Tin vào Đức Kitô để được công chính (Rm 3,28):
Tưởng niệm Đức Cố Giáo Hoàng Phanxicô
trong ánh sáng tư tưởng của thánh Phaolô
Dẫn nhập
Hội Thánh vừa long trọng cử hành biến cố cuộc Thương Khó và hân hoan tuyên xưng mầu nhiệm Phục Sinh, nơi hồng phúc cứu độ được khai mở cho toàn thể nhân loại nhờ cái chết và sự sống lại của Đức Giêsu Kitô. Tuy nhiên, trong niềm vui Phục Sinh đang còn âm vang đó, một dấu lặng nghẹn ngào đã ngân lên khi vị Cha chung đáng kính của Giáo Hội, Đức Cố Giáo Hoàng Phanxicô, đã nhẹ nhàng khép lại hành trình trần thế, như một ngọn nến được trao về ánh sáng Phục Sinh vĩnh cửu.
Là con cái trong đại gia đình Hội Thánh, chúng ta không thể không bàng hoàng, xúc động và tiếc thương. Nhưng cùng lúc đó, đức tin vào Chúa Kitô Phục Sinh cũng thắp sáng hy vọng trong lòng chúng ta: hy vọng vào sự sống đời đời, vào phần thưởng dành cho người tôi tớ trung tín đã miệt mài hiến dâng cả cuộc đời mình cho Tin Mừng và cho đoàn chiên.
Trong thời khắc linh thiêng và đầy cảm xúc này, tôi muốn dành ít phút để tưởng nhớ đến Đức Thánh Cha Phanxicô – một người cha, một vị mục tử nhân lành, một chứng nhân sống động của Tin Mừng, bằng cách trở lại với một trong những giáo huấn quý báu của ngài. Đó là giáo lý về “ơn công chính hóa” một chủ đề cốt lõi và đôi khi khó hiểu trong thần học của Thánh Phaolô, nhưng lại được Đức Thánh Cha trình bày với tất cả sự đơn sơ, sâu sắc và đầy chất Tin Mừng.
Thật vậy, trong loạt bài giáo lý về Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Galát, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành riêng một buổi để giúp cộng đoàn tín hữu hiểu rõ hơn thế nào là “được nên công chính nhờ đức tin vào Đức Giêsu Kitô.” Ngài nhấn mạnh rằng: chúng ta được công chính hóa không phải bởi sức riêng hay bởi việc giữ trọn Lề Luật, nhưng hoàn toàn là nhờ ân sủng nhưng không của Thiên Chúa, được đón nhận qua đức tin[1].
Thánh Phaolô, sau cuộc gặp gỡ chấn động với Đấng Phục Sinh trên đường Đamát, đã trở nên một chứng nhân hùng hồn cho chân lý này[2]. Qua ngòi bút của ngài, ân sủng và đức tin được trình bày như hai trụ cột nền tảng cho ơn cứu độ. Dù Lề Luật là thánh và cần thiết, nhưng không thể là con đường duy nhất dẫn đến sự công chính hóa, điều đó chỉ có thể đạt được nhờ lòng tin đặt nơi Đức Kitô chịu đóng đinh và phục sinh.
Do đó, để hiểu rõ hơn và đào sâu giáo huấn của thánh Phaolô, cũng như để tưởng nhớ đến những gì Đức Cố Giáo Hoàng Phanxicô đã để lại cho Hội Thánh qua việc chú giải giáo lý này, chúng ta cùng nhau đi vào bốn điểm chính xoay quanh lời tuyên tín của thánh Tông Đồ: “Con người được nên công chính nhờ tin vào Đức Giêsu Kitô” (Rm 3,28a).
