Đương sự và quyền của họ trong các quy định pháp lý về lạm dụng tình dục (Phần II)

0
256

Lm. Antôn Pađôva Nguyễn Thanh Hà, SVD chuyển ngữ

  1. Tác giả

3.1 Nhận diện tác giả

Về vấn đề ai có thể là tác giả của lạm dụng tình dục, các quy định ít nhiều đồng ý với nhau. Nói chung, có thể nói rằng linh mục, dù là triều hay dòng, được xem như là tác giả khả thể. Nhưng chúng ta phải phân biệt cấp độ trong việc sắp xếp vấn đề khi khởi đi từ những quy định rất hạn hẹp đến những quy định bao gồm nhiều loại người[1].

a) Các linh mục và phó tế. Nếu khởi đi từ những quy định rất chuyên biệt, chúng ta phải bắt đầu với những quy định đặt các linh mục và phó tế ở trung tâm của vấn đề, nghĩa là những người khác trong Giáo hội không phải là những chủ thể đối với những quy định này. Trong loại thứ nhất này, có những quy định của Hội đồng giám mục Pháp, Hội đồng giám mục Ai len và Hội đồng giám mục Mỹ.

Những quy định của Hội đồng giám mục Pháp (vốn chỉ là một sự tuyên bố) phân biệt trách nhiệm của các giám mục, đối với những gì liên quan đến việc giải quyết vấn đề, với khuôn mặt của các linh mục như là những tác giả của tội phạm[2]. Trong cùng ý nghĩa, những quy định của Hội đồng giám mục Ai len quy chiếu đến các linh mục, cũng như các tu sĩ[3].

Trái lại, những quy định của Hội đồng giám mục Mỹ rất rõ ràng. Chúng là những quy định duy nhất nêu ra các phó tế. Tập hợp những quy định được dẫn vào bằng sự xác định chung về những lạm dụng mà các linh mục, phó tế hay nhân sự của Giáo hội như các nhân viên hay tình nguyện viên (Essential norms) hoặc bất kỳ người nào hoạt động nhân danh Giáo hội (Charter) vi phạm[4]. Khởi đi từ điều này có thể nghĩ rằng những quy định này sẽ được áp dụng cho tất cả các loại tín hữu trong Giáo hội, nhưng đó chỉ là một sự quy chiếu chung chung để bảo đảm rằng tất cả các tín hữu sẽ được kiểm tra. Thực tế, hai văn kiện của Hội đồng giám mục Mỹ chỉ xem xét những lạm dụng mà các linh mục và phó tế vi phạm[5].

Chắc chắn khi chỉ nói đến các linh mục, thì loại bỏ bất kỳ giải thích rộng hay loại suy nào. Trong những trường hợp này, người ta thấy rõ ràng rằng đã tìm cách xác định những người đã lãnh chức thánh như là chủ thể, nhưng không phải là các giám mục. Câu hỏi nảy sinh là nếu xảy ra trong tương lai rằng một giám mục bị phát hiện phạm tội lạm dụng tình dục thì sao? Chắc chắn sẽ không có bất cứ một giải pháp nào đến từ những quy định này, và người ta phải theo những quy định chung của Bộ giáo lý đức tin.

b) Các giáo sĩ và tu sĩ. Chúng tôi tìm thấy những quy định khác bàn đến các giáo sĩ và tu sĩ. Khi nói đến giáo sĩ, thì hiểu là những ai đã lãnh nhận chức thánh, nghĩa là phó tế, linh mục và giám mục (đ. 207 §1, 1008 và 1009 §1).

Khi nói đến tu sĩ, thì hiểu là thành viên “của một hội dòng (istituto religioso) hay của một tu đoàn đời sống tông đồ được Giáo hội công giáo thừa nhận”[6] mà trong những tu hội này “họ đã tuyên lời khấn công và sống trong cộng đoàn như là anh em và chị em”[7]. Theo luận lý của điều 207 §2 thì những tu sĩ linh mục cũng được bao gồm trong phạm trù giáo sĩ. Nhưng khi nói đến các tu sĩ, người ta ám chỉ đến những người không phải là linh mục, bao gồm cả những người nam và người nữ[8].

Những quy định của Hội đồng giám mục Đức có một chút bị lẫn lộn. Bởi chúng sử dụng thuật ngữ Geistliche, vốn là một thuật ngữ chung chung, để chuyển ngữ cho từ ‘các linh mục’[9].

Có hai Hội đồng giám mục xem xét khả năng thực tế rằng một Giám mục có liên quan đến khiếu nại về các lạm dụng tình dục: Hội đồng giám mục Philippines và Hội đồng giám mục Anh. Những ai đã lãnh nhận sự tấn phong Giám mục (consacrazione episcopale) được bao gồm trong phạm trù này, độc lập với việc họ còn tại chức hay không và độc lập với việc họ ở trong giáo phận của mình hay trong giáo phận khác. Những quy định của Hội đồng giám mục Philippines, việc khiếu nại sẽ được trình bày cho vị bề trên trực tiếp, trong thực tế Tòa Thánh, vốn được đại diện bởi Sứ thần tòa thánh (Nunzio Apostolico), sẽ triệu tập một cuộc họp tại địa phương (coetus ad hoc), vốn được hình thành bởi chủ tịch Hội đồng giám mục, người đứng đầu của Ủy ban giáo sĩ (Commissione per il clero) và Ủy ban giám mục (Comitato per i Vescovi), và những người khác, để giúp đỡ chính vị Sứ thần[10]. Theo những quy định của Hội đồng giám mục Anh, thủ tục tố tục giống với thủ tục tố tụng của những vụ tố cáo khác, với bổn phận phải thông báo cho Sứ thần Tòa Thánh (Nunzio Apostolico)[11].

c) Những người hoạt động mục vụ, tình nguyện viên và nhân viên. Trong nhóm này chúng ta thấy những danh mục khác nhau. Trước hết, những quy định nói về nhân sự của Giáo hội mà không có sự phân biệt, khi quy chiếu đến quan hệ với thân thể Giáo hội, vốn “bao gồm tất cả giáo sĩ, các thành viên của các Hội dòng và mọi pháp nhân khác, nhóm, tổ chức hay hiệp hội, kể cả những tổ chức tự trị của giáo dân mà chúng được coi như là một phần của Giáo hội”[12].

Theo hướng này, những quy định của Hội đồng giám mục Thụy Sĩ, vốn nói đến những người hoạt động mục vụ, cũng bao gồm, mặc dù quy chiếu đến lĩnh vực mục vụ, trong số những người này các cộng tác viên của Giáo hội không phải là những người hoạt động mục vụ (những trợ lý xã hội, những người phụ trách thanh niên, những người giữ đồ thánh, các thư ký, …)[13].

