Món quà Giáng Sinh của Cha Thánh Arnold Janssen, Đấng sáng lập Dòng Ngôi Lời

0
238

Thông điệp Tháng 12 năm 2021 của Cha tổng quyền Paulus Budi Kleden, SVD và Ban Lãnh Đạo Dòng Ngôi Lời, trong Arnoldus Nota, December 2021, trang 1-2. Lm. Giuse Đỗ Nguyên Vũ, SVD chuyển ngữ. Nguồn: svdcuria.org

 

Bằng Mùa Vọng trong phụng phụ, chúng ta chuẩn bị cử hành Lễ Giáng Sinh, mừng kính Đức Kitô Giáng Trần, Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta (x. Ga 1,14). Đối với nhiều người, Giáng Sinh là thời gian thú vị gắn liền với nhiều truyền thống và phong tục như mua sắm, trao đổi quà, mời người thân bạn hữu tổ chức, trang trí nhà cửa, nấu món ăn đặc biệt, nghe và hát nhạc mừng Giáng Sinh, tham dự các cử hành phụng vụ trọng thể, và nhiều hoạt động khác nữa. Đây cũng là dịp lễ mời gọi chúng ta thể hiện và chia sẻ sự tốt lành và quảng đại của tấm lòng mình. Do đó, nhiều người suy tư về chính mình lúc này và cố gắng tham gia các hoạt động bác ái như là giúp đỡ người nghèo, người cô thế cô thân, người già, trẻ em đường phố, người vô gia cư, các tù nhân,…

Đây là lần thứ hai Giáng Sinh bị đại dịch COVID-19 tác động. Điều này mang đến nhiều thách đố mới và nhiều câu hỏi như: “Ai là những thành viên gặp rủi ro cao trong gia đình, trong xã hội, và làm sao bảo vệ họ an toàn trong Giáng Sinh? Đâu có thể là sự giúp đỡ thiết thực nhất cho tất cả những ai đau buồn vì người thân yêu của họ qua đời, hoặc bị ảnh hưởng nặng nề của việc cắt lương và mất việc do coronavirus?” Những điều này và nhiều vấn đề khác nữa làm cho chúng ta bị nhấn chìm trong thế giới thực tại, tai họa không chỉ do đại dịch mà còn do những cái ác thời hiện đại.

Những Nhà Truyền Giáo Ngôi Lời trên đường canh tân và biến đổi do Tổng tu nghị thứ 18 (TTN18) của Dòng Ngôi Lời vạch ra. Lễ Giáng Sinh là thời khắc đào luyện khác nữa. Hãy để cho chính chúng ta được “sạc lại” (recharged) và trải nghiệm chân lý lại một lần nữa, rằng từ nguồn sung mãn của Ngôi Lời, “chúng ta đã nhận được hết ơn này đến ơn khác” (x. Ga 1,16). Chúng ta được mời gọi để tái khám phá món quà của Ngôi Lời Nhập Thể ban phúc và làm cho chúng ta trở nên phong phú như thế nào, để trở thành những sứ giả của ánh sáng và những dấu chỉ của niềm hy vọng cho thế giới.

Một ví dụ tuyệt vời về sự khám phá này đến từ Đấng Sáng Lập của Dòng Ngôi Lời, cha thánh Arnold Janssen. Trước tiên, chúng ta biết việc sùng kính Hài Nhi Giêsu của ngài, đó là thể hiện đặc trưng về tình yêu cao cả khác thường của ngài cho sự Nhập Thể của Ngôi Lời Thiên Chúa. Việc sùng kính này được triển khai đến 3 hội dòng của ngài và ngày nay nhiều cộng đoàn vẫn còn đang thực hành.

