♦ Tác giả: Lm. Phêrô Nguyễn Đức Vinh, SVD
Tôi không là…. Tôi là…
Danh xưng thật quan trọng cho nhiều người. Nó phản ảnh sự thông minh, hiểu biết và các tài năng, hay chức vị, quyền lực, gia sản và ảnh hưởng của một người. Quan trọng đến nỗi nhiều người bằng mọi giá phải mua những danh ảo, với mục đích gây ấn tượng cho thiên hạ. Có người tự phong hay nhờ một đại học hay một cơ quan ban cho một chức vị, không tương đương với hiểu biết và tài năng của họ. Nghĩa là hữu danh vô thực. Bằng thật có nghĩa là bằng mua thật. Là ‘hàng đểu’ hay theo cách nói phổ biến thời nay là: hàng pha-ke (fake). Thứ chức danh được phù phép, được kiến tạo giúp cho người sở hữu chúng che đậy sơ sài những tự ti mặc cảm không bằng ai và nỗi thèm khát sự công nhận.
Tin Mừng Gioan (1,19tt) cho thấy một lối ứng xử khác thường của vị ngôn sứ cuối cùng, trước những danh dự cao quý và to lớn được trao gán cho ông. Gioan được giới thiệu như là “một người được Thiên Chúa sai đến” (c. 6) – nghĩa là một sứ giả của Thiên Chúa. Như vậy, ông được đặt vào hàng ngũ những người trong Cựu ước đã đón nhận Thần Khí và Lời Chúa để nói tiếp cho người khác, dù có hợp ý họ hay không. Có những vị đã tìm đủ mọi cách để chối trốn nhiệm vụ Trời trao, như Môsê, Giêrêmia, Giôna.
Gioan “đến để làm chứng.” Nghĩa là ông không đến cho mình, nhân danh mình, mà để cho một người khác. Cho Đấng mà ông gọi là ánh sáng (c. 7). Đấng đến sau ông và trỗi vượt hơn ông, đến nỗi ông không xứng đáng để cởi giây giày cho Người. Chính vì vậy Gioan từ chối mọi danh xưng người khác gán trao cho: Tôi không là Đấng Mêssia, tôi không là Êlia, tôi không là vị ngôn sứ mà quý vị chờ đợi và mơ ước. Thật lòng mà nói: Khó ai có thể hài lòng với cách trả lời, cách tự giới thiệu như vậy. Các tư tế và các thầy Lê-vi đến từ Giêrusalem, và cả chúng ta, muốn có một câu trả lời chắc chắn rõ ràng: “Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những người đã cử chúng tôi đến? Ông nói gì về chính ông?”
“Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi.”
Một lời tự chứng rất khiêm tốn. Nhưng không là ông nọ bà kia, không là những người có chức vị, bằng cấp và gia sản lớn, thì khó thuyết phục được ai trong thế giới chúng ta. Tiếng kêu gọi của một người trong hoang địa mênh mông không là hình ảnh gây ấn tượng. Thì nghe như một hạt cát trong sa mạc, hay như một giọt nước trong đại dương.
Gioan biết rõ mình là ai và giá trị của nhiệm vụ, của công việc ông làm, chỉ mang tính chuẩn bị. Chỉ là tạm thời. Ông không nhận cho mình danh xưng hay chức vụ không là của mình. Ông chỉ là người đi trước để dọn đường cho người đến sau: ông làm phép rửa bằng nước mà thôi. Gioan chỉ cho những người kiếm tìm và chờ đợi Đấng đến sau, và đang đứng ở giữa họ.
Bốn danh xưng được gán cho Gioan: là người được Thiên Chúa sai và chứng nhân – đây là cách thánh sử Mátthêu gọi ông. Là tiếng kêu trong sa mạc và người tiền hô – đây là cách mà Gioan tự gọi mình. Cả bốn cách gọi đều có chung mẫu số: chỉ hướng về Đấng lớn hơn ông gấp bội – Đức Giêsu, Lời nhập thể của Thiên Chúa. Sự làm chứng của Gioan không chỉ giới hạn trong sứ điệp, trong sự xuất hiện và phép rửa bằng nước để tha tội cho những ai tỏ lòng sám hối. Làm chứng cho Đấng Mêssia đòi hỏi nơi ông sự dấn thân và tận hiến trọn vẹn: bằng cả mạng sống. Đó là khi ông nói ra sự thật khó nghe cho vua Hêrôđê.
Ông là người lớn nhất mà lòng mẹ sinh ra, nhưng là người nhỏ nhất trong Nước Trời (Mt 11,11). Đây là một hình ảnh ám chỉ tính tạm thời của vị ngôn sứ cuối cùng của Cựu ước, vì sau đó là thời đại mới của Nước Trời. Chúng ta được mời gọi bước vào chỗ đó, sau Gioan. Cũng như ông, chúng ta cần học tước bỏ nhiều lớp vỏ, nhiều mặt nạ – tức là nói “Tôi không là…” -, để cho cái cốt lõi thật của con người mình có thể lộ diện.
