; các vườn nho cũng hầu như tập trung ở khu vực miền trung. Rượu vang Chilê là một thương hiệu nổi tiếng thế giới. Về miền nam, kinh tế đa dạng hơn: nông nghiệp, chăn nuôi, dịch vụ, du lịch, đánh bắt… Hầu hết người trẻ, cũng tương tự ở Việt Nam, tìm kiếm các công việc ở các thành phố lớn hơn là đam mê nông nghiệp.

Văn hóa Chilê: nhìn chung thì không quá đặc sắc, nổi bật so với các nước Mỹ Latinh khác. Tuy nhiên, cũng có những nét độc đáo riêng. Ở Chilê có vài sắc dân chính cùng chung sống, ngoài ra còn có một lượng người châu Âu di cư từ lâu và di dân từ các nước lân cận khác, tạo nên sự hòa trộn văn hóa. Người dân Chilê nói chung có khiếu về nghệ thuật, âm nhạc. Miền trung và miền bắc Chilê có rất nhiều lễ hội, với các điệu múa nhảy. Trong gia đình, sự gắn kết giữa cha mẹ và con cái không cao như ở Việt Nam khi ở Chilê sự tôn trọng cá nhân được đề cao. Tuy nhiên, các gia đình cũng thường tập trung ăn uống, trò chuyện vào các ngày lễ lớn hoặc ngày sinh nhật của một thành viên nào đó. Ở Chilê, khi ta được mời tới dự một bữa tiệc nào đó, nhất là sinh nhật, thường là mang theo một món quà nhỏ.

Ẩm thực Chilê: có thể nói rằng không đa dạng bằng ẩm thực Việt. Thực phẩm các loại nhìn chung khá đắt đỏ. Thường thì ở các gia đình, bữa trưa là thời gian tập trung cả nhà, còn bữa sáng và tối thì tự do. Các món ăn Chilê nói chung khá dễ chế biến, dễ ăn. Món ăn hàng ngày của người dân là bánh mì với chút phô mai, bơ, patê, thịt nguội cùng với cà phê hoặc trà (chủ yếu là trà túi lọc). Bữa trưa là bữa chính, phổ biến là cơm hoặc khoai tây ăn với các món khác. Cơm ở đây không nấu như ở Việt Nam, nhưng luôn phải trộn thêm các nguyên liệu khác để nấu cùng: dầu ăn, muối, tỏi, cà rốt, bắp, vài loại đậu (nếu nấu cơm trắng như ở Việt Nam, sẽ được gọi là “cơm bệnh nhân”). Các loại rau được chế biến vô cùng đơn giản: hoặc là luộc lên hoặc là làm rau trộn như ở Việt Nam. Rượu vang thường được uống trong bữa ăn. Nhưng ở Chilê, canh rất ít khi được nấu nên có lẽ đó là lý do có thể uống trà, cà phê hay bất kỳ thức uống nào trong khi ăn (khác hoàn toàn ở Việt Nam), nhất là sáng và tối. Người dân Chilê (nhất là người trẻ) yêu thích các món ăn nhanh, nước ngọt có gas vì đó hình ảnh một người đi bộ mà trên tay có một khoai tây chiên, hot dog (ở Chilê gọi là “completo”), pizza hay hambuger cùng với một chai nước ngọt 3 lít là rất bình thường trên đường phố Chilê.

Về mặt tôn giáo, Chilê có số người Kitô hữu chiếm khoảng hơn 70% (trên giấy tờ) với phần lớn trong số đó là Công Giáo. Hầu hết các mặt của đời sống xã hội sẽ có thể nhìn thấy các biểu tượng tôn giáo, các ngày lễ lớn của các tôn giáo cũng được tính trong ngày nghỉ của cả nước. Giáo lý cũng được dạy trong các trường học, với bộ môn riêng biệt. Tuy nhiên, việc sống đạo hiện nay có thể nói được là “ít sức sống” do ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Số người tham dự thánh lễ rất ít, số người rước lễ còn ít hơn nữa. Hầu

như chỉ còn những người lớn tuổi tham dự các cử hành phụng vụ và việc đạo đức, rất nhiều trong số đó sống đơn thân. Đó là cơ hội thăm viếng mục vụ rất tốt, nhưng tương lai của Giáo Hội có thể bị đặt dấu hỏi. Ở Chilê, chúng ta cũng chắc chắn sẽ không thể nhìn thấy dòng người xếp hàng dài để chờ xưng tội. Dù nhiều người vẫn tôn trọng hàng giáo sĩ và các tu sĩ nhưng vấn đề ơn gọi gần như là đã dừng lại, rất khó để phát triển. Hiện nay, vấn đề hôn nhân thực sự là một thách đố cực lớn cho Giáo hội tại Chilê. Bởi dường như những người mang danh

