ĐÁP TRẢ VÀ SỐNG ƠN GỌI (Lc 6,43-49) (Bài giảng lễ tuyển sinh ơn gọi Ngôi Lời 2020)

0
436

Lm. Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Phú, SVD

Lựa chọn và nỗ lực là hai yếu tố cần thiết để con người đi đến thành công. Lựa chọn là quyết định một hướng đi, và nỗ lực là quá trình đi hết con đường được chọn. Trong hai yếu tố, lựa chọn hướng đi có lẽ quan trọng và khó hơn. Quan trọng vì nếu chọn sai, ta phải mất sức tốn thời gian để quay về điểm xuất phát, tiếp tục đi ta sẽ lạc lối, cuộc đời rơi vào bế tắc; khó vì ta cần đủ kiến thức, đủ can đảm, và đủ động lực để có một quyết định đúng. Tuy nhiên, nỗ lực cho tới cuối con đường cũng không hề dễ dàng bởi nó đòi hỏi một sự dấn thân liên lỉ.

Với người môn đệ của Đức Giêsu có lẽ trật tự của hai yếu tố trên được đảo chiều. Chúa chọn và mời gọi, ta chỉ cần đáp trả bằng tiếng xin vâng; Chúa quyến rũ ta và ta chỉ cần để Ngài quyến rũ (x. Gr 20,7), thế là ta yên tâm lên đường. Ta không sợ chọn lầm vì Chúa là con đường dẫn tới sự sống dồi dào, ta không phải đắn đo vì Chúa thấu hiểu – thấu hiểu ta và thấu hiểu con đường phía trước, ta không sợ kiệt sức để phải đứt gánh giữa đường vì Chúa là tình yêu và là sức mạnh luôn nâng đỡ.

Tự do luôn là món quà cao quý mà Thiên Chúa đã ban cho nhân loại và không bao giờ bị đòi lại. Tuy nhiên, những ai được Chúa mời gọi để thực thi kế hoạch cứu độ của Ngài thì dường như không thể nói không. Abraham, Môisê, Giêrêmia, rồi tới Phêrô, Phaolô, Augustinô, Phanxicô… mỗi người được Chúa gọi một cách và có lẽ nhiều người muốn thoái thác nhưng không thể. Phê-rô, sau mẻ cá lớn, khám phá ra quyền năng siêu việt nơi Đức Giêsu, sự hèn yếu và tội lỗi của bản thân đã phải thốt lên cùng Chúa như một lời cầu xin tha mạng: „Lạy Chúa, xin tránh xa con vì con là kẻ tội lỗi“(Lc 5,8). Augustinô chắc là biết mình không thể từ chối nên nài nỉ Chúa ”từ từ” vì còn nhiều vấn vương và luyến tiếc, nhưng rồi cũng phải thừa nhận với Chúa: “Lạy Chúa, lòng con khắc khoải lo âu, bao lâu con chưa được ở trong Ngài.” “Lưới Trời lồng lộng, tuy thưa mà khó thoát“ quả rất đúng. Nói theo ngôn ngữ của giới trẻ bây giờ „Chúa đã kết rồi thì đừng hòng thoát“. Điều này được Giáo sư Nguyễn Khắc Dương diễn tả rất hay trong loạt bài viết „Đức Tin và Lý Trí“: „Abraham, Môisê, Đavít, Phêrô, Phaolô…Gioan Phaolô II đều bị Thiên Chúa gọi (như Ngài gọi Samuel vậy) và hầu hết đều sợ, đều có ý muốn thoái thác cả (…). Thậm chí có kẻ đã táo bạo nói „Thiên Chúa của Kinh Thánh là một sự thực hiện hữu, mà phần lớn chứng nhân đã đạp phải như đạp phải cái đinh, nhiều khi muốn Ngài đừng có cho ổn, nhưng khốn nỗi Ngài hiện hữu ‚thù lù‘ như cái đinh, muốn phủ nhận, muốn trốn tránh cũng không được.“ Phaolô, một “nạn nhân” bị Chúa “bắt cóc” (x.Cv 9,1-18) đã phải ngậm ngùi thú nhận: “khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16).

Thật vậy, từ chối lời mời gọi “hãy theo thầy” gần như là điều bất khả thi. Tuy nhiên, bước tới đích của cuộc hành trình này lại là một thách đố lớn nếu không muốn nói là quá sức đối với con người đầy giới hạn của ta. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu tha thiết mời gọi ta thực hành lời của Ngài. Một lời mời gọi khẩn thiết, vì chỉ khi nghe và thực hành lời Chúa, ta mới cán tới đích là sự sống viên mãn. Kinh nghiệm thực tế mách bảo, đây là lời mời gọi dễ nghe mà khó làm bởi nó đòi hỏi nơi ta một sự biến đổi tận căn, biến đổi từ trong sâu thẳm của lòng mình. Nói cách khác, cần phải đi vào tâm khảm của mình để ta gặp Chúa, để tim ta chạm vào tim Chúa, để ta cảm nhận và được tình yêu Chúa thúc bách (x.2Cr 5,14). Chỉ khi đó, ta mới đủ nhiệt huyết để thỏa mãn sự đòi hỏi của Chúa là từ bỏ chính mình và vác thập giá (x.Mt 16,24).

Từ bỏ chính mình là từ bỏ lối suy nghĩ cũ, lối hành xử cũ, lối sống cũ mang nặng tính nhân loại: hời hợt, ích kỉ, kiêu ngạo, cố chấp, ham mê tiền bạc, nhục dục, quyền lực, hành xử bạo lực, thù hận…; vác thập giá không hẳn là vác lên mình một bản án, nhưng là vác lên mình cái tinh thần của Đức Giêsu, tinh thần của tin mừng: tinh thần nghèo khó, sống hiền lành khiêm nhường, yêu thương và tha thứ, phục vụ và dấn thân… Đó là một hành trình mà theo thánh Phaolô là tiến trình tái sinh, chết đi con người bị điều khiển bởi những gì thuộc hạ giới như: gian dâm, ô uế, đam mê ước muốn xấu, tham lam, giận dữ, nóng nảy, cộc cằn, thóa mạ, ăn nói thô tục…, và mặc lấy con người mới, con người thuộc thượng giới: con người có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa, nhẫn nại, yêu thương và tha thứ (x. Cl 3,1-17). Tất nhiên, biến đổi hay tái sinh không phải là một biến cố mà là một hành trình, hành trình kéo dài suốt cả cuộc đời. Mỗi ngày là sự bắt đầu của phần đời còn lại, và ta lại được mời gọi trở nên trên hành trình hoàn thiện bản thân (x Mt 5,48).

Những gì Chúa mời gọi qua đoạn tin mừng, những gì thánh Phaolô gửi gắm, và những trải nghiệm của các chứng nhân cũng chính là tình thần mà mỗi thành viên dòng truyền giáo Ngôi Lời được mời gọi: cuộc sống của Ngài là cuộc sống của chúng ta, và sứ vụ của Ngài là sứ vụ của chúng ta (HP). Giờ đây, ta được mời gọi tự chất vấn mình: tôi có sẵn sàng viết tiếp trang sử mà các bậc tiền bối vẫn còn viết dở trên hành trình cứu độ nhân loai của Đức Giêsu hay không?

Bài trướcMẫu gương SVD cho năm Laudato Sí
Bài tiếp theoAI TÍN