Học gì qua cái nghèo

0
322

Những ai đã trải qua những thập niên 80, 90, nhất là những người sinh ra và lớn lên tại miền Bắc, miền Trung Việt Nam đều cảm nhận được cái nghèo, cái đói. Tôi đã có biết bao lần rưng rưng nước mắt khi bưng bát cơm lên nhưng chỉ nhìn thấy toàn khoai với mì, xen kẽ vài hột cơm nhão, choẹt… Nếu mô tả lại những hình ảnh đó và sự cảm nghiệm về nó cho các bạn trẻ thời nay, có lẽ không ai tin và chẳng thể hình dung ra. Nhưng đó lại là sự thật, một sự thật của đất nước, con người Việt trong những năm tháng sau biến cố 75. Ngày nay, sự đói, sự khổ có lẽ đã giảm phần nào, nhưng vẫn còn đó biết bao người, bao gia đình vẫn thiếu của ăn, cái mặc, còn phải chịu cảnh bần cùng, khốn khổ. Vậy, là một tu sĩ truyền giáo, tôi đã, đang và sẽ học được gì nơi cái nghèo? Tôi đã, đang, và sẽ làm gì khi phải đối diện và làm mục vụ cho những người nghèo, vùng nghèo, nước nghèo?

Trong ký ức của mình, tôi vẫn còn nhớ vào ngày lễ Thánh Giuse,bạn trăm năm của Đức Trinh Nữ Maria, 19 tháng 03 năm 1999, mẹ tôi đã hầm một nồi khoai tây với mỡ heo và nấu một nồi cơm trắng để cả gia đình ăn mừng lễ. Đây là thành quả của mẹ tôi sau một ngày cực nhọc lăn lộn nơi xóm chợ. Hạnh phúc biết bao! Tôi ăn một cách ngấu nghiến. Bữa cơm ngon như chưa bao giờ từng có. Nó giống như người đi giữa sa mạc vớ được chai nước lạnh, mà chai nước đó không phải tự dưng xuất hiện nhưng do một người thân yêu băng ngàn dặm đường đầy cát bụi mang tới. Đã nhiều năm rồi tôi vẫn nhớ hình ảnh này, không phải để đau khổ vì một thời đói khổ, hay hạnh phúc, sung sướng vì một lần được ăn một bữa ngon, nhưng để thầm cảm ơn gia đình, cảm ơn Chúa vì chính kinh nghiệm sống trong những hoàn cảnh như thế đã giúp con người tôi trưởng thành hơn, có can đảm để đương đầu với những chông gai trong cuộc sống hơn, và nhất là biết đồng cảm với những cảnh đời bất hạnh, nghèo đói hơn.

Trong sự cảm nghiệm sâu xa, tôi hiểu rằng, chính những năm tháng sống trong hoàn cảnh khó khăn ấy, đã giúp tôi vượt qua nhiều trắc trở trong đời sống, đời tu. Những khi gặp điều không hay, những khi khó khăn ngập tràn, những khi chán nản vì những thất bại… tôi thường nghĩ đến những năm tháng cơ cực, để rồi lòng mình vẫn hướng lên Chúa mà thưa rằng: Lạy Chúa, bao khó khăn trước đây con đã vượt qua, Chúa đã giúp con đi tới, chẳng lẽ con lại chịu thất bại, nản lòng vì giây phút hiện tại? Chẳng lẽ Chúa không giúp con để con có thể đương đầu và vượt qua những điều này sao! Và cứ như thế, đời sống, đời tu của tôi, dù có lúc này, lúc khác, khi niềm vui lâng lâng, lúc mây đen bao phủ, song tôi vẫn vững tin để tiến bước, vì tôi biết rằng, Chúa luôn đồng hành cùng tôi. Ngài vẫn hiện diện bên tôi theo cách riêng của Ngài.

