Làm cho ai ăn?

0
381
Luca (12,16-21)

Tác giả: Lm. Phêrô Nguyễn Đức Vinh, SVD

Phá cái cũ, xây cái mới 

Nếu phải phác họa một hình ảnh lý tưởng của một nhà nông, thì dụ ngôn ông phú hộ trong Tin Mừng Luca (12,16-21) cho những gợi ý ngắn gọn và đầy đủ. Thánh sử Luca kể về một nhà nông biết ăn biết làm, có tầm nhìn xa, can đảm và quyết đoán, biết nghỉ ngơi và biết thưởng thức. Sự thành đạt của ông cũng là nhờ “ruộng nương sinh nhiều hoa lợi”. Thông tin này cho biết đất đai của ông mầu mỡ, được chăm sóc kỹ càng và gặp mưa thuận gió hòa.

Mùa màng bội thu đặt ông phú hộ đứng trước một quyết định lớn, điều cho thấy tầm nhìn xa và sự quyết đoán của con người này. Không chút chần chừ, ông đã chọn một giải pháp quyết liệt: phá những cái kho cũ nhỏ và xây những cái lớn cho phù hợp với các nhu cầu và đòi hỏi mới. Ông không vì tiếc nuối cái cũ, để rồi tìm một lối giải pháp tiết kiệm – là chắp vá hay nới rộng cái đã có nhưng hết thời. Thật vậy, chỉ khi dám dứt khoát bỏ lại cái-không-còn-thích-hợp sau lưng và tiến đến bến bờ mới, người ta mới có thể đối diện với những thách đố của hiện tại.

Ông làm điều trước đó chưa có ai làm. Và thực tế cho thấy điều ông quyết định là hợp lý. Chỉ có những kho rộng mới bảo đảm rằng lượng hoa mầu lớn không bị hư hỏng và thất thoát do thiếu chỗ bảo quản thích hợp. Tập trung của cải lại một chỗ cũng tiện hơn cho việc chăm sóc và kiểm soát, giúp tiết kiệm thời gian và nhân sự. Nhưng đúng là phải có can đảm thì mới dám tách mình khỏi cái cũ, đã bảo đảm sự an toàn của cải cho đến thời điểm đó.

Chú tâm cho công việc nhưng ông nhà nông giàu có tỏ ra là một người yêu đời, chịu chơi và biết thưởng thức. Hài lòng và thỏa mãn với mùa màng, ông thúc đẩy hồn mình: “cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!” Một quan niệm sống tuyệt vời! Con người đó toát ra một niềm vui sống, biết hưởng sự sung sướng vì hiểu được rằng: “dưới ánh mặt trời, chẳng có gì tốt cho con người hơn là ăn, là uống và vui vẻ thoải mái. Đó là những thú vui gắn liền với công lao khó nhọc trong chuỗi ngày Thiên Chúa ban cho con người được sống dưới ánh mặt trời.” (Gv 8,15). Chính Đức Giêsu cũng đã khắc cốt ghi tâm lời khuyên này đến mức đã bị coi như “là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi.” (Mt 11,19; Lc 7,34).

Có thực mới vực được đạo!

Một lời nghe thật hợp lý. Bụng đói thì đầu gối phải lo mà trước đã. No bụng rồi thì mới có sức mà “vực đạo”. Phải bò là vì kiệt sức không còn có thể đứng mà đi, hoặc có khi vì buộc phải hạ trệt mình xuống như vậy để có thể tồn tại. Đạo là đường. Mà đường là để mà đi. Đi đạo là một cách nói thật hợp cho việc sống đạo. Muốn đi thì phải đứng chứ không nằm hay quỳ xuống bò; trừ khi có ai đó tình nguyện di chuyển như vậy để đền tội cho mình hay cho thiên hạ. Nói vậy, Đạo có nhiệm vụ dạy dỗ và động viên con người đứng thẳng mà đi, và giúp đứng dậy khi có ai ngã xuống. Nghĩa là giúp nhận ra giá trị của mình, là hình ảnh Thiên Chúa, và nhắc nhở lối sống tương xứng.

Đặt việc “vực đạo” nằm tách biệt sau chuyện kiếm ăn nói rằng: niềm tin và các giá trị đạo đức tôn giáo không gây ảnh hưởng gì nhiều vào những quyết định to nhỏ hằng ngày. Bụng và niềm tim không có kết nối, nên con người để cho bản năng điều khiển mọi hành động: dồn hết mọi lo nghĩ vào việc tìm cách thỏa đáp các nhu cầu cơ bản (đói khát). Sống như vậy, tính siêu nhiên như nhu cầu cuối theo Maslow[1] không được đạt đến; nó vắng mặt trong đời sống. Đây là hoàn cảnh của ông phú hộ: thiếu cái nhìn sang thế giới bên kia, vì khát khao trở nên vô biên rõ không tồn tại. Việc xa nhất ông có thể nghĩ đến sau công việc đồng áng và gom trữ là nghỉ ngơi hưởng thụ, còn điều gì có thể đến sau đó không được quan tâm.

