Anh em là vinh quang và là niềm vui của chúng tôi!

0
319

Tác giả: Lm. Phêrô Nguyễn Đức Vinh, SVD

Tạ ơn Chúa mọi lúc mọi nơi

Chúng tôi là Phaolô, Xinvanô và Timôthê, kính gửi Hội Thánh Thêxalônica ở trong Thiên Chúa Cha, và trong Chúa Giêsu Kitô. Chúc anh em được ân sủng và bình an. Tạ ơn Thiên Chúa và khen ngợi cộng đoàn. Chúng tôi hằng tạ ơn Thiên Chúa về tất cả anh em. Chúng tôi nhắc đến anh em trong lời cầu nguyện, và trước mặt Thiên Chúa là Cha chúng ta, chúng tôi không ngừng nhớ đến những việc anh em làm vì lòng tin, những nỗi khó nhọc anh em gánh vác vì lòng mến, và những gì anh em kiên nhẫn chịu đựng vì trông đợi Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô. Thưa anh em là những người được Thiên Chúa thương mến, chúng tôi biết rằng Thiên Chúa đã chọn anh em“ (1Tx 1,1-4).

Nhà truyền giáo các dân tộc Phaolô bắt đầu bức thư thứ nhất gửi cho cộng đoàn ở Thêxalônica như vậy. Qua những lời này ngài bày tỏ lòng quý mến sâu xa và niềm cảm thông của mình với cộng đoàn trẻ này. Cách chào của Phaolô trong các bức thư là một mẫu mực tuyệt vời mà chúng ta có thể học để chúc nhau (không chỉ) vào dịp đầu Năm Mới, khi nói rằng: Tạ ơn Thiên Chúa rằng có các anh em ở đây! Lòng biết ơn sâu xa đối với Thiên Chúa được tỏ bày cụ thể trong sự tôn trọng mọi người trong cộng đoàn – như là những kẻ được Chúa chọn.

Cuộc sống đầy gian khổ cực nhọc của nhà truyền giáo Phaolô đã „đâm bông kết trái“ nơi những cộng đoàn được hình thành và chịu ảnh hưởng của ngài. Họ đáp trả bằng sự hiếu khách và cảm tình đặc biệt. Họ gắn bó mật thiết với ngài, ngay cả khi Phaolô phải vật lộn mệt nhọc trong những cuộc tranh cãi, những chỉ tích chê bai và những phân biệt nặng nề. Sự quý mến của Phaolô dành cho những „con cái của ngài“ được tỏ bày trong lời chào, và trong việc diễn nghĩa thần học thực tế cộng đoàn trong thư. 

Trong thành phố cảng Côrintô, trung tâm kinh tế và thương mại sầm uất của Achaia, Phaolô đã thành lập một cộng đoàn trong chuyến truyền giáo thứ hai (năm 49-50). Cộng đoàn này phản ảnh lại hình ảnh đa dạng của văn hóa và xã hội của thành phố, và các thành viên cộng đoàn hầu hết xuất phát từ gốc ngoại giáo từ tầng lớp thấp trong xã hội. Xung đột và căng thẳng là những điều không thể tránh được. Và dù vậy, những Kitô hữu chia bè chia phái cũng như vướng mắc trong loạn luân (vẫn) là „Hội Thánh của Thiên Chúa ở Côrintô, những người đã được hiến thánh trong Đức Kitô Giêsu“. Và tông đồ Phaolô tạ ơn Thiên Chúa liên lỉ vì có họ. Ngài khen ngợi sự „phong phú về mọi phương diện“ và cầu xin cho họ „không thiếu một ân huệ nào, trong lúc mong đợi ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, mặc khải vinh quang của Người. Chính Người sẽ làm cho anh em nên vững chắc đến cùng“ (1Cr 1,1-9).

