Thương cho roi cho vọt

0
625

Hắn là đứa ngay từ nhỏ đã ham mê cách đặc biệt môn thể thao vua, lý do đơn giản cũng chỉ vì ba hắn là một danh thủ trong làng. Ký ức tuổi thơ của hắn đong đầy cảm xúc về những trận đấu bóng đá đông nghẹt người xem. Hắn nhìn những cầu thủ xuất sắc của làng hắn với đôi mắt ngưỡng mộ. Ngoài giờ cắp sách đến trường, thời gian còn lại của hắn phần lớn dành để chơi và bóng đá chiếm một phần lớn quỹ thời gian chơi của hắn. Hắn mơ một ngày nào đó sẽ trở thành một danh thủ như ba hắn.

Vì ham chơi nên việc học hành của hắn ngày càng đi xuống. Rồi điều gì đến cũng phải đến: hắn bị lưu ban! Hắn cảm thấy thấy xấu hổ với thầy cô và bạn bè nên tỏ rõ quyết tâm trong những năm sau đó.Tuy những nỗ lực của hắn mang lại chút thành quả trong lớp học làng quê, nhưng hắnvẫn chỉ được xem là “thằng chột làm vua xứ mù”, như lời cô giáo của hắn từng nhận xét. Hơn nữa, tính hắn khá nhút nhát, rụt rè, ít nói; tính hắn hơi cộc và chắc chắn không phải là đứa ngoan hiền, dễ bảo. Vậy mà học xong phổ thông, hắn quyết định đi tu. Mọi người trong nhà không ai phản đối nhưng cũng không ai đặt nhiều kỳ vọng vào hắn.

Trước khi vào dòng, hắn đâu biết đời tu ra sao, dòng với triều khác nhau thế nào. Hắn chẳng biết phân biệt dòng giáo hoàng với dòng giáo phận, cũng chẳng biết phân biệt sự khác nhau giữa ơn gọi giáo sĩ và tu sĩ. Hắn cũng không biết đi tu là để ra đi truyền giáo, để phục vụ những nơi xa xôi. Quả thật, hắn đi tu với tất cả sự đơn sơ, trong sáng, hồn nhiên và có chút hoang dã. Đối với hắn, đi tu đơn giản chỉ là không được lấy vợ, thế thôi!

Khi vào dòng, hắn được học nhiều môn, được rèn giữ kỷ luật giờ giấc chung. Lúc đầu hơi khó chịu nhưng rồi hắn cũng quen dần. Tuy nhiên, ở vào cái tuổi ăn tuổi ngủ, việc dậy sớm là một cực hình và chế độ ăn uống khá khắc khổ thời khó khăn đó làm cho hắn muốn bỏ cuộc. Biết bao lần hắn muốn về vì dù sao ở nhà hắn vẫn được ăn, được ngủ thoải mái hơn. Vậy mà hắn vẫn nán ở lại chỉ vì ở trong dòng hắn tìm được môn hắn thích: thể thao. Những giờ chơi thể thao hàng ngày, hàng tuần làm hắn quên đi những khó khăn khác. Hắn phải tập điều chỉnh để thích nghi. Đời tu của hắn cứ thế trôi đi.

Dần dần hắn khám phá ra rằng, ở nhà cũng như ở trường, kết quả học tập của hắn có vẻ khả quan hơn so với những anh em khác. Ngoài sân, hắn cũng được xem là có năng khiếu nên đội hình thi đấu chính thức của các môn khác nhau như bóng chuyền, bóng đá thường không thể thiếu tên hắn. Hắn cũng nhận được nhiều thiện cảm của các cha các thầy trong dòng. Càng ngày hắn càng thấy mình có vẻ quan trọng. Đầu hắn bắt đầu ngẩng cao vì tự hào. Hắn cũng ngấm ngầm coi thường hay có lúc chê bai những anh em khác chậm chạp, kém cỏi hơn hắn.

Vào những dịp cuối năm, thầy phụ trách thường có bản nhận xét. Một đôi lần, hắn đã được cảnh báo về tính tự kiêu, nhưng hắn thường không coi đó là điều gì to tát. Hắn vẫn đang sống đàng hoàng, học hành tốt, chơi không hề tồi. Hắn vẫn là một nhân tố quan trọng, và đôi khi không thể thiếu trong các sinh hoạt chung. Đối với hắn, tự hào về mình là điều tự nhiên hắn đáng được hưởng. Đời tu, trong mắt hắn, xem ra ngày càng thuận lợi như diều gặp gió.