Trong quyển sách Gripped by the Mystery [Sức hút màu nhiệm], Sơ Francisca Carolina Rehbein SSpS, miêu tả việc sùng kính này chi tiết hơn: “Tất cả những ai tham dự Thánh lễ đêm Giáng Sinh được quy tụ trong phòng trang trí lễ hội, biểu hiện thiên đàng nơi có Hài Nhi Giêsu đang nằm. Bằng sự ấm áp nồng nàn và hiến dâng đã dẫn Đấng Sáng Lập [Arnold Janssen] soạn ra những lời nguyện xướng, bắt đầu bằng sự tung hô: ‘Sự thiện hảo và tốt lành của Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ yêu thương của chúng ta đã chuẩn bị [cho chúng ta]!’ Ở cuối phần phụng vụ Lời Chúa, nhân vật Hài Nhi Thiên Chúa được hạ sinh bằng một cuộc rước trọng thể vào nhà thờ khi những ca khúc Giáng sinh vang lên. Trong nhà thờ, Hài Nhi Giêsu được đặt nằm trong máng cỏ. Đối với cha Arnold, đây không đơn thuần là một cử chỉ bên ngoài. Ngài cảm thấy cần phải có một diễn tả sống động đối với mầu nhiệm đi sâu vào lòng của ngài, và do vậy ngài thể hiện tình yêu và dẫn người khác đến cùng một tình yêu và lòng tôn kính như vậy.”

Cha Herman Fischer trình bày ấn tượng việc sùng kính này như sau: “Bất cứ ai thấy cha Arnold vào giờ đó, quỳ trên sàn nhà trước Hài Nhi nằm trong máng cỏ, bất cứ ai nghe những lời cầu nguyện tha thiết của ngài và nhìn khuôn mặt ngài tỏa sáng lòng sùng kính và niềm vui thánh thiện, thì có thể không bao giờ lại quên mất ấn tượng thánh thiêng.”

Việc sùng kính này chắc chắn là một phần di sản của Đấng sáng lập và có thể được xem là món quà Giáng Sinh tuyệt vời cho chúng ta. TTN18 mời gọi chúng ta hãy “cam kết để khám phá lại và canh tân sự dấn thân của mình dành cho di sản tinh thần của SVD (qua việc sùng kính, các lời cầu nguyện, các ngày lễ, và các cử hành khác,..) để giúp chúng ta trau dồi mối quan hệ mật thiết với Ngôi Lời và làm phấn chấn sứ vụ của chúng ta” (TTN18, số 25). Ở mặt này, việc sùng kính Hài Nhi và các hoạt động thiêng liêng khác có thể giúp kích thích việc đào sâu mối quan hệ này, hoặc nói cách khác là cắm rễ vào Ngôi Lời.

Mầu nhiệm Nhập Thể được cử hành trong Lễ Giáng Sinh là một sự kiện truyền giáo quan trọng bậc nhất. “Thiên Chúa quá yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một” (x. Ga 13,16). Bằng việc sai Con của Ngài đến, Thiên Chúa đã đến với loài người để mang loài người và tất cả tạo vật quay trở về. Trong sự kiện này, trao ban và sứ mạng là không thể tách rời nhau và không thể tồn tại thiếu nhau. Trao ban chính là gửi đến hoặc đi đến. Vì cuộc sống của Ngôi Lời là cuộc sống của chúng ta và sứ vụ của Ngài là sứ vụ của chúng ta (x. Lời tựa Hiến pháp SVD) nên chúng ta cần theo gương Ngôi Lời trong việc sai đi và đến với [người khác]. Về việc này, cha thánh Arnold nói: “Ngôi Lời Nhập Thể là mẫu gương hoàn hảo cho chúng ta, Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta đã từ bỏ chính mình bằng tình yêu quảng đại” (theo Fischer). Theo lối này, lễ Giáng Sinh cũng mời gọi chúng ta dấn thân cho sứ vụ, bằng việc đi đến với [tha nhân]. Việc này cụ thể ngụ ý điều gì?

Sứ mạng của sự quảng đại

Sự quảng đại là thái độ trao ban cách tự nguyện và dồi dào, không tính toán. Sự Nhập Thể chính là hoa trái sự quảng đại của Thiên Chúa. Chúng ta có thể nói rằng sự quảng đại là trái tim của Tin Mừng bởi vì nơi đó chúng ta tìm thấy tình yêu bao la vô bờ của Thiên Chúa, trao ban dạt dào. Trong khi những chuyến kinh lý (viếng thăm) đã bắt đầu lại vào mùa thu năm nay, chúng tôi đã có cơ hội trải nghiệm rất nhiều mẫu gương tốt về sự quảng đại của các anh em SVD và của các cộng tác viên truyền giáo; nhưng, vẫn còn nhiều việc phải hoàn thành.