- Ơn công chính hóa đến từ ân sủng
Điều gì ẩn chứa phía sau từ ngữ “sự công chính hoá”, vốn mang ý nghĩa quyết định trong đời sống đức tin? Không dễ để đi đến một định nghĩa đầy đủ, nhưng xét tổng thể tư tưởng của thánh Phaolô, có thể nói cách đơn giản rằng sự công chính hoá là hệ quả của “sáng kiến nhân từ của Thiên Chúa Đấng ban ơn tha thứ”.[3] Trên thực tế, Thiên Chúa, qua sự chết của Chúa Giêsu đã tiêu diệt tội lỗi và ban cho chúng ta ơn tha thứ và ơn cứu rỗi của Người cách hoàn toàn. Như thế, được nên công chính, tội nhân được Thiên Chúa tiếp đón và hòa giải với Người. Dường như mối tương quan ban đầu giữa Đấng Tạo Hóa và thụ tạo trước khi tội lỗi xảy đến đã được khôi phục. Do đó, sự công chính hoá do Thiên Chúa thực hiện cho phép chúng ta phục hồi sự vô tội đã bị đánh mất bởi tội lỗi. Vậy sự công chính hoá diễn ra như thế nào? Khi trả lời được câu hỏi này, chúng ta sẽ khám phá ra một điểm mới mẻ khác trong tư tưởng của thánh Phaolô, đó là, ơn công chính hoá đến từ ân sủng.
Thánh Phaolô đã nhiều lần sử dụng hạn từ “ân sủng”, để diễn tả ân huệ Thiên Chúa ban, đặc biệt hàm ý biến cố cánh chung đã xảy ra nơi Đức Giêsu Kitô, biến cố đó tạo nên một cuộc canh tân nội tâm nơi người tin. Đời sống Kitô hữu phát xuất và quy hướng về ân huệ Thiên Chúa ban cho con người và như thế, một đời sống mới đòi hỏi những việc tốt lành tương ứng. Bởi, con người là tội nhân và họ cần được Đức Giêsu Kitô cứu độ.[4] Điều này, thư Rôma cho thấy: “Mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa, nhưng họ được trở nên công chính do ân huệ Thiên Chúa ban không, nhờ công trình cứu chuộc thực hiện trong Đức Kitô Giêsu” (x. Rm 3,23-24).
Trong khi trình bày ơn công chính hóa đến từ ân sủng, Giáo lý Hội Thánh Công Giáo khẳng định, ân sủng của Chúa Thánh Thần có quyền năng công chính hóa chúng ta, nghĩa là thanh tẩy chúng ta sạch tội lỗi, và được “Thiên Chúa làm cho nên công chính nhờ tin vào Đức Giêsu Kitô” (Rm 3,22) và nhờ bí tích Thánh Tẩy[5]: “Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người, đó là niềm tin của chúng ta. Vì biết rằng, một khi Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết, thì không bao giờ người chết nữa, cái chết chẳng còn quyền chi đối với Người. Người đã chết là chết đối với tội lỗi, và một lần là đủ. Nay Người sống là sống cho Thiên Chúa. Anh em cũng vậy, hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa, vì được kết hợp với Đức Giêsu Kitô” (Rm 6,8-11).
Hơn nữa, ơn công chính hóa còn là việc chúng ta đón nhận sự công chính do được Thiên Chúa ban cho, nhờ tin vào Đức Giêsu Kitô. Sự công chính ở đây chỉ sự công minh chính trực của tình yêu Thiên Chúa. Cùng với ơn công chính hóa, Thiên Chúa ban cho ta đức tin, đức cậy, đức mến, và ơn biết phục tùng thánh ý Chúa. Như thế, chúng ta được nên công chính nhờ cuộc khổ nạn của Đức Kitô, Đấng đã hiến dâng chính bản thân trên Thánh Giá làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa, và Máu Người trở nên phương tiện đền tội cho mọi người.
