Tôi đã tin cả khi mình đã chẳng thấy!

0
310
Tu sĩ Giuse Nguyễn Đình Trường
– Học Viện Ngôi Lời

 

 Niềm tin Kitô giáo mọi thời vẫn luôn đối mặt với không ít những chất vấn. Bởi lẽ, niềm tin ấy đã không đặt để nơi một con người thế trần nhưng là nơi Thiên Chúa, Đấng mà khoa học hiện đại vẫn xem là một “dự án” phi lý hay ảo tưởng. Thiết nghĩ, xuất phát điểm ấy của niềm tin Kitô giáo là khởi nguồn cho những chất vấn của người mọi thời. Thế nhưng, người môn đệ của Đức Giêsu phải cảm thấy sẵn sàng và hân hoan trả lời cho những chấn vấn về niềm tin và niềm hy vọng của mình: “Đức Giêsu Nadarét, là người đã được Thiên Chúa phái đến với anh em […] anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi […] Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại” (Cv 2, 22-24).

  1. Niềm tin khởi đi từ những điều không thấy, một xuất phát điểm “đầy bấp bênh”

Không chỉ mỗi Kitô giáo nói riêng nhưng là các tôn giáo nói chung đều có một điểm xuất phát cho niềm tin, nghĩa là niềm tin được khởi đi từ một điều gì đó hay một ai đó, chứ không phải là một niềm tin “không điểm tựa”. Tại tâm điểm của mọi tôn giáo và cũng như tại tâm điểm của mọi thần học tôn giáo, chúng ta có thể giả định cơ bản là có một thực tại mà chúng ta có thể biết và chúng  ta gọi là “Thiên Chúa”.

Luận bàn về Kitô giáo, niềm tin phát xuất từ Thiên Chúa, Đấng đã mời gọi và trao ban cho con người đức tin như một ân huệ nhưng không, hầu con người được dự phần vào sự sống thần linh của Người. Nhưng khoa học và triết học hiện đại đã phê bình chính tâm điểm này. Đối với một số người, Thiên Chúa là giả thuyết không cần thiết và tối thiểu, không thể nào chứng minh được giả thuyết này. Đối với một số người khác, Thiên Chúa là một “dự án” phi lý hay ảo tưởng. Như thế, Thiên Chúa không thể nào là điểm xuất phát hay tiền giả định cho niềm tin cũng như thần học, bởi vì, đối với thế giới hiện đại, Thiên Chúa không phải là câu trả lời nhưng là một phần của vấn đề. Không ít người đã lên tiếng đã đả kích Kitô giáo về niềm tin vào những điều hão huyền, những cõi hư ảo. Người ta đã có lý của riêng họ khi nhận định như vậy, bởi lẽ, Thiên Chúa, Đấng mà người Kitô hữu đặt trọn niềm tin, “không ai thấy bao giờ” (x.Ga 1,18 ).

Như thế, có những người đã đặt lại vấn đề rằng niềm tin Kitô giáo có nên bắt đầu với Đức Giêsu hay với những gì Kinh Thánh nói với chúng ta về Đức Giêsu hay không? Chủ nghĩa phê bình lịch sử hiện đại tấn công vào điểm xuất phát này khá sâu sắc. Chủ nghĩa này đặt câu hỏi: Chúng ta thực sự biết gì về Đức Giêsu? Một lần nữa, Đức Giêsu và Kinh Thánh không thể là câu trả lời, vì Kinh Thánh và Đức Giêsu cũng trở thành một phần của vấn đề.[1] Thiên Chúa thắp lên niềm hy vọng cho nhân loại qua sự phục sinh của Đức Giêsu. Thế nhưng, đã chẳng một ai tận mắt chứng kiến, Đức Giêsu đã phục sinh như thế nào!

Quả thật, niềm tin Kitô giáo đã dựa trên không ít những điều mà mắt đã chẳng thấy. Dưới góc nhìn của con người hiện đại, niềm tin Kitô giáo thật khó lòng để chấp nhận, bởi lẽ, nó được khởi đi từ một xuất phát điểm “đầy bấp bênh”.

  1. Thách đố tin vào những điều mà mắt đã chẳng thấy

Đối với người Kitô hữu, giáo lý Hội Thánh Công giáo xác quyết với chúng ta rằng xuất phát điểm cho niềm tin là nơi Đức Giêsu Kitô, Đấng đã đến, “đụng chạm” đến hiện sinh người và chính những người đương thời đã kinh nghiệm về một Đức Giêsu, Thiên Chúa, đã thực sự sống “hiện sinh người”. Chóp đỉnh và một cách cụ thể, niềm tin Kitô giáo khởi đi từ niềm tin vào sự phục sinh của Đức Giêsu. Đó cũng là một biến cố mà chẳng một ai tận mắt chứng kiến. Dĩ nhiên, tin vào những điều mà mắt chẳng thấy, tai chẳng hề nghe, không phải là một điều dễ dàng. Ngay cả các môn đệ của Đức Giêsu, thậm chí là Nhóm Mười Một, trước những lời loan tin Đức Giêsu Phục sinh cũng đã không tin. Phải chăng bởi sự khả tín của biến cố Phục Sinh?