Kitô hữu hiện tại không còn cảm thấy tầm quan trọng hoặc không cần tới Bí tích Hôn phối, mà họ thích “sống chung” cách không ràng buộc dù có con cái hay không. Vì lẽ đó, người ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy có rất nhiều “mamá soltera” (mẹ đơn thân), họ có vài ba đứa con có thể của vài ba người khác nhau, nhưng đang sống với một người không phải chồng cũng chẳng phải cha của đứa trẻ nào mà cũng có thể là sống một mình. Điều này xảy ra tràn lan, từ người bình dân cho tới cả những người học thức cao và có địa vị trong xã hội. Tệ hơn nữa, vào cuối năm 2021, chính phủ Chilê dù có sự phản đối của Giáo Hội địa phương nhưng đã hợp thức hóa cái gọi là “Hôn nhân đồng tính”. Giáo Hội hiện nay cũng đang phải đối mặt với vấn nạn chuyển giới, khi mà luật pháp Chilê cho phép dễ dàng hoàn tất từ thủ tục giấy tờ cho tới chỉnh sửa các bộ phận trên cơ thể. Nhiều nơi ở Chilê hiện nay, nhà thờ hoạt động như một cơ quan của xã hội, cũng phải thuê nhân viên làm việc và trả lương theo hợp đồng lao động như luật định.

Dòng Ngôi Lời đã hiện diện ở Chilê được hơn 100 năm (từ năm 1900), tham gia các sứ vụ như: giáo dục trường học, mục vụ giáo xứ, mục vụ di dân, mục vụ cho người bản địa, Tông đồ Thánh Kinh, mục vụ giới trẻ, công tác xã hội, mục vụ nhà tình thương, trung tâm tĩnh tâm, bán các ấn phẩm tôn giáo. Tuyên ngôn của Tỉnh Dòng là “Nuestro nombre es nuestra misión” (Tên của chúng ta là sứ vụ của chúng ta). Hiện tại Tỉnh Dòng có khoảng 60 thành viên tới từ nhiều quốc gia khác nhau, với khoảng 1/3 là từ Indonesia. Ở Chilê có một Giám Mục xuất thân từ Dòng Ngôi Lời hiện đang coi sóc một Giáo phận thuộc miền trung. Tuy nhiên, hiện nay Tỉnh Dòng đã không còn ơn gọi, và còn phải chịu “thất thoát” (một vài linh mục hồi tục hoặc chuyển qua giáo phận). Giữa các anh chị em thuộc gia đình Arnoldus cũng có những chương trình gặp gỡ tạo gắn kết.

GIAI ĐOẠN KHỞI ĐẦU…

Sau khoảng một tuần nghỉ ngơi, chúng tôi chưa kịp tới trung tâm ngôn ngữ thì xảy ra cuộc biểu tình lớn trên phạm vi cả nước. Vì đó mà chúng tôi đành tạm bị “giam lỏng” ở nhà chừng ba tháng, bởi không thể ra ngoài trong thời điểm nhạy cảm này. Chỉ thi thoảng chúng tôi tới trường học mà cha Giám Tỉnh làm hiệu trưởng tham gia sinh hoạt với các em học sinh trong lớp. Trong thời gian này, hai anh em chia nhau nấu ăn vào cuối tuần, dọn dẹp nhà, đi chợ, chăm vườn. Chúng tôi cũng thường tham gia các giờ thiêng liêng với cha Giám Tỉnh (cha còn lại rất hiếm khi ở nhà). Có lẽ sợ chúng tôi buồn nên thi thoảng cha Giám Tỉnh đưa hai anh ra ngoài đi lễ, chơi thể thao hoặc đi thăm viếng gần nhà.

