Bài đọc: Ed 47,1-9.12
1 Sau đó, nhân dịp lễ của người Do-thái, Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem. 2 Tại Giê-ru-sa-lem, gần Cửa Chiên, có một hồ nước, tiếng Híp-ri gọi là Bết-da-tha.
Hồ này có năm hành lang. 3a Nhiều người đau ốm, đui mù, què quặt, bất toại nằm la liệt 5 ở đó, có một người đau ốm đã ba mươi tám năm.
6 Đức Giê-su thấy anh ta nằm đấy và biết anh sống trong tình trạng đó đã lâu, thì nói: “Anh có muốn khỏi bệnh không ?” 7 Bệnh nhân đáp: “Thưa Ngài, khi nước khuấy lên, không có người đem tôi xuống hồ. Lúc tôi tới đó, thì đã có người khác xuống trước mất rồi!”
8 Đức Giê-su bảo: “Anh hãy trỗi dậy, vác chõng mà đi!” 9 Người ấy liền được khỏi bệnh, vác chõng và đi được.
Hôm đó lại là ngày sa-bát. 10 Người Do-thái mới nói với kẻ được khỏi bệnh: “Hôm nay là ngày sa-bát, anh không được phép vác chõng!”
11 Nhưng anh đáp: “Chính người chữa tôi khỏi bệnh đã nói với tôi: ‘Anh hãy vác chõng mà đi!’“ 12 Họ hỏi anh: “Ai là người đã bảo anh: ‘Vác chõng mà đi’ ?”
13 Nhưng người đã được khỏi bệnh không biết là ai. Quả thế, Đức Giê-su đã lánh đi, vì có đám đông ở đấy. 14 Sau đó, Đức Giê-su gặp người ấy trong Đền Thờ và nói: “Này, anh đã được khỏi bệnh. Đừng phạm tội nữa, kẻo lại phải khốn hơn trước!”
15 Anh ta đi nói với người Do-thái: Đức Giê-su là người đã chữa anh khỏi bệnh. 16 Do đó, người Do-thái chống đối Đức Giê-su, vì Người hay chữa bệnh ngày sa-bát.
—– SUY NIỆM —–
ƯỚC MUỐN THA THIẾT (Tu sĩ Giuse Trần Minh Kiểm, SVD)
Người bệnh, người yếu đuối và bị bỏ rơi lúc nào cũng có ở mọi nơi và mọi thời. Đức Giêsu thường dành tình cảm đặc biệt cho họ. Ngài không chỉ chữa lành về thân xác mà còn cả tâm hồn đối với ai có “ước muốn” hoặc “lòng tin” vào Ngài.
Hôm nay lên Giêrusalem, Đức Giêsu thấy nhiều người ốm đau tàn tật nằm la liệt quanh bờ hồ, nhưng dường như Người chỉ để ý đến anh bất toại và thấy một mình anh. Anh đã sống ba mươi tám năm với căn bệnh của mình, thời gian bằng một nửa đời người. Chính Đức Giêsu đến với anh và mở lời bằng câu hỏi: “Anh có muốn được khỏi bệnh không?”.
Câu hỏi có vẻ thừa, vì ai mà không muốn được khỏi bệnh, nhưng thật ra khi Đức Giêsu hỏi câu này, Ngài muốn chạm đến nỗi khát khao sâu thẳm của anh. Ngài muốn biết anh còn ước muốn hay không? Dù không trả lời trực tiếp câu hỏi của Đức Giêsu nhưng anh lại muốn trải lòng cho người lạ này biết ngõ cụt của mình: “Tôi không có người đem tôi xuống hồ, khi nước động” và “Lúc tôi tới đó, thì người khác đã xuống trước tôi rồi”. Như thế, để thấy được anh rất muốn được khỏi. Anh đã không có được sự trợ giúp từ phía bạn bè hay người thân. Anh cô đơn, trơ trọi một mình. Đức Giêsu đã chạnh lòng thương xót anh và chữa lành cho anh.