Trong cuốn sách, được tạm dịch là “Ý nghĩa của Thông điệp Phục sinh đối với niềm tin vào Đức Giêsu Kitô”, tác giả Charlie Moule có viết: “Thật khó mà lý giải làm sao câu chuyện về sự phục sinh của Đức Giêsu lại được thêu dệt nên, mà chủ yếu chỉ dựa trên những lời chứng của các người phụ nữ, vì theo quan niệm của người Do thái, lời chứng của phụ nữ không được công nhận là lời chứng đáng tin cậy và có giá trị pháp lý?”. Dựa vào lập trường này, việc các môn đệ đã không tin lời báo tin của bà Maria Madalena, có chăng cũng là có cơ sở, vì đó là lời chứng của một người phụ nữ. Vậy còn lời báo tin của hai môn đệ trên đường Emmaus thì sao? Vì theo quan niệm của người Do thái, lời chứng của hai người là chứng thật (Ga 8,17). Thế mà, các môn đệ cũng đã chẳng tin. Từ đó, chúng ta có thể thấy rằng việc các môn đệ không tin xem ra phát xuất từ vấn đề đức tin của các ông. Điều đó càng được xác nhận nơi lời khiển trách của Đức Giêsu trong Tin Mừng: “Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy” (Mc 16,14). Thật vậy, Đức Giêsu đã trỗi dậy từ cõi chết, cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu là những biến cố có thật và có thể kiểm chứng. Đó là cái chết và sự phục sinh của một con người cụ thể. Vậy, vì lẽ nào mà các môn đệ đã chẳng tin?

Trên đường Emmaus * Photo: reddit.com

Trước tiên, một cách khách quan, chúng ta phải nhìn nhận rằng biến cố phục sinh thực sự là một thách đố không những đối với lý trí mà còn với cả niềm tin. Những dấu lạ của Đức Giêsu thực hiện lắm lúc làm cho con người khó tin, khó chấp nhận. Huống hồ, đây là một dấu lạ trổi vượt hoàn toàn. Biến cố Chúa phục sinh thực sự vượt qua những giới hạn của không gian và thời gian, vượt trên lý trí và trí tưởng tượng của con người. Thậm chí, khi so với sự sống lại của con gái viên sĩ quan (Mt 9,23-25), con trai bà goá thành Nain (Lc 7,11-16) hay của Lazaro (Ga 11,39-45), những sự sống lại tạm thời, thì sự phục sinh của Đức Giêsu hoàn toàn trổi vượt, vì từ nay Người không còn chết nữa. Biến cố ấy thực sự vượt quá trí hiểu con người. Không riêng gì các môn đệ, nhiều người nghe cũng đã khó lòng chấp nhận. Bên cạnh đó, đứng từ góc độ đức tin của các môn đệ, cũng phải nhìn nhận rằng, niềm tin của các ông lúc bấy giờ là chưa thực sự vững mạnh. Tin Mừng đã minh chứng điều đó khi cho thấy trong thời gian theo Thầy, không ít lần các ông cũng đã cứng lòng tin trước những dấu lạ của Đức Giêsu. Những dấu lạ kia mà còn chưa tin, thì việc họ không tin biến cố Chúa phục sinh, biến cố ở một tầm mức trổi vượt, cũng là điều dễ hiểu mà thôi.

Quả vậy, không chỉ con người hiện đại mà thậm chí cả những người môn đệ của Đức Giêsu cũng chung một trạng huống khi đứng trước biến cố Phục sinh của Đức Giêsu. Đó quả là một thách đố thực sự, làm sao để có thể tin vào những điều mà mắt đã chẳng thấy.

  1. Niềm vinh phúc cho những ai dám tin ngay cả khi mình đã chẳng thấy!

Niềm tin Kitô giáo được đặt nền trên sự phục sinh của Đức Giêsu phải là lời xác quyết của người Kitô hữu. Sự phục sinh của Đức Giêsu không chỉ là câu chuyện của riêng Đức Giêsu nhưng phải trở nên câu chuyện của mỗi người chúng ta, bởi lẽ, khi nói đến sự phục sinh của Đức Giêsu, Kinh Thánh không ngừng nói đến sự phục sinh của chúng ta. Sự phục sinh của Đức Giêsu là bảo chứng niềm tin và niềm hy vọng của chúng ta, nghĩa là sự phục sinh của chúng ta được gắn chặt với sự phục sinh của Đức Giêsu: “Nếu anh em đã phục sinh cùng Đức Kitô, thì hãy sống như những người đã phục sinh” (Cl 3,1-4).

