Động lực cho sứ vụ truyền giáo của chúng ta (SVD)

0
171

Tác giả: Lm. Phêrô Nguyễn Đức Vinh, SVD 

Suy niệm / chiêm nghiệm bằng hình ảnh – như một cách cầu nguyện

Linh đạo Kitô giáo (phương tây) biết đến một lối suy niệm dựa vào các hình ảnh đạo đức, từ cổ xưa hoặc của thời nay. Con người luôn thể hiện mình trong các hình ảnh. Việc rao giảng của Kitô giáo cũng luôn diễn ra bằng hình ảnh. Các hình ảnh đạo đức muốn động viên việc chiêm nghiệm và suy ngẫm nơi người quan sát.

Người nhìn có thể khám phá ra thứ ngôn ngữ và thông điệp của riêng mình. Trong nhận thức chủ quan của mình, người nhìn có thể tìm thấy những chi tiết, cách diễn giải ngoài ý muốn của nghệ nhân. Vì muốn sự cởi mở nên không có một ấn định hay một lối giải thích, được cho là “chính xác” và “phải vậy” cho một bức tranh. Thông thường, buổi chiêm nghiệm được kết thúc với phần trao đổi các cảm xúc và nhận thức của từng cá nhân.

Quan trọng là để cho bức tranh tác động trên mình. Quan sát bức tranh trong bầu khí yên lặng và để nó tác động vào mình, mà không phản ứng quá nhanh bằng cách nói: “Chẳng ra cái gì cả!” “Tôi đã biết rồi!” hay “Chẳng hiểu gì cả!” Hãy chia bức họa thành từng phần chi tiết, để thực sự cảm nhận được mọi thứ được trình bày trên đó.

Đặt cho mình các câu hỏi: Tôi thực sự nhìn thấy gì trong các chi tiết? Đừng giải thích quá nhanh. Các mô tả khác nhau (khi được chia sẻ) tạo nên một bức tranh “hoàn chỉnh”.

Giải thích hoặc diễn giải hình ảnh là cần thiết, vì bức tranh như được trình bày luôn thách thức việc giải thích: Họa phẩm và các chi tiết của nó gợi lên trong tôi những liên tưởng gì? Tôi có tưởng tượng gì thêm vào những điều này? Có thể nảy sinh nhiều cách giải thích khác nhau, tất cả đều có giá trị. Còn tiêu đề thì sao?

Hãy để cho mình được chạm bởi bức tranh, khi đặt các câu hỏi: Hình ảnh đó chạm đến cá nhân tôi ở đâu và như thế nào? Bức tranh nói cho tôi biết điều gì trong hoàn cảnh sống cụ thể của tôi? Chủ đề hay cách giải thích của bức tranh có liên quan gì đến cuộc sống của tôi không? Tôi có thể “làm gì” với nó?

Đào sâu thêm chủ đề qua việc chia sẻ: Chủ đề của bức tranh (và của các cảnh) và hoàn cảnh cuộc sống của tôi có thể được đào sâu hơn nữa, khi có thể trao đổi trong nhóm.[1]

Mừng 150 năm của Hội Dòng là một cơ hội tốt để mời các anh em chiêm nghiệm một bức ảnh, được cho treo sau bàn thờ trong Holy Spirit Church của Missionshaus Saint Gabriel /Áo vào tháng 3 năm 1993. Nghệ nhân là ông Friedrich Gurschler từ Süd-Tyrol/Bắc Ý, một người cùng quê với Cha Thánh Josef Freinademetz.   

Cuộc sống và sứ vụ của Người là của chúng ta

Chiêm nghiệm dựa vào bức ảnh ở trên muốn giúp chúng ta ôn lại điều được ghi trong Phần Mở Đầu của Hiến Pháp Dòng Ngôi Lời: “Cuộc sống của của Người là cuộc sống của chúng ta, sứ vụ của Người là sứ vụ của chúng ta.” Chúng ta, những nhà truyền giáo Dòng Ngôi Lời, coi mình là những Tu sĩ Công giáo có sứ mạng loan truyền Tin Mừng Đức Kitô, cho dù chúng ta làm việc ở Việt Nam, Ghana, Argentina, Úc, hay bất cứ nơi nào trên thế giới[2].

