MỘT NĂM CHỜ ĐỢI HÀNH TRÌNH HỒI HƯƠNG

0
786

Giuse Hoàng Gia Thẩm Phán – Học viện Ngôi Lời

Bạn có biết đất nước Papua New Guinea ở đâu không? Có lẽ nhiều người sẽ ngơ ngác vì chưa từng nghe cái tên này bao giờ. Và nếu người nào có nghe cái tên này vài lần thì mường tượng rằng đất nước này chắc nằm ở Phi Châu. Thưa không phải, đất nước ngày được gọi là đất nước thổ dân, thuộc châu Đại Dương.

Tôi rời Việt Nam ngày 13/8/2018 và dự kiến sẽ kết thúc chương trình rèn luyện ở nước ngoài (OTP/CTP) sau hai năm. Thế nhưng không ai đoán trước được điều gì, gần hết năm thứ hai cho việc học tập và thực tập mục vụ truyền giáo tại đất nước Papua New Guinea thì cũng là lúc dịch Covid-19 bùng phát. Trong tình hình đó, ở các nước Châu Á Thái Bình Dương dần dần đóng cửa. Còn đất nước tôi đang ở thì vẫn bình an, vì cũng chẳng có ai ra vào đất nước này nhiều nên dịch dường như không ảnh hưởng nặng. Đầu tháng 6 năm 2020 tôi với một thầy đi cùng làm kế hoạch hồi hương và đệ trình lên cha giám tỉnh SVD tại Papua New Guinea. Đệ trình của hai anh em chúng tôi được duyệt nhưng không may Việt Nam và một số nước lân cận đóng cửa sân bay quốc tế, các nước khác cũng trong tình trạng báo động đỏ và không có chuyến bay ra vào. Kế hoạch hồi hương khó thành. Ngày khai giảng năm học mới vào tháng 9/2020 gần kề nhưng không hy vọng sẽ về kịp. Rồi đến lượt Papua New Guinea cũng đóng cửa biên giới để được an toàn trước nguy cơ dịch bệnh. Mỏi mòn chờ cơ hội dịch giảm, đồng thời viết thư gửi Đại sứ quán Việt Nam ở Úc (kiêm Papua New Ginea) để đăng ký những chuyến bay đưa công dân hồi hương nhưng không được.

Năm học Thần học 2020 đã bắt đầu. Tôi cùng với ông thầy đi cùng phải làm đơn xin nhà trường cho gia hạn thêm một năm để năm tới có cơ hội về tiếp tục chương trình học.

Một năm qua rồi, chúng tôi cũng có được vé về. Trước đó ngày 29/8 hai anh em chúng tôi đã làm tuần cửu nhật mừng kính sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria 8/9 và dâng lên ước nguyện được về nước.  Trong ngày sinh nhật Mẹ, kết thúc tuần cửu nhật tình hình có vẻ sáng hơn khi chúng tôi nhận được thông tin sẽ có chuyến bay từ Hàn Quốc về Việt Nam ngày 15/9. Chúng tôi nắm lấy cơ hội đó để làm thủ tục nhưng vì không lấy được vé từ Papua New Guinea bay về Hàn Quốc nên đành phải chuyển sang chuyến bay ngày 22/9. Thời điểm ấy tôi không khỏi lo lắng vì sợ phải huỷ chuyến bay, đổi ngày bay. Ngày tôi ra đi 3 năm trước chỉ với hai chặng bay thời lượng 10 tiếng bay thì đã tới được đất nước Papua New Guinea nơi tôi muốn tới. Còn lượt hồi hương lần này thì “gần nhà mà xa ngõ”, phải di chuyển hết 3 ngày qua ba chặng bay mới về tới Việt Nam.

Chặng 1 từ Papua New Giunea tới Singapore và chờ qua đêm. Chặng 2 từ Singapore sang Hàn Quốc và chờ đó cho tới ngày hôm sau lên chuyến bay về nước. Trên hai chặng bay đầu tiên, khi di chuyển các nhà chức trách chỉ yêu cầu đeo khẩu trang đề phòng dịch Covid-19. Cong chặng thứ 3 từ Hàn Quốc về Việt Nam thì phải mặc bộ đồ bảo hộ. Ở sân bay Hàn Quốc hôm ấy có rất nhiều người Việt về từ các nước khác nhau và tổng cộng con số trên chuyến bay hôm đó gần 300 người.

