LỜI CHỨNG VỀ ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ TRUYỀN GIÁO CỦA CHA LAMBERTUS LALUNG, SVD

0
548
Photo: Vemaps

Lm. Lambertus Lalung, SVD

(Lm. GB. Trịnh Đình Tuấn, SVD dịch)

(Cha CHA LAMBERTUS LALUNG là người Indonesia đã có 31 năm truyền giáo tại CHILE. Hiện ngài là Thư ký Truyền giáo tại Tỉnh dòng Ngôi Lời tại Chile).

Trước hết, từ Ban Thư ký Truyền giáo, tôi xin cảm ơn và đánh giá cao từng người trong anh em đã quyết định nghiêm túc tham gia Hội nghị Chuyên đề Truyền giáo này. Đó là thời gian để cổ vũ lẫn nhau để chúng ta có thể mạnh mẽ tiến bước trong sứ vụ. Thật hữu ích cho một nhà truyền giáo khi thỉnh thoảng dừng lại để suy ngẫm về những gì mình đã làm để hướng tầm nhìn về tương lai tốt hơn… Điều gì Thiên Chúa muốn ta làm cho tương lai? Trong lời chứng khiêm tốn này, tôi bắt đầu với một lịch sử ngắn gọn về cuộc đời và ơn gọi của mình, sau đó là một số giai đoạn kinh nghiệm truyền giáo của tôi trong suốt những năm qua, trong đó thể hiện thực tế của Giáo Hội tại Chile mà tôi đã phục vụ, những thách thức đối với hiện tại và tương lai. Không có dự án, không có những hình ảnh, không có âm thanh, chỉ có kinh nghiệm sống khi thực thi sứ vụ. Sự bất toàn trong lời chứng của tôi cũng như cuộc sống của tôi, sẽ được khắc phục bởi việc lắng nghe bằng cả trái tim anh em.

Tôi là Lambertus, người Indonesia.

Cuộc sống và ơn gọi của tôi: một ân sủng thuần khiết và sứ vụ là chia sẻ cuộc sống dưới ánh sáng của Tin Mừng

Ngày tôi sinh ra, cuộc sinh nở kéo dài hai đêm và một ngày. Cha tôi là ông biện trong cộng đoàn, nên cả xóm làng không ngừng cầu nguyện và lần chuỗi Mân Côi cho cuộc sinh nở này. Có rất nhiều tuyệt vọng và đau khổ. Người hộ sinh, kiệt sức và tuyệt vọng, đã thực hiện một lời hứa xuất phát từ tâm hồn mình: “Về phương diện con người, con đã làm tất cả những gì có thể. Nếu một hoặc cả hai phải chết, đó không phải là lỗi của con; Nhưng nếu nó được cứu sống, đứa trẻ này sẽ là của Ngài ”, và cùng lúc đó tôi được sinh ra… Một năm sau, bố tôi rời nhà đi làm ăn xa – tìm kiếm những chân trời tốt hơn cho gia đình, và cuộc tìm kiếm đó đã kéo dài 27 năm mà không trở về nhà. Nhu cầu gặp gỡ và nhận biết cha tôi đã trở thành một phần cơ bản của tiến trình biện phân ơn gọi linh mục và đồng thời là lời cầu nguyện liên lỉ. Tôi quyết định trở thành một linh mục chính xác là để trả lại cuộc đời tôi cho Chúa, Đấng đã cứu tôi vào ngày tôi được sinh ra và tôi ao ước rằng khi trở thành linh mục, Chúa sẽ đưa bố tôi trở về nhà. Khẩu hiệu linh mục của tôi, “Xin cho tất cả nên một” (Ga 17,21), đã trở thành hiện thực ngay lập tức với sự trở lại của Cha 4 ngày trước khi tôi thụ phong linh mục, 31 năm trước. Tôi đến Chile vào ngày Thứ Sáu 11 tháng 1 năm 1991, kể từ đó cho đến nay. Nhân dịp 120 năm SVD tại Chile, ủy ban trù bị đã yêu cầu tôi làm chứng với tư cách là một nhà truyền giáo từ lục địa Á Châu, điều này làm tôi rất biết ơn.