- Chúng ta trở nên công chính không nhờ nỗ lực của mình
Đức Thánh Cha Phanxicô nhận định: Thánh Tông đồ luôn suy niệm về trải nghiệm đã thay đổi cuộc đời ngài, đó là cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Phục Sinh trên đường đến Đamát. Thánh Phaolô là một người kiêu hãnh, sùng đạo và nhiệt thành, tin chắc rằng sự công chính hoá bao gồm việc tuân thủ tỉ mỉ các giới luật của Lề luật. Tuy nhiên, giờ đây, ngài đã bị chinh phục bởi Đức Kitô, và đức tin vào Chúa đã hoàn toàn biến đổi thánh nhân, giúp ngài khám phá ra một sự thật đã bị che giấu: chúng ta không trở nên công chính nhờ nỗ lực của chính mình. Không, không phải do chúng ta, mà chính là Đức Kitô, nhờ ân sủng của Người, Đấng làm cho chúng ta trở nên công chính[6]. Vì vậy, thánh Phaolô sẵn sàng từ bỏ tất cả những gì trước đây đã làm cho ngài trở nên giàu có, để nhận thức đầy đủ về mầu nhiệm Chúa Giêsu (x. Pl 3,7), vì ngài đã khám phá ra rằng chỉ có ân sủng của Thiên Chúa mới cứu được ngài.
Khi giải thích về giáo lý của thánh Phaolô, Đức Thánh Cha Phanxicô quả quyết: Chúng ta đã được trở nên công chính, chúng ta đã được cứu độ, hoàn toàn nhờ ân sủng, không phải nhờ công trạng của chúng ta. Và điều này khiến chúng ta có rất nhiều tin tưởng. Chúng ta là tội nhân, đúng; nhưng chúng ta sống cuộc đời mình với ân sủng này của Thiên Chúa, Đấng làm cho chúng ta được nên công chính mỗi khi chúng ta cầu xin sự tha thứ. Nhưng không phải trong lúc đó chúng ta được trở nên công chính: chúng ta đã được công chính rồi, nhưng Người đến để lại tha thứ cho chúng ta.[7]
Một lý do khác để chúng ta được cứu độ nhờ ân sủng, đó là chúng ta đã được tạo dựng trong và nhờ Đức Kitô. Nói cách khác, Đức Kitô đến để cứu độ một thế giới đã được tạo dựng trong và nhờ Người, và tất cả quy về Người. Vì thế, ân sủng không phải là một điều gì đó bất ngờ, một giải pháp tình huống, được thêm vào; đúng hơn, ân sủng hiện hữu và hoạt động liên lỉ bắt đầu từ cuộc tạo dựng. Đức Kitô không thể được kể chỉ là phương thế Chúa Cha dùng để ban ân sủng[8]. Theo thánh Phaolô, ân huệ Chúa Cha ban cho loài người là chính Đức Kitô. Chính vì thế, sống trong ân sủng không khác gì hơn là để chính Đức Kitô sống trong ta và ta sống trong Người. “Bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Kitô, đều mặc lấy Đức Kitô” (Gl 3,20).
- Chúng ta được nên công chính nhờ tin vào Đức Kitô
Để hiểu được lời khẳng định của thánh Phaolô: “Người ta được nên công chính vì tin, chứ không phải vì làm những gì Luật dạy” (Rm 3,28), chúng ta cần đặt câu nói của thánh nhân trong bối cảnh của nó, chứ không thể chỉ suy diễn dựa trên từng câu chữ.
Kinh Thánh cho biết, trong nhãn quan Do Thái, việc tuân giữ Lề Luật được xem là con đường chính yếu để đạt tới sự công chính. Dần dần, đức tin bị lu mờ trước một thứ đạo đức hình thức, khiến họ tin rằng công trạng cá nhân có thể “buộc” Thiên Chúa phải ban phần thưởng.
