TIẾNG NÓI CỦA NHỮNG NGƯỜI ĐÃ CHẾT

0
660

Thầy Phêrô Lê Việt Tân – Học Viện Ngôi Lời

Hỡi con người! Cớ sao mi phải chết!

Trong những ngày của Tháng Mười Một, có lẽ, mỗi người chúng ta đều có chung một tâm trạng. Buồn! Khi ta đứng trước những nấm mộ, khi ta nhớ về những người đã không còn hiện hữu bên cuộc đời ta. Buồn! Khi ta nhớ lại từng ánh mắt, từng nụ cười của những phút giây gặp gỡ. Buồn! Khi ta nhớ về những kỷ niệm nay đã đi vào d vãng, nhớ cái hôm nào mới gặp, mà nay âm – dương chia lìa. Buồn! Hình bóng của cố nhân vẫn cứ mờ mờ ảo ảo trong ký ức, như sương, như khói, muốn lấy tay với, nhưng không thể nào nắm lấy được. Buồn! Tâm hồn bỗng dưng trống trải rãi vào tận thinh không.

     Buồn ư! cũng đúng thôi, bởi trái tim là một khối thịt đỏ chạy bằng dòng máu nóng, chứ đâu phải là một khối sắt vô tri. Trái tim có những lý lẽ mà lý trí mãi mãi không hiểu nổi [1]. Lý trí biết rằng những người thân chúng ta đã chết, nhưng trái tim cứ đập thình thịch, căng phồng mỗi khi nhớ đến họ. Cứ như thể họ vẫn sống, vẫn là một cái gì đó chưa thể quên đi.

   Trước đây, có nhiều người thân của tôi đã qua đời, nhưng tôi chưa bao giờ được gặp họ trong giờ lâm tử. Gần đây nhất, bà nội tôi, lúc đó, tôi mới thấy cái ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, cái hụt hẫng khi một người mới phút trước còn trên dương thế, mà phút sau đã về bên kia của thế giới. Ở cõi người, muốn đi đến một nơi nào đó, phải tốn nhiều thời gian lắm, đôi khi mất cả tuần, cả tháng. Nhưng tại sao đi về cõi vĩnh hằng lại nhanh đến như vậy? « Ôi phù du / Từng tuổi xuân đã già / Một ngày kia đến bờ / đời người như gió qua » [2] .

    Năm 2020 có lẽ là năm tôi được nghe và thấy nhiều cái chết nhất. Ngày nào cũng hàng trăm, hàng ngàn người chết. Người ta chết vì nghèo đói ít hơn chết vì bệnh tật, thiên tai và chiến tranh. Cái chết bây giờ không trừ một ai, người giàu, người nghèo, chính trị gia hay lãnh đạo tôn giáo.

    Ngày xưa người nghèo luôn luôn là những người chịu thiệt thòi, họ sống ngơ ngác giữa cuộc đời, không được sự quan tâm chăm sóc của y tế. Cái chết có thể đến với họ bất cứ lúc nào, chỉ bằng một cái đinh gỉ sét, bằng một cái miểng chai miểng sành cứa vào chân gây nhiễm trùng, bằng mọi thứ “tai bay vạ gió” nào đó mà những người có tiền thì sẽ không phải chết. Bây giờ, người nghèo cũng không khá hơn, nhưng người giàu cũng không biết chết lúc nào. Cái chết bất chợt và vô duyên lắm. Vậy phải chăng mỗi giây phút còn sống trong cuộc đời này là một niềm hạnh phúc to lớn?

    Tôi tin rằng, ai trong chúng ta cũng đã một lần chứng kiến cái chết của người thân. Phải chứng kiến tận mắt, phải nắm lấy bàn tay, nhìn ngắm khuôn mặt, phải tận mắt nhìn thấy người ta khâm liệm và đóng nắp quan tài lại… lúc đó ta mới thực sự hiểu đời, hiểu người, hiểu cái chết là gì và sự sống là gì? Khi đã hiểu cái chết, ta mới bình tâm lại, an yên nghĩ đến cuộc đời ta và nghĩ về những người còn đang sống. Hơn hết, ta biết mình cần phải sống. Tôi phải sống! Mà còn phải sống mãnh liệt hơn, sung mãn hơn. Để làm gì?

Nếu một ngày kia ngươi phải chết… chi bằng hãy sống để có nhau!

Ngoảnh nhìn lại, đời người như giấc mộng,

Đến trần truồng và đi vẫn tay không.