Những quy định của Hội đồng giám mục Bỉ nói đến các cộng tác viên mục vụ, khi bao gồm tất cả những người được Giáo hội bổ nhiệm cho một nhiệm vụ mục vụ tòng thổ (giáo xứ) hay chuyên biệt (ví dụ mục vụ giới trẻ)[14]. Các linh mục và phó tế giáo phận, những phụ tá giáo xứ và những linh hoạt viên giáo dân với trách nhiệm mục vụ khác, các thành viên của các hội dòng hay của các tu đoàn đời sống tông đồ được bao gồm trong phạm trù này[15]. Sự khác biệt nằm ở chỗ là những quy định sau cùng này không xem xét những nhân viên trong một cơ sở của Giáo hội mà họ không có mối quan hệ mục vụ nhưng chỉ có mối quan hệ lao động.

3.2 Những nghĩa vụ và quyền của các bị cáo

Trong mục này, chúng tôi muốn nghiên cứu những nghĩa vụ và quyền mà những người bị tố cáo với nhà chức trách về việc đã lạm dụng tình dục có được, trong khi tội của họ chưa được chứng minh. Chúng ta phải phân biệt hai hoàn cảnh khác nhau: thời gian nghi ngờ và thời gian bị truy tố.

Thời gian nghi ngờ bắt đầu vào lúc mà một người trình lời tố cáo và người mà lời tố cáo ấy yêu cầu chống lại chưa nhận được thông báo. Mọi lời tố cáo phải được lắng nghe cách thận trọng, nhưng phải tránh việc đi theo mọi tiếng nói khả thể và phải cân nhắc cách cẩn thận những lời tố cáo nặc danh[16]. Việc đánh giá trọng lượng của lời tố cáo là rất quan trọng, bởi vì nó không luôn luôn là thật và bởi vì tiến trình tố tụng được khởi sự làm cho thanh danh của người bị tố cáo gặp nguy hiểm và nó có thể gây ra một sự thiệt hại không thể sửa chữa[17]. Trong trường hợp bắt đầu điều tra, để tránh sự rò rỉ thông tin có thể xảy ra, việc nghiên cứu sẽ phải không được mâu thuẫn với nhau, để tránh rằng chính người phạm tội có thể làm ô nhiễm các bằng chứng[18]. Quan trọng là vị Bề trên, hay người sẽ làm điều tra, trước tiên được thông báo về bản chất của các nghĩa vụ của người bị tố cáo, cũng như bản chất của các ý định thật sự của người tố cáo[19].

Trong thời gian truy tố, quyền hiển nhiên đầu tiên là quyền bào chữa (diritto alla difesa). Quyền này được cụ thể hóa trong quyền được nhận thông báo về sự tố cáo được trình để chống lại họ[20]. Dĩ nhiên điều này giả thuyết việc biết bản chất của hành vi tố cáo và, nếu không có gì trái ngược, căn cước của người tố cáo. Mặc dù có thể có vẻ hiển nhiên, người bị tố cáo có quyền được thông báo về các quyền của họ, quyền được giữ im lặng, và quyền bác bỏ mọi sự tố cáo khi bắt đầu tiến trình tố tụng giáo luật[21].

Hệ quả của quyền bào chữa, và gắn liền với sự suy đoán vô tội, là quyền có những khả năng tương tự của phía bên kia, chẳng hạn như việc biết tất cả những điều mà phía tố cáo đã nói về các sự kiện[22]; hay có những khả năng kháng án tương tự chống lại những quyết định của nhà chức trách[23].

Phần quan trọng của quyền bào chữa là khả năng về sự hổ trợ: hổ trợ pháp lý (vừa dân sự vừa giáo luật), hổ trợ thiêng liêng (bí tích) và hổ trợ tâm lý[24].

Sự suy đoán vô tội, vốn nằm trong nền tảng của quyền được ứng xử như người vô tội, đòi hỏi phải có khả năng thực tế rằng sự suy đoán được cụ thể hóa cách trọn vẹn. Điều này xảy ra ở quyền được lắng nghe bởi các vị bề trên[25], hay ở quyền không bị trừng phạt trên cơ sở lời tố cáo mà không có điều tra và một thủ tục tố tụng đúng đắn[26].

Theo hướng này, chúng tôi nghĩ rằng việc làm nổi bật quyền của người bị tố cáo đối với thủ tục tố tụng kép (doppio processo) song song là quan trọng. Tại một số quốc gia, sự tố cáo dân sự là một điều bắt buộc, và điều này được quy định bởi chính những quy định pháp lý của giáo hội[27], một vài quốc gia quy định việc hoãn điều tra giáo luật khi việc điều tra dân sự đang diễn ra để không can thiệp vào nó[28]. Nhưng điều này không miễn cho nhà chức trách giáo hội khỏi trách nhiệm tiến hành một tiến trình tố tục độc lập với kết quả của tiến trình tố tụng dân sự. Độc lập không chỉ liên quan đến sự vô tội hay không, nhưng còn không dùng những biện pháp giáo luật trên cơ sở quyết định dân sự[29].

Trong suốt tiến trình tố tụng, bắt đầu với việc tố cáo, phải quan tâm đến việc bảo vệ thanh danh của người bị tố cáo, cũng như thanh danh của người tố cáo. Điều này diễn ra với sự bảo vệ bí mật nhiệm vụ mà các điều tra viên phải chấp hành trong mỗi thời điểm, với sự cẩn thận được đề xuất cho những người nhận tố cáo, theo nghĩa không làm những việc điều tra để không báo động cộng đoàn cách vô ích[30], và với thực tế là chỉ có một người để thông báo cho các phương tiện truyền thông[31].

Bên cạnh những quyền này, cũng phát sinh các nghĩa vụ. Nếu việc điều tra sơ bộ được bắt đầu và nhà chức trách thấy rằng có những cơ sở trong việc tố cáo, vấn đề đầu tiên được đặt ra là phải thực hiện những biện pháp bảo vệ để bảo đảm tiến trình tố tụng. Những quy định của Mỹ rất minh bạch, khi quy định việc sa thải ngay lập tức khỏi tác vụ, chức vụ hay chức năng, việc bắt buộc ở tại một chỗ nhất định và việc cấm không tham gia vào Thánh lễ cách công khai cho đến khi tiến trình tố tụng được kết thúc[32].