Trưởng thành và tìm ích lợi cho nhau

Các cộng đoàn là cánh đồng của Thiên Chúa mà Phaolô và các người đồng hành là cộng tác viên của Thiên Chúa trong đó. Các cộng đoàn là những công trình xây dựng của Thiên Chúa trên nền móng là Đức Giêsu Kitô. Một công trình mà trên đó có kẻ xây, có người quấy phá, và được xây bằng những nguyên liệu tốt xấu khác nhau. Họ tất cả là „Đền Thờ của Thiên Chúa“, là thân thể Đức Kitô, mà trong đó những bộ phận và tài năng khác nhau cùng cộng tác xây dựng. Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung.

Bởi vậy, không (được) có sự kỳ thị do tuổi tác, dáng vóc bên ngoài hay gốc gác gia đình giàu nghèo, không dối gian với nhau hay tự dối mình. Ngược lại „những bộ phận xem ra yếu đuối nhất thì lại là cần thiết nhất; và những bộ phận ta coi là tầm thường nhất, thì ta lại tôn trọng hơn cả. Những bộ phận kém trang nhã, thì ta lại mặc cho chúng trang nhã hơn hết. Còn những bộ phận trang nhã thì không cần gì cả. Nhưng Thiên Chúa đã khéo xếp đặt các bộ phận trong thân thể, để bộ phận nào kém thì được tôn trọng nhiều hơn. Như thế, không có chia rẽ trong thân thể, trái lại các bộ phận đều lo lắng cho nhau. Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung.“ (1Cr 12, 21-26).

Việc nhấn mạnh danh dự và giá trị của cộng đoàn được tỏ bày trong các hình ảnh này, không là lí tưởng hóa, mà là những nhiệm vụ được đòi hỏi. Phaolô xác quyết một mặt thật rõ ràng, rằng: tự hào, mưu gian, ghen tương và cãi cọ là những dấu hiệu của việc chưa trưởng thành, là trẻ con.  (x. 1Cr 3,1-2). Những lời khiển trách như của kẻ làm cha làm mẹ, chỉ cho thấy một tình cảm sâu đậm và tế nhị của vị tông đồ này: „Không phải để làm anh em xấu hổ, nhưng là để sửa dạy anh em như những người con yêu quý của tôi. [Nên Phaolô đặt câu hỏi:] Anh em muốn gì? Muốn tôi mang roi vọt hay là đức bác ái và lòng nhân hậu mà đến với anh em?“

Phaolô biết đến cái yếu đuối của những anh chị em còn yếu trong đức tin, và cái nguy hiểm do tự hào và kiêu ngạo của những „kẻ mạnh, kẻ có tài hơn“ trong cộng đoàn. Một điểm rất quan trọng đối với ngài là: sự tôn trọng nhau. Người mạnh, vững tin và „có điều kiện“ hơn trong cộng đoàn cần để ý đến những người yếu và sợ sệt, thí dụ khi lo rằng ăn đồ cúng là đã phản đạo. Nên ngài khuyên: „Được phép làm mọi sự“; nhưng không phải mọi sự đều có ích. „Được phép làm mọi sự“; nhưng không phải mọi sự đều có tính cách xây dựng. „Đừng ai tìm ích lợi cho riêng mình, nhưng hãy tìm ích lợi cho người khác“ (1Cr 10, 23t).

Bằng mặt và bằng lòng

Thánh Phaolô viết thư cho các giáo đoàn. Photo: Valentin de Boulogne, Blaffer Foundation Collection, Houston, TX (commons.wikimedia.org)

„Tôi nói với anh em như nói với những người khôn ngoan hiểu biết; anh em hãy tự mình suy xét điều tôi nói.“ (1Cr 10,14). Đây không là một kỹ xảo ngoại giao, một sự khôn khéo có tính toán, mà là một cách sống, một quan điểm căn bản: coi trọng giá trị và tự do của mỗi con người như là cá thể – là Đền Thờ của Đức Kitô, sống động qua Thần Khí. Phaolô không „nói cho có“ hay nói như vậy để „lấy lòng“, mà đây là một lời bày tỏ sự tôn trọng đầy tin tưởng người đối diện và cộng đoàn. Cuộc đời truyền giáo của ngài là bằng chứng cho sự quý mến chân thành và sự tôn trọng đó. Sau khi được Đấng Phục Sinh mời gọi, Phaolô đã một mình ròng rã suốt 30 năm hoạt động truyền giáo trong vùng Syrien rồi qua Tiểu-Á cho đến Hi-lạp. Qua các thư được viết trong một thời gian ngắn (từ năm 50 đến 56) Phaolô cho chúng ta thấy một chút những chặng đường nào ngài đã đi qua: một đời rao giảng Tin Mừng nhọc nhằn hao kiệt sức lực, những đoạn đường đi bộ cực nhọc, những chuyến đi bằng thuyền đầy gian nan, những lần tù đày và nhiều hiểm nguy, bệnh tật khác.