Trước khi bắt đầu lời chứng khiêm nhường này, với tư cách là một thành viên Tỉnh Dòng, tôi mời gọi anh em cùng cám ơn Chủ mùa gặt đã lắng nghe lời cầu nguyện (Mt 9,38). Rằng tại một quốc gia chủ yếu là người Hồi giáo, lại có nhiều ơn gọi linh mục truyền giáo đã phát sinh, ngay khi ở những nơi khác trên hành tinh, ơn gọi này đang dần dần giảm bớt; nhưng trên hết, cuối cùng với tư cách là một Hội Dòng Truyền Giáo, chúng ta đã quảng đại và hào phóng đáp ứng nhu cầu của Giáo hội Hoàn vũ ở các lục địa khác, bất chấp những trở ngại và thử thách, giá cả và sứ vụ cùng một lúc. Điều đáng nói là đây là lời chứng cá nhân, về những gì đã sống và những gì đã học được, và tôi không đại diện cho ý kiến ​​của những người anh em còn lại của tôi ở Châu Á.

Tại sao lại là Chile?

Ngoài yếu tố văn hóa và ngôn ngữ, trở thành một “ad-gentes” truyền giáo trong môi trường của một giáo hội mà thực tế khác với thực tế của tôi là thách thức đầu tiên. Tôi phải cởi dép (Xh 3, 2-4) để có thể vững bước trên mặt đất mà Nhà Dòng giao phó cho tôi. Sẽ không tốt hơn nếu làm việc ở Indonesia hoặc ở một quốc gia châu Á, nơi có nhu cầu truyền giáo nhiều hơn thay vì đến châu Mỹ Latinh – lục địa hy vọng nơi có nhiều người Công giáo hơn đã được truyền giáo so với châu Á, nơi chỉ có 3% Thiên Chúa giáo? Tôi có thể đóng góp được gì? Cũng chính câu hỏi cuối cùng đã từng đặt ra bởi một nhà truyền giáo người Chile, (người mà ai trong chúng ta cũng biết đến, yêu mến và ghi nhớ, Cha Carlos Pape SVD, RIP) vào cuối những năm 1980.

Trong nguyện vọng thứ hai của “Petitio Misionis”, cũng như ở nguyện vọng đầu tiên, có rất ít bạn bè chọn rời khỏi đất nước, câu trả lời của tôi là: thứ nhất là Chile, thứ hai là Chile và thứ ba cũng là Chile, mà không biết gì về Chile. Câu trả lời chắc chắn và kiên quyết đó khiến người ta nghĩ như thể tôi đã có những mục tiêu rất rõ ràng. Điều tôi nhớ là tỉnh Chile cần những người truyền giáo làm việc với giới trẻ, gia đình, người bản xứ, trường học và trong các giáo xứ.

Là một người vừa mới chịu chức, tôi đến Chile rất nhiệt tình mặc dù chiếc bình tôi mang theo vẫn chưa có nước. Sau khi kết thúc khóa học ngôn ngữ, chúng tôi đã đến thăm các cơ sở và địa điểm khác nhau mà SVD làm việc: giáo xứ, trường học, nhà trẻ mồ côi, v.v. Trong bài sai đầu tiên, trước câu hỏi của Bề Trên Giám Tỉnh lúc bấy giờ, “Cha muốn làm việc ở đâu?”, Câu trả lời của tôi như sau: “Tôi không có sở thích gì; hãy gửi cho tôi nơi nhà Dòng cần nhất và nơi Chúa muốn tôi đến, tôi sẽ có mặt”. “Chúng ta tiếp tục tìm hiểu thánh ý của Thiên Chúa, để mạo hiểm với những sứ vụ mới, với tinh thần sẵn sàng” (Hiến pháp SVD số 104).