Trái lại, những quy định khác đã dành việc xác định cho sự khôn ngoan của vị Bề trên, vốn sẽ phải đánh giá rằng biện pháp bảo vệ nào là thích hợp để bảo đảm rằng sự nguy hiểm cho các trẻ em không còn nữa, nhưng luôn quan tâm đến việc bảo vệ thanh danh của những người bị tố cáo[33].

Về việc đánh giá tâm lý, người ta nói đến việc này bằng những thuật ngữ khác nhau. Nhìn chung, trong giai đoạn tố tụng này, người ta đưa ra một đề nghị hầu có thể giúp cho việc đánh giá nhân cách của người bị tố cáo. Việc đánh giá sẽ phải diễn ra theo cách thực sự được người bị tố cáo và các vị bề trên chấp nhận, vốn phải được thực hiện bởi những chuyên gia trong lĩnh vực này[34].

Để hổ trợ cho sự minh bạch của tiến trình tố tụng, quan trọng là người bị tố cáo không có bất kỳ tiếp xúc nào với người tố cáo, với nạn nhân, với cha mẹ của nạn nhân, trong khi cuộc điều tra đang được tiến hành[35].

3.3 Tình trạng của người phạm tội

Tiến trình tố tụng đã được hoàn thành, và từ các chứng hay lời tự thú, người bị tố cáo được coi là phạm tội. Những quy định pháp lý khác nhau dự kiến gì về điều này? Ba điểm cần phải giải quyết: việc điều trị tâm lý, việc sửa chữa các thiệt hại và khả năng quay trở lại tác vụ, trong trường hợp đó là các thừa tác viên.

3.3.1 Việc điều trị tâm lý

Nói chung, nhóm các quy định pháp lý thứ nhất không xem xét vấn đề này (Bỉ, Chi lê, Pháp, Thụy sĩ và Mỹ).

Nhóm các quy định pháp lý thứ hai dự kiến điều ấy như là điều kiện đầu tiên để xem xét việc đưa trở lại thừa tác vụ, bởi những lạm dụng tình dục, đối với trẻ em hay không, cho thấy cách chắc chắn rằng có ít nhất một sự mất quân bình về mặt tình cảm, mà nếu không được đối diện thì sẽ làm cho sự an toàn của các nạn nhân tương lai sẽ gặp nguy hiểm. Việc trị liệu này sẽ được tiến hành bằng một sự đánh giá để xác định mức nghiêm trọng của sự rối loạn[36], tại vì, như chúng ta đã thấy ở trên (2.3), có một sự khác biệt lớn giữa ấu dâm, vốn không thể phục hồi được, thanh thiếu niên dâm (efebofilia), vốn có thể thay đổi được một phần, và những sự rối loạn khác không nghiêm trọng[37].

Việc trị liệu này thực sự là điều kiện cần thiết (condizione sine qua non) để trở lại thừa tác vụ. Trước hết, người ta giả thuyết một sự thừa nhận trách nhiệm của mình trong những việc đã làm và sự gian ác của chúng[38], và sự phát triển các khả năng cảm thông với nạn nhân[39]. Từ sự thay đổi này, tự nhiên sẽ nảy sinh ước muốn sửa chữa những thiệt hại đã gây ra cho nạn nhân và cho cộng đoàn Giáo hội.

Việc điều trị này không chỉ nhắm đến sự trở lại thừa tác vụ của đương sự, bởi vì, nếu đương sự tỏ ra không có khả năng tuân thủ đức khiết tịnh và vì thế có nguy cơ tái xảy ra cao, bấy giờ sự điều trị sẽ phải nhằm giúp cho đương sự trong tiến trình hồi tục[40].

Hiển nhiên, việc điều trị này không chấm dứt với sự trở lại thừa tác vụ của linh mục, nhưng nó phải tiếp tục theo kiểu giám sát, kiểm soát, để giúp vị linh mục ấy đối diện với không chỉ chính sự trở lại, mà còn với những áp lực mà vị linh mục ấy sẽ chịu bởi dư luận xã hội[41].

3.3.2 Việc sửa chữa các thiệt hại

Chỉ có ít quy định pháp lý đề cập đến về vấn đề này, không phải tại vì không quan tâm, nhưng tại vì trong vấn đề này các quy định phap lý ấy quy chiếu đến luật chung của nhà nước hay của Giáo hội (đ. 128). Gần như tương tự, các quy định pháp lý của Áo và Tân Tây Lan xác định rằng người phạm tội phải đối diện với vấn đề bồi thường cho các thiệt hại vừa cho nạn nhân vừa cho cộng đoàn[42]. Thuật ngữ được sử dụng thật là thú vị, vì không nói đến việc sửa chữa các thiệt hại, nhưng nói đến sự đền bù (restitution). Thuật ngữ này nói đến hành động mà qua đó đương sự khôi phục lại cho người kia một điều gì đó thuộc về họ.

Hiển nhiên, khi nói đến sự trả lại, thì trước hết nó ám chỉ đến việc bồi thường kinh tế bằng cách hổ trợ những chi phí y tế, đặc biệt là những chi phí điều trị tâm lý, nghĩa là trả lại cho đương sự điều mà đương sự đã tiêu tốn cho việc chữa trị bản thân họ. Chắc chắn pháp lý dân sự cũng giải quyết những phương diện này.

Còn điều gì khác phải hoàn trả không? Đâu là những thiệt hại phải sửa chữa? Nếu chúng ta xem phần dẫn nhập của những văn kiện này, chúng khẳng định rằng những lạm dụng tình dục đã gây thiệt hại nghiêm trọng cách trực tiếp cho những nạn nhân trong sự phát triển toàn diện của họ về mặt thể lý, tâm lý và thiêng liêng. Hơn nữa, chính cộng đoàn đã là nạn nhân cách gián tiếp vì sự mất tin tưởng vào thừa tác vụ, khi đó là một linh mục hay sự mất tin tưởng vào tổ chức, khi đó là một nhân viên hay tình nguyện viên của Giáo hội. Theo những cách thức khác nhau, ở đây người ta nói đến sự bê bối được thể hiện trong những hành vi tách rời khỏi chính Giáo hội này.

Có những thiệt hại khác phải sửa chữa không? Đâu sẽ là cách thức thích hợp hơn để Giáo hội làm điều đó? Làm thế nào để sửa chữa thiệt hại được gây ra cho cộng đoàn? Chúng ta sẽ quay lại những vấn đề này thêm nữa[43].