Nhờ những kinh nghiệm và cảm nghiệm đó, nên khi vào dòng tu, khi được sai đi mục vụ, được tiếp xúc với những người nghèo, tôi dễ dàng đón nhận trong niềm vui, trong một sự hứng khởi, trong tinh thần mà Chúa muốn. Kinh nghiệm và cảm nghiệm này tôi đã trải qua khi làm chương trình OTP ở Chilê. Khi hoàn thành chương trình học và thực tập ngôn ngữ, tôi được sai đến học mục vụ tại một Giáo xứ của DòngNgôi Lời, Giáo xứ Thánh Giuse Thợ, thuộc ngoại ô thành phố Rancagua, miền Trung Chilê. Thành phố này, trước đây, thuộc loại sầm uất và giàu có. Nhưng do nhiều biến động của lịch sử, ngày nay, Rancagua đã không còn như xưa. Hầu hết những người trẻ đều theo học và làm việc tại thủ đô Santiago hay các vùng khác, chỉ về thăm nhà dịp cuối tuần hay dịp lễ. Điều đó khiến cho nơi đây dường như mất đi sức sống và có phần chậm chạp. Giáo xứ Thánh Giuse Thợ cũng thế: già nua, nhiều người nghèo…

Một trong những công việc mục vụ của tôi khi ở đây là thăm người nghèo và cùng ăn uống, chuyện trò với họ. Giáo xứ mỗi tuần nấu hai bữa cơm từ thiện cho những người nghèo trong Giáo xứ và các vùng lân cận, cả những người ăn xin, những người vô gia cư. Thực phẩm do giáo dân đóng góp qua hình thức dâng lễ trong mỗi Chúa Nhật. Khi bắt đầu tham gia công việc này, ý hướng của tôi chỉ nghĩ rằng: đây là cơ hội để thực hành ngôn ngữ. Song, dần dần, khi tiếp xúc với họ, tôi thấy lại hoàn cảnh của mình lúc xưa; tôi thấy người Chilê cũng đói khổ như người Việt Nam; tôi hiểu được rằng cái nghèo là một sự khổ không chỉ riêng một cá nhân, vùng miền nào nhưng nó hiển hiện nhiều nơi, nhiều người phải nếm chịu. Tuy nhiên, tôi thấy có một chút khác biệt giữa Việt Nam và Chilê. Người Chilê, dù nghèo nhưng họ sống rất ung dung, tự tại, và mọi người nhìn họ với một ánh mắt yêu thương và đầy tôn trọng. Vì thế mà người Chilê gọi những người ăn xin bằng một danh từ rất “kêu”: caballero (người lịch sự), vì với họ, dám đi ăn xin đã là một hành động đáng nể phục rồi! Một chút khác biệt về văn hoá, nhưng có một điểm chung nơi những người nghèo, nhất là người Công Giáo, đó là niềm tín thác vào Chúa. Những niềm vui khi tiếp xúc với họ, những bài học có được khi đồng hành cùng họ đã giúp tôi vơi đi nỗi nhớ nhà, quên đi những mệt mỏi và căng thẳng khi phải sống nơi đất khách quê người, cho tôi thêm niềm tin vào cuộc sống, nhất là giúp tôi định hình lại ơn gọi và sứ vụ trong Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời, trong hiện tại và tương lai.

Như thế, đau khổ, nghèo khó, bệnh tật… trong đời sống thường ngày có lẽ không ai muốn và cũng chẳng phải do Chúa gửi đến như con người thường nghĩ. Song, điều đó không phải là vô giá trị, nếu con người biết chấp nhận nó để vươn lên, để nhìn đến sự bé nhỏ, thấp hèn, cay đắng của đời người, để thấy và cảm nghiệm tình Chúa yêu thương. Ngài không hề bỏ rơi nhưng đồng hành để nâng đỡ, ủi an. Sự lầm than của kiếp người này chỉ thực sự là mây đen bao phủ, chỉ thực sự là gánh nặng đời người nếu ta nhìn nó trong chiều hướng tiêu cực. Tôi hằng suy niệm và cảm ơn Chúa đã cho tôi nếm trải và vượt qua những giai đoạn đầy khó khăn trong cuộc đời của mình. Vì chính điều đó đã nung nấu ý chí vươn lên trong tôi, vì chính điều đó đã giúp tôi có cái nhìn và tấm lòng của một người dễ hiểu, dễ cảm thông với những người nghèo. Hơn hết, chính điều đó đã giúp tôi khám phá cách rõ nét hơn tình thương và sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời.

Tu sĩ Giuse Nguyễn Công Lai,SVD

 

Bài trướcPhút nhìn lại
Bài tiếp theo“Việc dạy Giáo lý và công cuộc Phúc Âm hóa xã hội”

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.