Bốn năm đầu tiên tôi được chỉ định đến một giáo xứ, cánh đồng truyền giáo đầu tiên của tôi ở Chile, một nơi mà tôi bắt đầu trải qua những thử thách lớn trong cộng đoàn đức tin. Hiếp pháp SVD số 106 nói về việc thực hiện công việc truyền giáo của chúng ta: “… bước đầu tiên trong việc thực hiện công việc truyền giáo của chúng ta là làm chứng về một đời sống Kitô hữu đích thực, cả trong lãnh vực cá nhân và trong cộng đoàn”. Tôi muốn sống với những gì khác biệt để học hỏi và đóng góp từ những gì là của tôi. Tôi nghĩ được sinh ra, lớn lên và được giáo dục ở một đất nước đa văn hóa, đa dân tộc, đa tôn giáo là một điều may mắn. Tôi đã quen với sự khác biệt. Tôi tin rằng giống như những người khác, tôi rời đất nước của mình với ảo tưởng được chia sẻ cuộc sống và sứ mệnh của mình theo linh đạo của chúng ta, linh đạo Ba Ngôi. Tôi đã mơ ước được gặp gỡ những người anh em khác từ các quốc gia khác, mỗi người đều có đặc điểm văn hóa và tính cách riêng, cùng chia sẻ niềm vui được trở thành những người truyền giáo ad gentes. Từ châu Á – như Philippines, một số anh em đã đến. Từ bài sai đầu tiên đó, tôi đã trải qua những thử thách lớn lao về bản chất văn hóa, chủng tộc, thế hệ và tính cách, mà chúng ta gọi là “tính liên văn hóa và tính quốc tế”, nhưng tạ ơn Chúa hôm nay mọi thứ đã được vượt qua và chữa lành.

Trong giáo xứ đó cần có người làm việc với giới trẻ. Tôi đã gặp được một giới trẻ khác, phóng khoáng nhưng là một tuổi trẻ rất cần, khát “thứ nước” tốt nhất. Ở quê hương của tôi, ít nhất là ở vùng mà tôi đến, tôi chưa từng biết đến hoặc chứng kiến ​​những cuộc ly hôn. Nhiều thanh niên đến từ những gia đình bị tàn phá bởi sự chia cắt của cha mẹ họ. Tôi đã cảm thấy vô cùng thách thức nhưng đồng thời cũng hy vọng vì điều gì đó hữu ích đang bắt đầu được thực hiện. Hầu như mỗi cuối tuần trong năm, tôi đều sử dụng chúng để đi cùng giới trẻ trong những buổi tĩnh tâm, ngồi tòa giải tội cho đến tận nửa đêm, khiêu vũ và chơi đùa với họ, khiến tôi trở thành một trong số họ. Từ đó, niềm trăn trở lớn lao muốn làm được điều gì đó hơn nữa cho cha mẹ của họ đã sinh ra trong tôi. Nhiều năm sau, tôi đã có cuộc tĩnh tâm Gặp gỡ Hôn nhân Thế giới, một cuộc tĩnh tâm dành cho các cặp vợ chồng đã kết hôn và các bạn trẻ sắp lập gia đình, các linh mục và tu sĩ. Tôi đã không nhận ra rằng, từng chút một, tôi đang chuẩn bị tinh thần để đáp ứng nhu cầu được đồng hành cùng gia đình, và được sự ủy quyền của bề trên, tôi đã làm công việc giá trị này từ 15 năm trước cho đến hôm nay. Đối với tôi, có vẻ rất tốt khi Tỉnh dòng Chile đã chọn Thanh niên và Gia đình làm ưu tiên, một phần trong kết luận của Chương cuối cùng. “Chúng ta phải hết sức quan tâm đến việc dạy dỗ và huấn luyện các gia đình…” (HP. SVD, 109,1); “Nhận thức được trách nhiệm của mình đối với tương lai của giáo hội và xã hội, chúng tôi hiến mình với lòng nhiệt thành cho nhiệm vụ giáo dục và đào tạo các Kitô hữu, trong và ngoài môi trường học đường” (HP. 109,2).

