SỰ ĐIÊN RỒ HOÀN HẢO ?

0
86

(Bài giảng trong Thánh Lễ Vọng Chúa Giáng Sinh. Kính mời Cộng đoàn cùng suy tư…)

Con Thiên Chúa nhập thể làm người là một mầu nhiệm hết sức điên rồ, điên rồ là bởi vì chúng ta không tài nào hiểu được tại sao Thiên Chúa lại làm như vậy. Cộng đoàn có mường tượng ra sự điên rồ ấy hay không?

  1. Lời hứa điên rồ

Trong phần hoạt cảnh mà chúng ta theo dõi trước thánh lễ, ta thấy rằng, thuở ban đầu, Thiên Chúa đã vì yêu thương mà tạo dựng nên con người. Như thế, con người là thụ tạo của Thiên Chúa. Nhưng khốn thay, thụ tạo ấy lại bất tuân lệnh Chúa, chống lại chính Đấng đã vì yêu thương mà dựng nên mình.

Lẽ thường, khi tạo ra một vật gì đó, nếu vật ấy không đem lại lợi ích gì cho ta, lại còn gây ra sự phiền toái, chúng ta sẽ làm gì? Đập bỏ có lẽ là chọn lựa dễ thấy nhất. Ông thợ gốm tạo ra một chiếc bình. Chiếc bình ấy, dùng đựng nước thì nước chảy ra ngoài, dùng để trang trí thì thêm xấu cho phòng khách, người thợ gốm sẽ làm gì ạ? Đập bỏ, làm cái khác, cho khỏi chướng tai, gai mắt.

Nhưng Thiên Chúa lại hành động một cách đáng kinh ngạc. Khi thấy thụ tạo – là con người không nghe theo lời của Người, Thiên Chúa không hủy diệt con người, nhưng lại hứa ban Đấng Cứu Thế. Đấng Cứu Thế ấy không phải là một người tầm thường nào đó, nhưng là đích thân Con Một của Thiên Chúa đã hóa thân thành nhục thể để cứu chuộc con người. Đấng Tạo Hóa lại trở thành như thụ tạo, nghĩa là trở thành con người, dĩ nhiên ngoại trừ tội lỗi, để cứu kẻ đã chống đối chính mình. Điều ấy thật là điên rồ. Làm sao mà có thể hiểu được.

  1. Xuất thân điên rồ

Nhìn vào gia phả của Con Thiên Chúa ở trần gian, chúng ta cũng ngạc nhiên không kém. Tại sao Con Thiên Chúa lại không chọn xuất thân trong một gia phả thánh thiện, cao sang, quyền quý; mà lại chọn xuất thân trong một gia phả đầy khiếm khuyết như thế. Từ các nhân vật được nêu tên trong gia phả, chúng ta nhìn thấy rất nhiều dạng thức của tội lỗi.

Thứ nhất, tội lừa đảo. Ixaác sinh ra hai người con là Êxau và Giacóp. Theo nguyên tắc, thì Êxau phải là người được cha chúc phúc và đảm nhận quyền trưởng nam, giúp cha nối dõi tông đường. Nhưng Giacóp đã hai lần dùng mưu mẹo để cướp lấy cả quyền trưởng nam và lời chúc phúc từ cha. Chính vì thế mà Giacóp được kể tên trong gia phả, còn Êxau thì không.

Thứ hai, tội loạn luân. Bà Tama sinh hai người con là Perét và Derác cho ông Giuđa. Nhưng cộng đoàn có biết ông Giuđa là ai không? Thưa, ông Giuđa là bố chồng của Tama. Tama là vợ của E, con trai đầu lòng của ông Giuđa. Vì chồng bà Tama chết khi bà chưa sinh được đứa con nào cho chồng, thế nên, bà đã cải trang thành một cô gái điếm để dụ dỗ bố chồng. Ông Giuđa mắc bẫy, vậy là bà Tama có con nhờ hành vi loạn luân.

Thứ ba, tội giết người cướp vợ. Đavid, một vị vua nổi tiếng nhờ luôn biết vâng nghe Lời Chúa, và giúp gầy dựng một vương quốc Israel hùng mạnh. Nhưng vua lại vướng phải một tội tày đình. Vì không kiềm chế được dục vọng của mình, ông đã ăn nằm với bà Bátseva vợ của ông Urigia, trong lúc Urigia lại đang chiến đấu ngoài chiến trường. Sau đó, vì không có cách nào để che lấp tội lỗi của mình, Đavid đã sai Urigia đi đầu trong một trận chiến khắc nghiệt, lại còn ra lệnh cho những người khác phải bỏ Urigia lại một mình. Thế là Urigia bị giết chết, Đavid cưới bà Bátseva làm vợ.

Thứ tư, tội thờ ngẫu tượng. Salômôn và phần lớn các vị vua khác trong gia phả của Chúa đều mắc tội thờ ngẫu tượng. Nặng nề nhất có lẽ là vua Salômôn. Lúc đầu Salômôn còn là một người trung thành. Ông xây đền thờ cho Đức Chúa, cũng vâng nghe mệnh lệnh của Người; ông còn được kể là người khôn ngoan vô tiền khoáng hậu. Nhưng sau này, với lối sống quá phóng đãng, Salômôn đã cưới tới 700 bà vợ và 300 cung phi. Phần nhiều trong số họ là dân ngoại. Các bà ấy đã làm cho lòng vua Salômôn ra hư hỏng; vua ngả theo các thần ngoại, không còn chung thủy với Đức Chúa nữa (1 V 11).