Họ quả quyết: “Trong tất cả các quốc gia, dân tộc trên mặt đất, Đức Chúa chỉ yêu Israel. Ngài sẽ xét đoán dân ngoại và dân Do Thái bằng những tiêu chuẩn khác nhau. Tất cả mọi người Do Thái đều có phần trong thế giới tương lai. Ápraham ngồi bên cửa địa ngục và không cho bất cứ người Do Thái gian ác nào đi vào cả”[9]. Thậm chí, họ cho rằng, trừ họ ra, mọi người đều phải chịu hình phạt. Người Do Thái tin chắc như vậy bởi họ nghĩ rằng họ “sở hữu” Thiên Chúa và họ có Lề Luật. Các luật sĩ giúp họ giải thích Lề Luật, xác định và giải thích các cách thức để đạt được sự sống đời đời.
Vì thế, đối với người Do Thái, việc tuân giữ Lề Luật mang lại cho họ sự sống hiện tại và trong thế giới mai sau. Trong nhãn quan này, dần dần, sự sống đời đời trở thành phần thưởng cho những công việc tốt của con người. Các công việc được Lề Luật đòi hỏi có thể đảm bảo sự cứu độ. Đối với họ, Thiên Chúa giống như một viên kế toán giữ sổ sách và ghi các hành động tốt xấu. Qua các hành vi, các công việc tốt của mình, tức qua việc tuân giữ Lề Luật, người Do Thái cho rằng họ đáng được công chính hóa: họ đã hành động tốt, do đó, Thiên Chúa ‘phải’ thưởng công cho họ! Nhiều bản văn Cựu Ước đã minh chứng tinh thần này, chẳng hạn như sách Thánh Vịnh: “Ngài ban phúc lành cho người công chính, lấy ân tình bao phủ như thuẫn đỡ khiên che” (Tv 5,13). Trong khi những kẻ tội lỗi bị lên án mãi mãi, thì người đạo hạnh, công chính và tuân giữ Lề Luật sẽ được hưởng sự sống đời đời[10].
Trong khi đó, thánh Phaolô lại khẳng định rằng Thiên Chúa không thiên tư tây vị ai. Theo quan điểm của Phaolô, có thể có những dân tộc được tách riêng ra, được chọn để thực hiện một công tác đặc biệt hay một trách nhiệm đặc biệt, nhưng không có một dân tộc nào được chọn ra vì một sự quan tâm đặc biệt nào! Đối với Phaolô, trong kế hoạch của Thiên Chúa, không có dân tộc được đặc ân nhất. Trước khi khẳng định: “Chúng ta được nên công chính vì tin chứ không phải vì làm những gì Lề Luật dạy” (Rm 3,28), thánh nhân đã trưng dẫn việc cắt bì để cho thấy việc cắt bì là có ích (x. Rm 2,25a; 3,1-2) nhưng nếu vi phạm Lề Luật thì “có được cắt bì cũng kể như không cắt bì” (Rm 2,25b).
Vì vậy, thánh Phaolô đưa ra cho ta một tấm gương về đức tin là tổ Phụ Ápraham: “Ông Ápraham đã tin Thiên Chúa, và vì thế được kể là người công chính” (Rm 4, 3). Để minh chứng rằng Ápraham được nên công chính nhờ đức tin, chứ không phải nhờ việc làm, thánh nhân làm sáng tỏ dưới dạng câu hỏi: “Ông được nên công chính khi nào? Trước hay sau cắt bì? Không phải sau mà là trước khi được cắt bì! Ông nhận được phép cắt bì như dấu hiệu chứng thực rằng: nhờ tin mà được nên công chính, trước khi được cắt bì” (Rm 8, 10- 11). Nhờ sống chiều kích đức tin, Ápraham đã thông truyền cho thế hệ sau một kho tàng vô tận: thừa kế lời Thiên Chúa hứa. Như vậy, ông xứng đáng là tổ phụ của những ai có lòng tin. Thánh Phaolô nói: “Vì tin mà chúng ta thừa hưởng lời Thiên Chúa hứa, như thế là ân huệ Thiên Chúa ban không, và có giá trị cho toàn thể dòng dõi ông Ápraham, nghĩa là không phải chỉ có những ai tuân giữ lề luật, mà còn cho những ai có lòng tin như ông. Ông là tổ phụ của chúng ta hết thảy” (Rm 4, 6). Dĩ nhiên, thánh Phaolô không nhằm hạ giá hay huỷ bỏ lề luật, nhưng để “củng cố lề luật” (Rm 8, 31). Ngài chỉ muốn đặt đức tin vào đúng vị trí và mục đích của nó, cũng như giúp chúng ta nhận ra vai trò thiết yếu của đức tin trong tiến trình giúp mỗi người đón nhận ơn công chính hoá ngang qua con người Giêsu, Đấng đã chết và đã sống lại để cứu độ bất cứ ai có lòng tin.
