“Make People ‘Great’ Again”

0
390
Photo: nairaland.com

Giuse Nguyễn Đình Trường – Học viện Ngôi Lời Sài Gòn

Cuộc tranh cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016 xuất hiện một cái tên làm cho không ít người phải chú ý, đó là ứng cử viên Donald Trump. Ông là một thương nhân chứ không phải là một chính trị gia. Và điều bất ngờ hơn nữa, ông đã trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Điều gì đã khiến cho dân Mỹ lại đặt lá phiếu niềm tin vào một nhân vật như vậy. Họ hy vọng điều gì ở ông?

“Make America Great Again” (Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại) là khẩu hiệu của ông Donald Trump trong chiến dịch tranh cử Tổng thống. Khẩu hiệu tranh cử cũng đồng nghĩa là định hướng hành động cho nhiệm kỳ của ứng cử viên. Có lẽ, điều đó đã đáng cho người Mỹ đặt niềm hy vọng. Sứ mệnh của ông Trump là đưa nước Mỹ, con người Mỹ trở lại với vị thế của họ trên trường quốc tế, một vị thế mà họ đã từng nắm giữ trong suốt chiều dài lịch sử, nhưng đã có phần bị sút giảm dưới thời của các vị Tổng thống tiền nhiệm. Việc bầu cho ông Trump thể hiện niềm hy vọng của họ, họ chờ đợi con người này đến và sẽ đưa họ trở lại. Đó cũng là niềm hy vọng của không ít người dân Mỹ trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016.

Chúng ta đang sống trong những ngày của Mùa Vọng. Mùa Vọng mời gọi mỗi người chuẩn bị tâm hồn đón mừng lễ Giáng sinh, tức là kỷ niệm biến cố Ngôi Hai xuống thế làm người. Thật vậy, việc sống tinh thần Mùa Vọng mời gọi chúng ta khám phá ra ý nghĩa của biến cố mà chúng ta đang đón đợi. Câu hỏi được đặt ra: Biến cố Ngôi Hai Giáng Sinh hứa hẹn điều gì? Và chúng ta có thể hy vọng điều gì nơi biến cố ấy?

Câu trả lời là con người hy vọng vào biến cố nhập thể của Ngôi Hai, Đấng đến để “Make People ‘Great’ Again”[1], nghĩa là đưa con người về lại với “vị thế” vốn có, “vị thế” của con cái Thiên Chúa, “vị thế” mà con người lãnh nhận ngang qua ân ban nhưng không của Thiên Chúa. Thật vậy, trong công trình sáng tạo thuở ban đầu, con người được trao ban cho một “vị thế” trổi vượt so với muôn loài. “Vị thế” ấy được Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo làm sáng tỏ như sau: “Con người được tạo dựng do Thiên Chúa và cho Thiên Chúa. Ý nghĩa cao cả nhất của phẩm giá con người là con người được kêu gọi tới kết hiệp với Thiên Chúa[2]. Con người là chóp đỉnh của công trình sáng tạo. Trình thuật Sáng Thế diễn tả điều đó, khi phân biệt rõ ràng việc sáng tạo con người với việc sáng tạo các loài khác ( x. St 1,26)”[3].

“Con người có một ‘vị thế’ đặc biệt trong muôn loài muôn vật mà Thiên Chúa đã dựng nên. Con người giữ một địa vị độc tôn trong công trình sáng tạo: con người là ‘hình ảnh của Thiên Chúa’ (I); trong bản tính của mình, con người hợp nhất thế giới thiêng liêng và thế giới vật chất (II); con người được tạo dựng ‘có nam có nữ’ (III); Thiên Chúa cho họ sống thân tình với Người (IV)”[4].

“Con người là thụ tạo duy nhất trên trái đất được Thiên Chúa dựng nên cho chính họ” (x.GS 24,3). Con người được tạo dựng vì mục đích ấy, và đó là lý do căn bản của phẩm giá con người”[5]. Khi bàn về “vị thế” của con người, Thánh Tôma đã nhận định: “Ngôi vị con người, thực tại cao quý nhất trong thế giới”[6]. Thế nhưng, con người đã đánh mất đi “vị thế” của mình vì tội lỗi và tự sức riêng, con người chẳng thể tự mình tìm lại được “vị thế” ấy. Sâu xa trong thâm tâm, con người khao khát được sống lại phẩm giá của mình. Vì lẽ đó, con người khao khát Đấng được hứa ban, Đấng đến để đưa con người trở lại với “vị thế” vốn có.

Thế nên, con người chỉ biết đặt niềm hy vọng vào Đấng sắp ngự đến. Quả thật, Con Thiên Chúa Nhập Thể mang đến Niềm hy vọng giải thoát con người khỏi tội lỗiNiềm hy vọng được hưởng kiến hạnh phúc đích thực.

Niềm hy vọng giải thoát con người khỏi tội lỗi

Con Thiên Chúa Nhập Thể mang đến niềm hy vọng giải thoát con người khỏi tội lỗi, “vì Con Người đã đến để tìm cứu sự đã hư đi” (x. Lc 19,10). Ngoài ra, Thánh Phaolô còn quả quyết: “Đức Giêsu Kitô đã đến trong thế gian để cứu kẻ có tội” (x. 1Tm 1,15). Trong Kinh Thánh, lý do của sự nhập thể luôn được chỉ về tội của nguyên tổ, nói đúng hơn, việc nhập thể được sắp đặt để cứu vãn con người khỏi tội lỗi.

