TRUYỀN GIÁO TRONG MỌI HOÀN CẢNH

0
942

Lm. GB. Trịnh Đình Tuấn, SVD (Chile)

1. “Đẹp thay trên đồi nuối bước chân những người loan báo Tin Mừng” (Is 52,7). Thật vinh dự và vui mừng khi viết về hình ảnh các nhà truyền giáo đang hăng say rao giảng Tin Mừng ở mọi vùng miền khác nhau trên thế giới nhân ngày mừng Khánh Nhật Truyền Giáo! Thật tự hào khi được chứng kiến những anh em Ngôi Lời đang xả thân giúp đỡ những con người đau khổ và đói khát cả phần xác lẫn phần hồn ở Madagascar, Togo, Angola, ở vùng Tây Nguyên hay Miền Trung Việt Nam,… trong những ngày qua! Qua họ, chúng ta nhìn thấy hình ảnh những mục tử “thấm mùi chiên”, những mục tử biết “chạnh lòng thương” (x. Mc 6,34-44), những mục tử dám bước ra “vùng ngoại biên” (Đức GH Phanxicô, Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng) của xã hội để đến với đoàn chiên của mình.

Tôi xúc động đến rơi nước mắt khi xem một video của cha Phaolô Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Caritas Giáo phận Thanh Hóa khi ngài đến thăm một em nhỏ bị bệnh hiểm nghèo. Ngài hỏi em có cảm nghĩ gì khi cha đến thăm em. Em bé hồn nhiên trả lời rằng cứ mỗi lần nhận được tin nhắn của cha báo là cha sẽ tới thăm con là con hồi hộp đến không ngủ được, tim con nó đập “loạn” lên. Sở dĩ em hồi hộp và tim em đập loạn nhịp là vì em sắp được gặp người mang lại cho em niềm vui, sự an ủi và nâng đỡ cả phần hồn lẫn phần xác. Câu trả lời đơn sơ của em bé bệnh tật làm tôi liên tưởng đến biết bao những người mục tử, những nhà truyền giáo khác cũng đang đến và xoa dịu nỗi đau, đem lại niềm hy vọng cho biết bao những con người đau khổ và đói khát khác. Chúng ta đáng tự hào và dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì những mục tử nhiệt thành và đầy lòng nhân ái đang mang hình ảnh của một Thiên Chúa Đầy Lòng Xót Thương đến cho đoàn chiên của Ngài. Họ đang làm vang vọng lời của Chúa Giêsu: “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).

2. Tuy nhiên, hình ảnh nhà truyền giáo không gói gọn ở đó. Thời đại truyền thông đại chúng dễ làm cho nhiều người có suy nghĩ, hay có khái niệm thu hẹp về hình ảnh của nhà truyền giáo là những người xả thân đến với người nghèo, người chuyên đến phân phát lương thực, thuốc men, xây nhà cửa cho người nghèo nơi những vùng sâu vùng xa,… Bởi vì, cánh đồng truyền giáo thì bao la và đa dạng. Có những vùng truyền giáo cần những mục tử dấn thân giúp đỡ những người nghèo khổ, nhưng cũng có những vùng cần những nhà truyền giáo dấn thân rao giảng Tin Mừng cho những người giàu về vật chất nhưng thiếu thốn về đức tin, về Tin Mừng; có những nhà truyền giáo trong bệnh viện, nơi trường học hoặc nơi giáo xứ; có những nhà truyền giáo mục vụ cho giới trẻ và cũng có người mục vụ cho người già; có nhà truyền giáo hoạt động nhưng cũng có nhà truyền giáo chỉ chuyên tâm cầu nguyện, như hình ảnh chị em nhà Mátta và Maria trong Tin Mừng (x. Lc 10, 42), hay như Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu; có những lúc nhà truyền giáo phải ra đi rao giảng Tin Mừng, nhưng cũng có những lúc nhà truyền giáo phải rút lui vào trong thinh lặng và cầu nguyện, “Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút” (Mc 6,31). Đồng thời có những đoàn chiên cần được chăm sóc về vật chất, thuốc men, nhưng cũng có những đoàn chiên cần sự đồng hành, lắng nghe, an ủi và dạy dỗ,… nói chung hình ảnh của nhà truyền giáo không chỉ gói gọn nơi những hình ảnh hay video mà ta thường bắt gặp trên mạng xã hội. Điều quan trọng của nhà truyền giáo là cần phải thích nghi với hoàn cảnh và đối tượng mà mình phục vụ để làm sao Tin Mừng Tình Thương của Chúa có thể lan tỏa được trong mọi người và để mọi người có thể nhận ra Chúa qua những việc họ làm.

