Tầm quan trọng của Cộng sự viên Giáo dân trong đời sống và sứ vụ của Dòng Ngôi Lời

0
382
  1. Dẫn nhập

Từ công đồng Vatican II, người giáo dân đã là trung tâm trong đời sống và sứ vụ của Giáo hội. Chúng ta, những nhà truyền giáo Dòng Ngôi Lời, đã cổ võ sự cộng tác của người giáo dân từ buổi ban đầu của Hội dòng chúng ta bằng việc trao quyền hành hợp pháp cho những người giáo dân trong những dự án truyền giáo của mình. Tinh thần ấy vẫn vang vọng trong những Tổng tu nghị sau này. Mối bận tâm này đã trở nên khẩn cấp và cần thiết trong thế giới ngày nay vì nhiều lý do kinh tế, xã hội và văn hóa. Bài viết suy tư ngắn này nêu bật tầm quan trọng của việc giáo dân cộng tác đối với sứ vụ truyền giáo trên toàn thế giới của Dòng Ngôi Lời.

 

  1. Tầm quan trọng của những nhà truyền giáo giáo dân trong lịch sử của Dòng Ngôi Lời

a) Thánh Arnold và những người làm việc chung đầu tiên tại Steyl

Sau khi mua ngôi nhà đầu tiên ở Steyl vào ngày 16 tháng 7 năm 1875, Arnold đã rất vui vì có được một người thợ mộc giỏi, Heinrich Erlemann, vốn đã muốn trở thành một linh mục truyền giáo. Nhiều người nam nữ giáo dân từ Steyl, Tegelen, Vento và từ vùng nước Đức phụ cận, đã giúp cho ngôi nhà truyền giáo mới này ngay từ buổi đầu của nó. Cô Helen Wolters, anh chị em Cleophas, Joseph Stute và Anton Craghs đã là những người giáo dân tận tụy trong việc phục vụ Hội dòng. Joseph Statute, như là một người trẻ, đã đến Steyl từ nước Đức vào khoảng thời gian từ năm 1876 đến năm 1882; ông ấy đã thiết lập và quản lý nhà in đầu tiên tại Steyl.

b) Gia đình Cleophas

Gia đình Cleopas ở Steyl đã giúp đỡ ngôi nhà truyền giáo mới bằng nhiều cách khác nhau. Trong suốt Thánh lễ khai trương Ngôi Nhà Truyền Giáo (Mission House) vào ngày 8 tháng 9 năm 1875 tại nhà thờ giáo xứ Steyl, ông Cleophas đã đánh đàn organ và hướng dẫn ca đoàn. Lidwina Cleophas đã lo bữa ăn trưa đúng giờ. Vào đầu mỗi tuần lễ, con trai Henry của họ, đã đem quần áo từ chủng viện về để giặt và vào cuối tuần thì mang trở lại cho chủng viện. Gia đình này đã làm rất nhiều việc về may vá cho cha Arnold Janssen. Hai đứa con gái, Anna và Liese, với Minna Van Dijk, đã tham gia vào việc sùng kính trong tháng Năm (the May devotion) tại Nhà nguyện của ngôi nhà truyền giáo và đã giúp đỡ bằng việc ca hát.

c) Cô Helen Wolters

Cô Helen Wolters là nữ doanh nhân ở Venlo. Cô thuộc về nhóm các ân nhân địa phương đầu tiên của ngôi nhà truyền giáo mới. Cô cũng đã gợi hứng cho những người khác giúp đỡ ngôi nhà truyền giáo. Những quý bà mà cô đem đến vào ngày khai mạc, ngày 08 tháng 09 năm 1875, “đã động lòng bởi sự nghèo khó của ngôi nhà mà, trong những ngày sau đó, hai xe với toàn bộ các loại đồ đạc nội thất đã đến từ Venlo” (Alt, Journey in faith, tr. 79, 83, 85).