Sau chương trình triết, hồi đó nhà dòng có chương trình gọi là “du học”, thực chất là một hình thức “chia sẻ ơn gọi”. Dù sao cái mác “du học” Mỹ đối với một đứa nhà quê như hắn là một điều gì đó to lớn lắm, đáng ước mơ lắm, đáng vinh dự và tự hào lắm. Từ ngày biết tin về chương trình đó, hắn mừng vui trong lòng vì tự tin rằng dù cân đo đong đếm thế nào thì chắc chắn hắn sẽ được một suất. Nhìn qua nhìn lại, tính tới tính lui, hắn tự thấy mình là một trong những ứng cử viên có thể nói là sáng giá nhất vì hắn hội đủ những điều kiện cần thiết nhất cho việc học hành: Anh văn khá, khả năng tiếp thu nhanh, tuổi còn trẻ, tính tình năng động, dễ hội nhập … Cứ nghĩ đến cái cảm giác một lúc nào đó được xách vali ra phi trường, xung quanh là những người đưa tiễn với những đôi mắt ngưỡng mộ và thán phục, hắn thấy lâng lâng vui sướng. Tuy vậy, hắn cũng khôn ngoan đủ để không tỏ rõ ra bên ngoài cái cảm giác sung sướng và tự hào vì sắp được chọn đi “du học”.

Sau bao tháng ngày hồi hộp chờ đợi rồi cũng đến lúc công bố danh sách những ứng viên được chọn cho chương trình “du học”. Dù đã tính toán kỹ lưỡng và khá chắc suất của mình, hắn vẫn thấy hơi căng thẳng và khá hồi hộp chờ giây phút công bố kết quả. Tên của các ứng viên được chọn lần lượt được xứng lên; người thứ nhất, chưa thấy tên hắn; người thứ hai, vẫn chưa nghe tên hắn. Có lẽ tên của ứng viên nặng ký nhất sẽ được xướng lên sau cùng giống như các cuộc thi mà hắn vẫn thường thấy trên truyền hình. Hắn nín thở chờ đợi tên mình được xướng lên để nở một nụ cười thỏa mãn và tự hào. Cuối cùng, tên người thứ ba cũng được xướng lên mà không hề có tên của hắn. Hắn ngồi như chết lặng, mặt hơi cúi xuống để giấu đi sự thất vọng và bực tức đang dâng trào trong lòng hắn.

Những ngày sau đó trôi qua thật nặng nề đối với hắn. Hắn thấy bức bối, khó chịu nhưng không biết chia sẻ cùng ai. Hắn thấy thật bất công cho hắn. Hắn tức những người có trách nhiệm vì đã đối xử không công bằng với hắn. Hắn vô cớ ghét các anh em trong lớp vì nghĩ rằng chắc phải có ai nói điều gì đó tồi tệ về hắn nên hắn mới không được chọn. Hắn cảm thấy đời tu của hắn thật chông chênh khi mà các bậc bề trên không tin tưởng hắn, dù khả năng của hắn hơn hẳn những anh em khác. Hắn đau khổ và muốn từ bỏ đời tu vì cho rằng anh em của hắn đang đâm hắn sau lưng. Hắn cũng chẳng thấy Chúa đâu cả trong những suy nghĩ, toan tính và khổ đau của hắn.

Những tháng ngày sống trong cảm giác bức bối, mặc cảm và thất vọng về mọi người xung quanh hắn, về bản thân và về lý tưởng đời tu, làm cho hắn dần trở nên điềm đạm hơn. Hắn suy nghĩ nhiều hơn về bản thân và ơn gọi của hắn. Nếu lâu nay hắn chỉ để ý những gì là hào nhoáng, kiêu hãnh và vinh dự bên ngoài, thì nay hắn biết nhìn vào lòng hắn hơn, nhìn vào nội tâm còn lắm ngổn ngang của hắn. Hắn từng bước khám phá ra những tật xấu của mình: kiêu căng, tự phụ, ích kỷ… Dần dần, giờ cầu nguyện của hắn là tâm tình sám hối, khiêm hạ của người thu thuế hơn là sự khoe khoang thành tích như người Pharisêu (x. Lc 18,9-14). Hắn như thoáng nhận ra ý nghĩa thật sự của đời tu mà lâu nay hắn không lưu tâm, rằng đời tu không phải là danh lợi, hào ngoáng, tung hô bên ngoài, mà là chiều sâu nội tâm, là theo Chúa, là dấn thân phục vụ vô vị lợi, là loan báo Tin Mừng cho muôn dân.