Tôi đã rất vui khi được biết đến một cánh đồng truyền giáo khác, thế giới bản địa, hay đúng hơn, tôi đã sống và phục vụ ở giữa các anh em dân tộc Mapuche ở Araucanía, một lựa chọn khác ở Tỉnh dòng Chile. Với tư cách là cha sở, tôi có nhiều thời gian hơn để thăm hỏi và chia sẻ với anh em Mapuche. Trong hai tuần đầu tiên sau khi tôi đến, cha xứ gửi tôi đến sống trong một nhà nguyện. Tôi đã rất đắn đo. Vào ngày đầu tiên đến  thăm các gia đình, họ đã mời tôi uống maté (một dạng nước uống quen thuộc của người bản địa). Đó là một bài kiểm tra rất khó để vượt qua. Nếu tôi không chấp nhận, tôi sẽ ngay lập tức mất đi cánh đồng truyền giáo của mình. Tôi nhắm mắt lại, xin Chúa đừng để nó ói ra. Đó như là lễ rửa tội để trao cho tôi chìa khóa để đi vào lòng người. Hôm nay tôi nhớ đến loại maté thơm ngon đó, tôi nhớ cách bước vào cuộc sống hàng ngày của họ, một cách mở đường sâu sắc nhất: chia sẻ Tin Mừng về sự tôn trọng và chấp nhận những gì mới mẻ và khác biệt. Sau đó ba năm tôi đã chuyển sang làm việc Linh hoạt Truyền giáo.

Hai ngày trước khi tôi đến Santiago, người trưởng cộng đoàn đến tìm tôi trong giáo xứ với lý do mời tôi đi thăm một người bệnh nặng. Đã 7 giờ chiều. Khi chúng tôi đến khu vực này, chúng tôi thấy đèn đã tắt. Khi tôi đến gần nơi được cho là nhà của người bệnh, đèn đột nhiên bật sáng: một căn phòng đầy người đang đợi tôi. Ông bắt đầu bài phát biểu mà cho đến hôm nay vẫn còn khắc ghi trong trí nhớ và trái tim tôi: “Thưa Cha Lambertus, chúng tôi không muốn cha rời khỏi đây vì cha đã là của chúng tôi. Tất cả những gia đình mà cha đã đến thăm liên tục kể từ khi cha đến đều có mặt ở đây. Chúng tôi chia tay lần này để cảm ơn cha đã chia sẻ cuộc sống và sứ mệnh của cha với chúng tôi để cha không quên chúng tôi ”. Tôi không cầm được nước mắt vì xúc động và đau buồn. Tôi rất ngạc nhiên vì tôi không nói tiếng Mapudungun. Chỉ có Thiên Chúa là người đánh giá tốt nhất kết quả của một nhà truyền giáo. Tôi nhớ lại lời của các truyền giáo ad-gentes SVD đầu tiên, “Ngôn ngữ của tình yêu là ngôn ngữ duy nhất được hiểu ở mọi nơi.”

Bốn năm trong Linh hoạt Truyền giáo từ Santiago đi đến nhiều giáo phận với Triển lãm Truyền giáo Ánh sáng cho Thế giới đã cho phép tôi khẳng định và củng cố tinh thần truyền giáo của mình bằng cách khuyến khích giáo hội địa phương cam kết truyền giáo ad-gentes. Tôi đã tương tác trôi chảy với các giám mục và các cơ quan dân sự, nhấn mạnh cho họ thấy sứ mệnh loan báo Phúc âm là nhiệm vụ của mọi người và toàn thể giáo hội. Không ngờ rằng, rất lâu trước khi đối thoại ngôn sứ được SVD áp dụng như một cách thực hiện sứ vụ thích hợp, tôi đã tận hưởng những tác động của sự cởi mở đối với những người đối thoại khác nhau. Tôi cảm thấy mình thật sự là nhà truyền giáo và rất SVD. Ở Mejillones, sau một buổi học với một nhóm các em giáo lý căn bản, tôi đã ban phước lành cho họ. Một cậu bé đang khóc ôm chặt lấy tôi và nói: “Bố đừng đi xa”. Cô giáo cũng khóc vì xúc động. Cô giải thích rằng gần đây bố của đứa trẻ đó đã bỏ nhà đi theo người khác. Trải nghiệm đó đã đánh thức sâu sắc ký ức khi bản thân tôi phải sống trong cảnh bị bỏ rơi kéo dài do không có cha, và mặt khác, những gì đã xảy ra với đứa trẻ đó đã hé lộ một thực tế đáng buồn của gia đình Chile trong những năm đó, một thực tế mà ngày nay đang mắc phải ngày càng tệ hơn.

