Arnoldus Nota 12/2022: BẢO VỆ TRẺ EM VÀ NGƯỜI LỚN TRONG NHỮNG ĐIỀU KIỆN NGUY HIỂM

0
166

Cha tổng quyền Paulus Budi Kleden, SVD
và Ban Lãnh Đạo Dòng Ngôi Lời

Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã,
thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn.” (Mc 9,42)

Chúa Giêsu nói: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng,
vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng. (Mc 10,14)

Ngày nay, việc bảo vệ trẻ em và người lớn trong những điều kiện nguy hiểm là vô cùng cấp bách. Vào ngày 07/05/2019, Đức giáo hoàng Phanxicô đã nói trong tự sắc Vox Estis Lux Mundi (Các con là ánh sáng thế gian) rằng “các tội lạm dụng tình dục xúc phạm đến Chúa chúng ta, gây ra những tổn hại về thể xác, tâm lý và tinh thần cho các nạn nhân và làm tổn thương cộng đồng tín hữu. Để những hiện tượng này, dưới mọi hình thức, không tái diễn nữa, cần phải không ngừng hoán cải tâm hồn cách sâu xa, minh chứng bằng những hành động cụ thể và hiệu quả. Những hành động hoán cải ấy liên hệ đến mọi người trong Giáo hội, để sự thánh thiện của cá nhân và quyết tâm sống đạo đức góp phần làm cho việc loan báo Tin Mừng hoàn toàn khả tín và sứ mạng của Giáo hội mang lại hiệu quả.”[1]

Việc bảo vệ trẻ em và người lớn khỏi những điều kiện nguy hiểm, và chăm sóc chu đáo nhằm bảo đảm sự phát triển con người và tinh thần, cùng với phẩm giá con người của họ là những phần không thể thiếu trong thông điệp Tin Mừng. Giáo Hội và tất cả các thành viên được mời gọi thực hiện. Những hành vi gây đau khổ cho người khác đã làm cho toàn thể Giáo Hội phải nghiêm túc xét mình, và Giáo Hội phải xin các nạn nhân và xã hội tha thứ cho sự nguy hại mà mình đã gây ra. Trả lời cho những hành vi này là khởi đầu xác quyết cho những sáng kiến khác nhau, mong muốn chữa lành những thương tích, thực thi công lý, và ngăn chặn những vụ việc tương tự tái diễn trong tương lai.

Trong lá thư gửi cho Dân Chúa vào ngày 20/08/2018, Đức giáo hoàng Phanxicô viết: “không trừ bất kỳ nỗ lực nào nhằm tạo ra một môi trường (culture) có thể ngăn ngăn cản những điều kiện như thế đang xảy ra, nhưng cũng đồng thời ngăn ngừa khả năng chúng được che đậy và bưng bít vĩnh viễn”. “Môi trường bảo vệ” có nghĩa là gì? Giải thích đơn giản thì “môi trường bảo vệ” đối nghịch lại với “môi trường lạm dụng” mà Đức giáo hoàng Phanxicô cũng đã nhắc đến trong lá thư năm 2018. Đó là:

– Tiếp cận và đặt các nạn nhân lên hàng đầu, chứ không phải danh dự của Giáo Hội, những tài sản vật chất, bảo vệ các linh mục (các giám mục và hồng y) và những tu sĩ, hoặc là danh dự của một cơ sở;

– Mong muốn đối xử với các nạn nhân bằng tình thương, lắng nghe chuyện của họ, và cởi mở thông tin, đồng thời đặt việc chăm sóc và quan tâm đến họ lên trên các thứ khác;

Minh bạch khi làm việc với các nạn nhân và những quyền bính pháp luật;

Hoán cải tâm hồn, cam kết với các nạn nhân, không xa tránh hoặc đối xử ngờ vực với họ;

– Cam kết giáo dục các ứng viên, các thành viên và người lãnh đạo, nhằm bảo đảm rằng việc gây ra những vết thương như vậy cho các nạn nhân, gia đình, và cộng đoàn của họ, những hậu quả gây tai tiếng tổn hại đến Giáo Hội, không bao giờ xảy ra nữa;

– Cam kết về thời gian và các tài nguyên nhằm bảo đảm những chính sách và những thủ tục được phát triển và được thực hiện.

Vào ngày 22/07/2011, nguyên Tổng Quyền, cha Antonio M. Pernia, SVD, đã gửi đến tất cả các Bề trên của các Tỉnh dòng, Miền dòng, Giáo điểm bản hiệu chỉnh Chính sách Lạm dụng Tình dục Trẻ vị thành niên. Trong Thư Luân Lưu (P10/2011) kèm theo chính sách này, mỗi Tỉnh dòng, Miền dòng, Giáo điểm được yêu cầu soạn ra chính sách liên quan đến lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên và nộp lại cho Tổng Quyền vào tháng 12/2012.

Mười năm đã trôi qua, và trong những năm này, nhiều thứ đã thay đổi ở cấp độ toàn cầu và địa phương liên quan đến lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên và người lớn trong các điều kiện nguy hiểm. Các Luật Dân sự và Luật Giáo hội đã được sửa đổi cập nhật, những ý nghĩa mới đã được nhìn ra về vấn đề này. Do đó, Ban Quản trị Tổng Quyền hiện tại đã chỉnh sửa và cập nhật chính sách chung về lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên và người lớn trong các điều kiện nguy hiểm. Bằng Thư Luân Lưu (P08/2021), mỗi Tỉnh dòng, Miền dòng, Giáo điểm được  yêu cầu hiệu chỉnh và cập nhật chính sách của mình, và nộp lại cho Tổng Quyền vào tháng 12/2022.