Quả thế, thành quả mà đức tin mang lại không gì khác ngoài Đức Kitô. Nhờ Người, cuộc sống chúng ta trở nên an vui và ý nghĩa (x. Rm 5, 1). Nói theo ngôn ngữ của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI: “Đức tin có nghĩa là nhìn Đức Kitô, đặt mình vào Đức Kitô, gắn bó với Đức Kitô, đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, với đời sống của Người”[11]. Chúng được nên công chính khi bước vào trong sự thông hiệp với Đức Kitô, một sự ràng buộc triệt để chúng ta với Ngài (Rm 1, 17). Ở đây, thánh Phaolô đã có một cái nhìn thay đổi hoàn toàn. Từ một con người bám vào lề luật như bậc thang đạt tới vinh quang, ngài lại coi nó như không đáng kể so với ơn công chính nhờ tin vào Đức Kitô và được kết hợp với Người. Nhờ ánh sáng của Đấng phục sinh, thánh nhân đã được Thiên Chúa “rẽ” sang một lối đi mới dưới sự hướng dẫn của đức tin. Điều này đồng nghĩa những công lao ngài gầy dựng trước đây, giờ chỉ còn “công dã tràng xe cát biển đông”. Và thật sự, ngài chấp nhận sự mất mát này để bước theo Đức Kitô, biết Người và được ở trong Người. Có lẽ, đây cũng là nhận định của Filipe Gomez: “Ý niệm về sự công chính đã thay đổi hoàn toàn. Từ nay con người tin tưởng nơi Thiên Chúa và Thiên Chúa làm cho họ trở nên công chính, nghĩa là đảm bảo cho ơn cứu rỗi nhờ đức tin và việc kết hợp với Chúa Kitô”[12]. Với thánh Phaolô, đức tin là lối ngõ dẫn mỗi người đạt tới ơn cứu độ, là niềm hy vọng cho những gì ta mong chờ. Cho nên, “cần phải tái khám phá hành trình đức tin để ngày càng làm nổi bật niềm vui và lòng hăng say phấn khởi được đổi mới nhờ gặp gỡ Chúa Giêsu”[13].
- Ơn công chính hóa: quà tặng của sự chết và phục sinh của Chúa Giêsu
Ơn công chính hóa gắn liền với hành trình cứu độ lâu dài của Thiên Chúa, chứng tỏ lòng trung tín và công bình của Người. Dù nhân loại sa ngã, Thiên Chúa không bỏ rơi, nhưng ban ơn công chính qua Đức Giêsu Kitô, bằng chính cái chết và sự phục sinh của Người. Đức Thánh Cha Phanxicô từng nói: “Sự công chính hóa là sự gần gũi nhất, lòng trắc ẩn nhất, sự dịu dàng nhất của Thiên Chúa đối với chúng ta”. [14]
Nhờ ánh sáng đức tin, ta nhận ra lòng nhân từ và ân sủng vô biên của Thiên Chúa, đồng thời ý thức về trách nhiệm cộng tác với Người qua các việc làm bác ái. Chúng ta phải thực hiện ơn công chính hóa đó bằng các công việc của mình. Tuy nhiên, để lãnh nhận, duy trì và triển nở trong ân sủng, con người cần một đức tin sống động và ý thức sâu xa về giá trị của ân sủng[15]. Vì con người dễ khước từ ân sủng, nên Đức Giêsu đã sai các môn đệ rao giảng Tin Mừng cho mọi người. Như thánh Phêrô nói: “Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó”.
