Tu sĩ G.B. Đinh Dương Minh Quân, SVD
Sau khoảng thời gian tham dự khóa hội thảo học hỏi về Linh đạo Dòng Truyền giáo Ngôi Lời, và những lời nhắn nhủ trong Năm Đời Sống Thánh Hiến của Đức Thánh Cha Phanxicô, tôi có dịp ngồi lại để suy ngẫm về câu “…ta đã thấy gì trong đêm nay…”. Và không gì khác hơn là cuộc đối thoại giữa tôi và cái tôi trong mình. Một cuộc đối thoại được diễn ra với tôi là người đặt câu hỏi và cái tôi là người trả lời, những câu hỏi kèm theo sự trả lời về những sai lầm, những thất bại, những hồ nghi, những tính toán, và về chính ơn gọi của mình.
Theo tôi nghĩ đây là vấn đề mà mỗi người chúng ta chắc hẳn ai cũng ít nhất một lần đã trải qua. Vì ai cũng muốn mình sẽ có thể sống tốt, sống hòa nhập với mọi người xung quanh và hơn thế nữa ai cũng muốn mình được tôn trọng và tin tưởng. Thế nhưng, khi xem xét lại hành trình đời tu, lắm lúc chính cái tôi của tôi đã làm tổn thương những người thân của mình, để lại ấn tượng xấu nơi anh em, hậu quả là họ không hài lòng về tôi. Đây có phải là điều tôi muốn không? Chắc chắn là không. Thế nhưng tại sao nó vẫn diễn ra hằng ngày và điều gì đã làm nên cái tôi trong tôi?
Mỗi người trong chúng ta từ khi sinh ra cho đến khi chết ai cũng mang trong mình một cái tôi, nó lớn hay nhỏ, tốt hay xấu, tùy thuộc vào mỗi người chúng ta. Theo cái nhìn của triết học, cái tôi là đặc tính để phân biệt tôi với mọi người xung quanh. Mỗi người trên thế giới này đều tưởng chừng như giống nhau.
Theo tâm lý học, từ khi còn bé, cái tôi của ta đã bắt đầu xuất hiện. Đứa bé đó có thể bị người lớn la rầy nhưng thường trẻ con sẽ không để bụng những điều này. Vì thế, nó quên đi rất nhanh và không giận dỗi ai về bất cứ điều gì. Nhưng khi đứa bé bước vào giai đoạn tích lũy kiến thức, nhận thức và trưởng thành thì cái tôi càng trở nên khó chịu hơn. Thế nên, một khi có đứa bạn nào đạt được thành tích cao hơn tôi thì phần lớn tôi sẽ tỏ ra khó chịu và ganh tỵ. Vì thế, tôi không thật sự thoải mái để vui mừng chia sẻ niềm vui với bạn của mình. Do đó, có thể nói cái tôi cá nhân được hình thành trong suốt quá trình sống của mỗi người.
Từ những cái nhìn trên, khi suy nghĩ đến sự hiệp thông trong đời sống cộng đoàn, tôi mới nhận ra một cách nào đó, rằng Chúa dần cho tôi thấy cái tôi của tôi khi tôi bước vào đời tu. Từ một chàng thanh niên “đạo gốc”, khái niệm đời tu là con số không tròn trĩnh, và khái niệm về bản thân mình thì mơ hồ, tôi bắt đầu hai năm Thỉnh viện với ít nhiều khó khăn không chỉ trong việc học, đời sống thiêng liêng, mà ngay cả đời sống cộng đoàn.
Cao trào của sự mâu thuẫn có lẽ là Năm Tập, khi tôi không còn lo lắng việc học mà chỉ tập trung vào đời sống cầu nguyện, và đời sống cộng đoàn. Qua đó, tôi dần hiểu hơn về con người của mình. Qua những lời khuyên nhủ của Giám tập, tôi xác định được những mâu thuẫn nội tại trong con người của tôi. Và đời sống thiêng liêng giúp tôi đón nhận và trung hòa cái tôi của bản thân. Có thể nói, chỉ khi bắt đầu đời tu, tôi mới nhận ra cái tôi của mình, và trung hòa nó trong sự hiệp thông thật sự.