Nỗi sợ không là ai và bệnh háo danh
Tôi sẽ trả lời như thế nào khi có ai đặt cho tôi câu hỏi như đã được đặt cho Gioan: “Ông là ai?” Thông thường người được hỏi nêu tên riêng, danh xưng, chức vụ, nghề nghiệp của mình. Có chức danh tên tuổi là điều vô cùng quan trọng, đặc biệt trong một văn hóa tập thể và coi trọng tôn ti trật tự. Bởi thế cần đặt đúng những “Kính thưa” trước mỗi bài phát biểu. Phải tồn tại như một kẻ không tên tuổi là điều rất đáng sợ. Vì vô danh tiểu tốt đồng nghĩa với việc không được ghi nhận, trọng vọng, kính nể và không được chờ đợi một ưu đãi nào. Có nghĩa là tôi không là ai hết!
Một người di dân trẻ gốc miền Trung gặp tai nạn trên đường vượt biên giới bằng xe ôtô từ Tiệp sang Đức. Sau đó anh trở thành một thương phế binh, liệt cả chân tay và suốt đời buộc phải ngồi xe lăn. Anh mơ trúng số và mua một “con xe BMW thật to” mang về quê, và cho chạy quanh thành phố quê anh. Được hỏi tại sao cần xe ôtô thương hiệu lớn khi không thể tự lái, anh trả lời: “Để cho oai!” Lòng tự trọng không cho phép con người ta đứng ở mức “không là ai”, dù đang ở trong hoàn cảnh hay tình trạng nào. Nhưng để tạo danh kiếm chức thì đa số thiếu các điều kiện vật chất và cơ hội, hiểu biết và kinh nghiệm.
Trong một xã hội nông nghiệp truyền thống coi thường việc buôn bán và nghệ thuật ca hát[1], lối thoát nghèo duy nhất cho một số người thời xưa là đường công danh, qua việc thăng quan tiến chức. Vì thế, việc học mang nặng tính thực dụng xưa nay. Thực tế chứng minh rằng kẻ có chức thì có quyền đi tắt thẳng vào các nguồn lợi lộc kinh tế. Có chức có quyền đồng nghĩa với có tiền có của. Bởi vậy, không ai còn ngạc nhiên trước sự tranh dành chức tước bằng mọi giá và qua mọi lối, bất chấp mọi quy ước đạo đức. Gian dối được gói bọc bằng những mỹ từ và mang tính hệ thống, hão danh và bịnh thành tích trở thành những quốc nạn. Thực tế lạc hậu, nghèo đói và chiến tranh dài lâu, cũng như sự tồn tại dài trong một thế giới đóng kín, thúc đẩy việc “ăn vội” khi tóm được cơ hội.
Danh xưng chức vụ cũng giúp bù đắp sự thiếu thốn lòng tự trọng của cá nhân, dù đó là nền tảng sống không thực sự chắc chắn. Những phô trương bên ngoài giúp cân bằng một chút những mặc cảm to lớn nằm sâu trong hồn. Thương hiệu và các giải thưởng mạ vàng được dùng để che đậy cho sự trống rỗng bên trong. Nói cách khác: ham danh ham chức có nguồn gốc trong những khát vọng được ngưỡng mộ và được coi trọng – được yêu thương: được đối xử như là những con người đáng trân quý.
Càng được dạy quên mình, chối bỏ hạ thấp mình, thì người ta càng thèm khát sự công nhận, cho dù là nhờ những ảo danh hay hàng đểu. Giáo dục xóa “cái tôi” không dạy “tự ái” (yêu mình) tạo nên những con người “thiếu tình thương” trầm trọng như vậy. Khi bản thân không được nhìn nhận như là nơi cần khám phá, người ta tìm kiếm sự công nhận bên ngoài. Những cuộc săn lùng mang tính bạo lực, có khi thật ấu trĩ và thô thiển phản ảnh lại sự cấp bách và cái đói khát to lớn bên trong.
Nỗi sợ bị khinh thường, sợ không “là ai” cả, chính là nguyên nhân cho việc săn lùng và vơ vét bằng mọi giá, gây ái ngại ngượng ngùng và xấu hổ cho người đứng ngoài vì sự thô thiển, kém tinh tế. Các hunter-gatherer này (phải) bám víu cái tạm thời, khước từ việc đi vào hoang địa để nghe “tiếng kêu trong sa mạc” của Gioan tiền hô, và nhận ra mình là ai và Thiên Chúa là ai.
Tôi là ai?
Câu hỏi này liên quan trực tiếp với câu hỏi “Tôi đợi chờ ai?” – một câu hỏi Mùa Vọng đặt cho chúng ta. Tôi đánh giá mình như thế nào, cho mình là ai? Đánh giá cao quá hay thấp quá? Thiên hạ có những chờ đợi gì ở nơi tôi? Những điều đó có thực tế không? Tôi phản ứng như thế nào khi bị gán cho những danh hiệu và tài năng vượt quá mức? Tôi cảm thấy gì khi bị đánh giá thấp quá mức? Tôi có bằng lòng với sự bình thường của mình trong thế giới đa dạng đa tài của loài người? Làm thế nào để tôi cũng trở thành một kẻ dọn đường cho Chúa?
Tôi biết tôi là ai cũng có nghĩa là tôi biết Người là ai. Gioan Tiền hô biết mình là tiếng kêu trong hoang địa, còn Người mới là Đấng được chờ đợi! ●
Chú thích
[1] Trật tự nghề nghiệp thời phong kiến: sĩ nông công thương. Diễn viên và ca hát được gọi là “bọn phường chèo, con hát”. Lũ xướng ca vô loài là một tầng lớp vô luân, hoàn toàn mất hết nhân phẩm, bị khinh rẻ, không thuộc tầng lớp nào trong xã hội (Toan Oánh).