Mission nằm ở trung tâm căn tính của chúng ta và có một nguồn gốc, một nguồn sống, là: Thiên Chúa và “ý muốn yêu thương” của Ngài, như Chúa Giêsu Kitô đã mạc khải cho chúng ta qua lời nói và hành động của Người. Đức Giêsu, “Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1,18). Người chia sẻ cuộc đời mình với các môn đệ nam nữ, và ủy thác cho họ việc truyền đạt ý muốn yêu thương của Thiên Chúa cho mọi người, bằng lời nói và việc làm.

Khi bước theo Chúa Giêsu có hai người đặc biệt, Arnold Janssen Josef Freinademetz, là những gương mẫu cho chúng ta, những nhà truyền giáo Ngôi Lời: Arnold Janssen là người sáng lập và tổ chức, Josef Freinademetz là một nhà truyền giáo đầy lý tưởng, người xa cách với quê hương mình đã trở thành một người Trung Quốc đối với người Trung Quốc.

Lời mở đầu của Hiến Pháp Dòng nói rằng chúng ta đặc biệt cam kết với Chúa Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa và sứ mạng của Người.

Trái tim

Trung tâm của bức hình và điểm bắt đầu để chiêm ngắm là phần ở trung tâm có hình trái tim.

Ba người đàn ông đang ngồi ở đây quanh một cái bàn. Chúng ta có thể nghĩ đến cuộc gặp gỡ của Ápraham với Thiên Chúa (St 18,1-33), hoặc đến các môn đệ ở Emmaus và kinh nghiệm của họ với Đấng Phục Sinh (Lc 24,13-35).

Hình ảnh này cũng gợi nhớ đến các biểu tượng Chúa Ba Ngôi của Giáo hội Chính thống.

Cộng đoàn này, cũng chính là Thiên Chúa, tạo thành trung tâm của bức tranh, là trái tim của nó. Đồng thời, cộng đoàn này là điểm khởi đầu: từ đây các nhánh của cây sự sống tạo ra hình thập giá vươn tới Lời Chúa, được minh họa bằng các biểu tượng của bốn Tin Mừng. Cha Arnold Janssen đã viết như sau về ý nghĩa và mục tiêu của SVD: “Chúng ta hiểu danh xưng ‘Ngôi Lời’, như xuất hiện trong tước hiệu của Hội Dòng chúng ta, trước hết là từ lời của Chúa Cha, là Con Thiên Chúa, và sau đó là từ lời của Chúa Con, từ Tin Mừng Chúa Kitô.”

Trung tâm mang hình trái tim này nối kết toàn bộ bức tranh lại với nhau.

Sứ mệnh của Giáo hội bắt nguồn từ cộng đồng này, từ Thiên Chúa Ba Ngôi: “Tự bản tính, Giáo Hội lữ hành là người được sai đi, vì cội nguồn của Giáo Hội gắn liền với việc Chúa Con và Chúa Thánh Thần được sai đến theo ý định của Thiên Chúa Cha.” Sắc lệnh Truyền giáo của Công đồng Vatican II (số 2) nói như vậy.

Sứ vụ của chúng ta không phải là một sứ vụ mà chính chúng ta đã chọn cho mình. Đó luôn là sự tham gia vào sứ vụ của Thiên Chúa, Đấng muốn mọi người được cứu rỗi và nhận biết chân lý (1 Tm 2,4). Chúng ta đặt mình vào trong sứ vụ mang ơn chữa lành và cứu độ của Thiên Chúa; chúng ta được phép tham gia vào đó.

Sống với Ngôi Lời

Thiên Chúa không ở lại trong cộng đoàn hoàn hảo của mình, nhưng đã tự hủy mình và trở thành con người như chúng ta (Pl 2,5-9). Bước đầu tiên của mỗi người theo Chúa Giêsu đều đi theo cùng một hướng: từ trung tâm đến việc trở thành một con người, như Đức Kitô. 