3.3.3 Việc trở lại thừa tác vụ

Về khả năng quay trở lại thừa tác vụ, chúng tôi thấy hai nhóm được phân định khác rõ ràng. Nhóm các quy định pháp lý thứ nhất, trong đó có các quy định của Mỹ, từ chối cách tuyệt đối khả năng này, khi khẳng định cách dứt khoát rằng các giám mục giáo phận sẽ phải dùng quyền lãnh đạo của họ để bảo đảm rằng không một linh mục hay phó tế nào, vốn đã chỉ phạm một hành vi lạm dụng tình dục đối với một trẻ em, tiếp tục thừa tác vụ của mình[44].

Tinh thần ấy được tìm thấy trong những quy định pháp lý khẳng định rằng các người phạm tội sẽ không có nữa quyền đối với vấn đề mà họ đã lạm dụng, nhưng nó không rõ ràng nếu điều đó không bao hàm cách tức khắc việc mất bậc giáo sĩ như các quy định pháp lý của Mỹ quy định[45].

Những quy định pháp lý vẫn còn mở ngõ cho khả năng quay trở lại thừa tác vụ, nhưng thừa nhận rằng khả năng này luôn xa vời; người ta nói không thể có một quy định pháp lý khả thể áp dụng cho tất cả các trường hợp; mỗi trường hợp sẽ phải được xem xét trong chính nó[46]. Điều kiện của khả năng này là sự thành công của việc trị liệu tâm lý, từ đó sẽ đi đến một ý kiến hướng dẫn vị giám mục trong việc quyết định phải lấy, bởi vì chính ngài là người chịu trách nhiệm cuối cùng đối với quyết định này[47].

Đây là những tiêu chuẩn mà các quy định pháp lý đưa ra cho các giám mục đối với quyết định này:

  • điểm khởi đầu tốt có thể là điểm khởi đầu được các quy định pháp lý của Philippines đưa ra: trong chừng mực mà trong đó có khả năng tối thiểu, thì tìm cách “cứu lấy thừa tác vụ”[48];
  • đương sự liên can đã thực hiện cách thỏa đáng việc điều trị tâm lý trong thời gian nhất định, khi có thể cảm thông với nạn nhân và thể hiện ước muốn quay trở lại thừa tác vụ[49];
  • ý kiến của người trị liệu tâm lý tích cực, nghĩa là sự chẩn đoán đưa ra khả năng quay trở lại thừa tác vụ, bởi vì có thể tin tưởng về sự thay đổi đời sống của hối nhân và về sự giảm thiểu khả năng tái phạm[50];
  • có khả năng thực hiện một sự giám sát đối với việc trở lại cộng đoàn của thừa tác viên;
  • trong một vài trường hợp, người ta đề nghị sự hiện diện của một nhóm có khả năng giúp đỡ đương sự trong tiến trình của họ[51];
  • chắc chắn rằng đương sự sẽ không đi đến tiếp xúc với những đối tượng có nguy cơ;
  • có ý kiến ủng hộ của đa số các linh mục giáo phận;
  • hơn nữa, có ý kiến ủng hộ của nạn nhân và của cộng đoàn[52].

Một khi đã quyết định cho trở lại thừa tác vụ, cũng sẽ phải xác định:

  • nơi ở của linh mục hay tu sĩ, vốn hiển nhiên không phải là nơi mà các sự việc đã xảy ra hay là nơi mà sự bê bối vẫn còn[53];
  • các điều kiện giám sát;
  • về phía thừa tác viên, sự chấp nhận cam kết không tiếp xúc với những đối tượng có nguy cơ;
  • sự phải chấp nhận cung cấp thông tin về các sự việc cho nhà chức trách của nơi mà đương sự sẽ cư ngụ;
  • sự cam kết rằng sự vi phạm các điều khoản này sẽ gây ra sự bãi nhiệm khỏi nhiệm vụ mới của đương sự[54].

3.4 Trong những trường hợp nghi nhờ hay tố cáo sai

Tình trạng cuối cùng mà các quy định pháp lý trình bày là tình trạng mà trong đó, sau khi đã điều tra sơ bộ, không thể làm sáng tỏ các sự kiện, hay thấy rằng việc tố cáo là sai.

Trước tiên, có thể xảy ra rằng nhà chức trách dân sự đã quyết định không tiếp tục tiến trình tố tụng vì thiếu chứng cứ. Điều này không muốn nói rằng tiến trình tố tụng giáo luật phải kết thúc. Như chúng ta đã nói, nhà chức trách Giáo hội phải chịu trách nhiệm trước tiên trong việc tiếp tục làm sáng tỏ hết sức có thể để tránh nguyên cơ tái phạm tội.

Mỗi khi còn nghi ngờ, các đương sự bị tố cáo vẫn còn ở dưới sự kiểm soát. Điều này có nghĩa rằng sẽ phải tiếp tục việc điều tra theo một cách thức nào đó[55]. Nếu sự nghi ngờ được khơi lên bởi một số người, thì có thể đã có những hành vi táo bạo gây ra sự chú ý lớn hơn[56]. Vị giám mục sẽ phải quyết định xem việc đương sự đó quay trở lại thừa tác vụ của mình có thích hợp không, đặc biệt là xem điều này có hàm chứa sự tiếp xúc với các đối tượng có nguy cơ không, hay xem việc đình chỉ điều đó cho đến khi vấn đề được giải quyết là thích hợp[57].

Trong trường hợp mà thấy sự vô tội của người bị tố cáo, thì trước hết nhà chức trách sẽ phải tái hòa nhập đương sự vào trong trách nhiệm hay thừa tác vụ của họ; hơn nữa, phải tiến hành cách biện pháp để trả lại tiếng tốt cho người bị tố cáo[58]. Những hành vi này sẽ phải được cụ thể hóa như một dấu chỉ của sự đánh giá cao và của sự xin lỗi từ phía nhà chức trách đối đương sự bị tố cáo cách sai lầm. Chẳng hạn, những quy định của Hội đồng giám mục Philippines đề nghị phát hành một bài viết có lợi cho người vô tội, hay đưa ra một sự tố cáo chống lại người tố cáo sai, hay làm cho chính các phương tiện truyền thông đã làm phát tán thông tin tố cáo tham dự vào việc lấy lại thanh danh cho người bị tố cáo, v.v…[59]

  1. Về các nạn nhân

Như chúng tôi đã nói nhiều lần, trong mỗi tình huống mà tương quan mục vụ bị làm ô nhiễm bởi yếu tố tình dục theo cách nào đó, luôn luôn có một nạn nhân. Theo mục đích nghiên cứu của chúng tôi, không chỉ quan tâm đến những lạm dụng trẻ em, nhưng đến tất cả các lạm dụng, nơi mà tương quan phụ tử linh mục hay tương quan giúp đỡ chuyên nghiệp bị đỗ vỡ qua việc khai thác người khác cho những mục đích cá nhân.