Hai lần làm chánh xứ ở hai giáo xứ khác nhau là những lần rất căng thẳng, làm việc “nơi những củ khoai tây cháy”. Về mục vụ tại nhà thờ Chile, có một sự thay đổi đáng chú ý. Người dân hít thở bầu không khí của một nền dân chủ được chờ đợi từ lâu nhưng đáng buồn là đã bị hiểu sai về nền dân chủ do nhiều đau khổ đủ loại trong chế độ dân chủ trước đây. Người ta ghi nhận rằng sự tham gia của giáo dân ngày càng giảm dần. Tân Phúc Âm hóa (Santo Domingo 1992) với một phương pháp mới, một nhiệt huyết mới và một cách diễn đạt mới dường như không có nhiều kết quả. Giáo hội thứ bậc vẫn duy trì quan điểm bảo thủ của mình, điều này đã khiến nhiều người Công giáo phải chạy trốn sang các giáo phái, cho đến tận ngày nay. Giáo hội địa phương đã bị thẩm vấn, không chỉ vì những điều trên, mà trên hết là vì những vụ bê bối lạm dụng, cả về tình dục lẫn quyền lực và lòng tin. Một thanh niên có mặt trong những trò vui quay cuồng nhưng vắng mặt trong nhà thờ, lo lắng về việc có một thời gian vui vẻ, mất hứng thú với tôn giáo và giá trị. Các cuộc ly hôn gia tăng theo luật ly hôn, 2005. Tài liệu của Aparecida, 2007 đã dừng lại. Các thức đã phải được thay đổi với sự chuyển đổi nổi tiếng: cơ cấu – mục vụ – cộng đồng và cá nhân. Nhưng giống như mọi thứ, nó là một quá trình chậm. Trong điều kiện đó, sứ vụ đang ngày càng khó khăn, “cả đêm kéo lưới mà không được gì.” “Biển khơi là lối thoát duy nhất” dù đã là mục vụ bảo dưỡng thì làm sao động viên được những người vì thế mà không bỏ lưới. Cho đến một lúc nào đó, tôi đặt ra câu hỏi liệu họ có thực sự cần tôi ở Chile hay không. Với đại dịch, tôi học được rằng, để xe đạp không bị ngã, tốt nhất là bạn nên tiếp tục đạp, mặc dù chậm hơn do sức nặng của chúng ta.

Một lĩnh vực truyền giáo khác mà tôi đã muốn thực hiện, và cùng với đó tôi sẽ đáp ứng bốn nhu cầu mà Chile yêu cầu, theo danh sách của Petitio Misionis, để làm việc trong Trường học. Đó là ba năm học đẹp đẽ. Tôi học được rằng để làm việc với các giáo viên, cần có sự khiêm tốn và tôn trọng, trong tinh thần đồng nghiệp, bình đẳng, vì họ là cộng sự giáo dân của chúng ta, vâng, tôi luôn duy trì danh tính của mình là mục tử và nhà truyền giáo. Với những người quản trị và phụ trợ, hãy dành cho họ tình bạn chân thành, nhưng trên hết là đồng hành cùng họ về mặt tinh thần. Công việc đồng hành với các phụ huynh trong các hoạt động truyền giáo và đào tạo khác nhau rất đáng hoan nghênh. Việc dạy giáo lý tại nhà của họ mở ra một cánh cửa tin cậy và gần gũi cho trách nhiệm chung là đồng hành với con cái trong việc đào tạo đức tin của chúng. Đến với học sinh ngày nay không dễ nhưng không phải là không làm được. Đó là một cuộc chinh phục thường trực từng ngày, và khi đạt được sự gần gũi thì sự hài lòng là điều tuyệt vời. Ngày đầu tiên khi tôi vào trường sau kỳ nghỉ phép về quê, một học sinh cấp 2 chạy đến, không nói lời nào cô ấy ôm chặt lấy tôi khóc rồi nói: “Sao cha bỏ tụi con lâu quá vậy? Đáng lẽ cha không được đi. Cha là của chúng con. Cha không biết là con đã nhớ cha nhiều như thế nào đâu”. Tôi rất xúc động, tôi thực sự cảm thấy mình là một người cha, người cha thiêng liêng, cần và mong mỏi của các con khi vắng mặt.

