Đức Maria dẫn chúng ta đến một sự cam kết với sứ vụ

0
569

ĐỨC MARIA DẪN CHÚNG TA ĐẾN MỘT SỰ CAM KẾT VỚI SỨ VỤ

Bài suy niệm của Cha Bề trên Tổng quyền Paulus Budi Kleden và Hội đồng Tổng quyền.

Lm. GB. Trịnh Đình Tuấn, SVD chuyển ngữ

Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, thể hiện như là gương mẫu của chúng ta để khám phá, chấp nhận và đưa ra thực hành ý định của Thiên Chúa.

Trong suốt chiều dài lịch sử, Đức Maria đã thể hiện cho muôn thế hệ Ki-tô hữu như là mẫu gương về các nhân đức tuyệt hảo và là người môn đệ tuyệt vời nhất trong các môn đệ của Chúa Giêsu, Con Mẹ. Trong thực tế, Đức Maria thành Na-da-rét là mẫu gương lý tưởng về đức tin và niềm xác tín trọn vẹn nơi Thiên Chúa.

Trong biến cố Truyền Tin, Đức Maria tự xưng mình là nữ tỳ của Chúa. Mẹ dâng hiến trọn vẹn cuộc sống mình cho Thiên Chúa, đó là mẫu gương của sự vâng phục. Việc thăm viếng chị họ Isabel cho thấy Đức Maria đã sẵn sàng để ra đi đến với những người khác, đặc biệt là đến với những người đang cần sự giúp đỡ. Trong bữa tiệc cưới tại Ca-na, Mẹ hành động như một người luôn quan tâm lo lắng đến hạnh phúc của người khác và luôn thấu hiểu những vấn đề và khó khăn của họ. Với sự hiện diện kín đáo nhưng hiệu quả của Mẹ, những thay đổi đã xảy ra, hạnh phúc và niềm vui trở lại với cuộc sống của mọi người. Tuy nhiên, tất cả các nhân đức của Đức Maria được sinh ra từ thái độ đầu tiên này, điều đã được thể hiện trong biến cố Truyền Tin: Chăm chú lắng nghe.

Tổng Tu Nghị lần thứ 18 của chúng ta, được cử hành vào năm 2018 (180 CG), nhấn mạnh đến nhân đức này của Đức Maria khi xác nhận rằng Mẹ là gương mẫu về sự chăm chú lắng nghe và lắng nghe một cách tích cực (xc.180 CG # 24). Thánh sử Luca (Lc 1, 26-38) viết rằng Thiên Chúa đã sai Thiên Thần Gabriel đến một thành miền Galilea, được gọi là Nazaret, đến với một trinh nữ tên là Maria và vào nhà bà, rói rằng: “Mừng vui lên, vì bà được hưởng ân huệ của Thiên Chúa!”. Mẹ đã vô cùng băn khoăn trước lời chào đó và trong lòng Mẹ đã bắt đầu nảy sinh biết bao những câu hỏi. Thiên Thần truyền đạt những điều Thiên Chúa có trong tâm trí: Mẹ sẽ là mẹ của Con Đấng Tối Cao. Tuy nhiên, trong tâm trí Mẹ vẫn còn những băn khoăn, và tất cả những câu hỏi của Mẹ được kết thúc  bằng một câu hỏi đặt ra cho Thiên sứ tỏ lộ sự bối rối và sợ hãi của Mẹ: “Làm sao có thể như thế được, vì tôi không biết đến người nam?” “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể được”, Sứ thần đáp. Mẹ nhận ra rằng, mình là một nữ tỳ khiêm hạ và nghèo khó, nhưng, tín thác vào Lời Chúa, Đức Maria đón nhận sứ vụ mà mình đã được giao phó. Lắng nghe và phân định, theo William Nordenbrock, CPPS, định nghĩa, phân định là một quá trình, theo đó, cá nhân và tập thể, chúng ta tìm cách nhận ra thánh ý Thiên Chúa và đưa ra quyết định tích cực để sắp xếp cuộc sống của chúng ta theo thánh ý đó.

Phần thứ hai trong Tuyên bố của Tổng Tụ Nghị chúng ta là trình bày vai trò và tầm quan trọng của sự phân định trong cuộc sống và sứ vụ của chúng ta; nó cho phép chúng ta nhận ra thánh ý của Thiên Chúa, xác định những kế hoạch của Người và tham gia vào một quá trình được đào luyện và biến đổi. Sự phân biệt đòi hỏi một thái độ lắng nghe “với trái tim và khối óc rộng mở ra nhiều cách, mà qua đó, Thiên Chúa nói với chúng ta”(180 CG # 18). Theo hướng này, Đức Maria , Mẹ Chúa Giêsu, thể hiện như một mẫu gương cho chúng ta về sự khám phá, đón nhận và đem ra thực hành ý định của Thiên Chúa.

