Lm. Antôn Nguyễn Phi Tiến, SVD trích dịch từ: Abbot Guéranger, O.S.B., “The Liturgical Year – Paschal Time”, Book I, Volume 7, (bản dịch tiếng Anh của Domlaurence Shepherd, O.S.B.), St. Bonaventure Publications 2000, tr. 1-14.
Chúng ta gọi khoảng thời gian từ Chúa Nhật Phục Sinh đến thứ Bảy sau Lễ Hiện Xuống là Mùa Phục Sinh. Đây là thời gian thánh thiêng nhất trong Năm Phụng Vụ và cũng là khoảng thời gian mà toàn bộ chu kỳ phụng vụ quy hướng về. Chúng ta sẽ dễ dàng hiểu được điều này nếu suy ngẫm về sự cao trọng của Lễ Phục Sinh, vốn được gọi là Lễ của các lễ, Đại Lễ của các đại lễ. Thánh Grêgôriô[1] đã so sánh điều này với phần linh thánh nhất trong Đền Thờ được gọi là Nơi Cực Thánh và Thánh Kinh mô tả mối hôn ước giữa Đức Kitô và Hội Thánh được gọi là Diễm Ca của các Diễm Ca. Chính trong ngày này, sứ mạng của Ngôi Lời Nhập Thể đạt đến đích điểm mà Ngài luôn hướng tới: con người được vực dậy từ sa ngã và lấy lại những gì đã đánh mất vì tội của Ađam.
Lễ Giáng Sinh đã ban tặng cho chúng ta một Thiên-Chúa-Làm-Người; mới ba ngày trước, chúng ta còn chứng kiến Máu Châu Báu vô giá của Ngài đổ ra để cứu chuộc chúng ta; nhưng giờ đây, trong ngày Phục Sinh, Đức Giêsu, Chúa chúng ta không còn là lễ vật hiến tế của sự chết nữa: Ngài là Đấng Khải Hoàn, Đấng tiêu diệt sự chết – con đẻ của tội lỗi – và loan báo sự sống, sự sống bất diệt mà Ngài đã chuộc lấy cho chúng ta. Sự khiêm hạ của tấm khăn bộc hài nhi, những đau khổ của cơn hấp hối và thập giá – tất cả nay đã qua; giờ đây, chỉ còn lại vinh quang – vinh quang cho chính Ngài và cũng là vinh quang cho chúng ta. Vào ngày Phục Sinh, nhờ sự Phục Sinh của Thiên-Chúa-Làm-Người, Thiên Chúa khôi phục công trình sáng tạo của Người như thuở ban đầu. Dấu vết duy nhất còn sót lại của sự chết chính là tội lỗi – điều mà Chiên Thiên Chúa đã đoái thương mang lấy trên mình. Không chỉ riêng Đức Giêsu trở về sự sống đời đời, mà toàn thể nhân loại cũng được phục sinh, được bước vào sự sống bất diệt cùng với Ngài. Thánh Tông Đồ đã nói: “Do một người mà có sự chết, thì cũng do một người mà có sự phục sinh của kẻ chết. Như trong Ađam mọi người phải chết, thì trong Đức Kitô, mọi người cũng sẽ được làm cho sống”[2].
Vì thế, đại lễ Phục Sinh chính là ngày trọng đại nhất, là ngày của niềm vui, là ngày tuyệt hảo trên hết mọi ngày, là ngày mà tất cả Năm Phụng Vụ mong đợi và quy hướng về, cũng như là nền tảng để sắp xếp toàn bộ chu kỳ phụng vụ. Nhưng vì lễ Phục Sinh là ngày thánh thiện nhất – bởi lẽ ngày Phục Sinh là ngày mở ra cửa Thiên Đàng cho chúng ta và chúng ta sẽ được bước vào vì đã cùng sống lại với Đức Kitô – nên Giáo Hội muốn chúng ta đón nhận ngày lễ Phục Sinh với sự chuẩn bị xứng đáng, qua việc hãm mình thể xác và thống hối trong tâm hồn. Chính vì thế, Giáo Hội đã thiết lập việc chay tịnh của Mùa Chay, và trong Mùa Septuagesima, Giáo Hội đã mời gọi chúng ta hướng lòng về niềm hoan lạc của Đại Lễ Phục Sinh, để tâm hồn chúng ta được thấm nhuần những tâm tình xứng hợp với một đại lễ trọng thể đang đến gần. Chúng ta đã đáp lại lời mời gọi của Giáo Hội đã trải qua thời gian chuẩn bị; giờ đây, mặt trời Phục Sinh đã bừng sáng trên chúng ta!