Như thế để chúng ta thấy được, yếu tố cần thiết đầu tiên để phép lạ xảy ra là phải có lòng mong muốn thiết tha. Hôm nay, Đức Giêsu đang hỏi chúng ta: “Anh có muốn được khỏi bệnh không?”. Quyền phép của Thiên Chúa chẳng bao giờ loại bỏ nỗ lực của con người. Không ai có thể ngồi xuống vừa nghỉ ngơi, vừa chờ đợi phép lạ. Chúng ta phải nhận thức sự bất lực của chính mình, phép lạ chỉ xảy ra khi ý chí của chúng ta và quyền năng của Thiên Chúa cộng tác với nhau, giống như anh bất toại trong bài Tin Mừng hôm nay, anh đã tự đứng dậy và vác chõng.
Xin cho mỗi người chúng ta ý thức rằng, chúng ta đừng ngồi chờ đợi phép lạ nhưng hãy làm rồi cầu xin và Ngài sẽ ban cho chúng ta. Amen.
THIÊN CHÚA LUÔN ĐI BƯỚC TRƯỚC (Tu sĩ Gioan Hoàng Xuân Hải, SVD)
Trình thuật Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy khung cảnh những người bệnh nằm la liệt bên hồ nước Bếtđatha để mong được chữa lành. Chứng kiến điều đó, Chúa Giêsu đã chạnh lòng thương họ. Người đã chữa lành một bệnh nhân suốt 38 năm nằm bên bờ hồ chờ đợi để được chữa lành vì không có ai giúp anh ta.
Chúa Giêsu không những cảm nhận được nỗi đau thể xác mà người bệnh phải chịu đựng, nhưng Người còn thấu hiểu được nỗi đau tinh thần của họ: vì cô đơn, bị bỏ rơi, không ai nương tựa trong tình cảnh bệnh tật, khổ đau, mất niềm hy vọng … Chúa Giêsu đã đến và hỏi “Anh có muốn khỏi bệnh không?” Câu hỏi xem ra dư thừa, thế nhưng đó lại là cách thế để Thiên Chúa đi vào mối tương quan với những người đau khổ, bất hạnh, nghèo đói, để cảm thông và lắng nghe những ước muốn của họ. Thiên Chúa luôn đi bước trước trong việc thi ân giáng phúc cho con người, vì “Con Người đến tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19,10). Đức Giêsu không chỉ chữa lành và giải thoát con người khỏi những nỗi đau do bệnh tật gây ra, nhưng Người còn là niềm hy vọng, là cứu cánh cho nhân loại. Người đến để giải thoát con người khỏi nỗi khổ đau và sự chết đời đời do tội lỗi gây ra. Nhìn vào cuộc sống ngày nay, chúng ta thấy có rất nhiều người, họ không những đau khổ về thể xác do bệnh tật, nhưng họ còn mang thêm nỗi đau vì thiếu sự quan tâm, thiếu sự chăm sóc, thiếu tình thương và cảm thông của người thân và xã hội. Vì thế, ngang qua Lời Chúa hôm nay, chúng ta hãy bắt chước Chúa Giêsu là hãy đi bước trước trong việc quan tâm và giúp đỡ những người bệnh tật, những mảnh đời neo đơn và bất hạnh.
Lạy Chúa! Xin thương chữa lành những căn bệnh thể lý cũng như căn bệnh tinh thần mà chúng con đang mắc phải. Đồng thời, xin Chúa ban cho chúng con có một trái tim biết cảm thương đối với những người nghèo khổ, bệnh tật, và sẵn lòng giúp đỡ họ vượt qua được những khó khăn và đau khổ trong cuộc sống. Amen.