Dĩ nhiên, chúng ta hằng mong mỏi đi tìm những “cảm nghiệm” niềm tin về biến cố phục sinh của Đức Giêsu bằng sức lực cá nhân hay nhờ một thứ suy diễn đặc biệt nào đó, dẫu điều đó thật chẳng dễ dàng đối với con người ngày hôm nay. Tuy nhiên, chúng ta có thể “cảm nghiệm” phần nào qua cảm nghiệm của các chứng nhân, dẫu rằng, họ không thuật lại chi tiết các cảm nghiệm như chúng ta mong mỏi. Sự chuyển mình trong cuộc đời của các chứng nhân mang đến cho chúng ta những cảm nghiệm và suy tư. Từ những con người nhát đảm, cứng tin, họ đã trở nên những chứng nhân Tin Mừng, dám đổ máu mình để làm chứng về điều mà họ đã tin, đã được đón nhận, dẫu mắt phàm nhân đã chẳng thấy tỏ tường. Người Kitô hữu đứng trước thách đố niềm tin vào những điều mà mắt đã chẳng thấy. Tuy nhiên, thách đố niềm tin ấy mang đến cho chúng ta niềm vinh phúc lớn lao dành cho “những ai không thấy mà tin”.

Niềm vinh phúc cho những ai tin vào Đức Giêsu Phục sinh mời gọi người môn đệ tái khám phá lại điểm quan trọng trong đời sống đức tin mà Đức Thánh Cha Phanxicô gọi là “trực giác đức tin của người tín hữu.”

Như những luận bàn phía trên về lý do các môn đệ đã khó lòng tin vào những lời loan tin Phục Sinh, những lý luận trên giúp chúng ta thông cảm với lời đáp trả của các môn đệ. Dẫu vậy, điều đó không đủ để trở thành lời biện hộ thích đáng cho sự cứng lòng tin của các ông lúc bấy giờ. Tin Mừng đã không cho thấy rõ lý do đích xác. Thế nhưng, thiết nghĩ, các môn đệ đã cứng lòng tin bởi vì tâm hồn của các ông đã không đủ nhạy bén trước sứ điệp Tin Mừng. Là những người đã theo sát Đức Giêsu trên hành trình sứ vụ, các môn đệ được Ngài trực tiếp giáo huấn và củng cố đức tin, đồng thời, biến cố Đức Giêsu phục sinh cũng đã được báo trước cho các ông. Thế nhưng, khi biến cố ấy xảy đến, các môn đệ đã không tin. Trong khi đó, Maria Madalena, một người phụ nữ với một quá khứ không mấy tốt đẹp, đã nhạy cảm trước sự hiện ra của Chúa và đã mau mắn tin. Hai người môn đệ trên đường về quê cũng vậy, đã kịp nhận ra Đấng Phục sinh đã ở giữa họ dẫu Ngài tỏ mình ra cho họ dưới một hình dạng khác.

Thật vậy, các môn đệ đã cứng lòng trước những lời loan tin vì lẽ tâm hồn của các ông đã thiếu sự nhạy bén, nhạy cảm trước Tin Mừng. Sự nhạy bén đó không phải là một sự cả tin hay tin một cách dễ dàng, mù quáng trước mọi thông điệp, trái lại, Đức Thánh Cha nhấn mạnh sự nhạy bén này làm cho chúng ta trở nên mau mắn, nhạy cảm để nhận ra những gì phù hợp với Tin Mừng và cả những điều nghịch lại với Tin Mừng. Nhờ đó, người tín hữu có thể cảm nhận được lúc nào thì lời loan báo đó là Tin Mừng đang được phục vụ trong Giáo Hội, và lúc nào thì lời đó chỉ là một thứ nội dung trống rỗng.

 

Tóm lại

Đức Giêsu Kitô đã phục sinh và mang đến niềm hy vọng cứu độ cho nhân loại. Đó là tâm điểm niềm tin và cũng lời xác quyết của người Kitô hữu: “Đức Giêsu Nadarét, là người đã được Thiên Chúa phái đến với anh em […] anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi […] Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại” (Cv 2, 22-24). Đức Giêsu Kitô đã sống lại từ cõi chết. Niềm tin Kitô giáo sẽ đứng vững với chân lý này và niềm hy vọng cứu độ của người Kitô hữu được bảo đảm hơn bao giờ hết.

Thế nhưng, tin vào một biến cố lớn lao như thế thực sự là một thách đố niềm tin không những chỉ cho nhân loại mọi nơi mọi thời mà thậm chí là đối với những người môn đệ của Đức Giêsu khi “tin vào những điều mà mắt đã chẳng thấy”. Dẫu vậy, thách đố niềm tin ấy sẽ trở nên niềm hy vọng vinh phúc cho những người tin, để rồi người môn đệ hân hoan thốt lên: Tôi đã tin cả khi mình đã chẳng thấy!

[1] Karl Rahner, Thần học Karl Rahner, Dg: Lm. Phaolô Nguyễn Khoa Luật, OFM, Nxb Tôn giáo, tr.16.

Bài trướcLỜI SỐNG (14/5, Thánh Mátthia, Tông đồ, Lễ kính)
Bài tiếp theoTRAO YÊU THƯƠNG – NHẬN NIỀM VUI