Bài đọc: Xh 32,7-14
Tin Mừng: Ga 5,31-47
31 Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Do-thái rằng: “Nếu tôi làm chứng về chính mình, thì lời chứng của tôi không thật.
32 Có Đấng khác làm chứng về tôi, và tôi biết: lời Người làm chứng về tôi là lời chứng thật.
33 Chính các ông đã cử người đến gặp ông Gio-an, và ông ấy đã làm chứng cho sự thật.
34 Phần tôi, tôi không cần lời chứng của một phàm nhân, nhưng tôi nói ra những điều này để các ông được cứu độ.
35 Ông Gio-an là ngọn đèn cháy sáng, và các ông đã muốn vui hưởng ánh sáng của ông trong một thời gian.
36 Nhưng phần tôi, tôi có một lời chứng lớn hơn lời chứng của ông Gio-an: đó là những việc Chúa Cha đã giao cho tôi để tôi hoàn thành ; chính những việc tôi làm đó làm chứng cho tôi rằng Chúa Cha đã sai tôi.
37 Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, chính Người cũng đã làm chứng cho tôi. Các ông đã không bao giờ nghe tiếng Người, cũng chẳng bao giờ thấy tôn nhan Người.
38 Các ông đã không để cho lời Người ở mãi trong lòng, bởi vì chính các ông không tin vào Đấng Người đã sai đến.
39 Các ông nghiên cứu Kinh Thánh, vì nghĩ rằng trong đó các ông sẽ tìm được sự sống đời đời. Mà chính Kinh Thánh lại làm chứng về tôi.
40 Các ông không muốn đến cùng tôi để được sự sống. 41 “Tôi không cần người đời tôn vinh.
42 Nhưng tôi biết: các ông không có lòng yêu mến Thiên Chúa.
43 Tôi đã đến nhân danh Cha tôi, nhưng các ông không đón nhận. Nếu có ai khác nhân danh mình mà đến, thì các ông lại đón nhận.
44 Các ông tôn vinh lẫn nhau và không tìm kiếm vinh quang phát xuất từ Thiên Chúa duy nhất, thì làm sao các ông có thể tin được ?
45 “Các ông đừng tưởng là tôi sẽ tố cáo các ông với Chúa Cha. Kẻ tố cáo các ông chính là ông Mô-sê, người mà các ông tin cậy.
46 Vì nếu các ông tin ông Mô-sê, thì hẳn các ông cũng tin tôi, bởi lẽ ông ấy đã viết về tôi.
47 Nhưng nếu điều ông ấy viết mà các ông không tin, thì làm sao tin được lời tôi nói ?”
—– SUY NIỆM —–
ĐẤNG LÀM CHỨNG VỀ TÔI (Tu sĩ Antôn Nguyễn Văn Lai, SVD)
Chúa Giêsu đã nói: “Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha”. Chúa Cha luôn ở cùng với Chúa Con mọi nơi, mọi lúc. Chúa Cha là chứng nhân về những cộng việc của Chúa Con.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho người Do Thái biết Người không tự ý làm chứng về chính mình nhưng có một Đấng khác làm chứng cho Người và lời chứng của Người là lời chứng thật. Vậy Đấng làm chứng cho Chúa Giêsu là ai? Tại sao Chúa Giêsu lại không thể tự mình làm chứng? Tại sao lời chứng của Đấng ấy lại là lời chứng thật? Theo kế hoạch của chương trình cứu độ, Chúa Cha sai Chúa Giêsu đến trần gian cứu độ con người. Nhưng trước khi Chúa Giêsu nhập thể, Chúa Cha đã cử ông Gioan Tẩy Giả đến dọn đường, loan báo và làm chứng về Đấng xóa bỏ tội trần gian. Bên cạnh đó, Chúa Cha cũng đã hiện diện trong sự kiện biến hình trên núi để khẳng định Chúa Giêsu là Con yêu dấu của Ngài. Qua đó, chúng ta biết được Đấng làm chứng cho Chúa Giêsu chính là Chúa Cha. Lời chứng của Chúa Cha là lời chứng thật, vì Ngài là sự thật vẹn toàn. Hơn nữa, Chúa Giêsu đã minh chứng cho con người biết về Chúa Cha là Đấng làm chứng cho Người qua việc hoàn thành tất cả các công việc Chúa Cha giao phó.
Giữa một thế giới tục hóa, người Kitô hữu được mời gọi rao truyền và làm chứng cho Chúa. Nhưng làm thế nào chúng ta làm chứng về Thiên Chúa khi xã hội đang chạy theo tìm kiếm những điều thuộc về hạ giới. Làm thế nào để sự rao truyền về Chúa được nhiều người đón nhận và tin theo khi vẫn còn xuất hiện niềm tin về mọi thứ đều là tương đối. Như Chúa Cha đã làm chứng về Chúa Con thì mỗi người cũng được mời gọi làm chứng cho Chúa Giêsu nơi cuộc sống trần gian bằng cách thi hành những ý muốn của Chúa Cha.