LÒNG CHÚA XÓT THƯƠNG (Tu sĩ G. B. Hoàng Gia Bảo, SVD)
Trong Tông sắc Misericordiae Vultus, ĐTC Phanxicô đã nhấn mạnh: “Chúa Giêsu là Dung mạo lòng thương xót của Chúa Cha”. Và Tin Mừng theo thánh Gioan hôm nay đã khắc họa dung mạo lòng thương xót của Thiên Chúa đối với nhân loại qua người Con của mình.
Lời Chúa hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu lên Giêrusalem nhân một dịp lễ. Tại đây Người gặp được một người bại liệt đã 38 năm. Thông cảm và thấu hiểu với nỗi đau của anh ta, Chúa Giêsu đã chữa lành, cứu anh thoát khỏi tình trạng bại liệt sau những năm dài chờ đợi phép lạ nơi hồ nước. Chúa Giêsu biết rõ nỗi đau của người bại liệt và Người đã thể hiện tình thương đối với anh bằng cách khơi lên trong anh niềm tin cậy cùng với ước muốn được lành bệnh: “Anh có muốn khỏi bệnh không?” (Ga 5,6). Câu hỏi của Chúa Giêsu mang theo sự quan tâm, cảm thông và tình yêu thương.
Có thể thấy rằng chính Chúa Giêsu đã ngỏ lời trước và muốn tỏ tình yêu và lòng thương xót đối với người bại liệt. Tuy nhiên, để nhận được tình yêu, lòng thương xót của Thiên Chúa, ta cần phải tin tưởng, cậy trông và cộng tác với Người như anh bại liệt trong Tin Mừng. Đứng trước lời ngỏ của Thiên Chúa, liệu chúng
ta có dám thưa xin vâng hay tin tưởng tuyệt đối vào lòng thương xót của Thiên Chúa để Người có thể chữa lành nỗi đau của ta không? Câu hỏi mà Chúa dành cho anh bại liệt hôm nay cũng là câu hỏi Người dành cho mỗi người chúng ta: “Chúng ta có muốn khỏi bệnh không?”. Câu trả lời của chúng ta sẽ như thế nào, chúng ta có đủ tin tưởng và mạnh dạn làm theo lời Người “hãy trỗi dậy” như anh bại liệt không?
Lạy Chúa, Chúa luôn muốn mỗi người chúng con biết chạy đến với lòng thương xót của Chúa để từ nơi đó, chúng con được chữa lành và kín múc tình thương của Người. Như Chúa đã chữa lành cho anh bại liệt thì nay xin Chúa ban ơn để chúng con biết tín thác vào tình thương của Chúa, đồng thời, xin cho chúng con ơn can đảm để biết cộng tác và thi hành thánh ý Chúa. Amen.
BA THÁI ĐỘ (Lm. GB Nguyễn Hữu Duy, SVD)
YÊU THƯƠNG VÀ CẢM THÔNG (Tu sĩ Giuse Trần Văn Hiếu, SVD)
Một bác sĩ giỏi không chỉ là người có thể chữa lành bệnh tật thể xác nhưng còn có thể xoa dịu những nỗi đau nơi tâm hồn của bệnh nhân. Trình thuật Tin Mừng ngày hôm nay cho chúng ta thấy Đức Giêsu, một “bác sĩ” có thể chữa lành cả bệnh tật thể xác và tâm hồn nơi người bại liệt. (x. Ga 5,1-13).
Trong câu chuyện, thánh Gioan đã làm nổi bật lên nơi Đức Giêsu một con người nhạy cảm trong quan sát và rất giàu lòng thương xót với tha nhân: “Người thấy anh ta nằm đấy và biết anh sống trong tình trạng đó đã lâu” (Ga 5,6). Trước khi quyết định chữa bệnh cho anh, Đức Giêsu đã đặt một câu hỏi mà ai cũng có thể trả lời một cách dễ dàng: “Anh có muốn khỏi bệnh không?” Ở đây, không phải Đức Giêsu không biết ước muốn của người bại liệt nhưng Người muốn lắng nghe nỗi lòng của anh, chia sẻ với anh về đau khổ anh đang chịu và trên hết là Người muốn nghe sự xác tín niềm tin của anh vào Người.