Người bị lạm dụng, vốn có thể là một trẻ em và nhiều lần là người làm nảy sinh sự tố cáo, là đối tượng chính mà hầu hết tất cả các quy định pháp lý hướng đến trong phần đầu tiên. Như thể, chúng phải trả lời cho câu hỏi: “chúng ta có thể làm gì cho những người đã chịu đau khổ này?”.

Điều đầu tiên là bày tỏ những lời xin lỗi của cộng đoàn Kitô giáo mà vị Giám mục đại diện đối với những điều mà các nạn nhân đã chịu đựng đau khổ, vừa về mặt thể lý vừa về mặt tình cảm[60], vì sự thinh lặng mà nhiều lần những trường hợp này đã được bao che để không đem ra giải quyết, khi thừa nhận điều này như là một sự thiếu xót nghiêm trọng.

Điều thứ hai được tạo nên bởi nhu cầu thay đổi thái độ đã có cho đến bấy giờ, khi đón nhận tất cả các lời tố cáo, các tiếng tăm, và những sự nghi ngờ về các sự việc cụ thể và những lạm dụng khả thể[61]. Điều đó muốn chứng tỏ rằng cộng đoàn Kitô giáo đã thực hiện nghiêm túc vấn đề và sẵn sàng đưa ra một câu trả lời rõ ràng, dứt khoát và cụ thể, thông qua tất cả các cơ cấu đón nhận, hổ trợ cho việc điều tra, v.v…

Một biểu hiện của sự thay đổi, vốn có vẻ tiêu biểu, là việc khuyến cáo rằng không có cách nào để đe dọa người tố cáo[62], không tỏ thái độ thương xót bằng bất cứ cách nào[63], khi làm theo cách nào đó để có thể cho họ thấy tất cả những bước phải được thực hiện là gì, các quyền của họ là gì, và cách thức hoạt động theo luật của Giáo hội[64]. Trong các quy định pháp lý khác, người ta quy định rằng có một hay nhiều người được chuẩn bị cách đặc biệt trong lĩnh vực này để đem đến sự hổ trợ về tâm lý, mục vụ và luật pháp cho người tố cáo[65].

Khi một hành vi lạm dụng được thực hiện, không chỉ người bị lạm dụng trực tiếp chịu tổn thương, nhưng còn có những người thân của họ, cũng như những người thân của người bị tố cáo và cộng đoàn địa phương, nơi mà đương sự này đã hoạt động hay tham gia, và linh mục đoàn trong giáo phận ấy hay cộng đoàn lao động[66]. Do đó, cũng phải sẵn có những cơ cấu để đồng hành với những người thân trong gia đình trong suốt tiến trình tố tụng và giúp đỡ họ trong việc chữa trị của mình[67].

Đối với các giáo xứ, khi linh mục xứ bị tố cáo, hậu quả có thể là khủng khiếp, cho nên quan trọng là Giám mục kiểm soát tình hình để dự kiến không chỉ cho việc quản trị tạm thời giáo xứ, mà còn cho việc phục hồi cộng đoàn[68]. Về việc quản trị, nó được đề xuất giao cho những cha xứ của các giáo xứ gần đó, các đồng nghiệp cũ của người bị tố cáo, khi đã có trước tất cả các thông tin về vấn đề để đến lượt họ có thể trao nó cho cộng đoàn[69].

Còn ở cấp độ mục vụ, sự gần gũi của Giám mục là vô cùng quý giá, thông qua sự thăm viếng nào đó để tìm kiếm những người giáo dân, mỗi khi điều đó cần thiết, và khi chuẩn bị theo nhu cầu của họ một chương trình mục vụ chữa trị, canh tân đời sống thiêng liêng, đôi khi cấy một nhiệm vụ phổ quát, v.v…[70]

Mục đích của những hoạt động này phải là gì? Về cơ bản, giúp cho người giáo dân đối diện vấn đề để đi đến sự hòa giải, điều muốn nói là sự tha thứ. Những quy định của Hội đồng giám mục Ai len khẳng định cách khôn ngoan rằng trước các lạm dụng, một vài người cho rằng những sự giúp đỡ và hổ trợ cho các người phạm tội được đặt không đúng chỗ. Mong muốn của họ là trừng phạt những người phạm tội vì những việc đã làm, và có lẽ là loại bỏ những người phạm tội cách tuyệt đối bằng cách gạt bỏ ra bên lề xã hội những người ấy. Điều này dễ hiểu, và Giáo hội không thể thực hiện mà không quan tâm đến điều này, nhưng nó trái ngược với sứ điệp tình yêu và sự hòa giải mà Tin mừng đề nghị[71].

Đó không phải là chấp nhận cách không phê phán những điều mà người lạm dụng đã làm, bởi vì điều đó sẽ là một sự từ chối hay giảm thiểu một vấn đề rất nghiêm trọng, vốn có thể gây nguy hiểm cho những người khác. Đó không phải là ép buộc cộng đoàn chấp nhận người ấy cách mới mẻ như thể không có gì xảy ra. Tìm cách làm cho cộng đoàn hiểu rằng từ thái độ mang tính Tin mừng người ta có thể đi đến sự giúp đỡ cho vị chủ chăn bị trừng phạt mà muốn thay đổi đời sống của mình, để cho vị ấy có thể thấy rằng có một lối sống khác, vốn được ban tặng bởi những người mà chính vị ấy đã phục vụ.

(Xin đón đọc tiếp theo: Phần III)

[1] Tiêu chuẩn được dùng là nguyên tắc giải thích hẹp của các luật hình sự (đ. 18), khi ý thức sự khó khăn của việc dịch những thuật ngữ này từ những ngôn ngữ khác.

[2] “Khi người tấn công là một linh mục, có một sự phản bội kép […] Trách nhiệm của giám mục, trong lĩnh vực này, là rõ ràng và tế nhị. Ngài không thể và không muốn trở nên bị động, còn không che đậy những hành vị phạm tội […]. Các linh mục đã phạm tội ấu dâm phải chịu trách nhiệm về những hành vi của mình trước công lý” (Lorsque l’agresseur est un prêtre, il y a une double trahison […] La responsabilité de l’évêque, en ce domaine, est à la fois claire et delicate. Il ne peut ni ne veut rester passif, encore moins couvrir des actes délictueux […]. Les prêtres qui se sont rendus coupables d’actes à caractère pédophile doivent répondre de ces actes devant la justice). Pháp, Cuộc họp khoáng đại [Assemblée plénière] (cf. nt. 9).