Bao trầm thăng, vui khổ đã chất chồng,

Nay rũ sạch…lên bờ, thuyền đến bến…[3]

Giả sử chúng ta đứng trước một mộ phần còn trống, trong một buổi chiều, ở một nghĩa trang quen thuộc. Hãy điền thông tin vào cùng tôi nhé:

Tên : Tân

Sinh ngày: 0?/0?/199?

Mất ngày: KHÔNG BIẾT

Hưởng dương hoặc hưởng thọ: KHÔNG BIẾT

    Hãy xem kìa! ta có thể quyết định gì cho đời ta vậy? Cái tên của ta là do người khác đặt cho, ngày sinh của ta thì ngay cả cha mẹ cũng không quyết định được, còn ngày mất thì càng không thể biết, sống được bao năm âu cũng là duyên trời. Vậy cái mà ta có thể quyết định đó chính là thái độ và cách sống của ta với đời, với người.

    Tôi tự hỏi, nếu ngày mai tôi chết, tôi sẽ làm gì? Điều đầu tiên tôi nghĩ đến là trả lại những gì tôi còn nợ người khác. Điều thứ hai là đến gặp những người mà khi tôi sống tôi “khó nhìn mặt” nhất. Nhưng suy cho cùng, trong hai hành động đó, nếu tôi chưa trả nợ, có thể những người anh em tôi, gia đình tôi sẽ trả giúp tôi. Nhưng nếu tôi không tha thứ, thì khi âm dương cách biệt, ai sẽ nói lên lời tha thứ dùm tôi đây? Không ai cả.

    Có lẽ nỗi đau khổ nhất mà con người phải gánh chịu trong cuộc sống đó là không – thể – tha – thứ cho nhau, không thể chấp nhận sự bất toàn của nhau. Cuộc đời tôi không dài, nhưng cũng đủ để cảm nếm cái đắng cay của ân oán, cái ghẻ lạnh của lòng người. Có những gia tộc không đội trời chung, có những xóm giềng không còn “tình làng nghĩa xóm” chỉ vì “chiến tranh hàng rào”. Có những gia đình cha không nhìn mặt con, cháu không nhìn mặt ông bà, cũng chỉ bởi bám chấp vào những thứ phù du của sự sống, là đồng tiền. Nhưng cái hậu quả đau lòng là mãi mãi họ không – thể – tha – thứ cho nhau.

    Người ta vẫn biết cái lý lẽ “lấy oán báo oán, oán oán chập trùng” của những bộ phim kiếm hiệp, nhưng mà vẫn thích “quân tử trả thù, mười năm chưa muộn” của các “quân tử Tàu” hơn. Chúng ta thực sự đã học biết tha thứ?

    Bây giờ hãy xét xem, bản thân ta không muốn gặp ai nhất trên cuộc đời này? Bản thân ta ghét hạng người nào nhất trên cuộc đời này? Bên trong mỗi người luôn luôn có một “vị thẩm phán” của chính nó, vị này mà phán ai có lỗi với ta thì dĩ nhiên ta sẽ xem người đó là kẻ thù, là “kẻ xa lạ” của cuộc đời ta. Mỗi người có một kẻ thù riêng, mỗi gia đình có một kẻ thù riêng, mỗi làng có một kẻ thù riêng, quốc gia có kẻ thù riêng, thậm chí là tôn giáo cũng có kẻ thù riêng. Suy đi xét lại mỗi người có lắm kẻ thù riêng và kẻ thù chung. Sao lắm kẻ thù thế! Sao mà tha thứ được đây?

    Khi ta đã xem một người nào đó là kẻ thù, chỉ cần những việc nhỏ nhặt như bất chợt thấy nó ngoài đường, đi đụng mặt một cái, cũng khiến ta phải bực dọc suy nghĩ, chứ đừng nói đến việc ăn chung quán, làm chung chỗ hay ở chung nhà. Có người nói rằng “mày muốn ai nhớ tới mày nhiều nhất thì làm kẻ thù của nó đi”. Cũng có người nói “ Tao có thể tha thứ cho ai cũng được, trừ cái thằng đó ra”. Tôi thấy mình cũng đã từng có cái suy nghĩ như vậy. Nhưng mà, chính “cái thằng đó” mới là cái thằng ta cần phải tha thứ, cái thằng đó mới làm cho ta hao tâm tổn sức, chứ những người khác có làm gì ta đâu?