Nhưng điều làm nên giá trị của câu chuyện về Đức Giêsu chữa lành người bại liệt hôm nay, đó chính là Người trực tiếp chữa lành tâm hồn đau khổ và mất niềm tin vào cuộc sống đã lâu nơi người bại liệt. Anh hiện diện tại đó đã 38 năm, nhưng không một ai giúp đỡ, ai cũng vì lợi ích của mình nên đã quên mất anh: “Thưa Ngài, khi nước khuấy lên, không có người đem tôi xuống hồ. Lúc tôi tới đó thì đã có người khác xuống mất rồi.” (Ga 5,7). Điều đó cho thấy sự thiếu quan tâm và vô cảm của những người chung quanh trong tương quan giữa con người với nhau. Thử hỏi, chúng ta có dửng dưng và vô cảm trước những người bất hạnh sống chung quanh mình không?
Lạy Chúa, chúng con biết rằng nhiều người vẫn còn đau khổ và không có ai để chia sẻ. Xin ban cho chúng con có một tâm hồn nhạy cảm như Chúa để mau mắn nhận ra và dùng tình thương mà giúp đỡ những người bất hạnh. Amen.
38 NĂM HY VỌNG (Thầy Phêrô Phan Thái Hiền, SVD)
Hôm nay, Tin Mừng Gioan trình thuật lại việc Chúa Giêsu lên Giêrusalem và chữa lành cho một người bại liệt đã 38 năm tại hồ Bếtsaiđa. Hồ này là nơi chữa lành cho bất cứ người bệnh nào bước xuống đầu tiên khi nước khuấy lên.
Trong trình thuật này, Tin Mừng Gioan cho thấy cách thức và điều kiện của một tiến trình được chữa lành. Trước tiên, người bệnh luôn cần phải sống trong hy vọng và tín thác vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Kế đến, Thiên Chúa sẽ đến đối thoại và chữa lành các bệnh nhân. Và cuối cùng người bệnh phải có tâm tình tạ ơn đối với Thiên Chúa.
Nhìn lại hoàn cảnh của anh bại liệt, 38 năm bệnh tật là khoảng thời gian anh sống trong hy vọng. Trong ngần ấy thời gian, anh luôn chờ chực bên bờ hồ với mong muốn được lành bệnh. Chúa Giêsu đã biết tình trạng và sự kiên trì của anh ta nên Ngài đã đến và đối thoại với anh ta rằng: “Anh có muốn khỏi bệnh không?” Anh ta đáp: “Thưa Ngài, khi nước khuấy lên, không có người đem tôi xuống hồ. Lúc tôi tới đó, thì đã có người khác xuống trước mất rồi!”. Thoạt nghe câu trả lời của anh, dường như nó không ăn khớp với câu hỏi của Chúa Giêsu. Nhưng khi ngẫm lại, đó là một câu trả lời không chỉ nói lên khao khát muốn được lành bệnh ngay lúc này mà khao khát này đã ấp ủ kéo dài suốt 38 năm qua. Niềm hy vọng, lòng khao khát và sự kiên nhẫn đã được đáp đền, Đức Giêsu đã cho anh khỏi bệnh. Nhận được ơn chữa lành, anh chàng bại liệt đã vào đền thờ để tạ ơn Thiên Chúa.
Lạy Chúa, mỗi khi chúng con gặp những khó khăn thử thách và bệnh tật về thể xác cũng như tinh thần. Xin cho mỗi người chúng con luôn biết hy vọng và kiên trì cậy trông vào lòng thương xót của Chúa. Để nhờ lòng thương xót của Chúa chúng con được an ủi và được Ngài chữa lành. Amen.