Gx. An Mỹ – nơi hội tụ những ‘tấm lòng phục vụ’

0
276

✍️ Tu sĩ Gioan Phan Văn Tuân, SVD

“Mục vụ hè” là cụm từ rất thân quen với anh em học viện Dòng Ngôi Lời chúng tôi. Sau thời gian hơn 9 tháng được học tập và tu luyện, chúng tôi được các cha trong Ban Đào Tạo sắp xếp cho anh em có thời gian gần 3 tháng để “thực tập mục vụ”. Đây là thời gian để chúng tôi có cơ hội được trải nghiệm bản thân qua việc hy sinh, dấn thân phục vụ bằng khả năng, trí tuệ và tài đức mà Thiên Chúa đã đặt để nơi mình. Với tinh thần đó, tôi rất háo hức và vui mừng tham gia chương trình mục vụ hè của chính mình.

Mùa hè này, tôi được gửi đến với giáo xứ An Mỹ, giáo phận Kon Tum. Giáo xứ An Mỹ thuộc xã An Phú, cách trung tâm thành phố Pleiku 12 km về hướng Đông, nằm trải dài hai bên đường quốc lộ 19 tới giáp địa phận huyện Đăk Đoa, và là cửa ngõ phía đông của thành phố Pleiku. Đây là một xứ đạo nhỏ bé miền Pleiku. Từ khi được hình thành đến nay, xứ đạo đã trải qua bề dày lịch sử với hơn 100 năm xây dựng và phát triển. Trong đó, có hơn 60 năm chính thức là giáo xứ, được tách ra từ giáo xứ Phú Thọ. Giáo xứ hiện có hơn 600 nhân danh thuộc 4 xóm giáo: Giuse, Mẹ Về Trời, Phêrô và Gioakim. An Mỹ là vùng đất màu mỡ, và có khí hậu mát mẻ nên thuận tiện cho việc trồng trọt. Nơi đây được xem là vựa rau của thành phố. Giáo dân chủ yếu làm nghề trồng trọt, buôn bán, công nhân, giáo viên, …

Có lẽ khi đến với giáo xứ An Mỹ, điều làm tôi tò mò nhất là tên của giáo xứ. Tôi có cơ hội được đọc và tìm hiểu về “An Mỹ Hành Trình 100 Năm”. Tôi bắt gặp đoạn ghi rằng: “An Mỹ: An trong từ điển Hán Việt nghĩa là Yên. Chữ An đi với nhiều chữ khác nhau như: an lạc; an ổn; an nhàn; an tĩnh; bình an; an định; an gia; an túc; an ninh; an thường; an cư lạc nghiệp;… Mỹ nghĩa là đẹp. An Mỹ nghĩa là nơi bình an tốt đẹp. Chính tên gọi An Mỹ đã thể hiện được vẻ đẹp và sự yên bình của địa danh này. Đồng thời, cũng thể hiện niềm ước ao của những người định cư muốn xây dựng một vùng đất tươi đẹp để gắn bó máu thịt. Tuy nhiên, nguồn gốc địa danh An Mỹ được hình thành như sauvào khoảng năm 1920, một số vị tiền bối từ Quảng Ngãi, Bình Định bỏ quê lên miền Cao Nguyên tìm đất lập nghiệp. Lên xứ Trà Dom, các cụ thấy có cánh đồng bằng phẳng, rộng lớn, có con suối lớn chảy qua, xung quanh có núi rừng trù phú và các cụ quyết định dừng chân tại đây. Lúc này có vợ chồng cụ Nguyễn Mai Luật, quê Phú Mỹ – Bình Định và ông Trần Cư, quê An Nhơn- Bình Định (cũng là quê vợ ông Nguyễn Mai Luật). Sau đó, đặt tên là An Mỹ (An Nhơn và Phú Mỹ)”.