d) Anton Craghs

Anton Craghs đã đến Steyl từ Walbeck, một vùng gần Kevelar, nước Đức vào năm 1877 với đứa con trai William mười tuổi rưỡi. Ông là một trong những nhân sự quan trọng và, đồng thời, đã hổ trợ rất nhiều về mặt vật chất. Ông đã biết cách làm thế nào để có được những miếng đất nhỏ bên cạnh từ người dân. Vì thế, dần dần ông đã mua được vườn, các cồn cát và những miếng đất nhỏ khác; từng miếng từng miếng với rất ít tiền. Ông đã rất thành công trong việc xin thức ăn cho ngôi nhà truyền giáo từ các nông dân dọc biên giới Đức. Từ năm 1880 ông đã phân phát Niên giám của Chủng viện thánh Micae khắp nước Đức – cho đến tận biên giới Áo cũng như bên trong Hà Lan. Ông làm vườn, làm đường, bảo vệ chim trong vườn và có con ngựa nhỏ đầu tiên ở Steyl. Con trai William của ông ta đã được truyền chức linh mục trong Dòng Ngôi Lời vào năm 1889, con gái Maria của ông cũng đã vào Dòng Nữ Tỳ Chúa Thánh Linh trong năm 1894 và đã nhận tên mới trong dòng là Sơ Dominica. Vào đầu năm 1897, ông đã ngã bệnh và mất vào ngày 22 tháng 4 năm 1897 (Tham khảo từ Quyển hồi ký của Thầy Martinus-Jurgens, Steyl 2011).

 

  1. Thánh Arnold và Phong trào tĩnh tâm

Thánh Arnold vốn không phải là một người giảng dạy tài năng hay một nhà hùng biện. Nhưng rất ngạc nhiên khi biết rằng vào năm 1909 con số những người tham gia tĩnh tâm tại Chủng viện truyền giáo thánh Micae lên đến 63 513 người với 572 nhóm, trong khi Chủng viện thánh Micae đã có hơn 500 chủng sinh và sư huynh lưu trú vào cùng thời gian đó. Điều đó được xem như là một phong trào tĩnh tâm thành công mà các linh mục, giáo dân nam nữ đã tham gia.

Chúng ta, những anh em Ngôi Lời, đã hiện diện trước các anh em Dòng Tên 17 năm và trước các anh em Dòng Capucino 16 năm. Khi các anh em Dòng Tên người Hà Lan muốn mở nhà tĩnh tâm tại Venlo vào năm 1908, Giám mục Drehmans của Roermond đã khuyên họ: “Hãy tiếp xúc với cha Tổng quyền ở Steyl. Ông ấy đã làm một công việc vĩ đại trên mảnh đất này và có một kinh nghiệm phong phú. Ông ta có thể giúp đỡ cho các anh em.” (Ittoop Pannikulam SVD, Linh Đạo Arnoldus trong thực tại của chúng ta) Mục vụ tĩnh tâm cho giáo dân này đã kiếm được nhiều bạn hữu và ân nhân cho Hội dòng truyền giáo còn non trẻ. Sự cộng tác của giáo dân đã trở nên sự hổ trợ lớn lao cho công trình truyền giáo mới bắt đầu này.

 

  1. Phong trào tông đồ cầu nguyện

Trước khi thành lập Dòng Ngôi Lời vào năm 1875, thánh Arnold đã dấn thân như là một người cổ võ cho Phong trào tông đồ cầu nguyên trong giáo phận Muenster của ngài vào khoảng năm 1865. Ngài đã đi rộng khắp nước Đức để cổ võ phong trào này. Tác động của phong trào này trên cha thánh Arnold là đáng kể; theo Hermann Fischer SVD: “Chắc chắn rằng, bên cạnh ơn Chúa, việc tham gia của Arnold Janssen vào Phong trào tông đồ cầu nguyện và tinh thần của nó đã tạo ra cho ngài tầm nhìn rộng lớn. Sự tuân phục cách mạnh mẽ và quảng đại đối với “Thánh ý của Chúa Giêsu”, việc mở rộng Nước Thiên Chúa trên trái đất, việc đem về những Kitô hữu xa lìa giáo hội, và việc cứu rỗi các những người ngoài Kitô giáo, tất cả những điều này đã đưa đến việc thành lập công trình truyền giáo tại Steyl. Bốn mươi năm cuối đời, ngài đã sống vì ngọn lửa tình yêu tông đồ này.” (Các bạn là đền thờ của Thánh Thần, tr. 12)

 

