Đời Không Như Một Bộ Phim Trắng Đen

0
322

Gioakim Quốc Vương – Thỉnh sinh Ngôi Lời

Charlie Chaplin, hay người Việt thường gọi ông là Sạc-lô, là một diễn viên hài hước nổi tiếng người Anh. Một điểm đặc biệt tạo ấn tượng cho tôi nơi các bộ phim của anh thủ vai, ngoài tính hài hước sâu sắc tạo tiếng cười khoái chí, còn là sắc màu trắng đen của phim. Điều đó làm cho tôi lúc nhỏ có một suy nghĩ khá ngô nghê: “Mọi thứ trong thời của Sạc-lô chỉ có hai màu trắng đen, và tôi thật may mắn khi không sinh cùng thời với ông.” Lớn lên một chút, tôi mới hiểu ra rằng, màu sắc thời nay hay thời của Sạc-lô đều có nhiều màu phong phú như nhau cả. Thứ làm thay đổi màu sắc chính là chiếc máy quay phim. Nó gạn lọc hết màu sắc của thiên nhiên và con người để chỉ còn lại hai màu đơn điệu. Điều này gợi lên trong tôi một câu hỏi về thực tại cuộc đời. Những gì tôi nhìn thấy, những công việc tôi đang làm, và cả cuộc sống của tôi liệu có bị ai đó hay thứ gì đó đang che mất đi những vẻ đẹp muôn màu đa dạng, lấy mất những ý nghĩa thật sự không?

          Thói đạo đức giả là một trong những chủ đề hiếm hoi mà Chúa Giêsu lên án rất gay gắt. Và nhân vật gần như không thể tách lìa khỏi câu chuyện này chính là những người Pharisêu. Họ được biết đến là những người giữ gìn cũng như thực hành truyền thống và văn hóa Do Thái, bởi thế cuộc sống và những gì họ làm là mẫu gương để dân chúng noi theo. Tự bản chất, việc ăn chay, cầu nguyện và giữ luật ngày Sabát là tốt đẹp, nhưng những người Pha-ri-sêu lại xóa bỏ đi giá trị của chúng vì cái động lực không mang ý ngay lành. Họ để tiếng tăm và lợi ích cá nhân phủ lên các giá trị tốt đẹp đích thực. Ngay cả những lý tưởng vốn cao đẹp xuất phát từ lòng mến và sự khao khát trọn lành như giữ gìn truyền thống, thi hành luật lệ, chu toàn bổn phận cũng bị những con người được xem là chuẩn mực này biến thành những gánh nặng chất lên vai mọi người phải thực hiện. Tỏ ra tốt đẹp, rêu rao những lý tưởng đáng quý, thực hành lề luật một cách máy móc nhưng không nhận ra ý nghĩa thật sự của chúng, nên những người Pharisêu đã bị Chúa Giêsu gọi là những kẻ giả hình.

          Trong cuộc sống, chúng ta cũng rất dễ “dẫm vào vết xe đổ” của những người Pharisêu. Trong suy nghĩ, ai cũng mong muốn được xã hội công nhận, được mọi người tôn trọng, và chạm tới sự thành công. Để đạt được những điều đó chúng ta đương nhiên phải trả những cái giá tương ứng. Muốn trở nên thành đạt, chúng ta phải nỗ lực từng ngày để chinh phục một lý tưởng nào đó, như công việc, tri thức, hay giáo dục…; muốn được người khác tôn trọng, chúng ta phải có chút chính kiến và hoài bão; muốn được xã hội công nhận chúng ta cần làm điều gì đó có ích cho cộng đồng. Để rồi câu nói “chẳng ai cho không ai cái gì” có phần hơi tiêu cực này lại trở nên xác đáng. Chúng ta thực hiện những bổn phận, những trách nhiệm, những quy ước do xã hội, gia đình và chính bản thân yêu cầu để ta nhận được những thành quả tích cực. Tuy nhiên, lắm lúc, một cách vô tình, chúng ta biến những gì là ý nghĩa, thiêng liêng thành câu chuyện đổi chác. Điều đó rất giống với điều Chúa Giêsu nói “vì họ đã được trả công rồi”, những gì là hy sinh, là yêu thương là chia sẻ qua lăng kính của sự giả hình trở nên không có giá trị. Chúng ta tự dưng biến một cuộc sống đầy màu sắc vui tươi trở thành một bộ phim trắng đen vô vị.