Đó là một vài ví dụ điển hình về sự khiếm khuyết nơi gia phả của Đức Giêsu. Con Thiên Chúa mà lại được sinh ra trong một gia phả đầy tội lỗi và khiếm khuyết như vậy. Thật là điên rồ. Nhưng dĩ nhiên, điên rồ là hiểu theo cách nhìn của con người chúng ta thôi. Còn với Thiên Chúa, Ngài hành động như vậy hoàn toàn vì yêu thương nhân loại. Thiên Chúa chấp nhận những khiếm khuyết của nhân loại, và vì yêu thương, Người đã đích thân xuống trần gian để sửa lại những khiếm khuyết ấy và mang đến ơn cứu độ, mang đến tình trạng hoàn hảo cho con người. Như thế, dù theo cách nhìn của chúng ta, hành động của Thiên Chúa thật điên rồ. Nhưng sự điên rồ ấy thật hoàn hảo.

  1. Kế hoạch hoàn hảo

Sự hoàn hảo ấy được thể hiện qua nhiều chi tiết.

Thứ nhất, sự hoàn hảo thể hiện nơi những con số. Từ bản văn gia phả, chúng ta nghe thấy hai con số quan trọng là số 3 và số 7. Gia phả này được chia ra thành 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn 14 đời; 14 bằng hai lần 7. Trong Kinh thánh, số ba và số bảy biểu thị cho sự hoàn hảo. Con người tội lỗi nhưng Thiên Chúa vẫn thực hiện một kế hoạch hoàn hảo cho con người. Điều đó cho thấy tình yêu lớn lao của Người. Tình yêu ấy đạt đến tột đỉnh nơi nhân vật cuối cùng trong gia phả, là Đức Giêsu Kitô. Người sẽ đến và gánh lấy tội của toàn nhân loại, tiêu diệt tội lỗi ấy và mang ơn cứu độ cho con người.

Thứ hai, sự hoàn hảo thể hiện nơi thánh Giuse, người công chính, người có tâm hồn biết lắng nghe và vâng phục thánh ý Thiên Chúa. Ngài được Thiên Chúa tín nhiệm trao ban quyền làm “Người gìn giữ Ðấng cứu thế”, trong giai đoạn đầu của công trình cứu chuộc. Thánh Giuse đã kết hợp với vị hôn thê của mình là Đức Maria, để tiếp rước Con Thiên Chúa làm người và canh chừng cho sự tăng trưởng nhân bản của Con Thiên Chúa. Vì thế, thật xứng hợp nếu ta hướng về ngài, cầu xin ngài trợ giúp để ta sống trọn vẹn mầu nhiệm Giáng sinh cao cả này.

Thứ ba, sự hoàn hảo thể hiện nơi Đức Maria. Trong gia phả, có 5 người phụ nữ xuất hiện, một điều khác thường nơi gia phả của người Do thái, vì thông thường người ta chỉ để tên người cha. Trong 5 người phụ nữ ấy, không kể Đức Maria, ba trên bốn người phụ nữ còn lại có quá khứ không tốt đẹp. Tama loạn luân. Rakháp từng là một gái điếm. Bát seva phạm tội ngoại tình. Giữa những phụ nữ tội lỗi, và một gia phả đầy khiếm khuyết, Đức Maria hiện lên là một con người hoàn hảo. Mẹ là đấng Vô nhiễm nguyên tội, trọn đời đồng trinh. Hơn nữa, Mẹ còn cộng tác cách đắc lực với Thiên Chúa trong chương trình cứu độ của Người. Mẹ cũng hằng vâng phục thánh ý Thiên Chúa. Đức Maria cũng là mẫu gương sáng cho chúng ta noi theo trong tâm tình sống mùa Giáng Sinh này.

Cuối cùng, sự hoàn hảo trọn vẹn nhất thuộc về Hài Nhi Giêsu. Con Thiên Chúa hạ sinh trong thân phận phàm nhân yếu đuối, nhưng Ngài hoàn hảo vì Ngài không bị ảnh hưởng bởi tội lỗi. Sự hoàn hảo của Ngài còn có sức lan tỏa ra cho người khác, nghĩa là ai tin vào Ngài, đi theo Ngài, và để cho Ngài hiện diện trong lòng, người ấy cũng sẽ được nên hoàn hảo. Xin cho chúng ta nhận ra món quà cao quý là Hài Nhi Giêsu mà Thiên Chúa đã gửi xuống cho nhân loại, để rồi từ đó, ta biết mở rộng tâm hồn đón Hài Nhi Giêsu đến và ngự lại nơi cõi lòng ta. Hãy để cho Hài Nhi Giêsu được lớn lên trong cung lòng của mỗi người chúng ta. Chắc chắn Ngài sẽ mang đến cho chúng ta bình an và niềm vui, đó là bình an và niềm vui đích thực của Giáng Sinh, vì ta có Chúa trong lòng. Xin Hài Nhi Giêsu ở lại và ban nhiều ơn lành cho tất cả mỗi người chúng ta, nhất là những người còn thiếu vắng Ngài. Amen.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lý, SVD

Bài trướcChú Giải Tin Mừng Lễ Thánh Gia, năm C (Lc 2,41-52)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (28/12, Các Thánh Anh Hài tử đạo)