Ông hiểu lầm khi cho rằng lo việc xác là lo luôn cả việc hồn, rằng bụng và hồn được nuôi bằng cùng một thứ lương thực. Lời ông nói với hồn mình xác minh điều đó: “Hồn ơi! mày có chán của cải, sẵn đó cho nhiều năm; nghỉ đi! ăn uống đi! hưởng đi!”[2] Khổ công gom trữ cả đời mà ông không thể “giàu nơi Thiên Chúa” vì đã sống theo lối “hai trong một” này. Ánh sáng vĩnh cữu đã không thể rọi chiếu và dẫn lối những bước gom nhặt ở đời này, ông phú hộ chịu trắng tay không vốn liếng khi (phải) bước vào thế giới vĩnh hằng. Chuyện đời người phú hộ nghe như lối sống của những người “làm việc” chỉ để là “ăn”, và vì vậy (được) “cho ăn” là yếu tố quyết định mọi chuyện lớn nhỏ. Họ hài lòng tới mức đó, và dụ ngôn này nói rằng chừng đó chưa đủ.

Quả quyết rằng no bụng là điều kiện để có thể sống đạo không đúng như mới thoáng nghe qua. Những người “sống để ăn” cách vô hồn vô tâm quên rằng: Danh dự và giá trị của con người, yêu thương, trung thành, bác ái, chân thật, tha thứ hòa giải không lệ thuộc vào tình trạng no đói của cái bụng hay vào số lượng thóc cất trong kho. Vật chất không quyết định giá trị con người, mà ngược lại. Người đi Đạo có nhiệm vụ làm chứng cho chân lý, rằng: Tất cả là hồng ân!

Đêm nay, người ta sẽ đòi ngươi trả lại hồn ngươi

Nói vậy, ông phú hộ không còn có thời gian để sửa sai và bổ sung những khiếm khuyết trong đời mình. Phần đời không được sống coi như là mất, không thể cứu vãn. Đúng là một tấn bi kịch cho một con người mẫu mực. Nhưng ông đã quên sót những gì? Không chối bỏ phần hồn, nhưng ông chỉ dành hết sự chú tâm cho công việc và các dự tính của mình. Trong câu chuyện đời người phú hộ Thiên Chúa và người khác không được nhắc đến. Đó là một độc thoại: “Tôi phải làm gì đây? Tôi sẽ làm thế này… tích trữ tất cả thóc lúa và của cải của tôi vào đó… Tôi sẽ nhủ lòng: hồn tôi hỡi, tôi bây giờ ê hề của cải…” (Lc 12,17-19). Trong khi đó, cái chết ưa đến một cách bất thình lình, ít khi cảnh báo trước. Biết vậy nên người Công giáo có một lời kinh, trong đó họ “xin ơn chết lành” – nghĩa là có đủ thì giờ và tỉnh táo để chuẩn bị cho cuộc ra đi cuối cùng. Cầu nguyện như vậy cũng là giúp sống trong ý thức về cái chết của mình. Họ được nhắc rằng: cần nhìn thẳng mặt cái chết, học làm bạn với nó để được hướng dẫn đi đúng hướng trong đời. Cái chết nhắc mở lòng để cho ánh sáng ngàn thu chiếu soi đời này, để đừng quên rằng tôi sống giữa hai thế giới và luôn trên đường.

Stock photo

Mọi suy nghĩ về về ý nghĩa và mục đích của cuộc đời, của mọi cố gắng phấn đấu và hi sinh, thường bắt đầu với câu hỏi về cái chết. Sợ chết là nguồn gốc của mọi nỗi sợ khác, theo nhận thức của các nhà suy tư xưa nay. Ai sợ thì tránh né, chối che, trốn trong đủ mọi hình thức mà con người có thể hình dung ra: trong công việc, bệnh tật, các loại nghiện ngập và vui chơi, tìm thách đố hay trong các phương cách chống lão hóa… Làm đủ mọi thứ, miễn sao đừng có phút thinh lặng nghỉ yên, để khỏi phải nhìn thẳng vào đời mình đang lặng lẽ trôi qua về hướng cái chết. Có người tìm cách đàm phán, năn nỉ xin hoãn cái chết lại vào một thời điểm khác như vua Khít-ki-gia (2 Vua 20, 1-11)[3].