Sau kỳ nghỉ Giáng Sinh và tết Dương lịch, mọi chuyện đã ổn hơn đồng thời cũng có thêm một số anh em Ngôi Lời từ các nước khác tới tham gia OTP hoặc thi hành sứ vụ, chúng tôi cùng bắt đầu khóa học ngôn ngữ trong khoảng 5 tháng. Khóa học của chúng tôi có các học viên từ các nước khác nhau: Indonesia, Ấn Độ, Trung Quốc, Brasil, Ba Lan và Việt Nam. Lúc này tôi cũng được chuyển tới một cộng đoàn mới, bắt đầu trải nghiệm thực sự đời sống cộng đoàn quốc tế với 7 thành viên tới từ 6 quốc gia: Chilê, Ghana, Argentina, Ecuador, Indonesia và Việt Nam. Lần đầu làm quen ngôn ngữ mới nên tôi có khá nhiều bỡ ngỡ, bởi lẽ tiếng Tây Ban Nha khác tiếng Việt cả về cấu trúc câu, ngữ pháp, chính tả, cách phát âm, cách diễn tả. Nó gần gũi với tiếng Anh về một số từ vựng, vài nét nhỏ của ngữ pháp, trong khi tôi cũng vốn dốt tiếng Anh. Dù rất nỗ lực nhưng để có thể hiểu cách trọn vẹn là không thể. Khóa học chưa được bao lâu thì, dịch COVID-19 xâm nhập vùng Nam Mỹ và lan tới Chilê, vì đó chúng tôi phải học online. Thủ đô Santiago là một trong ít những nơi chịu lệnh “cuarentena” (phong tỏa) lâu nhất thế giới (hơn 8 tháng). Trong thời gian này, vì không thể ra ngoài cách tự do nên tôi tham gia các sinh hoạt thiêng liêng cũng như các sinh hoạt khác trong cộng đoàn: nấu ăn, làm bánh mì, dọn nhà, chăm vườn cây, chơi thể thao,… Thi thoảng, tôi cũng xin giấy phép ra ngoài tham gia mục vụ xã hội cùng một cha phụ trách giới trẻ.

 

GIAI ĐOẠN THỰC TẬP NGÔN NGỮ VÀ TÌM HIỂU SỨ VỤ

Sau khoảng thời gian lệnh phong tỏa tạm được nới lỏng, tôi được gửi tới một giáo xứ nhỏ của nhà dòng thuộc miền trung gọi là vùng Canela để thực tập thêm về ngôn ngữ cũng như sống đời sống sứ vụ của một tu sĩ Ngôi Lời. Nơi đây có sự hiện diện của ba cha Dòng Ngôi Lời: cha sở người Ba Lan, một từ Ấn Độ, còn lại từ Brazil. Giáo xứ có một ngôi nhà thờ lớn đã bị hư hại do động đất không còn được sử dụng, hiện tại mọi sinh hoạt trong một căn nhà nguyện nhỏ. Ngoài giáo xứ Canela thì các cha còn kiêm thêm Giáo xứ Mincha vốn là một nhà thờ cổ được lập bởi các cha Dòng Đa Minh đầu thế kỷ 18 nhưng hiện tại là nơi không có cha xứ sinh sống vì cơ sở cũng chịu thiệt hại do ảnh hưởng của động đất, chỉ có thánh lễ được duy trì hàng tuần. Tuy nhỏ vậy nhưng thực tế là hai giáo xứ có tới… 52 giáo điểm nằm rải rác trên một khu vực rộng lớn tương ứng cỡ hai tỉnh ở Việt Nam. Vì thế, có những nơi có khi chỉ có một lần lễ trong một năm, lại càng bị hạn chế hơn vì dịch. Có lần tôi đi dâng lễ cùng cha xứ từ 7 giờ sáng, trừ 30 phút nghỉ ngơi ăn trưa thì thời gian còn lại là ở trên xe và dâng lễ cho được… 4 giáo điểm, nhưng trở về nhà nhà vào lúc hơn 7 giờ tối. Công việc của tôi ở đây cũng khá đa dạng: giúp lễ, đọc sách, soạn thánh trang, làm “ông từ” mở cửa và kéo chuông nhà thờ, cuối tuần dọn nhà thờ cùng với vài bà mẹ đạo đức. Tôi thường đồng hành với cha xứ đi dâng lễ hoặc cử hành các nghi thức ở các giáo điểm. Thi thoảng, cha xứ cũng mời gọi tôi chia sẻ với giáo dân về cảm nghiệm Lời Chúa, về đời sống và sứ vụ của bản thân, cũng như về đời sống của Việt Nam. Tôi đồng hành và chủ sự (nếu các cha vắng) giờ cầu nguyện trong tháng Kính Đức Mẹ (ở Chilê là từ ngày 8/11 tới ngày 8/12) cùng giáo dân tại đài Đức Mẹ ngay cửa ngõ vào Canela. Tôi hay vào bếp nấu ăn, nhất là cuối tuần cũng như là dọn dẹp nhà cửa. Ở đây có thêm công việc nữa là dọn dẹp lại ngôi nhà thờ cũ đổ nát do ảnh hưởng của động đất trước đó mấy năm. Ngoài ra, tôi cũng phụ việc chuẩn bị củi để sưởi trong mùa đông. Tôi cũng thường xuyên đi thăm hỏi giáo dân, hầu hết là những người lớn tuổi (vì hầu như chỉ có họ mới đi lễ) nhằm tìm hiểu thêm về đời sống, văn hóa cũng như trau dồi thêm khả năng ngôn ngữ. Tôi nhớ có lần tới thăm một bà cụ vào chiều tối vì đã mấy ngày không thấy bà dự lễ (ngày nào bà cũng đi lễ).