    Tôi có lần đọc được một câu chuyện của thời hậu chiến. Một gia đình nọ có người con đi lính. Ngày đó, người con dâu, với lời khuyên của gia đình, lên chiến khu thăm chồng, tiện thể “xin” một đứa con. Chị chưa kịp đi thì chồng đã chết. Chiến tranh mà, ai biết được chữ ngờ. Điều quan trọng hơn là, mấy chục năm sau chiến tranh, nhà chồng vẫn chưa tha thứ được cho người con dâu, nhưng lại đi tha thứ cho anh lính Mỹ đã “vô tình” bắn chết con mình. Cũng may là anh lính Mỹ, chứ anh lính ấy mà là người Việt thì còn lâu. Tha thứ phải có điều kiện, có danh, có phận, có quốc tịch hẳn hoi.

    Cảo thơm lần giở trước đèn… Đầu thế kỷ XIX sau những năm sống và nghiên cứu dân tộc học ở Đông Dương, Paul Giran cho xuất bản công trình “Tâm Lý Dân Tộc An Nam” (Psychologie du peuple annamite) vào năm 1904. Mấy năm gần đây, nó mới được xuất bản lại, nay đã qua 100 năm, nhưng lịch sử luôn là một tấm gương để “soi bóng mình”. Làm sao ta có thể biết mình nếu không có một người nào đó đứng bên ngoài nhìn vào và nói cho ta biết.

    Họ nói về ta thế này đây: “Tất cả tình cảm của người An Nam đều mang dấu ấn của sự vị kỷ thuần túy nhất. Không có một chút nhiệt tình hào phóng hay lòng nhân từ rộng lượng nào; trái tim thì đanh cứng, cằn cỗi, khô khốc”[4]. “Khuynh hướng của họ chủ yếu vẫn hướng về gia đình, họ không thể vượt ra ngoài vòng giới hạn”[5]. Nghe đến đây có vẻ “lòng tự tôn dân tộc” của chúng ta nổi lên rồi. Nhưng người ta còn nói thêm nữa “Tình yêu thương đồng loại, biểu hiện ở lòng trắc ẩn hay bác ái là những thứ ít khi thấy hành xử ở người An Nam”[6]. Có phải vậy không nhỉ?

     Tha thứ có lẽ là căn bệnh trầm kha cần phải “chữa trị” của dân tộc ta. Chúng ta không được dạy nhau cách tha thứ. Nếu có thể tóm tắt mấy nghìn năm văn hiến của dân tộc vào trong một chữ, tôi chọn chữ “đánh”. Không thời đại nào ta không phải đánh. Mà đã đánh là phải có thắng có thua. Có thắng thua là phải có kẻ thù. Có kẻ thù thì phải báo thù. Chúng ta đi qua ngàn năm lịch sử chỉ lẩn quẩn trong sự báo thù. Như thế, thứ văn hóa mà ta xây dựng trong sự báo thù thì làm gì có sự tha thứ. Cụ Đồ Chiểu quê tôi viết mấy dòng “hào hùng” trong “Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc” mà tôi đọc tới phải rùng rợn khiếp kinh “Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc, linh hồn theo giúp cơ binh, muôn kiếp nguyện được trả thù kia”[7]. Người đã chết cũng bắt họ đánh, bắt vong hồn của họ lẩn quẩn trong sự trả thù, cùng với người sống trả món nợ đến muôn kiếp. Tôi không trách cụ, tôi tôn trọng cụ, bởi thời của cụ sống là như vậy. Mà cái thời này người ta cũng cố gán chữ “giặc” vô tất cả các thứ có thể: đói cũng là giặc, lũ cũng là giặc, virut cũng là giặc, dịch cũng là giặc, dốt cũng là giặc… thì biết bao giờ mới đến lượt dạy con người ta biết tha thứ đây?

    Sở dĩ tôi nói những điều này là vì một chữ “THỜI”. Chưa bao giờ kể từ thời bình, chúng ta thấy thiên tai và dịch bệnh lũ lượt kéo đến hoành hành “bá đạo” trong một năm như vậy. Chưa bao giờ có nhiều người chết đột ngột và bất chợt đến như vậy; cũng chưa bao giờ hai chữ “nghĩa tình” của dân tộc ta lại dâng cao đến như vậy. Đã đến thời chúng ta phải nhìn vào cái chết để nghĩ về cuộc sống, nghĩ về thế hệ mai sau. Đã đến thời chúng ta nên đặt lại vấn đề về sự tha thứ một cách nghiêm túc và triệt để.