Thánh Tôma cũng nhìn nhận rằng Ngôi Lời nhập thể nhằm chữa lành các thương tổn do tội lỗi gây ra và đền bù cách thoả đáng. Thánh Tôma xác định: “Vạn vật đều phát xuất (processio) từ căn nguyên tác thành là Thiên Chúa… sự phát xuất này thúc đẩy, nếu có thể nói, một động năng quay về (circulation) mà Thiên Chúa mong muốn đến độ nhập thể để nó được thực hiện”. Thiên Chúa nhập thể để đưa con người trở về (reditus), điều mà con người không thể thực hiện, do tội lỗi: “Nhập thể giải thoát con người khỏi cảnh nô lệ của tội lỗi… điều này được thực hiện do Đức Kitô, Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người” (x.1Tm 2,5; ST III,q.1,a.2). Ngôi Lời nhập thể vì tội lỗi con người là một xác quyết không thể phủ nhận được. Chính nhờ mầu nhiệm Nhập Thể, phẩm giá con người được phục hồi.[7]

Niềm hy vọng được hưởng kiến hạnh phúc đích thực

Qua sự nhập thể của Đức Giêsu, tình yêu Thiên Chúa ban tặng cho con người không bị giới hạn vào duy việc tái lập lại sự quân bình đã bị tội lỗi phá huỷ nhưng hơn thế nữa, Ngôi Lời nhập thể ngõ hầu ban tặng cho con người khả năng đạt tới cùng đích mà Thiên Chúa đề nghị, đó là hạnh phúc đích thực (Beatitudo). Niềm hạnh phúc hoàn hảo của con người hệ tại việc chiêm ngắm trực tiếp Thiên Chúa.

Con người không ngừng khát khao và điểm sau cùng của khát vọng là hạnh phúc đích thực (Beatitudo), một niềm hạnh phúc vượt lên trên tất cả những gì có thể được mong ước. Do đó, bao lâu, con người chưa đạt được, con người vẫn chưa hoàn toàn hạnh phúc. Tự bản tính, con người chỉ có thể đạt tới hạnh phúc như con người mong muốn (felicitas), mơ hồ và hữu hạn, nơi trần gian này và không làm con người mãn nguyện, vì nó không đáp lại khát vọng theo bản tính của con người về việc chiêm ngắm Thiên Chúa. Chỉ có niềm hạnh phúc mà Thiên Chúa ban tặng mới làm thoả mãn con người: “Vì con người tìm thấy hạnh phúc trọn hảo của mình trong niềm vui sướng với Thiên Chúa… Đây là một khát vọng theo bản tính về niềm hạnh phúc ta cảm thấy được luôn tồn tại trong con người”[8].

Ngôi Lời nhập thể ngõ hầu dẫn dắt con người trên đường tiến đến với Thiên Chúa, đây là “một con đường mới và sống động” (x.Hr 10,20). Con đường này mới mẻ, bởi lẽ trước Đức Kitô chẳng một ai đã tìm thấy được: “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống” (Ga 3,13). Nhờ đó, con người thực sự có khả năng tham dự sung mãn vào bản tính Thần Linh, vốn là niềm hạnh phúc và là cứu cánh tối hậu của con người, Thiên Chúa đã làm người như chính thánh Augustinô quả quyết và được thánh Tôma trích dẫn lại: “Thiên Chúa đã làm người để con người trở nên Thiên Chúa”.[9]

Như vậy…

Con Thiên Chúa nhập thể làm người mang đến niềm hy vọng sẽ đưa con người trở lại “vị thế” vốn có, đó là con cái Thiên Chúa, là hình ảnh của Thiên Chúa. Quả vậy, Đức Giêsu, Ngôi Lời nhập thể đến để nâng loài người sa ngã lên. Ngài phục hồi lại nơi con người những gì đã hư mất, trả lại cho họ phẩm giá làm con Thiên Chúa và hơn nữa, Ngài đưa họ đến gần với Thiên Chúa, Đấng là cội nguồn hạnh phúc đích thực và viên mãn. Thế nên, Đức Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa, nhập thể làm người và “Make People ‘Great’ Again”!

Chúng ta có quyền hy vọng và chúng ta hiểu điều mình hy vọng. Vậy, hãy hy vọng!

Chú thích:

[1] “Great” trong câu “Make People ‘Great’ Again” người viết nhằm ám chỉ “vị thế” đặc biệt của con người so với muôn loài Thiên Chúa đã dựng nên.

[2] GLHTCG số 27.

[3] GLHTCG số 343.

[4] GLHTCG số 355.

[5] GLHTCG số 356.

[6] Giuse Nguyễn Hữu Nghị, O.P, Một số luận đề chính trong tư tưởng Tôma, TTHV Đa Minh (2021), tr.440.

[7] Sđd, tr. 228.

[8] Sđd, tr. 228.

[9] Sđd, tr. 229-230.

Bài trướcCĐ. Triết SVD tĩnh tâm tháng 12: THÁNH GIUSE – ÂM THẦM, SÁNG TẠO, CAN ĐẢM TRONG HY VỌNG
Bài tiếp theoChú giải Tin Mừng Chúa Nhật III Mùa Vọng C (Lc 3,10-18)