Nhưng không chỉ dừng lại ở việc cử hành long trọng ngày đại lễ khi Đức Giêsu, Ánh Sáng của chúng ta đã chỗi dậy từ cõi tối tăm của nấm mồ; nhưng còn có một biến cố khác cũng đòi hỏi chúng ta phải thành tâm cảm tạ và hân hoan mừng kính. Ngôi Lời Nhập Thể đã sống lại vào ngày thứ nhất trong tuần – ngày mà bốn ngàn năm trước, chính Ngài, Ngôi Lời hằng hữu của Chúa Cha đã khởi sự công trình sáng tạo, khi truyền cho ánh sáng xuất hiện và phân rẽ nó với bóng tối. Ngày thứ nhất đã được tôn vinh nhờ công trình tạo dựng ánh sáng. Ngày ấy lại được thánh hiến một lần nữa qua biến cố Phục Sinh của Chúa Giêsu; và từ đó, Chúa Nhật, chứ không phải Thứ Bảy, trở thành Ngày của Chúa. Vâng, chính Mầu Nhiệm Phục Sinh của Đức Giêsu, Chúa chúng ta diễn ra vào Chúa Nhật, ngày thứ nhất trổi vượt hơn mọi ngày khác trong tuần: mệnh lệnh thiêng liêng về ngày Sabát đã được bãi bỏ cùng với các lề luật khác của Môsê và các thánh Tông Đồ đã truyền dạy các tín hữu thánh hóa ngày thứ nhất trong tuần – ngày mà Thiên Chúa đã tôn vinh công trình tạo dựng và công cuộc tái sinh thế giới với một vinh quang trổi vượt. Vì Chúa Nhật là ngày Chúa Giêsu Phục Sinh, Giáo Hội đã chọn ngày này hơn bất kỳ ngày nào khác để cử hành thường niên biến cố trọng đại này. Lễ Vượt Qua của người Do Thái, do được ấn định vào ngày 14 tháng Nissan (tưởng niệm biến cố xuất hành khỏi Ai Cập), nên theo chu kỳ, có thể rơi vào bất kỳ ngày nào trong tuần. Lễ Vượt Qua của người Do Thái chỉ là hình bóng; còn Lễ Vượt Qua của Chúa chúng ta mới là thực tại, và chính thực tại ấy đã chấm dứt hình bóng xưa. Vì thế, Giáo Hội đã cắt đứt mối liên hệ cuối cùng với hội đường Do Thái và tuyên bố sự giải phóng của mình bằng cách ấn định ngày lễ trọng đại nhất của Giáo Hội không còn trùng khớp với ngày lễ Vượt Qua của người Do Thái. Các thánh Tông Đồ đã truyền dạy rằng Lễ Vượt Qua Kitô Giáo không bao giờ được cử hành vào ngày 14 tháng Nissan, dù ngày ấy có rơi vào Chúa Nhật đi chăng nữa; nhưng phải luôn được mừng kính vào Chúa Nhật kế tiếp sau ngày mà niên lịch cũ của hội đường Do Thái vẫn còn ghi dấu.
Tuy nhiên, vì lòng kính trọng đối với nhiều người Do Thái đã lãnh nhận phép rửa và trở thành nền tảng của Hội Thánh sơ khai, các thánh Tông Đồ đã quyết định rằng luật ấn định ngày cử hành Lễ Vượt Qua cần phải được áp dụng cách khôn ngoan và tiệm tiến. Giêrusalem chẳng bao lâu nữa sẽ bị quân Rôma phá hủy, như chính Chúa chúng ta đã tiên báo; và một thành mới sẽ mọc lên từ đống tro tàn, trở thành nơi quy tụ cộng đoàn Kitô hữu. Thành ấy cũng sẽ xuất hiện Giáo Hội của chúng ta – một Giáo Hội hoàn toàn thoát ly khỏi những ảnh hưởng Do Thái, vốn đã bị Thiên Chúa khước từ một cách tỏ tường. Khi rao giảng Tin Mừng và thiết lập các Giáo Hội, ngay cả tại những miền xa xôi ngoài biên giới Đế Quốc Rôma, phần lớn các thánh Tông Đồ không phải đối mặt với các tập tục Do Thái, vì hầu hết những người đến với đức tin đều xuất thân từ dân ngoại. Thánh Phêrô, đấng đã tuyên bố tại Công Đồng Giêrusalem về sự chấm dứt của Lề Luật Do Thái, đã giương cao ngọn cờ giải phóng tại thành Rôma. Nhờ đó, Giáo Hội vốn nhờ Ngài mà trở thành Mẹ và Thầy của mọi Giáo Hội, chưa bao giờ có một quy luật nào khác về việc cử hành Lễ Phục Sinh ngoài điều đã được các thánh Tông Đồ ấn định, đó là: Lễ Phục Sinh phải được cử hành vào ngày Chúa Nhật.