Ngoài ra, dưới nhãn quan của thánh Phêrô, Thiên Chúa là Đấng khoan dung và giàu ân sủng, đã ban tặng cho gia đình nhân loại Đức Giêsu là Ân Sủng của mọi ân sủng, để nhờ Người mà mọi người được thông phần bản tính Thiên Chúa. Nói cách khác, nhờ Đức Giêsu là Ân Sủng của mọi ân sủng đã mang lấy bản tính con người mà con người được thông phần bản tính Thiên Chúa. Tư tưởng này của thánh Phêrô cũng được tìm thấy trong các thư của thánh Phaolô (Rm 8,29; 2 Cr 3,18; Cl 3,10). Quả thực, khi con người được thông phần bản tính Thiên Chúa cũng là khi con người lập tức nhận được dồi dào ân sủng của Người trong hành trình hướng về sự sống đời đời trong Nước Thiên Chúa như lời của thánh Phaolô: “Lương bổng mà tội lỗi trả cho người ta, là cái chết; còn ân huệ Thiên Chúa ban không, là sự sống đời đời trong Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 6,23).
Ơn cứu độ được thực hiện cách cụ thể trong đau khổ và cái chết vâng phục của Đức Giêsu, Đấng đã đi vào vực thẳm sự chết để giải thoát con người. Nếu Ađam đã khước từ ân sủng và chuốc lấy cái chết (x. Rm 5,12), thì Đức Kitô nhờ sự khiêm hạ và vâng phục đã khôi phục phẩm giá con người, ban tặng phẩm giá làm con Thiên Chúa: “Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô… trong Thánh Tử yêu dấu” (Ep 1,5-6), và “để chuộc những ai sống dưới lề luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” (Gl 4,4-5).
Kết luận
Ơn công chính hoá, như Thánh Phaolô dạy, là sáng kiến vô điều kiện của Thiên Chúa: ban tặng Con Một yêu dấu cho nhân loại. Điều đó đòi hỏi đức tin – như thái độ tự do đáp lại ân sủng. Không phải lề luật hay công trạng, nhưng chính Đức Kitô là trung tâm ơn công chính hoá. Giáo lý này mở ra một bước ngoặt lớn cho những Kitô hữu gốc Do Thái, đưa lề luật ra khỏi hình thức cứng nhắc để hoàn tất lời hứa.
Thánh Phaolô cũng nhấn mạnh rằng ơn công chính hóa không hệ tại ở việc “làm” điều luật dạy, mà là bước vào tương quan cứu độ với Thiên Chúa, qua Đức Giêsu – Đấng “đã chết vì tội lỗi con người và sống lại để ban cho con người sự sống sung mãn của Thiên Chúa”.
Với bản thân, sau khi suy niệm về đề tài “Chúng ta được nên công chính nhờ tin vào Đức Giêsu Kitô” (Rm 3,28a), tôi càng ý thức hơn về ân huệ đức tin – lời mời gọi trung thành, tuyên xưng và loan truyền đức tin ấy cho mọi người.
Để khép lại bài viết, người viết xin dành vài lời kết để tượng niệm Đức Cố Giáo Hoàng Phanxicô – Người đã dày công quảng diễn lại tư tưởng về ơn công chính hóa của thánh Phaolô. Qua đó, Đức Cố Giáo Hoàng đã sống trọn cuộc đời như một chứng tá cho lòng thương xót và đức tin tuyệt đối vào Chúa Giêsu. Chúng ta nhận ra rằng, hành trình của ngài đã khép lại trong cùng ánh sáng mà thánh Phaolô đã rao giảng, đó là Ánh Sáng Của Đấng Phục Sinh. Chính Đức Kitô là “ơn công chính hóa” của chúng ta, và nơi Người là đích điểm cuối cùng của hành trình đời mỗi tín hữu.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã trở nên chứng tá sống động của Chúa Kitô, không chỉ giảng dạy bằng lời nói, mà còn bằng chính cuộc sống đơn sơ, gần gũi, khiêm tốn, và đầy lòng trắc ẩn. Ngài cất bước theo Chúa Kitô, với những bước chân đã in sâu nơi những vùng ngoại biên của thế giới. Và giờ đây, những bước chân ấy sẽ an nghỉ trong lòng đất Mẹ Giáo Hội, như một hạt giống đức tin gieo vào lòng lịch sử.