Với tất cả những kinh nghiệm sống và học hỏi đó, tôi thấy nước trong bình của mình đã có và đang ngày càng nhiều, có lẽ không đủ để làm dịu cơn khát nhưng ít nhất họ cảm nhận được sự tươi mát cho từng giọt gần gũi mà họ tìm thấy trong tôi như một nhà truyền giáo trong thời gian chúng tôi đồng hành cùng nhau. Trong kỳ nghỉ đầu tiên của tôi về quê hương, Bề trên giám tỉnh yêu cầu tôi làm linh hoạt viên truyền giáo ở các tỉnh dòng khác nhau. Tại nhà chính, vào thời điểm đặt câu hỏi, một cha lớn tuổi người Hà Lan đã hỏi tôi một câu như sau: “Thưa Cha Lambertus, tôi rất ấn tượng khi biết rằng trong một thời gian ngắn, ngài đã yêu mến mọi người và đến lượt mọi người cũng rất yêu quý ngài. Ngài có cách thức gì vậy? Không cần suy nghĩ lâu, tôi trả lời: “Thưa cha, người Âu Châu không đến đây một mình mà đi cùng với những người có hai tay, một tay để cầu nguyện và tay kia để hỗ trợ tài chính, đó là lý do tại sao Cha đã xây dựng mọi thứ trong tỉnh dòng. Người của tôi chỉ có một tay, để cầu nguyện. Nhưng điều này không có nghĩa là tôi không thể truyền giáo. Tôi là một món quà từ giáo hội Indonesia cho giáo hội Chile. Tôi không có tiền để xây nhà thờ như một ngôi đền; Tôi muốn xây dựng nhà thờ như một gia đình của Thiên Chúa trên mặt đất này. Và tôi có một công cụ chính, công thức mà cha muốn biết: “có một trái tim, có khả năng yêu thương và để bản thân được yêu thương.” Tình yêu là thanh gươm tốt nhất giết chết hận thù, phân biệt đối xử, bất công, lạm dụng quyền lực và ý chí, sự sỉ nhục. Tình yêu được sống và được cảm nhận khi tôi chia sẻ với những người nghèo khó và thiệt thòi, khi tôi lắng nghe từ trái tim mình với những cay đắng và đau khổ của người dân, khi tôi nhìn thấy bằng đôi mắt của trái tim mình biết bao khuôn mặt đau thương. Tình yêu làm cho quá trình chấp nhận những gì khác biệt trở nên dễ dàng hơn. Tình yêu hiệp nhất và hiệp nhất chúng ta làm chứng cho Tin Mừng, bởi vì những chia rẽ chúng ta không thể là chứng nhân. Cùng với sự thay đổi mô hình của sứ vụ, thái độ trong sứ vụ xác định tác dụng của sứ vụ. Vì lý do này, ngày nay, sau khi đã chia sẻ với người dân Chile, đối với tôi địa hình của sứ vụ khó khăn nhất nhưng cũng bị cuốn hút nhất không phải ở lãnh thổ, mà là trái tim của con người, bởi vì trong đó có tình yêu và do đó có Thiên Chúa, tình yêu đó mà chúng ta loan báo như một tin mừng, nhiệm vụ chính của một nhà truyền giáo và của cả Hội thánh ”.

Đó là lý do tại sao trước khi kết thúc, trong hội nghị chuyên đề truyền giáo kỷ niệm 120 năm SVD tại Chile này, tôi muốn nói rằng: việc chào đón dành cho một người anh em SVD mới đến, xa gia đình và quê hương của họ quan trọng biết bao. Tôi tin rằng trong bối cảnh truyền giáo trong thời kỳ giao thoa văn hóa và quốc tế này, không còn có bất kỳ sự lạm dụng quyền lực, phân biệt chủng tộc nào, không chỉ giữa các anh em SVD chúng ta mà còn với các cộng sự viên giáo dân của chúng ta, bởi vì những thái độ này mâu thuẫn với cam kết chung của chúng ta là loan báo Tin Mừng Tình Yêu. Nhiệm vụ trở nên dễ thực hiện hơn khi chúng ta biến sự khác biệt thành sự phong phú và sức mạnh.

Bài trướcTRUYỀN GIÁO MÙA COVID-19 TẠI SÀI GÒN
Bài tiếp theoCám ơn em: bác sĩ trẻ