[3] Cf. Ai len (cf. nt. 8), 15.

[4] Cf. Mỹ, Những quy định thiết yếu [Essential Norms] (cf. nt. 34) và Mỹ, Hiến chương để bảo vệ [Charter for the Protection] (cf. nt. 6), điều 1. Trong kết luận của Hiến chương chúng ta thấy sự thừa nhận rằng các giám mục cũng đã liên quan đến các lạm dụng tình dục. Cf. Hiến chương để bảo vệ [Charter for the Protection] (cf. nt. 6), Kết luận.

[5] Cf. Mỹ, Những quy định thiết yếu [Essential Norms] (cf. nt. 34), 2,3,6,9,10 và 12; Id, Hiến chương để bảo vệ [Charter for the Protection] (cf. nt. 6), điều 5. Những hướng dẫn trước đó của Hội đồng giám mục Anh đã có công thức này: “Trong trường hợp một giáo sĩ (chẳng hạn, một phó tế hay linh mục) bị phát hiện phạm tội lạm dụng trẻ em […]”. Anh, Sự lạm dụng trẻ em [Child abuse] (cf. nt. 14), chương 2, 3, III. Ở đây, chắc chắn sự phân biệt giữa linh mục và giám mục bên trong thuật ngữ giáo sĩ là rõ ràng.

[6] “§ 7. Trong thuật ngữ của Giáo hội, hàng giáo sĩ (clergy) hay giáo sĩ (cleric) ám chỉ đến những ai, khi đã lãnh Bí tích truyền chức thánh, đã được bổ nhiệm để thực hiện thừa tác vụ chính thức và công cộng bên trong và nhân danh Giáo hội. Họ là các phó tế, linh mục và giám mục […]”. Philippines (cf. nt. 5), đoạn 7. “2.12 Giáo sĩ (cleric) ám chỉ đến bất kỳ ai đã được truyền chức phó tế và được nhập tịch vào một giáo phận hay hội dòng hay tu đoàn đời sống tông đồ”. Tân Tây Lan (cf. nt. 18), 2.12 và 2.17. Đáng chú ý là những quy định của Tân Tây Lan, khi chúng đưa ra định nghĩa về giáo sĩ và tu sĩ, chúng bao cách minh nhiên các chủng sinh và các tu sĩ trong giai đoạn đào tạo. Cf. ibid. 2.12 và 2.17. Những quy định của Chi lê chỉ nói đến các giáo sĩ và các tu sĩ mà không đưa ra một định nghĩa. Cf. Chi lê, Thông cáo báo chí (cf. nt. 18).

[7]Religious are members of religious institutes who have pronounced public vows and live in common with brothers and sisters”. Philippines (cf. nt. 5), đoạn 7.

[8] “Những hướng dẫn mục vụ này bao gồm những người được truyền chức thánh, cả giáo sĩ triều và giáo sĩ dòng, và cũng ám chỉ đến họ như là hàng giáo sĩ hay các giáo sĩ”. Philippines (cf. nt. 5), đoạn 7. Mặt khác, những quy định của Canada, có vẻ nói đến cả hai phạm trù này, nghĩa là linh mục và tu sĩ. Thật thế, những quy định này đặt các linh mục và các tu sĩ chung với nhau trong phần mô tả. Trái lại trong phần kiến nghị, như đoạn đầu tiên nói, những quy định này được đưa ra cho các linh mục phải được áp dụng với những thích nghi cho các phó tế và các tu sĩ. Cf. Canada, Từ đau khổ đến hy vọng (cf. nt. 16), 45. Những quy định của Ai len quy chiếu cách minh nhiên đến những người nữ như những người khả thể được ám chỉ trong những khiếu nại này. Cf. Ai len (cf. nt. 8), 16, 33 và 43.

[9] Cf. Đức (cf. nt. 12), Dẫn nhập.

[10] Cf. Philippines (cf. nt. 5), đoạn 22.

[11] Cf. Anh, Xem xét lại việc bảo trẻ em (cf. nt. 14), 4.13. Tiếp tục quy định này khi nói rằng hệ thống hành chính có hiệu lực đối với tất cả cũng phải được áp dụng cho các giám mục, bằng cách mời những người này ký quyết định này.

[12] “Church body includes a diocese, religious institute and any other juridical person, body corporate, organisation or association, including autonomous lay organisations, that are generally perceived to be part of the Catholic church. Church personnel includes any cleric, member of a religious institute, employee or volunteer who is connected with a Church body”. Úc (cf. nt. 6), 7.

[13] Cf. Thụy Sĩ (cf. nt. 11), 17.

[14] “La compétence de la Commission reste limitée aux collaborateurs pastoraux qui ont été nommés par l’Église dans des fonctions pastorales territoriales (paroisses) ou spécialisées (p.ex. mouvement de jeunesse)”. Bỉ (cf. nt. 7), 4.1.

[15] “La Commission est saisie des cas d’abus sexuels commis dans le cadre de l’exercice de relations pastorales où sont impliquées les catégories de personnes énumérées ci-après: 10 les prêtres et diacres diocésains; 20 les assistants paroissiaux et autres animateurs laïcs en responsabilité pastorale territoriale ou spécialisée; 30 les membres d’instituts religieux ou de sociétés de vie apostolique”. Bỉ (cf. nt. 7), điều 11.

[16] Cf. Hội đồng giám mục của Anh và xứ Wales, Một chương trình hành động. Báo cáo cuối cùng của Việc tái xem xét độc lập vấn đề bảo vệ trẻ em trong Giáo hội công giáo tại nước Anh và xứ Wales (A programme for action. Final Report of the Independent Review on Child Protection in Catholic Church in England and Wales), 09.2001 [http://217.19.224.165/frameset.htm], 2.10.5.