Chúng ta phải học đối diện với nó, bởi vì loại bỏ ý nghĩ và các cảm giác sợ chết là chuyện không thể. Như vậy, vấn đề không phải là vượt qua hoàn toàn nỗi sợ hãi này; nó thuộc về sự sống của con người. Học cách sống chung với nỗi sợ chết là lối đi, như với một người bạn. Bước đầu tiên sẽ là tiếp xúc với nỗi sợ của mình, hầu chuyện với nó để biết chính xác hơn những gì tôi thực sự sợ. Rồi để cho nỗi sợ chết dẫn tôi đến với Thiên Chúa mỗi lần nó xuất hiện. Cái chết nhắc nhở rằng chúng ta là con người chứ không phải Thiên Chúa, là người phàm không bất tử. Nhưng trong tính hữu hạn sẽ phải chết đó, tôi tìm đến với Thiên Chúa. Vì trong Chúa, niềm khao khát cuộc sống vĩnh cửu của con người được thỏa đáp. Thật vậy, chỉ nơi Thiên Chúa hình ảnh nguyên thủy và không chỉnh sửa của tôi mới tỏa sáng trong vẻ huy hoàng đích thực của nó. Mãi mãi.

Nỗi sợ hãi trước cái chết cuối cùng cho tôi thấy điều gì thực sự quan trọng trong cuộc sống của tôi. Trước hết, không phải là tạo kỳ tích hay làm điều gì đó vĩ đại, nhưng là quy phục Thiên Chúa và trở nên thông suốt cho Thần Khí Chúa. Nếu tôi làm được điều đó, thì cuộc sống của tôi sẽ đâm hoa kết quả, và tôi sẽ để lại dấu vết rất riêng của tôi vào thế giới này.[4] Tuy nhiên, đối với hầu hết trong chúng ta, nỗi sợ chết làm tê liệt và ngăn cản chúng ta suy nghĩ rõ ràng. Ở đây, các nghi thức hay thói quen đạo đức hàng ngày phục vụ việc khắc phục nỗi sợ.

Hỏi người phú hộ đã cần phải nói chuyện đời mình như thế nào, nếu ông không muốn chỉ có lắm lúa thóc mà còn “giàu nơi Thiên Chúa”? Có lẽ ông ta nên bắt đầu câu chuyện bằng một lời chúc tụng và tạ ơn, ví dụ như trong Thánh vịnh 145: Lạy Thiên Chúa con thờ là Vua của con, con nguyện tán dương Chúa và chúc tụng Thánh Danh muôn thuở muôn đời. Ngày lại ngày, con xin chúc tụng Chúa và ca ngợi Thánh Danh muôn thuở muôn đời. Chúc tụng ngợi khen đặt Thiên Chúa lên trên, vào giữa trung tâm, bởi vì chính Chúa là Đấng ban phát mọi sự; chúng ta đón nhận tất cả từ bàn tay Chúa. Và người biết ơn thì quảng đại, sẵn sàng chia sẻ những gì mình đón nhận. Tích trữ, lập quỹ dự phòng, đóng bảo hiểm cho tuổi già, bệnh tật, cho trường hợp thất nghiệp hay rủi ro là những việc phổ biến ngày nay. Nhu cầu tự bảo vệ mình trước những nguy hiểm và rủi ro được các hãng bảo hiểm khai thác tối đa. Còn sự thật và thực tế thì luôn như vậy: Chuyện “đêm nay” không nằm trong sự chọn lựa hay quyết định của những con người có bảo hiểm hay không, mà trong tay Đấng Tạo Hóa. Chính Người đã thổi hồn vào bụi đất để chúng ta sống, và chính Người sẽ rút lại hơi thở của Người vào một thời điểm chỉ một mình Người biết.

Chú thích:

[1] Các tầng trong Tháp nhu cầu theo Maslow: (1) Các nhu cầu căn bản nhất thuộc về thể lý. (2) Nhu cầu an toàn. (3) Nhu cầu được giao lưu tình cảm và được thuộc về. (4) Nhu cầu được quý trọng, kính mến. (5) Nhu cầu về tự thể hiện bản thân cường độ cao. (6) Nhu cầu siêu việt (vượt qua chính mình), được Abraham Maslow khám phá vào cuối đời.

[2] Bản dịch của linh mục Nguyễn Thế Thuấn.

[3] Bác sĩ người Mỹ Elisabeth Kübler-Ross mô tả trong cuốn sách On Death and Dying (1969) các giai đoạn con người trải qua khi đối diện với cái chết: Từ chối, phẫn nộ, thương lượng, phiền muộn, chấp thuận.

[4] Anselm Grün, Verwandle deine Angst. Ein Weg zu mehr Lebendigkeit – Spirituelle Impulse, Freiburg 2014, 113tt.

Bài trướcAI TÍN: Ông cố Phaolô Trần Văn Lịch (thân phụ của Thầy Micae Trần Quốc Thạch,SVD)
Bài tiếp theoAI TÍN: Ông Cố Stêphanô Võ Thành Khiêm (Thân Phụ của Lm. Gioakim Võ Thành Khánh, SVD)