Thật sự khi ngồi trên chuyến bay hồi hương tôi có cảm giác bâng khuâng khó diễn tả. Một phần nhớ về vùng truyền giáo nơi đó đã hơn 3 năm, cùng ăn uống và sinh hoạt với người dân, nhớ những con người kham khổ, không có cái ăn, cái mặc, nhà lá vách nứa. Phần khác tôi thầm tạ ơn Thiên Chúa vì Ngài đã gìn giữ tôi bình an trở về, không đau bệnh. Ngài đã nghe tiếng kêu xin, sắp xếp mọi sự và chuyến bay không bị dời ngày.

Khi lên được chuyến bay từ Hàn Quốc để về Việt Nam thì trong tôi dâng trào cảm nghiệm tình Chúa thương tôi. Thiên Chúa như người Cha nhân hậu luôn sắp xếp và ban phát những gì là cần thiết cho con cái Người. Dù phải chậm đi một năm học nhưng năm nay Chúa lại cho có cơ hội về kịp thời gian học để bước vào những tuần đầu cho việc học trực tuyến. Những cảm nghiệm đó làm cho tôi ngồi trầm tư trong nước mắt vì hạnh phúc. Chúa đã gọi tôi và dẫn đưa tôi trở thành chứng nhân cho Ngài nơi vùng đất thổ dân Papua New Guinea. Chúa luôn đồng hành cùng tôi trên chặng đường sứ vụ và giờ đây cùng tôi trở về khi đã hoàn tất. Ở mỗi chặng quá cảnh, tại sân bay đều có Internet nên những dòng tin nhắn hỏi thăm, những cuộc gọi đến hỏi tình hình thế nào đã làm cho tôi cảm động vô cùng. Bao nhiêu lời chúc mừng thì bấy nhiêu cảm xúc dâng trào trong tôi và điều đó tôi cảm nhận được sâu xa hơn nữa về “Ơn Ta luôn đủ cho con” (2Cr 12,9).

Để đảm bảo an toàn trong mùa dịch, khi về tới Việt Nam, tôi phải cách ly 14 ngày. Hai tuần cách ly cũng là những tuần đầu của việc học trực tuyến và là thời gian để nghỉ ngơi đôi chút. Tận dụng những ngày này tôi ngẫm nghĩ những ngày tháng nơi miền truyền giáo Papua New Guinea cũng như những kinh nghiệm mình học được. Về Việt Nam ăn cơm Việt thật ngon nhưng cũng có nhiều lần thèm ăn khoai, mì và các loại rau củ ở vùng đất của thổ dân cùng các món truyền thống của họ. Nhiều khi ngồi ăn món ngon tại nơi cách ly tôi nhớ lại những lần vào các giáo điểm không có gì ăn, được người dân cho củ khoai nướng cũng thấy… thượng hạng. Ăn khoai, uống nước suối vào nữa là căng bụng.

Kết thúc thời gian cách ly, tôi sẽ trở lại Sài Gòn để tiếp tục việc học tập và sinh hoạt trong nhà dòng. Đó cũng là nơi đào tạo cho tôi đủ tự tin ra đi và cũng là nơi đón nhận tôi trở về trong vòng tay yêu thương của tình anh em, con một Cha. Tôi không quên gởi lời cảm ơn đến cha Giám tỉnh, cha giám đốc OTP và cha Bề trên hai Tỉnh dòng PNG và Việt Nam đã tạo mọi điều kiện giúp đỡ anh em chúng tôi có chuyến hồi hương tốt đẹp và thành công.

(Bài viết này đã được đăng trên báo CGvDT (cgvdt.vn), tuần lễ từ 22-28/10/2021)

Bài trướcChú Giải Tin Mừng Chúa Nhật XXX TN B (Mc 10,46-52)
Bài tiếp theoSỐNG GIÁ TRỊ TIN MỪNG (24/10, Chúa Nhật XXX TN – B)