[17] Cf. Bỉ, Xử lý các khiếu nại (cf. nt. 7), 6. “Các nhà chức trách giáo hội có thể nhận thức về những tin đồn, những lời đồn thổi hay những cáo buộc nhắm vào một linh mục hay người khác với các hoạt động hay trách nhiệm liên quan đến Giáo hội, vốn bao gồm trong hành vi thỏa hiệp. Cá nhân quan tâm. Cá nhân liên quan không nên thường xuyên bị thách đố bởi Giám mục, người đại diện của ngài hay bất cứ người nào khác, nhằm xác định xem liệu có cơ sở hợp lý để tin rằng lạm dụng đã xảy ra” (Church authorities may be made aware of rumours, gossip or allegations which point to a priest or other person with Church related activities or responsibilities being involved in compromising behaviour. The individual concerned should not ordinarily be challenged by the Bishop, his representative or anyone else, with a view to determining whether there are reasonable grounds for believing that abuse has occurred). Anh, Sự lạm dụng trẻ em (cf. nt. 14), số 2. Một vài quy định pháp lý quy định rằng, trong giai đoạn này, người bị nghi ngờ tuyệt đối không phải nhận thông báo, để tránh rằng nạn nhân, vốn chỉ muốn những lời xin lỗi, có thể thỏa thuận với người này (người bị nghi ngờ) và không tố cáo với cảnh sát, khi không tính đến rằng những người khác có thể bị nguy hiểm. Anh, Xem xét lại việc bảo vệ trẻ em (cf. nt. 14), 4.5.

[18] Cf. Philippines (cf. nt. 5), đoạn 36. B. “Việc điều tra sơ bộ phải thận trọng. Điều này nhằm đảm bảo rằng bất kỳ cuộc điều tra chính thức nào cũng không bị cản trở bởi bên phạm tội, vốn là người bị cảnh cáo trước và cố gắng bóp méo chứng cứ hoặc đe dọa các nhân chứng” (The preliminary investigation must be circumspect. This is to ensure that any official investigation is not impeded by a guilty party who is forewarned and attempts to distort the evidence or threaten witnesses). Anh, Sự lạm dụng trẻ em (cf. nt. 14), số 2.

[19] Cf. Ai len (cf. nt. 8), 4.5.6 và 4.4.6.

[20] Cf. Úc, Hướng đến việc chữa lành (cf. nt. 6), 6.4; Ai len (cf. nt. 8), 4.5.8; Tân Tây Lan (cf. nt. 18), 4.9; Philippines (cf. nt. 5), đoạn 36.C.

[21] Cf. Tân Tây Lan (cf. nt. 18), 4.11. Không rõ ràng về loại thủ tục tố tụng được bàn luận đến: nếu đó là sự bôi nhọ chống lại lời tố cáo sai hay đó là một sự xúi giục đến một thủ tục tố tụng, vốn xác định sự thật của lời tố cáo.

[22] Điều này có vẻ không được thể hiện cách rõ ràng trong các quy định của Tân Tây Lan, nơi mà điều đó được nói cách rõ ràng rằng những khai báo của người bị tố cáo sẽ được xem xét bởi người tố cáo, nhưng chúng ta phải giả thuyết rằng người tố cáo sẽ xem tất cả những điều mà bên kia đã nói. Cf. Tân Tây Lan (cf. nt. 18), 4.16.

[23] Cf. Tân Tây Lan (cf. nt. 18), 5.1 – 5.6. Ngược lại, nếu chúng ta xem xét những quy định của Úc, chúng ta xem tất cả mục về sự xem lại thủ tục tố tụng, mà trong đó đối tượng chỉ là người tố cáo. “Việc xem xét lại thủ tục tố tụng được sẵn sàng đối với những người khiếu nại không thỏa mãn với những quyết định mà nhà chức trách Giáo hội đưa ra trong sự liên hệ đối với bất kỳ phương diện nào của người khiếu nại”. Úc (cf. nt. 6), 8.1.

[24] Cf. Mỹ, Những quy định thiết yếu (cf. nt. 34), 6; Anh, Xem xét lại việc bảo vệ trẻ em (cf. nt. 14), 4.19 và 45; Tân Tây Lan (cf. nt. 18), 4.10 (trợ giúp bí tích) 4.14 (trợ giúp pháp lý). “Phải chú ý cách cẩn thận đối với phúc lợi thiêng liêng và tình cảm của người bị tố cáo. Điều này phải trải dài trong suốt thời gian điều tra một cáo buộc và vượt qua sự xác định nào được thực hiện đối với nó”. Ai len (cf. nt. 8), tr. 15.

Nhưng sự hổ trợ bí tích loại trừ khả năng rằng một người nào đó trong số những người có liên quan với danh nghĩa nhà chức trách trong thủ tục tố tụng có thể nghe lời thú tội của người bị tố cáo. Cf. Canada (cf. nt. 16), Phụ lục 3.3; Tân Tây Lan (cf. nt. 18), 4.10.

[25] Cf. Bỉ (cf. nt. 7), đ. 25.

[26] Cf. Ai len (cf. nt. 8), 4.7.1.

[27] Ví dụ, Mỹ, Canada, Anh, Ai len. Ngược lại, nó không bắt buộc tại Chile, Tân Tây Lan, Philippines, Thụy sỹ, v.v…

[28] Không còn rõ ràng khi điều tra giáo luật có thể can thiệp vào điều tra dân sự.

[29] “Nếu một trường hợp đã được giải quyết ở tòa dân sự và người bị tố cáo được nhận thấy là có tội, trách nhiệm của người ấy nơi tòa giáo luật vẫn phải được thiết định”. Philippines (cf. nt. 5), 40. Ví dụ trong một quy định của Hội đồng giám mục Anh, người ta đã quy chiếu đến việc mất bậc giáo sĩ cách tự động nếu hình phạt dân sự đã đến 12 tháng. Cf. Anh, Xem xét lại việc bảo vệ trẻ em (cf. nt. 14), 4.22 và 50, về sau được phê chuẩn nhưng với ít hiệu lực bởi Id., chương trình hành động (a programme for action) (cf. nt. 59), 2.10.21. Cũng hãy xem Canada (cf. nt. 16), VII. Những nhận xét sơ bộ, 4.

[30] Cf. Chilê (cf. nt. 18), 1.c và 1.d; Úc (cf. nt. 6), 6.13.

[31] “Những mối quan hệ truyền thông đại diện cho giáo phận hay dòng tu nên được xử lý bởi một người xác định, vốn nên có sự đào tạo thích hợp. Điều quan trọng là việc phản hồi của truyền thông phải xem xét đầy đủ: việc bảo vệ quyền của các nạn nhân đối với sự riêng tư; quyền của người bị tố cáo về một sự xét xử công bằng – quyền đối với việc xét xử công bằng là quyền đối với một việc xét xử mà trong đó những bồi thẩm đoàn tương lai không được có thành kiến bởi công luận trước khi xét xử”. Ai len (cf. nt. 8), 3.18.

