Lời Chúa + Bài giảng Lễ Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu – Ngày 1 tháng 10 năm 2018

0
1907

Bài Ðọc I: Is 66, 10-14c

“Ðây Ta khiến sông bình an chảy vào nó”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Các ngươi hãy vui mừng với Giêrusalem và hết thảy những ai yêu quý nó, hãy nhảy mừng vì nó. Hỡi các ngươi là những kẻ than khóc nó, hãy hân hoan vui mừng với nó, để các ngươi bú sữa no nê nơi vú an ủi của nó, để các ngươi sung sướng bú đầy sữa vinh quang của nó. Vì chưng Chúa phán thế này: “Ta sẽ làm cho sự bình an chảy đến nó như con sông và vinh quang chư dân tràn tới như thác lũ, các ngươi sẽ được bú sữa, được ẵm vào lòng và được nâng niu trên đầu gối. Ta sẽ vỗ về các ngươi như người mẹ nâng niu con, và tại Giêrusalem, các ngươi sẽ được an ủi. Các ngươi sẽ xem thấy, lòng các ngươi sẽ hân hoan, và các ngươi sẽ nảy nở như hoa cỏ, và tôi tớ Chúa sẽ nhìn biết bàn tay của Chúa”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 130, 1. 2. 3

Ðáp: Lạy Chúa, xin giữ linh hồn con trong bình an của Chúa.

Xướng: 1) Lạy Chúa, lòng con không tự đắc, và mắt con chẳng liếc nhìn cao, con cũng không lo nghĩ những việc lớn lao hay là những điều quá tầm trí mọn. – Ðáp.

2) Nhưng con lo giữ linh hồn cho thinh lặng và thanh thản. Như trẻ thơ sống trong lòng thân mẫu, linh hồn con cũng như thế ở trong con. – Ðáp.

3) Israel hãy cậy trông vào Chúa, tự bây giờ và cho tới muôn đời. – Ðáp.

Alleluia: x. Mt 11, 25

Alleluia, alleluia! – Lạy Cha là Chúa trời đất, chúc tụng Cha, vì Cha đã mạc khải các mầu nhiệm nước trời cho những kẻ bé mọn. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 18, 1-4

“Nếu không hoá nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, các môn đệ đến bên Chúa Giêsu mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, ai là kẻ lớn nhất trong Nước Trời?” Chúa Giêsu gọi một trẻ nhỏ lại, đặt nó giữa các ông mà phán rằng: “Thật, Thầy bảo các con: nếu các con không hoá nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời. Vậy ai hạ mình xuống như trẻ này, người ấy là kẻ lớn nhất trong Nước Trời”.

Ðó là lời Chúa.

Bài giảng chủ đề:

ĐƯỜNG VÀO NƯỚC TRỜI

Lm. Giuse Lâm Sơn Tòng, SVD

Những người trưởng thành đều đã trải qua tuổi thơ. Có thể nói, tuổi thơ là quãng đời đẹp nhất của một đời người. Mỗi người ít nhiều đều có những kỷ niệm đẹp, êm đềm, nhẹ nhàng và hạnh phúc khi nhớ lại thời niên thiếu của mình. Vì thế, nhiều người dù đã trưởng thành nhưng vẫn hoài niệm, vẫn còn nuối tiếc kỷ niệm tuổi thơ của mình. Nói đến tuổi thơ tức là nói đến trẻ em. Một trong những đức tính nổi bật và dễ mến của trẻ nhỏ là sự hồn nhiên và lệ thuộc vào người lớn, nhất là đối với cha mẹ của chúng.

Trở lại với bài Tin Mừng của Thánh Mátthêu, Đức Giêsu đã đặt một em nhỏ vào giữa các môn đệ cùng với lời giải thích: “ai tự hạ và coi mình như em nhỏ này thì người ấy sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời” (Mt 18,4). Và Chúa còn khẳng định rằng nếu anh em không trở nên giống trẻ nhỏ thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. Chúng ta cần biết thêm rằng, các nhà tâm lý và xã hội học xác định độ tuổi biết nhận thức của một người là trên 7 tuổi. Đã có thời, Giáo Hội cho phép trẻ nhỏ lãnh nhận Bí tích Mình Thánh khi các em đủ 7 tuổi. Và theo các nhà chú giải Kinh Thánh, độ tuổi dưới 12 được xem là trẻ nhỏ.

Chúng ta cũng biết rằng, trong xã hội Do Thái vào thời Đức Giêsu, trẻ em là thành phần không có danh phận, không có tiếng nói, không địa vị…Chúng bị coi thường giống như những người tội lỗi công khai, những người bệnh phong và phụ nữ. Họ không được xã hội coi trọng và không được tham gia vào những sinh hoạt chung của xã hội và tôn giáo.

Tuy nhiên, dù không có địa vị, không có danh phận và bị xã hội loại trừ, nhưng trong Nước Trời thì các trẻ em lại là những chủ nhân và chiếm địa vị “là người lớn nhất”. Đó là nghịch lý cho thấy một sự đảo lộn giá trị giữa Nước Trời và nước trần gian. Chúa Giêsu khẳng định con đường và chìa khoá để vào Nước Trời là trở nên như trẻ thơ, giống trẻ thơ. Dĩ nhiên, không nên ngây ngô cho rằng phải trở nên như trẻ nhỏ theo thể hình, thể lý; Cũng không phải trở nên giống trẻ nhỏ theo sự đơn sơ hoặc theo những đức tính luân lý nào đó.