Như tên gọi của giáo xứ, con người nơi đây thật gần gũi, hiền lành, dễ mến và thanh lịch. Từ người già đến trẻ con, nam cũng như nữ đều dễ bắt chuyện, tôn trọng quý cha và quý thầy. Người già thì đạo đức thánh thiện, trung niên thì nhiệt thành, giới trẻ thì năng động và thiếu nhi thì dễ thương. Thánh lễ Misa hằng ngày tôi thấy luôn có sự hiện diện của các cụ ông, cụ bà tóc đã bạc trắng. Đồng thời, các cụ còn dẫn thêm các cháu tham dự thánh lễ nữa. Các bậc trung niên tích cực tham gia các hội đoàn như: ca đoàn, hội hiền mẫu, hội lòng Chúa thương xót,… và họ tích cực hăng hái tham gia các buổi lao động hay các sự kiện mà giáo xứ tổ chức. Giới trẻ và thiếu nhi luôn có những chương trình sinh hoạt thật ý nghĩa. Chiều thứ ba và thứ năm hàng tuần, giáo xứ có thánh lễ riêng cho thiếu nhi, đồng thời sau thánh lễ chiều thứ 5 có giờ Chầu Thánh Thể dành cho các em. Chiều Chúa Nhật, giáo xứ cũng có thánh lễ thiếu nhi, trước thánh lễ các em có gần hai tiếng để sinh hoạt do các anh chị huynh trưởng hướng dẫn. Các em cũng có ca đoàn Goretti hát rất hay để phục vụ cho thánh lễ của mình. Ngoài ra, trong dịp hè này các em còn tham gia học giáo lý, học tiếng Anh và có chương trình trại hè hai ngày. Đặc biệt, ngày 01/08/2024, giáo xứ đón Đức giám mục Aloisio Nguyễn Hùng Vị về thăm mục vụ và ban Bí tích Thêm Sức cho 75 em, thánh lễ diễn ra sốt sắng và long trọng.

Người xưa có câu: “Đất lành chim đậu”. Giáo xứ An Mỹ tuy nhỏ bé nhưng lại là vùng đất có rất nhiều hội dòng hiện diện. Ngay cạnh bên khuôn viên giáo xứ có Hội dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm (Huế) coi sóc hơn 50 em nội trú. Tiếp đến, Hội dòng Lasan (cả nam và nữ) có trường học cấp 1 và cấp 2. Tiếp nữa, Hội dòng Phaolô có trường mầm non khá lớn. Ngoài ra, giáo xứ còn có Hội dòng Nữ Tỳ Thừa Sai Thánh Thể mới hiện diện. Quý thầy, quý sơ không những lo cho các công việc của Hội dòng mà còn cộng tác với cha xứ góp phần xây dựng giáo xứ ngày một phát triển về đời sống đạo cũng như đời sống xã hội. Cha xứ luôn quan tâm mời gọi và tạo mọi điều kiện để quý thầy cũng như quý sơ tham gia các sinh hoạt, chương trình của giáo xứ như: dạy giáo lý, tập hát, hướng dẫn các hội đoàn, trao Mình Thánh Chúa cho các bệnh nhân, … Mỗi thánh lễ đều có đầy đủ mọi thành phần dân Chúa, thậm chí có những lúc tu sĩ còn nhiều hơn cả giáo dân. Đó cũng là một điểm son của giáo xứ khi có sự hiện diện của nhiều Hội dòng.