Tuy nhiên, vẫn có một miền của Giáo Hội đã chống lại việc thực hành phổ quát này trong một thời gian dài: đó chính là vùng Tiểu Á. Thánh Tông Đồ Gioan, người đã sống nhiều năm tại Êphêsô – và cũng đã an nghỉ tại đó – đã khôn ngoan chấp nhận tại miền này thói quen của người Do Thái trong việc cử hành Lễ Vượt Qua, bởi lẽ phần đông những tín hữu trở lại Kitô giáo nơi đây vốn xuất thân từ hội đường Do Thái. Tuy nhiên, chính những tín hữu gốc dân ngoại, những người về sau đã trở thành phần lớn trong cộng đoàn tín hữu lại kiên trì bảo vệ tập tục này, một truyền thống đã có từ thuở khai nguyên của Giáo Hội tại miền Tiểu Á. Tuy nhiên, theo dòng thời gian, sự khác biệt này trở thành cớ vấp phạm, vì nó mang dáng dấp của Do Thái Giáo và làm cản trở sự hiệp nhất trong việc cử hành phụng vụ, đặc biệt là vào những mùa trọng đại như Mùa Chay và Đại Lễ Phục Sinh.
Đức thánh Giáo Hoàng Victoria, vị mục tử lãnh đạo Giáo Hội từ năm 193 đã nỗ lực chấm dứt sự sai lệch này; ngài nhận thấy đã đến lúc cần thiết để thiết lập sự hiệp nhất trong một vấn đề cốt yếu của Phụng vụ Kitô Giáo. Ngay từ năm 160, dưới triều đại Đức thánh Giáo Hoàng Anicetiô, qua những cuộc thương thảo huynh đệ, Tòa Thánh đã nỗ lực để thuyết phục các giáo hội tại Tiểu Á tuân theo tập tục phổ quát của Giáo Hội. Tuy nhiên, việc vượt qua một định kiến ăn sâu vào truyền thống vốn được xem là thánh thiêng tại miền này không phải là điều dễ dàng. Tuy nhiên, thánh Victoria quyết tâm thực hiện một nỗ lực khác. Ngài muốn trình bày trước các Giáo Hội tại Tiểu Á sự đồng tâm nhất trí trong toàn thể Giáo Hội. Vì thế, ngài truyền triệu tập các công đồng tại nhiều miền nơi Tin Mừng đã được rao giảng, để cùng nhau xem xét và giải quyết vấn đề liên quan đến ngày cử hành Lễ Phục Sinh. Khắp nơi đều có sự thống nhất hoàn toàn trong việc thực hành phụng vụ. Nhà sử học Eusebiô, sống sau đó 150 năm đã quả quyết rằng, dân chúng vẫn thường trích dẫn các quyết định của các công đồng tại Rôma, xứ Gaul, Achaia, Pontiô, Palestine và Osrhoene thuộc vùng Lưỡng Hà. Công Đồng Êphêsô, dưới sự chủ tọa của Đức Giám mục Polycrates, là công đồng duy nhất phản đối quyết định của Đức Thánh Cha và không tuân theo thực hành của Giáo Hội hoàn vũ.
Nhận thấy không thể tiếp tục khoan dung trước sự chống đối này, Đức Giáo Hoàng Victoria đã cắt đứt mối hiệp thông giữa Tòa Thánh và các Giáo Hội cứng lòng tại Tiểu Á. Hình phạt nghiêm khắc này chỉ được áp dụng sau khi Rôma đã tận dụng mọi phương thế để giải quyết tình trạng sai lệch, và điều đó đã khơi lên lòng trắc ẩn nơi một số giám mục. Thánh Irênê, lúc bấy giờ đang lãnh đạo Giáo phận Lyon đã lên tiếng bênh vực cho các Giáo Hội tại Tiểu Á, vì theo ngài, họ chỉ sai lầm do chưa được soi sáng đầy đủ. Nhờ lời can thiệp của ngài, Đức Giáo Hoàng đã thu hồi quyết định vốn bị xem là quá nghiêm khắc. Sự khoan dung này đã đem lại hiệu quả mong đợi. Vào thế kỷ sau, thánh Anatôliô, Giám mục Laođicêa, trong tác phẩm về Lễ Vượt Qua được biên soạn năm 276, cho biết rằng, trong một thời gian qua các Giáo Hội tại Tiểu Á đã tuân theo thực hành của Giáo Hội Rôma.