    Biết người thì phải biết ta, nghĩ một chút về ta cái đã. Đức Tin Công giáo đã truyền bá vào Việt Nam gần 5 thế kỷ, mà cốt lõi của đạo là yêu thương. Mỗi tín hữu chỉ cần tuân giữ hai điều cốt yếu: một là phải kính sợ, yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, hai là yêu người thân cận như chính mình. Vế đầu tiên tôi không bàn đến vì khó mà phán đoán được ai yêu mến Thiên Chúa đến dường nào. Như Ápraham chăng? Hay như vua Đavít? Nhưng vế thứ hai “yêu người thân cận như chính mình” thì tôi hơi băn khoăn một chút. Có lẽ lòng bác ái Kitô giáo của riêng mỗi người chúng ta cũng chịu ảnh hưởng nhiều bởi tâm thức chung của dân tộc, nó còn mang tính hình thức, lễ nghi, và chưa thực sự là một tinh thần bác ái Kitô giáo một cách triệt để. Mà triệt để là như thế nào?

   Trong Tân Ước, Thánh Phêrô có lần hỏi Đức Giêsu rằng “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?”.Đức Giêsu đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.” (x. Mt 18, 21-22). Đức Giê-su đã dạy chúng ta như thế, tha thứ thì không cân đo đong đếm được, chỉ cần biết là “cần – phải – tha – thứ – cho – nhau”. Chính Ngài cũng đã tha thứ một cách triệt để trên cây thập giá “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm” (x. Lc 23, 33).

   Mỗi ngày chúng ta đều đọc kinh Lạy Cha, mỗi ngày Thiên Chúa đều tha thứ cho chúng ta. Nhưng tôi tự hỏi rằng, tôi có tha thứ cho tha nhân mỗi ngày hay không?

   Tháng Mười Một, tháng cầu cho những người đã qua đời và cũng là tháng tưởng nhớ và tôn vinh những người đã nêu gương sáng trong việc tha thứ (Các Thánh Nam Nữ). Chắc hẳn khi nhìn về cái chết, mỗi người sẽ nhận ra được một giá trị sống cho riêng mình. Đó có thể là động lực dấn thân cho cuộc đời, đó có thể là khát vọng bảo vệ sự sống, đó có thể là đam mê tìm kiếm sự vĩnh hằng…Tôi hôm nay suy nghĩ về một giá trị sống, là tha thứ. Ta và người như mây trắng giữa trời, tan rồi hợp, hợp rồi tan. Thực sự, nếu ta nhìn về những cái chết, ngẫm nghĩ về thân phận của con người, ta mới nhận ra cuộc sống mong manh và vô thường biết ngần nào. Lúc đó, ta mới thấm thía cái giá trị của việc biết mình còn hiện hữu và biết tha nhân vẫn đang hiện hữu.

Còn gặp nhau thì hãy cứ vui

Chuyện đời như nước chảy hoa trôi

Lợi danh như bóng mây chìm nổi

Chỉ có tình thương để lại đời

Còn gặp nhau thì hãy cứ chào

Giữa miền đất rộng với trời cao

Vui câu nhân nghĩa tròn sau trước

Lấy chữ chân tình gửi tặng nhau. [8]

CHÚ THÍCH

[1]. Danh ngôn về lý trí – Blaise Pascal, theo https://www.tudiendanhngon.vn/danhngon/dn/itemid/12489.

[2].  Lời  bài hát « Phôi pha », Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

[3]. Phước Tuyền Ngô Quang Huynh, Mai Tôi Đi, Theo https://thuvienhoasen.org/a18015/mai-toi-di.

[4]. PAUL GIRAN, Tâm Lý Dân Tộc An Nam, Phan Tín Dụng (dịch), Nxb Hội Nhà Văn, 2019, tr. 83

[5]. PAUL GIRAN, Sđd, tr 84.

[6]. PAUL GIRAN, Sđd, tr 85.

[7]. Nguyễn Đình Chiểu, Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc, theo https://www.thivien.net.

[8]. Lời bài thơ “Còn Gặp Nhau”, Tôn Nữ Hỷ Khương.

 

Bài trướcKhánh Thành Tượng Đài Đức Mẹ Tu Viện Ngôi Lời Sông Pha
Bài tiếp theoNghĩ về chữ “Hiếu”