Lạy Chúa, khi lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy, chúng con được tham dự vào sứ mạng ngôn sứ để rao truyền và làm chứng về Chúa. Xin cho chúng con can đảm làm chứng cho Chúa giữa dòng đời hôm nay. Amen.
LÀM THEO Ý THIÊN CHÚA (Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Hải, SVD)
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã cho chúng ta thấy Người muốn làm theo ý định của Chúa Cha. Người nói: “Người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm; vì điều gì Chúa Cha làm, thì người Con cũng làm như vậy” (Ga 5,19).
Cuộc đời của Chúa Giêsu là chuỗi ngày thực hiện thánh ý của Chúa Cha. Từ thuở còn nằm nôi tại Nadarét nghèo hèn, cho đến khi đi rao giảng, chữa bệnh, làm nhiều phép lạ và chịu chết trên thập giá, tất cả những việc ấy, Chúa Giêsu đã vâng theo thánh ý Thiên Chúa một cách triệt để. Trước khi Chúa Giêsu bước vào cuộc Khổ Nạn, Người đã cảm nhận được sự đau khổ và sợ hãi đến nỗi đã thốt lên: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng cho ý con thể hiện mà là ý Cha” (Lc 22,42). Trên thập giá, lúc chỉ còn chút hơi mọn, Người đã thều thào với Chúa Cha: “Lạy Cha, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27,46). Phải, đắng cay là thế, đau khổ là vậy nhưng Chúa Giêsu vẫn tiếp tục để thánh ý của Chúa Cha được nên trọn. Con người được Thiên Chúa ban cho một món quà vô cùng quý giá là sự tự do. Ta có quyền chấp nhận hoặc từ chối thánh ý Thiên Chúa. Chúa Giêsu cũng có quyền chọn một trong hai, nhưng vì yêu, Người đã chọn “chấp nhận” thánh ý Chúa Cha để cứu độ con người. Đó là một thái độ cần có của người bước theo Chúa Giêsu. Dĩ nhiên, thánh ý Thiên Chúa khác xa với ý muốn của con người, sẽ là những đau khổ, những thử thách, những trái ý, nhưng chính nhờ “trái ý thánh” ấy mới đem lại cho con người ơn cứu độ.
Lạy Chúa Giêsu, Ngài luôn thực hiện thánh ý Thiên Chúa, ắt hẳn Ngài hiểu được những chông gai. Xin ban thêm cho chúng con ơn sức mạnh và can đảm, để chúng con có thể đón nhận và thực thi thánh ý Chúa trong cuộc đời mình. Amen.
CHÚA CHA LÀM CHỨNG VỀ NGƯỜI CON (Tu sĩ Giuse Hoàng Văn Bình, SVD)
Chúa Giêsu đến trần gian thi hành sứ mạng Chúa Cha giao phó, nhưng lại chẳng có sự chuẩn nhận của thế quyền; điều này khiến Người gặp nhiều khó khăn và bị khước từ. Vì thế, Chúa Giêsu đã đưa ra nhiều lời chứng về thẩm quyền thần linh để minh chứng về thân thế và sứ mạng của Người. Trong đó, Tin Mừng nhấn mạnh đến lời chứng của Chúa Cha về Người Con.
“Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, chính Người cũng đã làm chứng cho tôi” (Ga 5,37a). Ở đây, Chúa Giêsu giải thích lời chứng của Chúa Cha, việc Người được Cha sai phái đến trần gian để thực thi công cuộc cứu độ cho muôn dân. Điều đó đã mạc khải cho loài người biết họ có một Người Cha nhân từ và giàu lòng xót thương, đã yêu thương họ đến cùng. Cho nên, việc Người Con đến thế gian là chu toàn thánh ý Cha để hòa giải nhân loại và phục hồi phẩm giá cho con người. Thế nhưng, con người cứ chần chừ, cứng tin vì thế họ không chịu mở lòng đón nhận Con Thiên Chúa.
Trong thực tế, với các sự kiện đã được chứng thực, như người què đi được, người điếc được nghe, người mù được thấy, kẻ chết sống lại, người ta đặt
ra câu hỏi rằng, liệu ai có thể làm được những điều đó nếu không phải là Thiên Chúa? Và dường như, người ta đã tự vẽ cho mình một vị Thiên Chúa theo ý riêng họ để tôn thờ, còn Đấng được sai đến từ Thiên Chúa đích thực thì lại bị con người từ khước, tẩy chay.
Lạy Chúa, trong cuộc sống thường nhật, lắm khi chúng con từ chối sự hiện diện của Chúa bởi cứng lòng tin. Vì thế, xin Chúa vực dậy đức tin yếu hèn và giúp chúng con biết tôn thờ một mình Chúa là Đấng đã chịu đau khổ và chết vì chúng con, chứ không phải đi tìm một ai khác nhằm thỏa mãn ý mình để thờ lạy, cậy dựa. Amen.