Một cách trùng hợp lạ lùng là cũng vào khoảng thời gian đó, các Giáo Hội tại Syria, Cilicia và vùng Lưỡng Hà lại gây ra một vụ bê bối khi từ bỏ truyền thống Kitô giáo và Tông Truyền trong việc cử hành Lễ Phục Sinh, để quay trở lại với nghi thức Do Thái vào ngày 14 tháng Nisan theo âm lịch. Sự chia rẽ trong Phụng vụ này đã gây đau buồn cho Giáo Hội. Vì thế, một trong những vấn đề đầu tiên mà Công Đồng Nicêa quan tâm là ban hành quy định chung, bắt buộc toàn thể Giáo Hội cử hành Lễ Phục Sinh vào ngày Chúa Nhật. Sắc lệnh này đã được thông qua một cách đồng thuận, và các nghị phụ của Công Đồng đã truyền rằng: “Gạt bỏ mọi tranh luận, anh em tín hữu tại phương Đông phải long trọng cử hành Lễ Vượt Qua cùng một ngày với các tín hữu tại Rôma, Alexandria và toàn thể Giáo Hội.”[3] Vấn đề này được xem là rất quan trọng vì ảnh hưởng trực tiếp đến chính đặc tính của Phụng vụ Kitô Giáo. Vì thế, thánh Athanasiô, khi trình bày các lý do dẫn đến việc triệu tập Công Đồng Nicêa đã nhấn mạnh hai điểm chính: việc lên án lạc giáo Arius và việc thiết lập sự thống nhất trong việc cử hành Lễ Phục Sinh.[4]
Đức Giám mục Alexanđria đã được Công Đồng trao nhiệm vụ lập bảng tính toán thiên văn để xác định chính xác ngày cử hành Lễ Phục Sinh cho mỗi năm sau này. Lý do của quyết định này là vì các nhà thiên văn học tại Alexanđria được xem là những người có độ chính xác cao nhất trong các phép tính lịch học. Những bảng tính này được gửi đến các Giáo Hội địa phương để hướng dẫn họ về cách thức cử hành thống nhất đại lễ quan trọng nhất của Kitô Giáo. Nhờ đó, sự hiệp nhất của Giáo Hội được thể hiện qua sự hiệp nhất trong Phụng vụ thánh; và Tòa Thánh Tông Truyền vốn là nền tảng của sự hiệp nhất Giáo Hội, cũng chính là nguồn mạch của sự hiệp nhất trong Phụng vụ. Tuy nhiên, ngay cả trước Công Đồng Nicêa, Đức Giáo Hoàng Rôma hằng năm vẫn gửi Thông điệp Phục Sinh đến tất cả các Giáo Hội địa phương để hướng dẫn họ về ngày cử hành trọng thể Lễ Phục Sinh. Chúng ta học được điều này từ Thư Công Đồng của các Giáo Phụ trong Công Đồng chung tại Arles vào năm 314. Bức thư được gửi đến Đức thánh Giáo Hoàng Sylvestê và có đoạn viết: “Trước hết, chúng con khẩn xin rằng việc cử hành Lễ Vượt Qua của Chúa được thống nhất về thời gian và ngày tháng trên toàn thế giới. Và theo thói quen đã có, xin Đức Thánh Cha gửi thư đến tất cả các Giáo Hội về vấn đề này.”[5]
Tuy nhiên, tập tục này không được duy trì lâu dài sau Công Đồng Nicêa. Sự thiếu chính xác trong các phép tính thiên văn đã dẫn đến sự rối loạn trong phương pháp xác định ngày cử hành Lễ Phục Sinh. Quả thật, đại lễ này luôn được cử hành vào ngày Chúa Nhật và không có Giáo Hội nào nghĩ đến việc cử hành cùng ngày với người Do Thái. Tuy nhiên, do chưa có sự thống nhất hoàn toàn về thời điểm chính xác của ngày xuân phân[6], nên đã xảy ra tình trạng một số năm Lễ Phục Sinh không được cử hành đồng nhất vào một ngày trên toàn Giáo Hội. Dần dần đã xảy ra sự sai lệch so với quy tắc do Công Đồng Nicêa đặt ra, khi lấy ngày 21 tháng 3 làm mốc xác định ngày xuân phân. Một cuộc cải cách lịch sử là điều cần thiết, nhưng dường như không ai đủ khả năng thực hiện. Các chu kỳ tính toán được thiết lập nhưng lại mâu thuẫn với nhau; Rôma và Alexandria mỗi nơi áp dụng một hệ thống tính toán riêng. Hậu quả là vào một số năm, Lễ Phục Sinh không được cử hành với sự thống nhất hoàn toàn mà các Giáo Phụ Công Đồng Nicêa đã nỗ lực đạt được. Tuy nhiên, sự khác biệt này không xuất phát từ tinh thần bè phái hay sự chia rẽ trong Giáo Hội.