Lấy cảm hứng từ tấm gương của Đức Maria, làm thế nào chúng ta có thể nuôi dưỡng thái độ chăm chú lắng nghe và lắng nghe cách tích cực? Chúng ta có thể bắt đầu bằng cách lắng nghe những tiếng nói bên trong chúng ta. Chúng ta có thể tự hỏi mình, nếu chúng ta để không gian và thời gian cho những tiếng nói đang nói trong tâm hôn ta. Đôi khi chúng ta có thể có những sợ hãi trong việc lắng nghe tiếng nói của nội tâm. Những mầu nhiệm đang ẩn đấu đó là gì? Những giấc mơ được tỏ bày đó là gì? Thiết lập những không gian thinh lặng, đặc biệt là trong chính mỗi người chúng ta, là điều kiện không thể thiếu để lắng nghe tiếng nói đang cư ngụ trong trái tim mình. Trong sáng kiến này, Đức Maria chỉ lối cho chúng ta: “Mẹ đã ghi nhớ tất cả những điều đó và suy niệm trong lòng” (Lc 2,19).

Bằng chính cách này, chúng ta cũng nên lắng nghe tiếng nói từ bên ngoài chúng ta. Những người mà chúng ta đang sống và làm việc với họ, họ nói với chúng ta điều gì? Những người nghèo khổ, những người di dân, những người tị nạn, những người bệnh tật, họ đang nói với chúng ta điều gì? Đồng thời chúng ta cũng tự hỏi mình, đâu là thông điệp mà Mẹ Trái đất muốn gửi đến cho chúng ta qua những biến đổi của khí hậu và những thảm họa sinh thái? Trong quá trình lắng nghe thế giới, tình hình chính trị, xã hội và kinh tế của các quốc gia nơi chúng ta đang sống và làm việc đóng một vai trò nổi bật: chúng ta học được gì từ đó? Trong phần trình bày về tuyên bố của Tổng Tu Nghị, chúng ta được yêu cầu “hãy nhớ rằng đời sống tâm linh và cầu nguyện của chúng ta phải luôn bị thách thức bởi thế giới và cuộc sống bên ngoài bức tường và biên giới của chúng ta” (trong Lời nói và Việc làm 6, tr.6).

Ngoài ra, điều cơ bản là lắng nghe Thiên Chúa nói với chúng ta qua Lời của Người. Điều cần thiết là tự hỏi mình, đâu là những gì thách thức mà Lời Chúa trình bày cho chúng ta khi chúng ta đọc Lời Chúa mỗi ngày. Thêm vào đó, những chuyển động trong tâm hồn kích thích chúng ta điều gì? Đâu là những thái độ cụ thể mà Lời Chúa mời gọi chúng ta?

Để lắng nghe Lời Chúa cần thời gian thích hợp và trái tim rộng mở. Đức Maria đã lưu giữ trong tâm hồn mình tất cả những biến cố và những lời nói: Việc viếng thăm của các mục đồng, việc dâng Chúa Giêsu trong Đền Thờ và gặp Chúa Giêsu ở giữa các thầy thông luật (Lc 2,51). Khi chúng ta đọc và cầu nguyện với Kinh Thánh và lắng nghe Lời, dù là cá nhân hay cộng đoàn, chúng ta cần sự cam kết và cố gắng để phát triển và đừng nản lòng trên hành trình. Tuyên bố của Tổng Tu Nghị nhận thấy rằng kinh nghiệm chia sẻ Kinh Thánh và chia sẻ cuộc sống trong những nhóm cơ bản trong suốt Tu Nghị đã giúp cho những tham dự viên “trong tiến trình của sự phân định để làm sâu sắc linh đạo Ba Ngôi và nhập thể của chúng ta” với niềm hy vọng rằng “điều đó làm chúng ta đến gần Thiên Chúa và gần anh chị em chúng ta hơn, đặc biệt là đến gần hơn những người nghèo khổ, những người dễ bị tổn thương nhất và những người bị loại trừ”. (XVIII CG # 3). Không thể cắm rễ một cách sâu xa trong Lời nếu không lắng nghe và cầu nguyện với Lời.

