♦ Phêrô Hoàng Văn Loan, SVD
(Bệnh viện Dã chiến Q.7, số 1)
Câu chuyện giữa một linh mục tân binh trong bệnh viện và một bác sĩ tân tòng trong Giáo Hội xoay qua bình oxy 32 tấn, sáng kiến của em…
Tôi gặp em vào “mùa hè đỏ lửa” lúc cuộc chiến chống Covid-19 tuy đã giảm đôi chút nhưng vẫn còn âm ỉ cháy. Đôi dép tổ ong sờn màu, lép đế cùng những bước chân thoăn thoắt của em để lộ một nỗi lòng còn trăn trở lắm: ‘Bao giờ mới hết dịch, cuộc sống mới bình yên, hai chiếc container đựng tử thi kia mới hết sứ vụ? Khi nào em mới được bước vào nhà thăm vợ, thăm con thay vì chỉ đứng ngoài cổng nhìn vào mỗi khi có dịp ngang qua?’ Thân hình mảnh khảnh với khuôn mặt hốc hác của em hằn sâu những tháng ngày chống dịch kịch liệt lắm.
Tôi gặp em thật tình cờ nhưng đầy bất ngờ. Cách nay vài tháng tôi đã đọc về em, thầm cảm phục em mà chưa một lần nghĩ rằng mình sẽ gặp em.
Nghe tin có linh mục đi thiện nguyện, lại là đồng hương, em bỏ cả giờ nghỉ để tìm tôi, cũng vừa lúc tôi tan ca. Em lễ phép khoanh tay cúi đầu ‘chào cha’ làm tôi lúng túng một chút. Nhưng giọng “mô, tê, răng, rứa” rặt Quảng Bình làm tôi thấy thân quen ngay. Tôi bảo “Tâm gọi mình bằng cha, mình gọi Tâm bằng bác (bác sĩ). Mà bác lại “to” hơn cha vì bác là anh của cha. Vậy, Tâm sinh sau nhưng là anh của mình đấy nhé”. Cả hai cùng cười.
Cứ thế, câu chuyện giữa một tân binh trong bệnh viện và một tân tòng trong Giáo Hội xoay qua bình oxy 32 tấn, sáng kiến của em, và hai container đựng thi hài, sáng kiến bất đắc dĩ của nhà nước. Bình oxy là nguồn sống, container kia là dấu hiệu của sự chết. Ở giữa là một hàng rào thô sơ gợi lên ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết. Tuy nhiên, ở lằn ranh sống chết đó, Chúa đã gửi em đến, để chiến đấu, để cùng bệnh nhân giành giật từng hơi thở, từng mạng sống khỏi tay thần chết.
Theo lời kể của các cộng sự của em, tuy em có công lớn trong việc thiết lập nên bệnh viện dã chiến này, nhưng những ngày đầu em đã phải đích thân chạy đi chở từng bình oxy và tự tay đẩy tới phòng bệnh cho bệnh nhân thở kịp thời.
Em khiêm tốn kể thêm: “Lúc đó, dân quân chưa có, thiện nguyện viên cũng không, nhìn bệnh nhân chết hàng loạt, đau lòng, làm được gì cứ làm. Không đắn đo. Có lúc con quên mang đồ bảo hộ, chạy thẳng vô phòng bệnh nhân để cấp cứu, xong sực nhớ ra phải sát khuẩn đủ kiểu. May mắn thay, cho đến bây giờ con chưa bị nhiễm”. Tôi bảo “Chúa bảo vệ em đấy!”.
Tôi thầm cảm tạ Chúa vì những người trẻ Công Giáo tài năng và hết tình cứu người giữa môi trường đời như thế.
Cảm ơn em đã tiếp lửa cho tôi và các tu sĩ thiện nguyện trong nhóm C20, để chúng tôi cũng đã hoàn thành 6 tuần chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tốt đẹp và an toàn.
Nguồn: tgpsaigon.net