Giáo Hội phương Tây tuân theo hệ thống tính toán của Rôma. Các Giáo Hội tại Ireland và Scotland, vốn trước đó bị ảnh hưởng bởi những chu kỳ tính toán sai lệch, cuối cùng cũng được đưa vào sự thống nhất. Đến thế kỷ XVI, khi khoa học đã đạt tới sự tiến bộ, Đức Giáo Hoàng Grêgôriô XIII đã tiến hành cuộc cải cách niên lịch, đưa đến việc thiết lập Lịch Grêgôriô, nhằm đảm bảo sự chính xác hơn trong việc xác định ngày Lễ Phục Sinh và các ngày lễ phụng vụ khác. Thời kỳ xuân phân cần được đưa trở lại ngày 21 tháng 3 như Công Đồng Nicêa đã quy định. Đức Giáo Hoàng Grêgôriô XIII đã thực hiện điều này bằng cách ban hành Tông sắc vào ngày 24 tháng 2 năm 1581, trong đó ngài truyền rằng 10 ngày của năm sau, từ ngày 4 tháng 10 đến ngày 15 tháng 10 sẽ bị loại bỏ. Đây là một phần của cuộc cải cách niên lịch, nhằm khôi phục tính chính xác trong việc xác định ngày Lễ Phục Sinh và các thời điểm phụng vụ khác. Nhờ đó, Đức Giáo Hoàng Grêgôriô XIII đã khôi phục công trình của Julius Caesar, người từng quan tâm đến việc chỉnh sửa độ chính xác của năm dương lịch trong thời đại của mình. Mục tiêu chính của cuộc cải cách này còn được gọi là lịch mới (New Style) – chính là nhằm đảm bảo sự chính xác trong việc xác định ngày Lễ Phục Sinh, trung tâm của Năm Phụng Vụ Kitô Giáo. Các nguyên tắc và quy định của Công Đồng Nicêa một lần nữa được áp dụng để giải quyết vấn đề quan trọng nhất của Năm Phụng Vụ. Nhờ đó, Đức Giáo Hoàng Rôma không chỉ công bố ngày Lễ Phục Sinh cho một năm duy nhất, mà còn ấn định cách tính chuẩn xác cho nhiều thế kỷ về sau, đảm bảo sự hiệp nhất trong Phụng vụ của toàn thể Giáo Hội. Các quốc gia theo lạc giáo buộc phải thừa nhận quyền bính thần linh của Giáo Hội qua sắc lệnh trọng đại này, vốn ảnh hưởng cả tôn giáo lẫn xã hội. Họ phản đối Lịch Grêgôriô cũng như đã từng phản đối Quy luật Đức tin. Anh quốc và các bang theo Lutherô ở Đức thà tiếp tục sử dụng một bộ lịch rõ ràng có sai sót trong nhiều năm, còn hơn chấp nhận bộ Lịch Mới (New Style) – mặc dù họ thừa nhận rằng đây là điều thiết yếu – nhưng chỉ vì lịch này là công trình của một Đức Giáo Hoàng![7]
Tất cả những điều này cho chúng ta thấy tầm quan trọng của việc ấn định chính xác ngày cử hành Lễ Phục Sinh; và Thiên Chúa đã nhiều lần tỏ bày qua các phép lạ rằng một ngày lễ rất thánh như vậy không thể bị xem nhẹ được. Trong suốt các thời đại khi sự rối loạn của các chu kỳ và sự thiếu chính xác trong cách tính toán thiên văn gây ra nhiều bất định về thời kỳ xuân phân, Thiên Chúa đã hơn một lần tỏ bày những dấu lạ kỳ diệu, hầu bù đắp cho những thiếu sót của khoa học và thẩm quyền Giáo Hội. Trong một bức thư gửi thánh Lêô Cả vào năm 444, Đức Giám mục Paschasinus của Lilybea[8], miền Sicilia thuật lại rằng, dưới triều đại thánh Giáo Hoàng Zosimus – khi Honorius giữ chức đại sứ lần thứ 11 và Constantius lần 12 – ngày cử hành chính xác của Đại Lễ Phục Sinh đã được Thiên Chúa tỏ bày cách lạ lùng cho dân chúng tại một trong những thánh đường ở miền ấy. Giữa một vùng đồi núi hiểm trở và rậm rạp trên hòn đảo, có một ngôi làng nhỏ mang tên Meltinas. Ngôi thánh đường nơi đó tuy đơn sơ nghèo nàn, nhưng lại được Thiên Chúa đoái thương cách đặc biệt. Hằng năm, vào đêm trước Chúa Nhật Phục Sinh, khi vị linh mục tiến vào nhà rửa tội để làm phép nước, người ta luôn thấy giếng rửa tội đầy tràn nước một cách lạ lùng, dù không có bất kỳ phương tiện nhân loại nào có thể cung cấp nước cho nơi ấy. Ngay khi Bí tích Rửa Tội được cử hành, nguồn nước tự nó biến mất một cách kỳ diệu, để lại bể rửa tội hoàn toàn khô ráo. Nhưng vào chính năm đó, dân chúng vì lầm lẫn trong việc tính toán ngày lễ, đã tụ họp để cử hành các nghi thức của Đêm Vọng Phục Sinh. Sau khi các bài Sách Thánh được công bố, vị linh mục cùng cộng đoàn tiến vào nhà rửa tội, nhưng bể rửa tội vẫn trống rỗng. Họ kiên nhẫn chờ đợi phép lạ nước trào dâng, để các dự tòng được lãnh nhận ân sủng tái sinh trong Bí tích Rửa Tội: nhưng họ chờ đợi trong vô vọng, và không một ai có thể lãnh nhận Bí tích Rửa Tội. Đến ngày 22 tháng Tư năm ấy, bể rửa tội được tìm thấy đã đầy tràn nước một cách lạ lùng. Nhờ đó, dân chúng nhận ra rằng chính ngày ấy mới là ngày cử hành Lễ Phục Sinh đích thực trong năm đó.[9]