Lạm dụng tình dục không chỉ là một vấn đề Tây phương hoặc là một vấn đề của những xã hội tục hóa như người ta thường nói. Lạm dụng tình dục xảy ra trên toàn thế giới và trong tất cả các nền văn hóa. Nó ảnh hưởng đến những trẻ em yếu ớt, những thanh thiếu niên, và người lớn trong các bối cảnh khác nhau—trong các gia đình hạt nhân và các gia đình mở rộng, trong bối cảnh tổ chức như các giáo xứ, dòng tu, trường học, trung tâm đào tạo, và những nơi khác nữa. Ngay cả khi việc lạm dụng tình dục xảy ra trên phạm vi toàn cầu, thì tỉ lệ lạm dụng có thể khác do thiếu dữ liệu hoặc các nghiên cứu. Thực tế, bàn đến tình dục và lạm dụng tình dục vẫn còn là điều cấm kỵ trong một số nền văn hóa, và điều này cũng góp phần làm cho tỉ lệ lạm dụng tình dùng cũng khác nhau.

Dòng Ngôi Lời hiện diện trên 79 quốc gia và vùng lãnh thổ; do đó, chúng ta phải đối mặt với những thực tế và văn hóa khác nhau: với các truyền thống, qui tắc, giá trị, tín ngưỡng tương ứng; với luật pháp, chính trị, giáo dục cụ thể và những hệ thống sức khỏe. Văn hóa và các hệ thống khác nhau không chỉ hỗ trợ tốt cho việc quan tâm bảo vệ trẻ vị thành niên và người lớn trong các điều kiện nguy hiểm, mà chúng cũng có thể trở thành những rào cản rất nghiêm trọng. Thực tế, việc lạm dụng tình dục không phải lúc nào cũng “rõ ràng” bởi vì nó bị ẩn đằng sau những hình thức khác nhau, khiến cho việc tạo nên ý thức và có sự nhạy cảm thêm khó khăn.

Việc lạm dụng tình dục trẻ em và người lớn trong những điều kiện nguy hiểm còn hơn là tội lỗi mang tính tình dục. Nó còn là lạm dụng quyền lực (như là có quyền lực chênh lệch giữa kẻ lạm dụng và nạn nhân), và lạm dụng niềm tin (như trong hầu hết các trường hợp, nạn nhân rất tin tưởng kẻ lạm dụng). Tác động và hậu quả của lạm dụng tình dục có thể tồn tại cả cuộc đời nếu người bị lạm dụng thiếu lòng tin để đưa ra ánh sáng. Thêm vào đó, bằng chứng cho thấy người bị ảnh hưởng càng sớm được giúp đỡ thì càng có cơ hội ngăn ngừa cho họ khỏi những hậu quả về hành vi, thể lý và tâm lý nghiêm trọng.

Chúng ta có thể làm gì và phản ứng ra sao? Bước quan trọng chính là, mỗi thành viên của Dòng Ngôi Lời hãy tham gia bằng cả con người của mình, với cả khối óc, trái tim, và đôi tay vào quá trình chữa lành cho những ai bị lạm dụng. Chúng ta có thể sẽ không hiểu thấu đáo được về nhận thức và trí năng liên quan đến lạm dụng tình dục và các nạn nhân bị ảnh hưởng ra sao. Điều quan trọng là hãy để cho chính mình được chạm (một cách cảm xúc) vào đau khổ và những hậu quả nghiêm trọng mà việc lạm dụng tình dục có thể để lại trên cuộc sống, sức khỏe, và niềm tin của các nạn nhân.

Ước gì chúng ta hãy sẵn sàng và hăng hái chủ động, trở nên tiên phong trong việc ngăn ngừa lạm dụng tình dục xảy ra, đồng thời trợ giúp những ai bị lạm dụng. Mỗi người có thể cộng tác vào việc tạo nên “môi trường bảo vệ” dựa trên sự tôn trọng, tính trách nhiệm và phẩm giá con người. Đây là cách duy nhất chúng ta có thể bảo vệ trẻ em, thanh thiếu niên, và người lớn trong những điều kiện nguy hiểm, thoát khỏi hậu quả lạm dụng, bạo lực, bóc lột và tàn phá.

Lm. Giuse Đỗ Nguyên Vũ, SVD chuyển ngữ

________________

* Thông điệp Tháng 12 năm 2022 của Cha tổng quyền Paulus Budi Kleden, SVD và Ban Lãnh Đạo Dòng Ngôi Lời, trong Arnoldus Nota, December 2022, trang 1-2. Nguồn: svdcuria.org

[1] Bản dịch trong Tập san Hiệp thông số 114 (tháng 9&10/2019) của HĐGMVN

________________

Xem video Bản tin tóm lược (Tiếng Anh) dưới đây:

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Sáu, Tuần 3 MV)
Bài tiếp theoChú Giải Tin Mừng Chúa Nhật IV Mùa Vọng, Năm A (Mt 1,18-25)