Hắn dần khám phá ra giá trị và sức mạnh của sự khiêm tốn: khiêm tốn để nhận thấy những giới hạn, yếu đuối và bất toàn của bản thân; khiêm tốn để thấy rằng những gì hắn đang có không phải do sức riêng mà do tình thương trao ban nhưng không của Chúa; khiêm tốn để biết lắng nghe, thấu hiểu và cảm thông với người khác; khiêm tốn để biết trao ban và phục vụ cách âm thầm, để biết cho đi cách nhưng không vì đã nhận được cách nhưng không (x. Mt 10,8); khiêm tốn để biết trở nên “khí cụ” trong tay Chúa, hơn là dùng Chúa như là “phương tiện” phục vụ cho tham vọng ích kỷ, cá nhân; khiêm tốn để cho Chúa hướng dẫn cuộc đời mình, hơn là “lái” Chúa theo ý riêng, phục vụ cho lợi ích cá nhân của mình.

Hắn dần nghiệm ra tình thương sâu sắc và âm thầm của Chúa dành cho hắn. Vì tình thương mà Chúa trao cho hắn thêm một vài nén để có thể phục vụ nhiều hơn. Vì ưu ái mà Chúa cho hắn sức để có thể “cày sâu cuốc bẫm” hơn. Vì yêu thương mà Chúa tặng cho hắn cá tính mạnh để có thể sống quyết đoán hơn. Cũng vì tình thương mà Chúa cho hắn ngã đau để tỉnh ngộ mà thấy mình hèn mọn và yếu đuối, để biết sống khiêm tốn, để biết cậy dựa vào sức mạnh của Chúa hơn. Chúa thương hắn theo cách thật đặc biệt: thương cho roi cho vọt. Hắn không ngã đau như thánh Phaolô trên đường Đamát, nhưng cú ngã để đời cũng đủ để hắn biết mặc lấy tâm tình của thánh nhân: “tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa” (1 Cr 15,10); “tôi vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi” (2 Cr 12,9). Vậy nên câu khẩu hiệu hắn chọn cho ngày thụ phong là tâm tình cảm tạ rằng “muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 106,1), để nếu hắn có tự hào thì không vì khả năng riêng của hắn mà tự hào vì tình thương và sức mạnh mà Chúa ban cho hắn: “ai tự hào thì hãy tự hào trong Chúa!” (2 Cr 10,17).

Năm Thánh Lòng Thương Xót nhắc nhớ hắn về cú ngã năm nào; bao ký ức xưa bỗng ùa về. Nếu năm xưa Chúa vì thương hắn thật nhiều mà chiều theo tham vọng của hắn, chắc chắn hắn không thể là hắn của ngày hôm nay. Nếu hồi đó tham vọng ích kỷ của hắn được đáp ứng, có lẽ hắn đã trở thành một kẻ ngạo mạn, hống hách vì tí tài năng hay chút kiến thức; có lẽ hắn nhìn anh em bằng nửa con mắt vì tính kiêu căng của hắn; có lẽ hắn khó sống, khó hòa đồng vì không đủ khiêm tốn để đón nhận và hợp tác với anh em mình; có lẽ hắn chỉ có thể nhìn thấy những hào nhoáng bên ngoài mà không thấy con người thật còn lắm tật của hắn; có lẽ hắn chỉ làm những gì tôn vinh cái tôi của hắn hơn là để Chúa được tôn vinh. Không biết còn bao nhiêu điều “có lẽ” nữa đã xảy ra nếu Chúa không vì thương hắn mà để cho hắn một lần vấp ngã.

Hắn miên man gẫm suy về tình thương mà Chúa dành cho hắn suốt một chặng đường dài. Hắn không thể nhớ hết những lần hắn phụ tình Chúa. Đã có những lúc hắn dễ dàng để cho thói xấu cũ của hắn trỗi dậy. Biết bao lần hắn quên sự giới hạn của bản thân. Đã có những khi vì thiếu khiêm tốn và từ tâm mà hắn làm tổn thương anh em. Kinh nghiệm về cú ngã năm xưa và sự xác tín sâu xa về tình thương của Chúa giúp hắn biết hồi tâm, biết phục thiện, biết hy sinh và tập sống nhân ái hơn mỗi ngày. Những thói xấu của hắn vẫn còn thấp thoáng đâu đó trong máu huyết hắn, nhưng hắn biết hắn yếu đuối và mong manh, nên hắn cũng biết mở lòng để cho tình thương của Chúa cảm hóa, biến đổi, và làm mới hắn mỗi ngày, để biết sống tâm tình của thánh Phaolô: “tình yêu Đức Kitô thôi thúc chúng tôi” (2 Cr 5,14), vì hắn biết chắc rằng “muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” với hắn.

Lm.GB Nguyễn Hữu Duy,SVD

Bài trướcThánh lễ Tấn phong Giám mục Giuse Đỗ Mạnh Hùng
Bài tiếp theoThánh lễ Truyền chức Giám mục cho cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.