Ở đây Chúa Giêsu muốn mượn hình ảnh một em bé để nói về điều kiện vào Nước Trời: đó là phải hoàn toàn tựa vào Chúa, tín thác và lệ thuộc vào Chúa như con trẻ chỉ biết và cảm thấy an toàn và được che chở khi chạy đến với người lớn, nhất là đến với cha mẹ của chúng. Như vậy, Chúa đã lấy trẻ em ra để làm mẫu hình lý tưởng cho cuộc sống mai hậu. Theo đó, để được vào Nước Trời thì phải trở nên giống trẻ thơ, muốn trở thành người lớn nhất trong Nước Trời thì phải tự hạ mình, coi mình như trẻ thơ. Tiếp theo, Chúa còn đồng hoá chính mình với trẻ thơ, xem ai đón nhận, tôn trọng trẻ em nhân danh Chúa thì cũng chính là đón nhận, tôn trọng chính Ngài.

Như vậy, đón nhận Nước Trời tức là đi vào trong một tương quan thân tình, giao hảo với Thiên Chúa, Cha trên trời, Đấng làm chủ Nước Trời. Và ở trong Nước Trời, mỗi người có địa vị cao quý và xứng hợp trước mặt Chúa. Và địa vị hay danh phận mà mỗi người có được là do một mình Cha trên trời ban cho. Đường vào Nước Trời chính là con đường tình yêu, trở nên bé nhỏ.

Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu gọi con đường ấy là “Con Đường Thơ Ấu Thiêng Liêng”. Thánh nhân chính là một mẫu gương sống động và trọn hảo về cách sống và nên thánh bằng con đường thơ ấu này. Ngài được tôn phong hiển thánh không phải vì  đã làm những chuyện phi thường, vĩ đại. Chị thánh cũng không bao giờ nhận được những ơn huệ phi thường hoặc cũng chẳng bao giờ có những trải nghiệm về sự kết hợp thần bí. Qua các chứng từ của ngài, nhất là cuốn “Truyện Một Tâm Hồn”, cuốn nhật ký ghi lại đời sống  nội tâm thiêng liêng của ngài, ta không hề thấy những thực hành về việc đền tội hay hãm mình phi thường nào cả.

Tuy nhiên, trên hết và nổi bật nhất nơi đời sống của Têrêxa chính là một tình yêu mãnh liệt và tuyệt hảo về sự tín thác vào Thiên Chúa, giống như trẻ thơ ở trong vòng tay âu yếm của cha mẹ. Không giống như  các thánh tử đạo đã anh dũng đổ máu đào để minh chứng tình yêu của mình, thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã chứng minh bằng một tình yêu liên lỉ, kiên vững qua những hy sinh nhỏ nhặt thường nhật. Ngài sống không lâu, chỉ vỏn vẹn trong 24 năm, nhưng ngài sống rất sâu. Sâu ở chỗ ngài không bỏ qua bất cứ một cơ hội, một thời khắc nào mà thiếu vắng tình yêu, thiếu vắng sự thánh hoá việc bổn phận nhỏ bé tầm thường. Ngài không làm gì vĩ đại, cao siêu, cũng chẳng phải là nhà thần học hiểu rộng và sâu lắng về những điều bí nhiệm. Ngài chỉ làm tất cả những việc tầm thường với một tinh thần phi thường. Tinh thần phi thường ấy chính là một lòng mến sắt son, chính là một tình yêu và tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa, Đấng là đối tượng duy nhất và cùng đích của cuộc sống.

Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã sống và để lại cho chúng ta một mẫu gương nên thánh bằng “tinh thần khiêm nhu, tự hạ và xem mình như trẻ thơ”. Ngài đã đi vào Nước Trời bằng một tình yêu trẻ thơ, tín thác và phó mình trong vòng tay âu yếm của Cha trên trời.

Trong ngày mừng lễ kính thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, chúng ta tạ ơn Chúa đã cho chúng ta một mẫu gương tuyệt hảo về đời sống tín thác vào tình yêu của Thiên Chúa. Tạ ơn Chúa đã mở ra và mời gọi chị Têrêxa nên thánh bằng con đường bé nhỏ, trở nên như trẻ thơ. Thánh Thánh nhân là người tiên phong đi con đường thơ ấu, con đường bé nhỏ nhưng chẳng mấy ai đi, đó là  “con đường nhỏ-làm thánh lớn”.

Nhờ lời chuyển cầu của thánh Têrêxa Hài Đồng, xin Chúa giúp chúng ta sống và chu toàn bổn phận hằng ngày, theo chức vụ, môi trường, hoàn cảnh sống vì Tình Yêu. Xin cho chúng con giữ được tinh thần trẻ thơ đối với Chúa, nghĩa là luôn luôn tín thác, luôn luôn cậy trông vào Cha Trên Trời, Đấng hằng chăm sóc và yêu thương chúng ta.

 

Bài trướcTổng Giám Mục John Ha, nguyên TGM Gp. Kuching, Malaysia đến thăm Tỉnh Dòng Ngôi Lời Việt Nam
Bài tiếp theoTRUYỀN GIÁO: Trở lại Giáo điểm sau kỳ nghỉ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.