Đây là mục vụ hè lần thứ hai của tôi sau khi hoàn thành năm thứ 2 của Triết học. Tôi rất vui mừng và may mắn. Bởi vì mùa hè này, tôi có một anh lớp Thần II cùng đồng hành là thầy Giuse Nguyễn Văn Xuyên. Anh là một người đã có nhiều kinh nghiệm mục vụ hè ở Việt Nam và hơn 2 năm OTP tại Congo – một vùng đất đầy khó khăn và thách đố. Vì thế, trong các sinh hoạt và chương trình của giáo xứ, tôi đều bàn hỏi và được anh giúp đỡ, động viên cũng như khích lệ tận tình. Được đồng hành với anh, tôi học hỏi được nhiều kinh nghiệm mục vụ quý giá, bởi anh là một người có nhiều tài năng. Hai anh em cùng chia sẻ và hỗ trợ nhau trong các công việc của giáo xứ một cách trôi chảy. Sự may mắn không chỉ dừng lại đó, tôi còn có sự đồng hành của thầy John Michael (tên Việt Nam là Bảo Minh). Thầy là người Philippines, cũng thuộc Hội dòng Truyền Giáo Ngôi Lời. Thầy đã hoàn thành xong chương trình Thần II và hiện thầy đang tham gia chương trình OTP tại  Tỉnh dòng Việt Nam. Mặc dù thầy mới qua Việt Nam hơn 10 tháng nhưng thầy nói Tiếng việt khá chuẩn. Thầy học tiếng khá nhanh, có lẽ bởi vì thầy có khiếu về âm nhạc. Thầy John hát rất hay và có những điệu nhảy rất đẹp. Ngoài ra, thầy là người hiền lành, hòa đồng và vui vẻ với hết mọi người. Qua thời gian cùng đồng hành, tôi cũng cảm nhận được bầu không khí “đa văn hóa” qua cách sống cũng như những món ăn thầy thể hiện. Mặc dù xa cộng đoàn Triết học nhưng tôi vẫn cảm nhận được tình anh em qua những ngày sống cùng hai người anh em tại mảnh đất An Mỹ thân yêu này.

Mặc dù đã trải qua một năm mục vụ hè nhưng tôi cũng không tránh khỏi nỗi lo lắng và sợ hãi. Tôi đặt cho mình những câu hỏi. Công việc của mình là gì? Liệu mình có chu toàn trách nhiệm được không? Công việc có vượt ra ngoài khả năng của mình không?… Tuy nhiên, khi tôi gặp cha chánh xứ Micael Trần Phúc Ca, SVD để nói chuyện về giáo xứ cũng như công việc thì nỗi lo lắng, sợ hãi tan đi. Ngài nói rằng: thầy đừng lo lắng, thầy có gì thì cứ sử dụng. Tôi nghĩ ngay đến dụ ngôn “nén bạc Chúa trao”, mình cố gắng làm lời nén bạc Chúa trao. Qua những tháng ngày được sống cùng ngài, tôi cảm nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, chia sẻ, và động viên như một người anh trong gia đình. Khi chúng tôi mới đến giáo xứ An Mỹ, ngài đã dẫn anh em chúng tôi đi thăm tất cả những nơi mục vụ của anh em trong Tỉnh dòng SVD đang mục vụ tại vùng đất Gia Lai. Qua chuyến viếng thăm này, tôi nhận thấy được những khó khăn, vất vả và hy sinh của quý cha cũng như quý thầy. Bởi vì, đa số các giáo xứ đều là những người đồng bào và có những giáo điểm cách giáo xứ hơn 20km. Đời sống của người dân còn thiếu thốn đủ điều. Vì thế, quý cha và quý thầy phải lo lắng giúp đỡ cho họ về đời sống đạo, tri thức cũng như đời sống hằng ngày. Trong tinh thần hiệp thông với nhau, anh em miền Gia Lai luôn nhiệt tình quan tâm và hỗ trợ nhau trong các chương trình sinh hoạt. Qua đó, tôi cảm nhận được tình anh em trong SVD.

Mùa hè năm nay tại giáo xứ An Mỹ diễn ra nhiều sự kiện và chương trình. Giáo xứ chỉ có 4 giáo xóm nhưng trong đó có 3 giáo xóm mừng bổn mạng trong dịp hè này (Giáo xóm: Phêrô (29/6), Gioankim (27/7) và Mẹ Về Trời (15/8)). Trong dịp này, giáo xứ đón cha phó Giuse Nguyễn Trung Tâm, SVD chuyển từ giáo xứ Antôn về phục vụ tại giáo xứ An Mỹ. Tiếp đến, giáo xứ tổ chức thánh lễ Xưng Tội – Rước Lễ lần đầu cho các em (28/7) và thánh lễ Thêm Sức (1/8). Sau đó, Thiếu Nhi Thánh Thể tổ chức Trại Hè 2 ngày (5-6/8) và tiếp đến là Hội Trại cho giới Hiền Mẫu mừng bổn mạng thánh Monica (26/8) được tổ chức ngày 24 tháng 8. Công việc chính của tôi là dạy giáo lý lớp Thêm Sức để chuẩn bị cho ngày 01 tháng 8, ngày Đức cha giáo phận sẽ về ban Bí tích Thêm Sức cho các em; dạy giáo lý Dự Tòng và Hôn Nhân. Ngoài ra, tôi còn tham gia vào các sinh hoạt của Thiếu Nhi Thánh Thể, cộng tác tổ chức 2 hội trại,…