Khi tới nhà, tôi ấn chuông mà không thấy trả lời, nhưng cửa chính lại khép hờ (bà sống một mình), vì thế mà tôi đẩy cửa vào trong thì thấy bà đang nằm nghỉ trên giường vì rất mệt không thể đứng dậy. Bà nói nghe tiếng chuông cửa nhưng không biết phải làm sao. Tôi đã giúp bà ngồi dậy và chuẩn bị chút nước ấm cũng như chút đồ ăn, rồi giúp bà gọi cho người nhà tới coi sóc hoặc đưa đi thăm khám (tôi phải về trước 9 giờ tối vì lệnh giới nghiêm do dịch Covid, hơn nữa tôi còn là người nước ngoài). Ít hôm sau, tôi thấy bà đã khỏe lại và có thể đi dự lễ; từ đó, bà luôn gọi tôi như là đứa cháu nội của bà, mỗi khi đi lễ bà đều dừng lại nói chuyện với tôi một chút. Hàng tuần, tôi cùng tham gia với một nhóm chuẩn bị thức ăn và trao cho những người cao tuổi, người gặp khó khăn do dịch bệnh.

Sau gần 10 tháng ở Canela, vì chưa thể trở về Việt Nam do tình hình dịch bệnh, tôi được Cha Giám tỉnh gửi lên Giáo xứ Espíritu Santo (Chúa Thánh Thần) thuộc Dòng Ngôi Lời ở vùng miền bắc gọi là Iquique. Đây là nơi khá đặc biệt khi trước mặt giáp biển, còn phía sau lại là sa mạc. Giáo xứ này được coi sóc bởi một cha trẻ người Indonesia. Cha giao cho tôi khá nhiều công việc: đọc sách, thánh trang và giúp lễ, trao mình thánh trong thánh lễ, giúp chầu, làm “ông từ” mở và đóng cửa nhà thờ, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc vườn, sửa dọn nhà thờ, nấu ăn các ngày thường trong tuần. Tôi rất năng đi thăm viếng những người giáo dân ở gần nhà thờ. Ngoài ra, tôi cũng cùng cha xứ và một nhóm giáo dân hằng tuần vài ba lần đi mục vụ cho người di dân từ các nơi tới Chilê. Người di dân ở Chilê hiện tại đang là một vấn đề có thể nói là cực kỳ “nóng”, vô cùng nhức nhối. Mỗi tuần có hàng trăm hàng ngàn người từ các nước: Venezuela, Bolivia, Colombia, Haiti, Peru và một vài nước khác vượt biên trái phép vào Chilê với mong ước “đổi đời”. Họ đi bộ hàng trăm cây số trên sa mạc mênh mông mang theo cả gia đình bao gồm nhiều trẻ nhỏ và phụ nữ có thai cùng với những con thú cưng, thậm chí có người đã bỏ mạng trên đường đi trước khi tới nơi. Việc này đã làm thay đổi đời sống, tập quán sống của người dân Chilê về nhiều mặt nhưng nhìn chung thì mang lại tiêu cực nhiều hơn: ô nhiễm môi trường; khó khăn cho vấn đề quản lý dân cư (hầu hết đều không có giấy tờ tùy thân hợp pháp); gia tăng về tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm, trộm cướp… Đặc biệt, Iquique mà tôi tới đây vốn là một nơi thiên về kinh tế biển với cả du lịch, tham quan và đánh bắt nhưng vài năm trở lại đây thì đã gần như không còn phát triển bởi người di dân dựng lều tạm trú dọc bờ biển để sinh hoạt, gây ra rất nhiều vấn đề nan giải. Nhất là trong thời gian đại dịch, việc di biến động khó kiểm soát của họ mà nhiều người trong số đó chưa từng tiêm chủng đã đè nặng thêm cho xã hội và y tế của Chilê. Đó là lý do mà cư dân nơi đây vốn nổi tiếng ôn hòa nhưng đã đứng lên tổ chức nhiều cuộc biểu tình phản đối người di dân cũng như chính quyền vì thiếu khả năng kiểm soát. Vì thế, chúng tôi đi thăm viếng, gửi cho họ ít đồ nhu yếu phẩm như: lều bạt, mùng mền, thực phẩm, quần áo, thuốc men căn bản và thêm các đồ dùng vệ sinh như: kem đánh răng, dầu gội, sữa tắm, giấy vệ sinh,… Những dịp này, chúng tôi ngoài gửi tặng đồ thì luôn kèm theo việc căn dặn họ chăm sóc vệ sinh cá nhân, giữ gìn vệ sinh môi trường, an ninh trật tự phù hợp với văn hóa địa phương…