  1. Thánh Arnold và Tông đồ báo chí

Thánh Arnold là một người nhìn xa trông rộng. Ngài đã muốn cổ võ lý tưởng truyền giáo khắp thế giới. Vào năm 1874, tại Kempen, ngài đã xuất bản ấn bản đầu tiên của tờ Sứ giả nhỏ của Thánh Tâm (Little Messenger of the Sacred Heart). Nhờ đó, ngài đã có thể thông tin cho các đọc giả biết về lý tưởng truyền giáo của mình và ngài cũng đã lôi kéo nhiều ơn gọi đến với ba Hội dòng truyền giáo. Chân phước Maria Helena đã đến để biết về Chủng viện thánh Micae tại Steyl nhờ vào tạp chí này. Nhờ gợi ý của nhà xuất bản Hà Lan Henri Bogaerts, cha thánh Arnold đã bắt đầu vào ngày 6 tháng 1 năm 1878 tờ Die Heilige Stadt Gottes, một tạp chí gia đình công giáo. Nó là một tờ Tuần báo với tám trang và nó đã trở nên phổ biến ở Đức và những quốc gia lân cận. Vào năm 1880, Niên giám của Chủng viện thánh Micae đã được in tại Đức và Hà Lan. Tiến sĩ Kolbe, một người giáo dân, đã là người biên tập đầu tiên và vào năm 1900 đã có 500 000 đọc giả. Vào năm 1909, nhà in ở Steyl của chúng ta, rất hiện đại và nổi tiếng, đã in hơn 220 000 tờ Stadt Gottes và 690 000 tờ lịch của Chủng viện thánh Micae. Thánh Arnold đã dùng phương tiện truyền thông in ấn để truyền đi giấc mơ truyền giáo lớn lao và nhiều cộng sự giáo dân đã tham gia vào những dự án lớn lao của ngài bằng việc in, phân phát và thu tiền quyên góp cho những tạp chí truyền giáo này. Các đọc giả của ngài đã trở nên những cộng sự viên của ngài và ngài đã chiếm được tâm hồn của nhiều người giáo dân.

 

  1. Những cộng sự viên giáo dân và các Tổng tu nghị Dòng Ngôi Lời

Tổng tu nghị đầu tiên của Hội dòng được diễn ra tại Steyl (1884 – 1886) đã thảo luận những đặc tính thiết yếu của việc mở một Cơ sở đào tạo các cộng sự viên tại thế (Institute of Secular Cooperators) để giúp đỡ các giáo điểm vào ngày 27, 28 và 30 tháng giêng năm 1885. Một vài người đạo đức đang sống trong thế giới đã ước muốn đến tham gia vào những nổ lực thiêng liêng của chúng ta. Tổng tu nghị đã quyết định trao cho họ khả năng này bằng việc thiết lập một cơ sở đào tạo các Cộng sự viên tại thế như là những người hổ trợ truyền giáo. Tổng tu nghị cũng quyết định cho họ chia sẻ trong tất cả những công việc tốt lành và lời cầu nguyện của Hội dòng. Những người hổ trợ truyền giáo phải ước muốn hướng đến một đời sống Kitô hữu tốt lành, sống “Linh đạo trong những nổ lực của Hội dòng Ngôi Lời”. Chỉ Bề trên tổng quyền và những ai mà ngài ủy nhiệm mới có quyền chấp nhận người nào đó như là những người hổ trợ truyền giáo, vốn chia sẻ những công việc tốt lành của Hội dòng.

Dòng Ngôi Lời mỗi tháng, “có thể vào thứ hai đầu tháng, trong các nhà lớn của Hội dòng sẽ dâng một Thánh lễ cho những người hổ trợ truyền giáo và ý chỉ của họ, và các thành viên của Hội dòng được mời gọi dâng Thánh lễ cho cùng ý chỉ. Đồng thời những người hổ trợ truyền giáo cũng được mời gọi phó thác cho Chúa Thánh Thần trong Thánh lễ hay trong các giờ cầu nguyện của họ, nếu có thể vào ngày này hay vào ngày khác, những công việc và ý định của Hội dòng” (Josef Alt, Hành trình trong Đức tin, tr. 213-214).

Vào tháng 8 năm 1986, trong khi chuẩn bị cho Tổng tu nghị thứ 13 vào năm 1988, toàn bộ số báo “Làm chứng cho Ngôi Lời (Witnessing to the Word)” thứ 10 đã nói về chủ đề “Sứ vụ của giáo dân và sự dấn thân của Dòng Ngôi Lời”. Từ năm 1988, quan điểm chính thức của Hội dòng về vấn đề sự cộng tác của giáo dân là để dành vấn đề này lại cho sáng kiến của các tỉnh dòng/miền dòng, vì có sự phong phú về các hình thức và cách thức cộng tác được phát sinh từ sự khác biệt của hoàn cảnh cụ thể.