LÀM CHỨNG (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)
————–
LỜI CHỨNG VỀ CON THIÊN CHÚA (Lm. Giuse Trần Văn Huyến, SVD)
Lời chứng về sứ mạng cứu độ của Đức Giêsu không chỉ qua lời chứng của thánh Gioan mà còn qua những dấu lạ phi thường mà chính Người đã làm, và hơn hết là lời chứng của chính Chúa Cha.
Lời chứng của thánh Gioan Tẩy Giả, một phàm nhân cao trọng, về Đức Giêsu nói lên vai trò vượt trội của Chúa Giêsu. Thật vậy, chính thánh Gioan đã nói rằng ông đến chỉ để làm chứng cho Ánh Sáng (x. Ga 1,7). Lời chứng về Ánh Sáng của thánh nhân đã giúp cho nhiều người ăn năn hối cải và “sửa thẳng tâm hồn” để chào đón Đấng Cứu Độ, Đấng là Ánh Sáng thật của Thiên Chúa. Những lời chứng của thánh Gioan được minh chứng cách rõ rệt hơn khi chính Đức Giêsu làm những điềm thiêng dấu lạ: chữa bệnh cho người bị mù (x. Ga 9,1-41); cho anh Ladarô sống lại (x. Ga 11,1-44). Từ những dấu lạ đó mà mọi người nhận ra Chúa Giêsu thật là Con Thiên Chúa, Đấng được Chúa Cha sai đến cứu độ nhân gian.
Nhưng, lời chứng lớn hơn cả về Đức Giêsu và về sứ vụ của Người được phát xuất từ Chúa Cha. Thực vậy, Chúa Cha đã làm chứng cho Chúa Con bằng cách gieo Lời vào trong lòng chính mỗi người. Nhờ Lời được gieo đó mà bất cứ ai cũng có được động lực để tin rằng Đức Giêsu là vinh quang đích thực mà ai đạt đến thì được sống.
Dù có các lời chứng đáng tin về Đức Giêsu nhưng nhiều người Do Thái vẫn tìm cách chối bỏ Người. Họ muốn loại Người ra khỏi cuộc sống và tự tìm cách tôn vinh nhau. Đó cũng là hiện trạng của những ai đang sống cuộc sống chỉ biết hưởng thụ, buông mình theo tội lỗi mà bỏ qua sự hiện diện của Ngôi Lời.
Xin Chúa cho chúng con luôn biết nhận ra sự hiện diện của Lời trong chính cuộc đời mình và tha nhân, nhờ đó chúng con biết sống sao cho xứng đáng là lời chứng về Thiên Chúa duy nhất. Amen.
———–
LỜI CHỨNG – SỰ THẬT (Tu sĩ Giuse Đinh Ngọc Hiển, SVD)
Trong cuộc sống, khi đối chiếu một vấn đề, đặc biệt hơn là khi cần lời chứng của một nhân chứng trước một sự việc nào đó mang tính chất quan trọng, người ta rất quan tâm đến người làm chứng và lời chứng của người đó. Bởi lẽ, người có thẩm quyền phán xét sẽ dựa trên lời chứng để xác minh sự việc và đưa ra những quyết định đúng đắn nhất.
Mở đầu đoạn Tin Mừng, Đức Giêsu đã nhắc đến cặp từ “lời chứng – sự thật”. Thực tế cho chúng ta thấy, khi xét xử một tội phạm, người ta sẽ không để phạm nhân tự làm chứng cho chính mình. Tại sao lại như vậy? Thiết nghĩ, những lời tự làm chứng của người đó sẽ không đáng tin cậy và chưa chắc đã đúng sự thật.
Đức Giêsu hiểu những suy nghĩ của những người Do Thái nên Ngài nói: “Nếu tôi làm chứng về chính mình, thì lời chứng của tôi không thật”. Chúa Giêsu đã giải đáp những suy nghĩ trong lòng người Do Thái bằng cách khẳng định: Chính Ngài sẽ không làm chứng về mình nhưng sẽ có những lời chứng khác làm chứng cho Ngài. Thánh Gioan Tẩy Giả đã làm chứng cho Ngài, nhưng dân Do Thái vẫn không tin, dẫu Gioan đang có uy tín rất lớn đối với dân chúng vào thời bấy giờ. Nhưng có một lời chứng khác lớn hơn lời chứng của Gioan, đó là lời chứng đến từ Chúa Cha, mà Đức Giêsu mạc khải cho họ nhưng họ không tin và không đón nhận.
Là Kitô hữu, chúng ta luôn được mời gọi làm chứng cho sự thật. Thế nhưng, không ít lần, vì sợ hãi hoặc ích kỷ, chúng ta đã không giống lên tiếng nói cho sự thật. Xin Chúa giúp chúng con can đảm hơn để sống đúng như lời Chúa dạy là: “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18, 37).