Thời gian gần 3 tháng không phải quá dài nhưng cũng không quá ngắn để tôi trải nghiệm bản thân trên mảnh đất An Mỹ thân yêu này. Sau những ngày mục vụ nơi đây, tôi cảm nhận được mình đã cố gắng chu toàn bổn phận và trách nhiệm bản thân. Tuy nhiên, tôi cũng cần phải trau dồi thêm nhiều kỹ năng nữa để có thể đáp ứng được các nhu cầu của giáo xứ. Có lẽ đây là khoảng thời gian để lại trong tôi nhiều kỷ niệm khó quên. Nơi đây, tôi đã học được rất nhiều điều qua những người tôi gặp gỡ, qua những nơi tôi đặt chân đến. Bài học lớn nhất đó là từ tấm gương của cha chánh xứ, một người mục tử hết mình vì đoàn chiên. Ngài về giáo xứ gần 3 năm thành lập được nhiều hội đoàn. Ngài luôn thao thức về đời sống đạo cũng như vật chất cho giáo dân. Những ngày thường, tôi vẫn thấy có người vào xin cha giải tội. Ngày lễ bổn mạng của các giáo xóm, ngài luôn có những giờ tĩnh tâm, giải tội cho giáo dân, tổ chức thánh lễ sốt sắng cho họ và mời gọi tất cả các thành viên trong giáo xóm có một bữa cơm thân mật với nhau để gắn kết tình làng nghĩa xóm. Tôi cũng nghe ngài chia sẻ: Mặc dù giáo xứ nhỏ, ít hộ gia đình nhưng đời sống hôn nhân rất phức tạp, tình trạng ly dị khá nhiều. Vì thế, nhiều bạn thiếu nhi, giới trẻ thiếu tình yêu của bố hoặc mẹ. Ngài bảo rằng ,“khi về đây, anh cũng luôn bàn hỏi với những người đạo đức, khôn ngoan để có những đường hướng mục vụ tốt nhất có thể.” Nơi cha phó, tôi cũng học được sự nhanh nhẹn, hoạt bát trong công việc. Nơi quý thầy, quý sơ, tôi nhận thấy được lửa nhiệt huyết cho sứ vụ. Nơi những người già, tôi học được sự thánh thiện và đạo đức. Nơi những người trung niên, tôi học được sự hăng say nhiệt thành. Nơi những người trẻ, tôi học được sự sáng tạo và dấn thân. Nơi các em thiếu nhi, tôi học được sự đơn sơ và dễ thương.

Tất cả là hồng ân. Tôi cũng không nghĩ rằng bản thân mình có thể đóng góp được cho giáo xứ nhiều như vậy, lại càng không bao giờ nghĩ tới mình có thể được giúp đỡ và học hỏi nhiều như thế. Qua đây, tôi cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa trên chặng đường mình đã đi. Đúng như tên của giáo xứ. Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi tôi nhưng Ngài luôn ban cho tôi bình an (An) và những điều tốt đẹp (Mỹ). Ước mong rằng: tôi luôn trung thành với Ngài dù gặp gian nan thử thách và luôn phó thác vào sự quan phòng của Ngài để được Ngài ban An – Mỹ. Xin tạ ơn Chúa và cám ơn giáo xứ An Mỹ đã giúp con lớn lên về đời sống mục vụ cũng như đời sống thiêng liêng để vững bước hơn trên con đường thánh hiến.

(An Mỹ, Mùa Hè 2024)

 

Đọc thêm về Gx Am Mỹ: https://ngoiloivn.net/cong-doan-giao-xu/luoc-su-hinh-thanh-va-phat-trien-giao-xu-an-my/

Bài trướcHưởng ứng Chúa Nhật Lời Chúa lần thứ VI (26/01/2025)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Thứ Năm, Tuần 2 TN)