Từ hướng dẫn trên của Tổng tu nghị, rõ ràng rằng chúng ta được mời gọi để khám phá về sự thể hiện đặc sủng của đấng sáng lập nơi người giáo dân trong các tỉnh dòng và miền dòng của chúng ta. Trong thời gian gần đây, Tổng tu nghị thứ 16 vào năm 2006 đã thông qua hai kiến nghị liên quan đến “Sự tham gia của người giáo dân/Sự cộng tác”:

  • Chúng ta, những nhà truyền giáo Ngôi Lời, hổ trợ và củng cố dự án cộng tác với người giáo dân đã vốn có trong các tỉnh dòng/miền dòng, vùng (zones)/tiểu vùng (subzones) khác nhau và cổ võ những dự án như thế ở những nơi mà chúng chưa có.
  • Nơi nào có thể, Hội dòng khuyến khích sự tham gia của giáo dân trong những cuộc họp có liên quan tại các Đại hội và Tu nghị tỉnh dòng theo các quy chế dành cho các Tu nghị, trong việc đào tạo cơ bản và thường huấn, việc quản trị và công việc truyền giáo cho muôn dân của chúng ta.

Kiến nghị thứ hai đã được nhắc lại lần nữa trong Tổng tu nghị thứ 17 vào năm 2012. Chúng ta có thể hiện tại hóa sự cộng tác của giáo dân Ngôi Lời này bằng sự cầu nguyện, cộng tác trong truyền giáo và cộng tác trong cầu nguyện.

Tổng tu nghị thứ 17 của Hội dòng đã làm ra những kiến nghị cụ thể. Các tỉnh dòng, miền dòng và các vùng truyền giáo được phép thừa nhận chính thức các nhóm giáo dân liên đới. Những nhóm giáo dân được thừa nhận này sẽ trở thành một phần của Gia đình Arnoldus theo nghĩa rộng. Việc thừa nhận sẽ được đưa ra theo những tiêu chuẩn quy định. Định hướng chính yếu của nhóm này là đặc sủng truyền giáo của thánh Arnold Janssen và thế hệ sáng lập. Nên có những quy chế được viết ra và được phê chuẩn bởi Bề trên giám tỉnh (miền/vùng truyền giáo) với sự đồng ý của hội đồng ngài.

 

  1. Kết luận

Ngay từ đầu, Dòng Ngôi Lời được gắn liền cách mật thiết với sự cộng tác của người giáo dân trong truyền giáo. Mặc dù tinh thần này vẫn còn sống động, nhưng tại một vài nơi nó đang mất dần trọng tâm và sự ưu tiên. Ngày nay, với sự thay đổi của thời gian, tầm nhìn về sự cộng tác của giáo dân này đã được tái khám phá. Tại một vài phần của thế giới, các nam nữ tu sĩ và linh mục không được phép làm việc cách chính thức, thì tại nơi đó sự cộng tác của người giáo dân có thể là sự hổ trợ rất lớn trong việc truyền giáo. Tuy nhiên, ơn gọi tu sĩ của Hội dòng đang suy giảm, trong bối cảnh này để tiếp tục công việc và tầm nhìn truyền giáo của thánh Arnold, chúng ta cần thêm những người giáo dân tình nguyện để tiếp tục công việc của ngài. Hy vọng rằng mỗi tỉnh dòng, miền dòng và vùng truyền giáo ý thức tình trạng khẩn cấp này cách nghiêm túc và có những bước đi để tổ chức, cổ võ và thừa nhận cách chính thức những sự cộng tác của người giáo dân như là những cộng tác viên của Dòng Ngôi Lời trong thế giới hôm nay. Nguyện xin thánh Arnold chuyển cầu cho dự án này!

Lm. Gregory Arockiam SVD

India Mumbai Province

Lm. Antôn Nguyễn Thanh Hà, SVD chuyển ngữ

Nguồn: http://www.witword.org

Bài trướcAn Cư Lạc Nghiệp
Bài tiếp theoNhà Tình Thương – Giáo xứ Huỳnh Kim, Gp. Qui Nhơn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.