Trong niềm hy vọng phục sinh, chúng ta tin rằng, Vị Cha Chung Đáng Kính đã khép lại cuộc đời như một “người hành hương trở về nhà cha”, trở về với Đấng mà suốt cả cuộc đời ngài tin tưởng, bước theo và yêu mến. Như thánh Phaolô đã tuyên xưng: “Nếu chúng ta cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người” (Rm 6,8), thì giờ đây, Đức Phanxicô đã không còn thuộc về thế gian nữa, nhưng ngài đang sống viên mãn trong vinh quang của Đấng Phục Sinh.
Nguyện xin Đức Cố Giáo Hoàng Phanxicô, người môn đệ trung tín của Chúa Kitô cầu bầu cho chúng con, để hành trình đức tin của mỗi người cũng được bền vững trong ân sủng, và được hoàn tất trong niềm hy vọng phục sinh. Xin cúi đầu đưa tiễn và hẹn gặp lại ngài vào một ngày kia trong Vương Quốc Tình Yêu!
Tu sĩ Giuse Hoàng Văn Bình, SVD
Chú thích
[1] x. ĐTC. Phanxicô, “Được nên công chính nhờ ân sủng, chúng ta được kêu gọi làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa,” Hồng Thủy chuyển ngữ, truy cập ngày 22-4-2025,
[2] Ibid,.
[3] Sách giáo lý của Hội Thánh Công Giáo, Uỷ ban Giáo lý Đức tin trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam chuyển ngữ (Hà Nội: NXB. Tôn giáo, 2017), # 1990, tr. 460.
[4] Cao Chu Vũ, Ân sủng Khởi thủy – Ân sủng Cứu chuộc (Sài Gòn: Trung tâm học vấn Đa Minh, 2022), 97-98.
[5] x. St. Thomas Aquinas, Summa Theologiae I-II, q. 90, a. 4.
[6] x. ĐTC. Phanxicô, “Được nên công chính nhờ ân sủng, chúng ta được kêu gọi làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa,” Hồng Thủy chuyển ngữ, truy cập ngày 23-4-2025,
[7] x. Ibid,.
[8] Cao Chu Vũ, Ân sủng Khởi thủy – Ân sủng Cứu chuộc, 99.
[9] x. William Barclay, Thư Gửi Tín Hữu Rôma (Hà Nội: Tôn Giáo, 2008), 50.
[10] x. Pierre Cardon de Lichtbuer, Các Dụ Ngôn Về Nước Trời, quyển 1, 134-137.
[11] Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI, Huấn Từ về Thánh Phaolô, Nguyễn Văn Trinh dịch. (Hà Nội: NXB. Hà Nội, 2009), 144.
[12] Filipe Gomez, Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh (Học Viện Piô X, 1973), 352.
[13] ĐGH Bênêđictô XVI, Tông Huấn Porta Fidei , ban hành ngày 11/10/2011, Nguyễn Văn Trinh dịch (Hà Nội: NXB. Hà Nội 2012) # 2, tr 6.
[14] x. ĐTC. Phanxicô, “Được nên công chính nhờ ân sủng, chúng ta được kêu gọi làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa,” Hồng Thủy chuyển ngữ, truy cập ngày 25-3-2023,
[15] Nguyễn Văn Viên, “Đức Giêsu – Đường ân sủng,” truy cập ngày 23-4-2025,
https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/duc-gie-su-ki-to-duong-an-sung-50337.