Đó là chưa nói đến những tranh cãi với Hội Đường, nơi là điểm khởi đầu truyền giáo của Phaolô trong các thành phố; những nghi ngờ và các hình phạt ông phải chịu do các cơ quan chính quyền tại Rôma. Cuộc sống nay đây mai đó, vô gia cư của tông đồ Phaolô khiến người ta gọi ngài là „rác rưởi của thế gian“ và „phế vật đối với mọi người“ (1Cr 4,13). Nhà truyền giáo Phaolô đã sống Tin Mừng của ngài. Vì vậy có thể nói rằng: Con người Phaolô chính là sứ điệp của ông. Tất cả những gì Thánh Phaolô nói và dạy là những gì chính ngài đã sống, đã trải qua trong chính cuộc đời mình. Một thí dụ khác cho thấy sự hợp nhất ngôn hành:

Nhưng kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi. Chúng tôi bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp; hoang mang, nhưng không tuyệt vọng; bị ngược đãi, nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt. Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi. Thật vậy, tuy sống, chúng tôi hằng bị cái chết đe doạ vì Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân xác phải chết của chúng tôi“ (2 Cr 4,7-11).

Phaolô hiểu đời mình là sự trình bày sống động của Tin Mừng. Cuộc đời ông là một cuộc thương khó. Và chính những kinh nghiệm riêng của Phaolô cũng như sự cởi mở chân thành chia sẻ của ngài là điều hấp dẫn nhất và mang tính xác tín mạnh mẽ nhất. Yêu thương như Đức Kitô đòi hỏi cái giá cho lối sống đó. Khác hơn những gì mọi người nghĩ nơi con người này, là: không có sự tách biệt giữa thần học trừu tượng và những chuyến đi truyền giáo gian nan cực nhọc, và được nhiều người biết đến trong hai ngàn năm qua. Nơi Phaolô không có những lập luận trừu tượng khó hiểu một bên, và bên kia là hình ảnh con người tử đạo kích thích sự dấn thân và hi sinh nơi các tín hữu xưa nay. Dấn thân và suy tư bổ sung, đào sâu, cải tiến và truyền cảm hứng cho nhau.

Nguồn cho cách sống triệt để của Phaolô là một tình yêu không đặt điều kiện; một tình yêu giúp ngài nhìn thấy, công nhận những cái riêng cái khác của các cộng đoàn, để rồi khuyến khích ủng hộ và động viên. Và Phaolô không mệt mỏi để nhắc đến „những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu“ là „sống thân tình và biết cảm thương nhau“ (Pl 2,1) và „hãy mở rộng tấm lòng“ (2Cr 6,11). Cuộc đời của nhà truyền giáo các dân tộc này và những kinh nghiệm được lưu truyền lại trong các thư của ngài cho thấy rõ: Phaolô dám „chịu chơi đến cùng“ như vậy không là do sự thiên tài hay học vấn cao hoặc là cái gốc gác của mình, mà do sức mạnh của Đức Kitô trong ông – của Thần Khí Thiên Chúa.

Phaolô là chứng nhân cho lối sống, cách suy và cách xử của những người được mời gọi bước theo Đức Kitô – trở nên những nhà truyền giáo – là: học mở rộng dần dần tấm lòng, tầm nhìn và sự tự do nội tâm của mình như nơi Thầy, để rồi có thể nhận ra vinh quang và niềm vui nơi anh em. ●

Bài trướcLỜI SỐNG (Chúa Nhật, Thánh Gia Thất – C)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (3/1, Thứ Hai sau Lễ Hiển Linh)