TẠM KẾT

Sau khoảng thời gian chỉ hơn hai năm tham gia OTP tại Chilê, tuy rất ngắn ngủi nhưng cũng lưu lại cho tôi nhiều kỷ niệm khó quên. Qua hành trình này, tôi tạm rút ra cho bản thân vài đánh giá cũng như kết luận:

Niềm vui: Tạ ơn Chúa, cám ơn Hội Dòng và Tỉnh Dòng vì đã cho tôi có cơ hội rất tốt trải nghiệm một văn hóa mới, ngôn ngữ mới và nhiều thứ mới để tôi có thể chuẩn bị được phần nào cho sứ vụ trong tương lai. Cha Giám tỉnh, Cha Phụ trách OTP cũng như nhiều thành viên của Tỉnh Dòng có sự quan tâm tới anh em. Sống đời sống cộng đoàn quốc tế cũng là cơ hội để tôi làm quen với đời sống của một tu sĩ truyền giáo. Điều này giúp tôi học hỏi thêm nhiều cả về văn hóa cũng như cách sống của những con người tới từ các nền văn hóa khác nhau. Điều này cũng giúp tôi thêm xác tín, định hình hơn ơn gọi sứ vụ tương lai của bản thân.

Chilê là đất nước tự do cho nên các hoạt động tôn giáo gặp rất nhiều thuận lợi. Tôn giáo được nhà nước bảo hộ và tạo nhiều điều kiện để người dân thể hiện niềm tin, và để các tổ chức tôn giáo cụ thể hoá vai trò của mình. Người dân nói chung cũng khá hiền hòa, dễ gần. Biết tôi là người mới và đang học hỏi ngôn ngữ, nên khi nghe tôi nói sai người ta không tỏ ra giận dữ hay khó chịu nhưng sẵn sàng giúp tôi chỉnh sửa như một người bạn thân. Ở Chilê có một nét đẹp là sau giờ lễ, các cha và tu sĩ sẽ đứng ở cửa nhà thờ để chào tạm biệt giáo dân.

Với Dòng Ngôi Lời, việc đã có mặt ở đây trong một thời gian khá dài đã tạo cho Tỉnh Dòng có một cơ sở vật chất cùng với cơ cấu khá vững chắc. Thế nên, đây là những thuận lợi cho các tu sĩ tham gia OTP. Tỉnh Dòng Chilê có một chương trình hỗ trợ dành riêng cho OTP về mọi mặt, cả việc học và thực hành ngôn ngữ cũng như công tác mục vụ. Sau khi hoàn tất chương trình, Tỉnh Dòng sẵn sàng đồng ý cho các tu sĩ ở lại học Thần học…

Khó khăn: Lần đầu tiên trong đời rời xa khỏi quê hương, phải tiếp cận với những thứ hoàn toàn mới lạ và khác biệt, rõ ràng việc tôi phải đương đầu với những thử thách là điều khó tránh. Trước hết là ngôn ngữ, bởi khác xa so với tiếng mẹ đẻ. Kế đến là đời sống cộng đoàn quốc tế với những con người hoàn toàn xa lạ và khác biệt về nhiều mặt, đặc biệt là não trạng cũng là thử thách không hề dễ dàng bởi ví dụ tôi cảm nhận có vẻ như đối với một số người coi Việt Nam chỉ là một cái tên ở bên ngoài thế giới này, khi cố tình bị gọi là Trung Quốc dù đã được giải thích. Điều này càng trở nên nhạy cảm trong bối cảnh đại dịch Covid. Sống cộng đoàn quốc tế cũng giúp tôi nhận ra được những khác biệt văn hóa, ví dụ: ở Việt Nam, vòng tay hay chắp tay trước ngực trong giờ thiêng liêng hoặc trong giao tiếp là sự thể hiện bình thường của thái độ khiêm cung hay lắng nghe, tuy nhiên ở Chile điều đó lại là bất thường khi tôi từng bị chất vấn một cách khá gay gắt khi tôi khoanh tay, họ hỏi: “Có phải bạn không thích nói chuyện? Có phải bạn muốn né tránh việc này việc kia?”.