Bức hình phía trên bên phải cho thấy Chúa Giêsu trong chuyển động kép của Ngài: nhìn lên trên khi hướng về Thiên Chúa và hướng về các môn đệ của mình. Truyền giáo diễn ra giữa hai thái cực này: chúng ta đến từ Thiên Chúa và đến với mọi người từ cuộc gặp gỡ với Ngài.

Bất cứ ai quy tụ quanh Chúa Giêsu và lắng nghe Ngài, đều trở thành người ngạc nhiên, người lắng nghe và người nhìn thấy. Chỉ trong cộng đoàn sống với Ngài cuộc sống của chúng ta mới được rèn luyện, với Ngài chúng ta mới hồi tâm, với Ngài chúng ta cùng ca ngợi Thiên Chúa, và cảm nghiệm được sứ mệnh của mình.

Cộng đoàn sứ vụ với Ngôi Lời

Những người được Chúa Giêsu bổ nhiệm, như trong hình trên cùng bên trái, lên đường, rời bỏ quê hương của tổ tiên và lên thuyền tìm đến bất cứ nơi nào, nơi mà việc tham gia vào sứ mệnh của Thiên Chúa đưa họ đến.

Họ đang trên đường. Nhưng Chúa Giêsu dường như không có ở đó. Nhưng biểu tượng Thánh Giá dưới ánh mặt trời chói sáng cho thấy sự hiện diện của Người. Dưới dấu chỉ này họ lên đường, cả nam lẫn nữ. Thuyền của họ được thúc đẩy bởi cơn gió của Thần Khí Chúa Giêsu.

Khi theo Chúa Giêsu, các môn đệ không chỉ dừng lại ở việc lắng nghe và ngạc nhiên. Họ can đảm cùng bước lên thuyền. Họ là những nhà truyền giáo, rời quê hương với những thói quen sinh hoạt, và đi đến với những người khác với văn hóa và tôn giáo của họ, dù họ ở gần hay xa. “Passing over” được viết trong trái tim họ và là một phần trong DNA của họ.

Có bốn người đàn ông nổi bật ở phía trước. Họ mang trong tay những biểu tượng của hoạt động truyền giáo: cuốn sách (khoa học, Kinh Thánh), một cây giống xanh (chăm sóc cho sự sống và lương thực) và cái xẻng (làm việc chăm chỉ để gieo Lời Chúa và công việc xã hội-bác ái của họ).

Bất cứ ai đặt mình vào cộng đoàn sống với Lời Chúa, đều sẵn sàng để Ngài sai họ đi đến nơi con người chưa được nghe Lời Chúa, hay chưa được dự phần vào sự sống sung mãn mà Thiên Chúa muốn ban cho mọi người. Bất cứ ai tham gia vào cộng đoàn truyền giáo này, đều không ngại từ bỏ quê hương, tiếng mẹ đẻ, món ăn địa phương quen thuộc và môi trường văn hóa của mình.

 Cộng đoàn huynh đệ với Ngôi Lời

Cảnh thứ ba của bức tranh cho thấy câu chuyện về cuộc đời và sứ mệnh của Chúa Giêsu trở nên cụ thể như thế nào: Thánh Arnold Janssen đã thành lập ba dòng tu, nhờ đó Lời Chúa được mang đến với tất cả những người chưa được nghe nói.

Bức họa cho thấy bên cạnh Thánh Arnold Janssen là nhà truyền giáo đầu tiên của Dòng Ngôi Lời, Thánh Josef Freinademetz (1852-1908), và những người đồng sáng lập hai dòng nữ, là hai Chân phước Helena Stollenwerk và Hendrina Stenmanns.