Cassiodorus, nhân danh Vua Athalaric viết thư cho một người tên là Severus, thuật lại một phép lạ tương tự xảy ra hằng năm vào Đêm Vọng Phục Sinh, tại Lucania gần hòn đảo nhỏ Leucothea ở một địa danh gọi là Marcilianum. Tại nơi ấy có một mạch nước lớn, nước trong đến nỗi không khí cũng chẳng thể tinh khiết hơn. Suối nước này được dùng làm bể rửa tội trong đêm Vọng Phục Sinh. Khi vị linh mục đứng dưới tảng đá thiên nhiên bao phủ dòng suối và bắt đầu đọc lời nguyện làm phép nước, thì dòng nước như cùng chia sẻ niềm hoan lạc Phục Sinh, liền dâng cao trong bể. Nếu trước đó nước chỉ dâng đến bậc thềm thứ năm, thì nay người ta thấy nước trào lên tận bậc thứ bảy, như thể hối hả mong muốn thực hiện những kỳ công của ân sủng mà Thiên Chúa đã tuyển chọn nó làm khí cụ. Thiên Chúa muốn tỏ bày qua dấu lạ này rằng, ngay cả những tạo vật vô tri cũng có thể tham dự vào niềm hoan lạc thánh thiêng của ngày trọng đại nhất, khi Người đoái thương.[10]
Thánh Grêgôriô thành Tours nói với chúng ta về một bể rửa tội mà vẫn còn tồn tại vào thời ngài, trong một thánh đường tại Andalusia, ở một địa danh gọi là Osen, nơi Thiên Chúa đã tỏ bày cách lạ lùng cho dân Người biết ngày cử hành đích thực của Lễ Phục Sinh. Vào ngày thứ Năm Tuần Thánh hằng năm, Đức Giám mục cùng với đoàn tín hữu long trọng tiến về ngôi thánh đường này. Bể rửa tội nơi đó được xây dựng theo hình thánh giá và lát đá khảm tinh xảo. Bể rửa tội được kiểm tra kỹ lưỡng để bảo đảm rằng nó hoàn toàn khô ráo. Sau khi đọc nhiều lời nguyện sốt sắng, mọi người rời khỏi thánh đường, và Đức Giám mục niêm phong cửa chính bằng con dấu của ngài. Vào thứ Bảy Tuần Thánh, Đức Giám mục cùng đoàn tín hữu trở lại thánh đường. Con dấu được kiểm tra cẩn thận, rồi cửa được mở ra. Khi ấy, người ta thấy bể rửa tội đã đầy tràn nước, thậm chí dâng cao hơn cả mặt sàn, nhưng lạ lùng thay, nước vẫn không tràn ra ngoài. Đức Giám mục long trọng đọc các lời trừ tà trên dòng nước kỳ diệu ấy, rồi đổ Dầu Thánh vào trong. Sau đó, các dự tòng được lãnh nhận Bí tích Rửa Tội. Và ngay khi Bí tích được cử hành xong, nước liền biến mất một cách lạ lùng, không ai có thể biết được nước đã đi đâu.[11] Những phép lạ tương tự như vậy cũng đã được chứng kiến tại nhiều thánh đường ở Đông phương. Gioan Moschus, một tác giả thế kỷ VII nói về một bể rửa tội ở Lycia, nơi mà mỗi Đêm Vọng Phục Sinh nước đều lạ lùng tràn đầy. Điều kỳ diệu là nước ấy vẫn lưu lại trong bể suốt 50 ngày Mùa Phục Sinh và đột ngột biến mất ngay sau Đại Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.[12]
Giáo Hội đòi buộc mọi tín hữu phải lãnh nhận Thánh Thể vào dịp lễ Phục Sinh. Điều luật này dựa trên chính lời của Đấng Cứu Thế, Đấng đã trao cho Giáo Hội quyền ấn định thời điểm trong năm mà các Kitô hữu phải đón nhận Bí tích Cực Thánh. Trong thời kỳ sơ khai, các tín hữu thường xuyên lãnh nhận Thánh Thể, và tại một số nơi, việc rước lễ diễn ra hằng ngày. Tuy nhiên, theo thời gian, lòng nhiệt thành của các tín hữu đối với mầu nhiệm cao cả này dần dần nguội lạnh. Điều này được minh chứng qua một sắc lệnh của Công Đồng Agatha (Agde), nhóm họp năm 506, trong đó quy định rằng những giáo dân không rước lễ vào dịp Giáng Sinh, Phục Sinh và Lễ Hiện Xuống sẽ bị xem như đã lìa xa đức tin Công Giáo.[13] Sắc lệnh này của Công Đồng Agatha đã được chấp nhận như một quy luật chung cho toàn thể Giáo Hội Tây Phương. Chúng ta thấy nó được trích dẫn trong các quy định do Tổng Giám mục Egbert thành York ban hành, cũng như trong Công Đồng Tours lần thứ ba. Tuy nhiên, tại nhiều nơi, việc rước lễ còn được quy định bắt buộc vào các Chúa Nhật Mùa Chay và trong ba ngày cuối của Tuần Thánh, ngoài việc rước lễ vào chính ngày Đại Lễ Phục Sinh.