Một cái nhìn như thế có thể giúp tôi cân chỉnh cuộc sống của mình. Tôi không thể cho người khác cái mà tôi không có được. Tôi không thể nào yêu thương người khác, khi tôi chưa thật sự cảm thấy sự hiện diện của Thiên Chúa. Và chính đời sống cầu nguyện là chìa khóa giúp tôi giải quyết những rắc rối, xung đột đang gặp phải.
Tắt một lời, khi tôi có cảm thức về Thiên Chúa, khi tôi hiểu về chính người anh em mình, và hướng đi trong sự nhận thức cách đúng đắn thì cái tôi thật sự tỏ lộ.
Tôi đã từng đọc trong một cuốn sách nào đó, đại ý rằng: Mỗi con người đều được sinh ra trên đời với một “túi” yêu thương, và rồi sau đó dần dần để rơi rụng đi, vơi bớt đi, dần trở nên thờ ơ, lãnh đạm, thiếu bao dung với chính mình, và với cả đồng loại. Thế nên, vào một chiều nắng nhạt cuối một ngày bận rộn mưu sinh, con người ngồi lại bên ly trà loãng và tự thấy mình sao mà ích kỷ quá, sao mà hèn đớn, nhỏ nhen đến vậy. Vì sao?
Khi bắt đầu cuộc sống tại môi trường Học viện, tôi được mở ra với nhiều kiến thức, với nhiều mối quan hệ, với nhiều sự xung đột khác. Tôi dần trở nên bận rộn hơn, và cũng dần phai nhạt đi đời sống cầu nguyện. Đặc biệt, trong thời gian thi cử, tôi ngồi trong nhà nguyện nhưng tâm trí thì ở lại bàn học.
Và khi đến môi trường mới này, nhiều khi tôi không đến với anh em thường xuyên nữa, ít chia sẻ và lắng nghe anh em cho bằng thời gian Nhà Tập. Khi thời gian bên nhau ít đi thì tình cảm dường như cũng nhạt phai ít nhiều. Rồi cái tôi lại trở về, và dường như lớn hơn xưa. Vì quá biết nhau, lẽ thường thì càng phải hiểu nhau nhiều hơn, thế nhưng, “đời thay đổi thì ta đổi thay”. Thái độ ích kỷ, nhỏ nhen,… năm nào ùa về, và lớn mạnh hơn xưa. Và cho đến giờ, tôi có dịp ngồi lại thì mới thấy “ta đã trở lại và lợi hại hơn xưa”. Nhiều cảm xúc bất an, hối hận, và nóng nảy như đan xen vào trong tâm hồn tôi khiến tôi cảm thấy mình có lỗi quá nhiều.
Tinh thần “đồng bàn”[1] giờ đây tôi mới cảm nghiệm rõ hơn. Một mầu nhiệm hiệp thông thật sự nơi những con người cùng chí hướng, cùng mục đích, cùng một sứ vụ và có cùng một người Cha. Tôi thật sự cảm ơn Chúa đã cho tôi cơ hội để phản tỉnh đời sống của mình, để làm một cuộc trở về trong sự mở ra, một cái nhìn lại nơi mình đã xuất phát, một chặng dừng chân để lên dây cót cho khoảng thời gian sắp tới.
Tóm lại, khi suy tư về cái tôi của mình, tôi nhận ra nhiều giá trị khác nhau. Trong đời sống cầu nguyện, tôi nhìn lại sự gắn bó của mình với Thiên Chúa, nhìn lại cách sống và lối cư xử của mình. Trong đời sống cộng đoàn, tôi nhận ra nhiều cái tôi khác nhau cũng đang chuyển động quanh tôi. Sự cân chỉnh là điều cần thiết, và sự bao dung là điều phải có để tôi xây dựng bầu khí tình cộng đoàn. Trong chính mình, tôi nhận ra những giới hạn, và chạm đến biên giới của nguyên nhân phát sinh cái tôi. Từ đó, tôi nhận ra sức mạnh của cái tôi khi tôi làm chủ nó trong đời sống.
[1]Lời của cha Tony Pates trong khóa hội thảo.