Trong đời sống hàng ngày, nhất là trên bàn ăn, họ tranh luận với nhau rất nhiều, không phân biệt cấp bậc hay lứa tuổi, miễn là thể hiện lập trường của mình vì thế mà thời gian mỗi bữa ăn có khi kéo dài hàng giờ đồng hồ. Nhưng tôi vốn khởi đi từ nền văn hoá Á Đông, nghe nhiều hơn nói, thậm chí nếu biết cũng chỉ nói ít thôi vì nếu nói quá sợ bị đánh giá là thiếu khiêm tốn… cho nên khi ngồi trò chuyện tôi nghe phần nhiều.

Nhưng vì tôi ít tham gia những câu chuyện và tranh luận nên có lẽ họ nghĩ tôi không hiểu gì, không có lập trường và chủ kiến, không quan tâm tới câu chuyện của họ. Đây là một hạn chế lớn của tôi, và điều này cũng gây khó khăn trong việc học ngôn ngữ bởi lẽ giao tiếp (nói) là phần quan trọng nhất để hiểu một ngôn ngữ.

Tôi hiện diện đúng vào hai thời điểm nhạy cảm cũng là điều kiện khách quan làm ảnh hưởng nhiều tới sứ vụ. Đầu tiên là cuộc biểu tình toàn quốc làm gián đoạn mọi thứ, tiếp đến là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Hai điều này đã làm thay đổi, đảo lộn nhiều thứ khiến tôi bị hạn chế trong tiếp xúc, đi lại thăm viếng cũng như cơ hội để hiểu cách sâu sắc hơn những nét văn hóa, đất nước và con người Chilê. Chẳng hạn, tôi không có nhiều cơ hội để đi xuống miền nam Chilê.

Những ưu tư cho sứ vụ: Như đã trình bày, nhìn chung ở Chilê vẫn coi trọng hàng giáo sĩ và các tu sĩ nhưng không như ở Việt Nam. Ở Chilê, khi hẹn gặp giáo dân nhưng chưa được họ đồng ý rõ ràng thì nhiều khả năng họ không đón tiếp. Nhiều người cũng chỉ coi giáo sĩ, tu sĩ như là một chức vị bình thường, nhất là sau khi xảy ra những biến cố liên quan tới một số người trong hàng giáo phẩm, nhiều người càng tỏ ra dè dặt hơn trong tiếp xúc.

Thi hành sứ vụ ở Chilê, anh em cũng phải chuẩn bị tâm thế sẵn sàng khi mọi thứ hoàn toàn khác biệt với Việt Nam. Không có chuyện giáo dân xếp hàng chờ xưng tội, chờ rước lễ (phần hiệp lễ, nhiều nơi chủ tế hỏi ai muốn rước lễ rồi sau đó xuống tận nơi những người đó đang đứng) nhưng mục tử là người thực sự “đi tìm chiên”. Tôi nhớ có một lần, cha xứ dẫn tôi cùng đi dâng lễ vào buổi trưa tới một giáo điểm cách xa hàng giờ đồng hồ chạy xe, nhưng khi tới nơi hai cha con đợi gần một tiếng đồng hồ không có ai tới. Cha gọi điện cho chị thường mở cửa nhà thờ (cha xếp lịch với chị này), thì chị nói rằng có thông báo rồi, nhưng không có ai muốn đi lễ, nên chị cũng không tới mở cửa. Vì thế, hai cha con đành quay về.

Ở Chilê, hầu như chỉ còn người lớn tuổi tham dự các phụng vụ, đặc biệt là thánh lễ. Trong số họ, rất nhiều người sống đơn thân. Đó cũng là cơ hội để thăm viếng mục vụ, nhưng tương lai của Giáo Hội có thể bị đặt dấu chấm hỏi.

✍️ Tu sĩ: Giuse Tạ Quang Duy

 

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Ba, Tuần 4 Phục Sinh)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (14/5, Thánh Mátthia, Tông đồ, Lễ kính)