Vào năm 1215, tại Công Đồng Chung Latêranô IV, trước sự nguội lạnh ngày càng gia tăng của con cái mình, Giáo Hội đã đau xót ban hành sắc lệnh quy định rằng các Kitô hữu buộc phải rước lễ ít nhất một lần trong năm, và việc buộc rước lễ này phải được thực hiện vào dịp Phục Sinh. Để cho các tín hữu thấy rằng đây là giới hạn cuối cùng mà Giáo Hội có thể khoan dung trước tình trạng nguội lạnh, Công Đồng Latêranô IV còn tuyên bố rằng: Ai dám vi phạm luật này có thể bị cấm không được bước vào thánh đường suốt đời và bị từ chối nghi thức an táng Kitô giáo sau khi qua đời, như thể họ đã tự ý tách mình ra khỏi mối hiệp thông hữu hình của Giáo Hội Công Giáo.[14] Những quy định này của một Công Đồng Chung cho thấy tầm quan trọng của bổn phận rước lễ Phục Sinh. Đồng thời, chúng cũng khiến chúng ta rùng mình khi nghĩ đến hàng triệu tín hữu trên khắp thế giới Công Giáo, mỗi năm vẫn bất chấp những lời cảnh báo của Giáo Hội, từ chối chu toàn một nghĩa vụ không chỉ mang lại sự sống cho linh hồn họ mà còn là một lời tuyên xưng đức tin. Và khi chúng ta suy nghĩ thêm về việc có biết bao người, dù có rước lễ Phục Sinh, nhưng lại hoàn toàn không quan tâm đến việc sám hối Mùa Chay, như thể không hề có một bổn phận nào phải chu toàn, chúng ta không khỏi cảm thấy buồn bã. Điều đó khiến chúng ta tự hỏi: Đến bao giờ Thiên Chúa còn nhẫn nại trước những sự vi phạm như thế đối với Luật Kitô giáo?
Năm mươi ngày giữa Lễ Phục Sinh và Lễ Hiện Xuống luôn được Giáo Hội xem là thời gian thánh thiêng đặc biệt. Tuần Bát Nhật Phục Sinh được dành riêng cách đặc biệt để cử hành mầu nhiệm Chúa Kitô Phục Sinh, được giữ như một đại lễ kéo dài. Tuy nhiên, toàn bộ năm mươi ngày này cũng được cử hành với những vinh dự đặc biệt. Chưa kể đến niềm hoan lạc vốn là điểm đặc trưng của thời gian này trong năm, mà lời tung hô “Alleluia” chính là sự diễn tả trọn vẹn. Ngoài ra truyền thống Kitô giáo còn gán cho Mùa Phục Sinh hai thực hành đặc biệt, làm cho thời gian này trở nên khác biệt với mọi mùa khác trong Năm Phụng Vụ. Điều thứ nhất là Giáo Hội không cho phép ăn chay trong suốt thời gian này: đây là sự mở rộng của huấn lệnh cổ xưa, theo đó không được giữ chay vào ngày Chúa Nhật và toàn thể Mùa Phục Sinh được coi như một ngày Chúa Nhật kéo dài. Thực hành này dường như đã có từ thời các thánh Tông Đồ, đã được chấp nhận trong các Luật Dòng cả ở Đông phương lẫn Tây phương, ngay cả trong các dòng tu có kỷ luật khắt khe nhất. Điều thứ hai là không quỳ gối khi cử hành các Giờ Kinh Phụng Vụ từ Lễ Phục Sinh cho đến Lễ Hiện Xuống. Các Giáo Hội Đông phương vẫn trung thành giữ truyền thống này cho đến ngày nay. Trong nhiều thế kỷ, các Giáo Hội Tây phương cũng thực hành điều này; tuy nhiên, ngày nay, việc giữ luật này chỉ còn lại như một dấu tích ít ỏi. Giáo Hội Latinh từ lâu đã chấp nhận việc quỳ gối trong Thánh Lễ suốt Mùa Phục Sinh. Những dấu tích còn sót lại của kỷ luật phụng vụ cổ xưa trong vấn đề này hầu như không được giáo dân để ý, vì ít người tham dự các Giờ Kinh Phụng Vụ.