Phân định và sứ vụ. Việc phân định liên tục cũng dẫn đến một sự cam kết với sứ vụ. Điều này cũng rõ ràng trong cuộc sống của Đức Maria. Mẹ “tượng trưng cho sự cởi mở với Thiên Chúa và mọi người”. Có thái độ lắng nghe chăm chú và tích cực, trong Đức Maria “Lời trở nên một cách sống” (18a. CG # 24). Sau khi dâng hiến cuộc đời mình cho Thiên Chúa như là nữ tỳ của Ngài để thực thi thánh ý Ngài, Đức Maria học được một sứ vụ và ra đi một cách nhanh chóng với khả năng có thể để đến nhà Isabel và Zacaria, nơi mà Mẹ sẽ lưu lại độ ba tháng để phục vụ và giúp đỡ họ (xc. Lc 1,39-56). Mẹ là hình ảnh của một Giáo hội ra khỏi chính mình để đến với những vùng ngoại biên của thế giới. Để đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, Đức Maria đã ban tặng chúng ta Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ chúng ta. Sứ vụ đầu tiên của Mẹ là trở nên Mẹ của Ngôi Lời Nhập Thể. Do đó, Tổng Tu Nghị của chúng ta gọi Mẹ là “Mẹ của Ngôi Lời” và “Mẹ của Ngôi Lời Thiên Chúa”. Một người mẹ là người nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ, truyền cảm hứng và luôn bên cạnh con cái mình, bất kể chúng như thế nào và làm gì. Đức Maria cũng là Mẹ của Giáo hội. Chúa Giêsu đã để mẹ Người làm mẹ chúng ta (xc. Ga 19,25-27) bởi vì, như Đức GH Phan-xi-cô nói, “Người không muốn rằng chúng ta bước đi mà không có một người mẹ và thiên hạ đã đọc thấy nơi hình ảnh của người mẹ này tất cả những mầu nhiệm của Tin Mừng” (Niềm Vui Tin Mừng (EG) 285).

Sau nhiều năm sống tại đất nước Trung Hoa, đã làm rất nhiều việc và đã chịu nhiều khó khăn để gieo rắc Tin Mừng, Cha Giuse Freinademetz, trong một lá thư gửi cho Cha Arnaldo Jenssen ngày 13 tháng 7 năm 1904, đã viết: “Tôi ngày càng tin rằng nhân đức và tính cách tốt là những phẩm chất cần thiết nhất cho hiệu quả trong sứ vụ.” Theo những lời này của Freinademetz, chúng ta đã có thể thoáng thấy rằng “tinh thần hiền mẫu” trong sứ vụ của Giáo hội được đề xuất bởi Đức GH Phan-xi-cô. Tinh thần này được đặc trưng bởi “bản chất cách mạng của tình yêu và sự dịu dàng”. Đức Maria là người Mẹ của việc phúc âm hóa, và trong cuộc sống và sứ vụ của mình, chúng ta nhìn thấy “sự tương quan giữa công lý và sự dịu dàng, chiêm niệm và sự quan tâm đến người khác” làm cho nó trở thành một mô hình truyền giáo (EG 288). Trong suốt chuyến hành hương tới Fatima, vào tháng 5 năm 2017, Đức GH Phan-xi-cô bảo đảm với những người có mặt trong lễ kỷ niệm rằng: “Những người hành hương thân mến: Chúng ta có một người Mẹ, chúng ta có một người Mẹ. hãy bám sát lấy Mẹ như những đứa trẻ, chúng ta đang sống với hy vọng rằng chúng ta đặt vào Chúa Giêsu.(…). Với sự che chở của Mẹ, chúng ta hãy là những người canh gác bình minh, chiêm ngưỡng bộ mặt thật của Chúa Giêsu Cứu thế, rực rỡ trong lễ Phục sinh. Bằng cách này, chúng ta có thể tái khám phá khuôn mặt trẻ trung và xinh đẹp của Giáo hội, tỏa sáng khi truyền giáo, chào đón, tự do, trung thành, nghèo về phương tiện và giàu tình yêu ».

Đức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu và Mẹ của Giáo hội, là hình mẫu và nguồn cảm hứng của chúng ta trong đời sống tu trì và trong hoạt động tông đồ truyền giáo. Theo gương của Ngài về việc lắng nghe Lời và đáp trả một cách quảng đại, chúng ta có thể cởi mở với nhiều cách thức mà Thiên Chúa nói với chúng ta và tham gia vào một sứ vụ đổi mới và biến đổi đang diễn ra.

Bài trướcVatican News phỏng vấn Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm về hội nghị Hội đồng Giám mục Việt Nam
Bài tiếp theoLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 4 Phục Sinh – Năm C

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.