3. Chúng tôi, những nhà truyền giáo đang hoạt động tại đất nước Chile, một cách âm thầm, chúng tôi cũng đang sống và thực thi sứ vụ của mình. Nói đến Tỉnh Dòng Ngôi Lời Chile có lẽ nhiều người nghĩ ngay đến sứ vụ giáo dục mà Tỉnh Dòng đang thực hiện. Ở đây chúng tôi có những ngôi trường lớn và hàng năm đào tạo cho cả hàng ngàn học sinh, tạo công ăn việc làm cho một lượng lớn giáo viên và người lao động. Ngoài ra, chúng tôi cũng mục vụ tại các giáo xứ và các nhà tình thương, phục vụ người dân tộc thiểu số,… Tuy nhiên, sứ vụ giáo dục trong thời đại hiện nay không phải là dễ dàng, đặc biệt trong việc Phúc Âm hóa, khi mà giới trẻ đang sống theo trào lưu thế tục và hưởng thụ. Hơn nữa, do tình hình phức tạp về kinh tế, chính trị và tôn giáo của Chile trong những năm gần đây, cộng thêm đại dịch Covid-19 đang làm cho những công việc truyền giáo trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Về kinh tế, các trường học đang bị đóng cửa từ đầu năm đến nay, không có thu nhập nhiều từ tiền học phí, lại phải xoay xở tiền để trả lương tháng cho các giáo viên và nhân viên phục vụ. Về tôn giáo, các nhà thờ đang phải đóng cửa do đại dịch Covid đến nay đã hơn bảy tháng và chưa biết khi nào mới được mở lại. Hơn nữa, giáo hội tại Chile đang trong giai đoạn khủng hoảng về niềm tin nơi hàng giáo sĩ trong mọi thành phần xã hội do những bê bối về lạm dụng tình dục mà hàng giáo sĩ gây ra,…

Trong bối cảnh đó, chúng tôi cũng đang phải cố gắng mỗi ngày để vượt qua khó khăn và luôn duy trì nhiệt huyết trong sứ vụ. Điều cần thiết nơi mỗi nhà truyền giáo, theo tôi, đó là luôn phải biết thích nghi với mọi hoàn cảnh và khám phá ra dấu chỉ hay ý định của Thiên Chúa trong mọi biến cố của cuộc sống. Các nhà nguyện và trường học đều đóng cửa, các công việc mục vụ của chúng tôi trở nên khó khăn và hạn chế hơn. Nhưng thế không có nghĩa là các nhà truyền giáo ở nơi đây đang “ăn không ngồi rồi”, chúng tôi vẫn luôn cố gắng phục vụ đoàn chiên trong khả năng của mình như: phân phát lương thực cho người nghèo, thăm viếng các bệnh nhân và cho họ lãnh các bí tích, dâng thánh lễ online và có bài suy niệm qua radio mỗi ngày,… Hơn thế nữa, đây là dịp để chúng tôi củng cố đời sống cộng đoàn: các giờ kinh nguyện và thánh lễ chung được thực hiện thường xuyên hơn, anh em tự dọn dẹp, nấu ăn và lao động, cắt cỏ trong khuôn viên cộng đoàn,… Những việc này trước kia thường dành cho người giúp việc thì nay chúng tôi tự làm. Một cách nào đó nó cũng giúp chúng tôi “lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút” (Mc 6,31), hay một cách khác, nó cũng giúp chúng tôi trở nên những người mục tử khó nghèo và gần gũi với đoàn chiên hơn.

4. Nói đến truyền giáo nhiều người thường chỉ nghĩ đến các nhà truyền giáo đang dấn thân phục vụ đoàn chiên nơi những vùng khó khăn hẻo lánh, nhưng điều đó chưa đủ, vì mỗi tín hữu, qua bí tích Rửa tội, họ cũng được mời gọi trở thành những người rao giảng Tin Mừng và thực tế là họ đang thực hiện điều đó, dù đôi khi âm thầm và khiêm tốn hơn. Ngày Khánh Nhật Truyền Giáo giúp chúng ta nhớ tới và biết ơn những cộng tác viên truyền giáo, những ân nhân, những người tín hữu âm thầm nhưng là hậu phương vững chắc cho những nhà truyền giáo nơi tiền tuyến. Chính nhờ công sức và tiền tài của họ mà các nhà truyền giáo mới có tiền, có gạo, có mì tôm, thuốc men,… để phân phát cho đoàn chiên. Họ là những người đáng được tôn vinh trước mặt Chúa vì họ làm phúc mà “không để tay trái biết việc tay phải làm” (Mt 6,3).

5. Trong ngày Khánh Nhật Truyền Giáo, chúng ta hãy cùng dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì công trình kỳ diệu Ngài đang thực hiện nơi những nhà truyền giáo, dù âm thầm hay công khai, đang đồng hành và giúp đỡ đoàn chiên của Chúa ở mọi nơi và trong mọi hoàn cảnh. Chúng ta, những nhà truyền giáo cũng cần khiêm tốn xin lỗi Chúa vì những thiếu sót trong bổn phận là người mục tử hay vì hư danh mà quên đặt lợi ích chính là phần rỗi của các linh hồn. Xin Chúa giúp chúng ta mỗi ngày một chu toàn tốt hơn sứ vụ mà Chúa trao phó với niềm vui và niềm tín thác.

Bài trướcCần Một Đối Thoại Ngôn Sứ Cho Những Vấn Đề Truyền Giáo Hôm Nay
Bài tiếp theoNHÀ CHÍNH SVD NHA TRANG NGÀY KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO 2020