          Thói đạo đức giả, loay hoay đi tìm thành quả hơn là ý nghĩa thật sự không chỉ dừng lại trong cách ứng xử của tôi với tha nhân. Nó còn len lỏi vào trong những cuộc gặp gỡ giữa tôi với Thiên Chúa – Đấng Thấu Suốt Mọi Bí Ẩn (x. Mt 6, 17), bởi vì thói đạo đức giả rất giỏi ngụy trang và che đậy. Cha Anthony De Mello có lần đã viết rằng, trước kia khi đọc/hát kinh Vinh Danh người tham dự Thánh Lễ không phải đứng. Tuy nhiên, có một vị vua nước Anh khi lắng nghe kinh nguyện này, tâm hồn ông cảm thấy hân hoan, trong lòng bừng lên một cảm giác rất khó tả, vì vậy ông đã tự động đứng để thể hiện điều mà ngôn ngữ không thể thể hiện hết được. Và tất nhiên, khi một vị vua đứng lên thì hẳn cả cộng đoàn lúc ấy cũng phải đứng lên theo. Để rồi như một ngọn nến có thể đốt cháy cả một khu rừng, việc đứng lên khi đọc/hát kinh Vinh Danh dần dần không chỉ được phổ biến mà trở thành một thông lệ trong Thánh Lễ. Có thể câu chuyện này chỉ là một câu chuyện hư cấu, nhưng nó vẫn mang một giá trị có tính hiện sinh nhất định. Vị vua nước Anh trong câu chuyện đã cảm nhận được vinh quang của Thiên Chúa qua kinh Vinh Danh. Ông đã để cho Chúa Thánh Thần thôi thúc bản thân làm những việc vượt ra khỏi những lề thói, quy định xã hội, thoát ly khỏi tiếng tăm danh dự của một người đứng đầu. Còn chính tôi đây, đã không biết bao nhiêu lần đứng lên, ngồi xuống trong Thánh lễ nhưng lại không nhận ra được những ý nghĩa, những tâm tình được gửi gắm qua những lời nguyện và cử chỉ trong đó. Tôi để những thói quen, quy định lọc hết đi vẻ đẹp thật sự của thánh lễ và nghi lễ được ví như là “nếm thử trước tiệc Nước Trời”.

          Tôi vẫn còn nhớ khi còn học trung học, cô giáo dạy vẽ của tôi từng nói là nếu muốn vẽ được một hình tròn bằng tay, trước tiên chúng ta phải phác họa thật nhiều đường thẳng, càng nhiều đường thẳng được chồng lên đường tròn càng dễ tròn hơn. Đúng thế, chỉ bằng tay không thì một lần vẽ sẽ rất khó để ra được hình tròn. Nhưng có bao giờ tôi nhìn thấy được đường thẳng trên những hình tròn đâu. Cuộc đời tôi phần nào đó cũng thế, tôi chẳng giỏi giang gì, chẳng trồng được một cây dừa nào, chẳng biết leo dừa, và cũng không quen việc chặt dừa, nhưng ở trong cộng đoàn thỉnh viện, tôi lại may mắn có nước dừa để uống. Tất cả những thứ, những điều mà tôi có đều được dệt, được bồi tụ nên từ công sức của rất nhiều người. Nhưng tôi vẫn rất dễ dửng dưng chỉ nhìn thấy được cái tôi tròn vo của mình, mà chẳng mảy may tới những con người đã bước qua đời tôi để lại những ý nghĩa thầm lặng trong cuộc sống này.

          Ngay chính đời sống tận hiến mà tôi đang theo đuổi, một cuộc sống vốn được ví là một hành trình “ngược dòng đời”, áp lực trở nên men muối và ánh sáng cho đời, trở nên mẫu gương trong đời sống đức tin lắm lúc biến tôi thành một kẻ giả hình chính hiệu. Nếu tôi cứ mải mê tìm kiếm lời khen ngợi, chạy theo tiếng vỗ tay, cứ nghĩ rằng những gì tôi làm là đáng quý đáng tôn trọng, thì một lúc nào đó cuộc đời tôi sẽ thực sự đơn điệu và vô vị. Đức Giêsu đã đến, đã khai mở cho nhân loại và cho chính tôi về giá trị của cái đẹp đích thực của cuộc sống. Một người môn đệ của Chúa cần thấm nhuần và đi trên con đường mà Thầy Giêsu đã đi.

Bài trướcƠn gọi không đến từ con người
Bài tiếp theoPhóng sự: CÙNG NGÔI LỜI HƯỚNG VỀ MIỀN TRUNG