TIỄN BIỆT CHA STANLEY URODA

0
648

Tùng Lâm

Người ta vẫn thường nhủ bảo nhau về cái vắn gọn của kiếp nhân sinh. Rằng, đời người chóng qua lắm, chỉ như bông hoa dại ngoài đồng hay như vờn mây trôi tan nhanh trong gió. So với cái lịch sử dài đằng đẵng của vũ trụ rộng lớn có tuổi thọ đã mấy chục tỷ năm kia, thì một cuộc đời trên dưới một trăm có thấm thía gì. Vèo một cái, con người từ đâu hiện hữu giữa dòng đời đã nhanh chóng trở về lòng đất.

Quả thật, Thánh Vịnh 90 nói đến cái mau qua của thời gian:

Ngàn năm Chúa kể là gì,

tựa hôm qua đã qua đi mất rồi,

khác nào một trống canh thôi!”[1]

 “Đời chúng con tàn tạ, kiếp sống thoảng qua, một tiếng thở dài.

Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục,mạnh giỏi chăng là được tám mươi,mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khó, cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi.”[2]

Dẫu biết kiếp nhân sinh là thế, nay còn mai mất:

 “Trăm năm nào có gì đâu!

Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì”[3],

Tính ra tuổi đời của Cha như thế cũng không phải là ít, nhưng với tôi, sự ra đi của Cha Stanley Uroda vẫn để lại sự ngậm ngùi và luyến thương thật khó tả. Tôi vẫn còn nhớ như in về hình ảnh một người Cha tốt lành, một người thầy tận tụy, một người anh sống vui vẻ và lạc quan, luôn nở nụ cười trên môi dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Rời bỏ quê hương để ra đi, đến với một đất nước cách xa nửa vòng trái đất, khác biệt lớn về văn hóa, ngôn ngữ… bỏ lại tất cả, Cha sẵn sàng ra đi theo bài sai của Hội Dòng. Hình ảnh đó làm tôi liên tưởng đến cụ Apraham trong sách Sáng Thế, dù tuổi cao sức yếu, nhưng hoàn toàn tin tưởng và phó thác vào tình yêu quan phòng của Thiên Chúa.

Vốn dĩ có sinh ắt sẽ phải có tử, cái chết không loại trừ ai và chắc chắn là như thế. Mọi người đều phải chết: không hẳn già yếu mới chết, mà ngay cả trẻ em mới sinh cũng có thể chết; không nhất thiết người bệnh nặng mới chết, mà có khi kẻ đang khỏe mạnh bình thường cũng chết một cách đột ngột. Cái chết có thể đến bất cứ vào giờ nào trong cuộc đời con người. Vì thế, cái chết là quy luật tất yếu của đời người: con người sinh ra là bắt đầu tiến dần về cái chết, ai rồi cũng được thần chết ghé thăm. Đó là một quy luật không thể chối cãi được.

Hôm nay, Cha nhận được một bài sai mới. Bài sai này sẽ vĩnh viễn dẫn Cha đi xa, xa thế gian, xa Hội Dòng, xa những người thân, bạn bè và cả những người yêu thương Cha.

Cha nằm đó tựa như một người đang say giấc ngủ ngon. Chỉ một chốc lát nữa thôi, Cha sẽ trở về với lòng đất mẹ. Đôi chân thể lý của Cha đã tạm dừng bước, không còn tiếp tục cuộc hành trình của một nhà truyền giáo, nhưng cả cuộc đời, đôi chân ấy đã bước đi không biết mỏi mệt, đã gieo vãi những hạt giống tình yêu qua sự thân thiện, cởi mở và chân thành ở tất cả mọi vùng miền mà Cha đặt chân đến.  Hình ảnh và dấu ấn của Cha sẽ còn đọng lại mãi trong tâm trí của tất cả anh em Ngôi Lời, cách riêng là các thế hệ anh em tu sĩ tỉnh Dòng Ngôi Lời Việt Nam.

Xin vĩnh biệt mọi người. Tôi ra đi lần cuối, không bao giờ trở lại. Hẹn nhau trong nước trời.”[4]  Lời bài hát “Xin để lại anh em” của Lm Thiện Cẩm cũng chính là lời nhắn nhủ của Cha với anh em Thỉnh sinh Ngôi Lời Việt Nam trước khi chia tay về Mỹ. Hôm nay Cha đã thực hiện lời nhắn nhủ đó. Xin Chúa Kitô Phục Sinh đón nhận linh hồn Cha vào an nghỉ trong tình yêu của Ngài.

Vĩnh biệt Cha, hẹn gặp lại Cha trên Nước Trời.

Video thánh lễ an táng Cha Stan: https://youtu.be/2zzQcW4Ktco

                                                               Anthony

[1] Thánh Vịnh 90, 4

[2] Ibid, 10

[3] (Cung Oán Ngâm Khúc – Nguyễn Gia Thiều)

[4] Xin để lại anh em, Lm Thiện Cầm

Bài trướcToàn văn Sứ điệp của ĐTC Phanxicô nhân Ngày thế giới cầu nguyện cho ơn gọi
Bài tiếp theoĐTC Phanxicô: Mẹ Maria ở bên cạnh những người qua đời đơn độc trong đại dịch