Lá thư luân lưu của Bề trên Tổng quyền P01/2021 cũng mời gọi canh tân tinh thần quảng đại này giữa chúng ta. Trong thư này, chúng tôi viết: “Trong những năm vừa qua, chúng tôi càng ngày càng thấy khó khăn để bổ nhiệm một cách đồng đều và phân chia các anh em cho sứ vụ toàn cầu bởi vì rất ít người nộp đơn cho các tỉnh dòng/miền dòng/ giáo điểm cụ thể, nơi mà việc truyền giáo được hiểu là nặng nề và khó khăn.” Tất nhiên, điều này muốn nói đến những ai đệ đơn cho bài sai đầu tiên. Hơn nữa, nhìn chung thì thái độ này cũng sẽ giống nhau cho tất cả anh em: sự tự nguyện và sẵn sàng đi bất cứ đâu mà Hội Dòng cần chúng ta. Điều này muốn nói việc nộp đơn cho những sứ vụ khó khăn và sự nhiệt tình của chúng ta trong việc đảm nhận những trách nhiệm khác nhau trong các tỉnh dòng/ miền dòng/ giáo điểm.

Một trong những ví dụ điển hình về việc này chính là việc mục vụ cho người Gypsies ở Kӧrӧm tại Hungary. Nếu ai hỏi: “Tại sao chúng ta ở đó?” thì một trong những câu trả lời có thể là: “Không ai muốn đến đó và làm sứ vụ quan trọng này, là đưa người rốt hết lên hàng đầu”. Vậy nên, Giáng Sinh thực sự là lời mời gọi đổi mới trong chúng ta về tinh thần quảng đại này.

Sứ mạng của lòng thương xót

Chiêm niệm màu nhiệm nền tảng Nhập Thể đã làm cho Đấng Sáng Lập nhận thức điều này: “Hài Nhi Kitô là món quà tình yêu thương xót (compassionate love) của Chúa Ba Ngôi Chí Thánh”. Đây là khía cạnh cụ thể quan trọng trong thời đại dịch COVID-19, như trong sứ điệp ngày Khánh Nhật Truyền Giáo 2021, Đức Giáo hoàng Phanxicô viết: “Trong những ngày đại dịch này, khi sự cám dỗ xuất hiện dưới danh nghĩa của việc giãn cách xã hội lành mạnh để ngụy trang và biện minh cho thói thờ ơ và vô cảm, thì sứ mạng của lòng thương xót là một nhu cầu cấp bách, để sự giãn cách cần thiết ấy biến thành một cơ hội để gặp gỡ, chăm sóc và thăng tiến… điều quan trọng là chúng ta hằng ngày gia tăng khả năng mở rộng vòng quan hệ của mình, để đến với những người khác, những người tuy ở gần chúng ta về thể lý, nhưng không là thành phần trực tiếp thuộc ‘giới lợi ích’ của chúng ta” (x. Fratelli Tutti, 97). Sống trong tình trạng truyền giáo là muốn suy nghĩ như Đức Giêsu suy nghĩ, cùng tin với Người rằng những người xung quanh chúng ta cũng là những anh chị em của chúng ta.” [Đoạn của ĐGH. Phanxicô theo bản dịch Việt ngữ của Lm. Ngô Quang Tuyên]

ĐGH Phanxicô kết thúc sự động viên của ngài bằng mong ước phù hợp cho Giáng Sinh: “Xin tình yêu thương xót của Người chạm đến trái tim chúng ta và làm cho tất cả chúng ta là những môn đệ truyền giáo đích thực”.

Khi chúng ta tiến về cuối năm, chúng tôi cảm ơn anh em về tất cả những nỗ lực nhằm chu toàn sứ mạng được tín nhiệm trao phó cho chúng tôi. Chúng tôi cầu nguyện nhờ sự chuyển cầu của Đấng sáng lập, cha thánh Arnold Janssen, mong rằng việc cử hành Mùa Vọng và Giáng Sinh có thể là thời gian làm phong phú đời sống thiêng liêng, biến đổi nội tâm, và sự dấn thân đổi mới của chúng ta.

Bài trướcLỜI SỐNG (12/12, Chúa Nhật 3 Mùa Vọng – C)
Bài tiếp theoChú Giải Tin Mừng Chúa Nhật IV Mùa Vọng, Năm C (Lc 1,39-45.56)