Hình ảnh này gợi nhớ trong cấu trúc của nó đến khung cảnh phía trên bên phải, cảnh Chúa Giêsu tập hợp và sai các môn đệ ra đi. Ở đây Arnold Janssen lặp lại một cách nhỏ nhẹ hơn cử chỉ của Chúa Giêsu, khi nhìn thấy mình như kẻ bước theo Ngài. Trên tay là Lời Chúa, từ đó họ sống và công bố bằng lời nói và việc làm của mình. Và dưới chân các nữ tu là những đứa trẻ, đại diện cho những người nghèo mà các thành viên của ba Hội Dòng biết rằng họ được sai đến. Vì điều “các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40).

Hình ảnh thứ tư ở phía dưới bên phải lặp lại hình ảnh trung tâm của cộng đồng Thiên Chúa, với nhiều màu sắc khác nhau: Ở đây những người thuộc các nền văn hóa, tôn giáo và chủng tộc khác nhau ngồi vào một bàn. Trong việc loan báo Tin Mừng qua cuộc đối thoại ngôn sứ, điều không tưởng về một thế giới hòa giải trở nên hữu hình. Một người Do-thái, một phụ nữ châu Phi đại diện cho các tôn giáo bộ lạc, một Kitô hữu đeo thánh giá trước ngực và một tu sĩ thuộc các tôn giáo châu Á, tụ tập quanh một trái đất, chia sẻ cuộc sống với nhau, sống trong cộng đồng và mừng hòa bình.

Mỗi người trên thế giới này sống bản sắc riêng của mình, nhưng dưới biểu tượng ánh sáng của Thiên Chúa, mặt trời với dấu hiệu Chúa Kitô. Sự đa dạng của họ không phải là trở ngại cho đời sống cộng đoàn và sự hiệp nhất, ngay cả khi họ nhìn, hiểu, chạm và trình bày thế giới theo cách khác nhau.

Kết luận

Kể từ thời Đấng sáng lập, chúng ta luôn cảm thấy mình được mời gọi tham gia vào sứ mệnh của Chúa Giêsu, là loan báo vương quốc tình yêu của Thiên Chúa (Lời mở đầu Hiến pháp SVD). Đó là lý do tại sao Thánh Arnold Janssen thích gọi các nhà truyền giáo của mình là “sứ giả của tình yêu Thiên Chúa”.

Nơi nào chúng ta nếm trải tình yêu của Thiên Chúa và sống từ đó, chúng ta sẽ sống và làm việc như những sứ giả của tình yêu Thiên Chúa. Đây là cách mà vương quốc của Thiên Chúa trở nên sống động, như một vương quốc của tình yêu, hòa bình và công lý. Tình yêu này của Thiên Chúa bao gồm tất cả mọi người và từng người một, bởi vì tình yêu đi bước trước của Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người, không có chữ nếu và không có ngoại lệ.

Vương quốc của Thiên Chúa có thể được mô tả bằng đặc điểm thứ hai: Nó hoàn toàn mở ra cho sự độc đáo của mỗi người và mỗi dân tộc. Vì vậy, tình yêu của Thiên Chúa, Đấng muốn trao ban chính mình cho con người và các dân tộc, thông qua công việc phục vụ truyền giáo của chúng ta, không phá hủy sự đa dạng, nhưng cho phép và phát huy nó.

Do đó, chúng ta được mời gọi làm chứng cho tình yêu này của Thiên Chúa, tình yêu dành cho tất cả mọi người. Và chúng ta làm như vậy bằng cách tôn trọng và đánh giá cao sự đa dạng của mọi nền văn hóa và dân tộc, cũng như sự đa dạng trong cộng đồng của chúng ta.

Khi qua cách chúng ta sống, mà tình huynh đệ được hình thành và phát triển giữa những người chúng ta làm việc chung, thì sứ mệnh của Thiên Chúa, Đấng muốn trở thành tất cả mọi sự trong mọi người, đã tiến gần hơn một chút đến mục tiêu của nó.●

Chú thích:

[1] Xem Arbeitspapier “Bildbetrachtung”: Jugend im Erzbistum Bamberg, BdkJ

[2] Dựa theo Meditation của Pater Dr. Bernd Werle SVD, Germany.

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Hai Tuần 22 TN)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Thứ Ba, Tuần 22 TN)