Do đó, Mùa Phục Sinh tựa như một đại lễ kéo dài liên tục. Điều này đã được giáo phụ Tertullianô ghi nhận vào thế kỷ thứ III. Khi khiển trách những Kitô hữu tỏ ra tiếc nuối vì đã từ bỏ các lễ hội ngoại giáo sau khi chịu phép rửa, ngài đã nói với họ như sau: “Nếu anh em yêu thích các ngày lễ hội, thì anh em sẽ tìm thấy vô số lễ hội giữa chúng tôi là những Kitô hữu; không chỉ là những ngày lễ kéo dài trong một ngày, mà còn có những dịp lễ kéo dài suốt nhiều ngày liên tiếp. Người ngoại giáo chỉ cử hành mỗi lễ hội của họ một lần trong năm; nhưng anh em phải cử hành các ngày lễ của mình nhiều lần, vì anh em có tám ngày để mừng kính. Gom tất cả các lễ hội của dân ngoại lại, thì cũng không thể sánh bằng 50 ngày của Mùa Phục Sinh mà chúng ta cử hành.”[15] Khi đề cập đến chủ đề này, thánh Ambrôsiô nói: “Nếu người Do Thái không chỉ hài lòng với ngày Sabát hằng tuần, mà còn giữ một ngày Sabát kéo dài cả tháng và một ngày Sabát kéo dài suốt một năm, thì huống gì chúng ta lại không càng phải tôn vinh mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa chúng ta hơn sao?”. Do đó, tổ phụ chúng ta đã truyền dạy rằng phải cử hành năm mươi ngày của mùa Ngũ Tuần như một sự tiếp nối của Lễ Phục Sinh. Đó là bảy tuần, và đại lễ Ngũ Tuần khai mở tuần thứ tám… Trong suốt 50 ngày này, Giáo Hội không giữ chay, cũng như không giữ chay vào bất kỳ ngày Chúa Nhật nào, vì đó là ngày Chúa chúng ta đã sống lại: và toàn bộ 50 ngày này được xem như những ngày Chúa Nhật nối tiếp nhau”.[16]
Chú thích:
[1] Bài giảng 22.
[2] 1 Cr 15,21-22
[3] Spicilegium Solesmense, tập 4, tr. 341.
[4] Epist. Ad Afros episcopos (Thư gửi các Giám mục Phi Châu).
[5] Concil. Galilea. t. i. (Công Đồng. Galilêa. tập I).
[6] Xuân phân (vernal equinox) là thời điểm trong năm khi ngày và đêm có độ dài gần như bằng nhau trên toàn thế giới. Hiện tượng này xảy ra do trục Trái Đất không nghiêng về phía Mặt Trời, khiến ánh sáng mặt trời chiếu đều lên cả hai bán cầu. Trong lịch phụng vụ: Xuân phân có vai trò quan trọng trong việc xác định ngày cử hành Lễ Phục Sinh, vì theo quy luật của Công Đồng Nicêa (năm 325), Lễ Phục Sinh được ấn định vào Chúa Nhật đầu tiên sau kỳ trăng tròn kế tiếp Xuân phân.
[7] Great Britain adopted the New Style, by Act of Parliament, in the year 1752. (Vương quốc Anh chính thức chấp nhận Lịch Mới (New Style) theo một Đạo luật của Quốc hội vào năm 1752).
[8] The modern Marsala (Masala ngày nay).
[9] St. Leonis, Opera, Epist. iii (Thánh Lêô Cả, Opera, Thư thứ III).
[10] Cassiodorus, Variarum, lib. vii, epist. xxxiii. (Cassiodorus, Variarum, quyển VII, thư 33).
[11] De Gloria Martyrum, lib. i cap. xxiv. (Về Mầu Nhiệm Vinh Quang, quyển I, chương XXIV).
[12] Pratum spirituale, cap. ccxv. (Đồng Cỏ Thiêng Liêng, Chương 215).
[13] Concil. Agath. Canon xviii. (Công Đồng Agde, Khoản luật XVIII).
[14] Hai thế kỷ sau đó, Đức Giáo Hoàng Eugenius IV, trong Hiến chế Digna Fide ban hành năm 1440, đã cho phép việc rước lễ hằng năm có thể được thực hiện vào bất kỳ ngày nào trong khoảng từ Chúa Nhật Lễ Lá đến Chúa Nhật Quasimodo (Chúa Nhật II Phục Sinh) bao gồm cả hai ngày này. Quy định này vẫn còn hiệu lực trong Giáo Hội, tuy nhiên, các giám mục địa phương có thể gia hạn khoảng thời gian này từ Chúa Nhật IV Mùa Chay cho đến Lễ Chúa Ba Ngôi. Riêng tại Anh Quốc, các giám mục vẫn có thể áp dụng sự chuẩn miễn trước đây do Tòa Thánh ban hành, cho phép kéo dài thời gian rước lễ buộc từ Thứ Tư Lễ Tro đến Chúa Nhật II Phục Sinh.
[15] De Idololatria, cap. XIV. (De Idololatria, chương XIV).
[16] In Lucam, lib. viii, cap. xxv (In Lucam, quyển VIII, chương XXV).
Vui lòng ghi: “Nguồn: Truyền Thông Tỉnh Dòng Ngôi Lời Việt Nam – ngoiloivn.net” khi đăng tải lại các bài viết từ trang này.