[32] Cf. Mỹ, Những quy định thiết yếu (cf. nt. 34), 6. Điều thú vị rằng đó là một sự thích nghi của điều 1722, vốn nói về việc lãnh nhận Bí tích thánh thể, và không phải nói về việc tham dự Thánh lễ. Cũng hãy xem Tân Tây Lan (cf. nt. 18), 4.9.

[33] Cf. Chi lê (cf. nt. 18), 1.c.e; Philippines (cf. nt. 5), đoạn 37.A; Ai len (cf. nt. 8), 4.6.4; Đức (cf. nt. 12), 6. Khi đó là nhân sự không thuộc về giáo hội, nhìn chung nói đến sự đình chỉ các nhiệm vụ. cf. Anh, Chương trình hành động (cf. nt. 59), 2.10.11.

[34] Cf. Mỹ, Những quy định thiết yếu (cf. nt. 34), 7; Philippines (cf. nt. 5), đoạn 36.D; Ai len (cf. nt. 8), 4.6.4.

[35] Cf. Tân Tây Lan (cf. nt. 18), 4.12.

[36] Cf. Ai len (cf. nt. 8), 7.1; Philippines (cf. nt. 5), đoạn 37.C; Canada (cf. nt. 16), 54; Tân Tây Lan (cf. nt. 18), 6.3 c.

[37] Cf. Đức (cf. nt. 12), 9.

[38] Cf. Canada (cf. nt. 16), 54; Nước Anh, Sự lạm dụng trẻ em (cf. nt. 14), 3, III.

[39] Cf. Ai len (cf. nt. 8), 7.2.2.

[40] Cf. Anh, Chương trình hành động (cf. nt. 59), 2.10.22; Philippines (cf. nt. 5), 40.

[41] Cf. Đức (cf. nt. 12), 12; Canada (cf. nt. 16), 54; Anh, Sự lạm dụng trẻ em (cf. nt. 14), 3, III, IV.

[42] Cf. Tân Tây Lan (cf. nt. 18), 6.2.1; Úc (cf. nt. 6), 9.2.2. Những quy định pháp lý của Philippines xem linh mục như là “cha mẹ”, vốn sẽ phải đảm bảo cho đứa con được sinh ra một sự hổ trợ kinh tế cho đến khi nó đến tuổi trưởng thành. Cf. Philippines (cf. nt. 5), đoạn 43.B.3.

[43] Cf. điểm 6.6.

[44] “Giáo sĩ nào thực hiện một tội phạm nghịch giới răn thứ sáu của thập giới bằng một cách khác, nếu thực sự tội phạm đã được thực hiện bằng vũ lực, hay với sự hăm doạ, hay cách công khai, hay với một vị thành niên dưới mười sáu tuổi, thì phải chịu một hình phạt thích đáng, kể cả việc sa thải khỏi bậc giáo sĩ, nếu trường hợp đòi hỏi điều đó” (đ. 1395 §2). Mỹ, Những quy định thiết yếu (cf. nt. 34), 9 còn quy định hơn nữa rằng “Nếu hình phạt mất bật giáo sĩ không được áp dụng (ví dụ, vì lý do tuổi cao hay bệnh tật), người phạm tội phải hướng đến đời sống cầu nguyện và sám hối. Vị ấy sẽ không được phép cử hành Thánh lễ cách công khai hay ban các bí tích. Vị ấy phải được dạy không mang trang phục giáo sĩ, hay hiện diện cách công khai như là một linh mục”. Ibid., 8.B.

[45] Cf. Úc (cf. nt. 6), 9.2; Tân Tây Lan (cf. nt. 18), 6.2 và 12. Trái lại nếu đó là một chủng sinh, những quy định pháp lý quy định rằng chủng sinh ấy sẽ bị loại ra khỏi chủng viện. Cf. ibid., 10.6.

[46] Cf. Ai len (cf. nt. 8), 7.3.1. Theo hướng này, khẳng định một khả năng lớn khi đó là một tu sĩ chiêm niệm hay tu sĩ hoạt động. Tuy nhiên, vị Bề trên sẽ phải đánh giá rằng việc tiếp tục ở tại chỗ đó là thích hợp. Ibid.

[47] Cf. Tân Tây Lan (cf. nt. 18), 6.3; Anh, Sự lạm dụng trẻ em (cf. nt. 14), 3.III.II.

[48] Cf. Philippines (cf. nt. 5), 40. Nhưng phải nhớ rằng nguyên tắc này được đặt ra cho các trường hợp linh mục, vốn phải đối diện với vấn đề cương vị làm cha và không phải đối diện với vấn đề lạm dụng trẻ em.

[49] Cf. Canada (cf. nt. 16), 54.

[50] Cf. Ai len (cf. nt. 8), 7.2.5.

[51] Cf. Đức (cf. nt. 12), 12; Canada (cf. nt. 16), 55.

[52] Cf. Tân Tây Lan (cf. nt. 18), 6.3.e-f. Canada (cf. nt. 16), 54. Theo hướng này, có thể bao gồm tiêu chuẩn, vốn đã được đặt ra trong những quy phạm pháp lý của Hội đồng giám mục Anh: «Chúng tôi tin rằng nguyên tắc phải được áp dụng là hồi tục nên được xem xét cách thích đáng tại nơi mà (bằng những lời của trường hợp quyết định tương tự) “tất cả các thành viên suy nghĩ chín chắn của công chúng, khi biết tất cả sự việc, sẽ cảm thấy răng công lý không được thực thi bởi tiến trình nào khác”». Anh, Xem xét lại việc bảo vệ trẻ em (cf. nt. 14), 4.22.

[53] Cf. Philippines (cf. nt. 5), 43.b.6.

[54] Cf. Ai len (cf. nt. 8), 7.3.9; Tân Tây Lan (cf. nt. 18), 6.4.

[55] Cf. Tân Tây Lan (cf. nt. 18), 4.25.

[56] Cf. Anh, Sự lạm dụng trẻ em (cf. nt. 14), 2.

[57] Cf. Úc (cf. nt. 6), 9.1.

[58] Cf. Úc (cf. nt. 6), 9.2; Ai len (cf. nt. 8), 3.3 và 4.7.

[59] Cf. Philippines (cf. nt. 5), đoạn 39; Canada (cf. nt. 16), Phụ lục 3,6.

[60] Cf. Philippines (cf. nt. 5), Kết luận. Về điểm này, hãy xem ở dưới, 6.6.

[61] Cf. Ai len (cf. nt. 8), 3.7.

[62] Cf. Tân Tây Lan (cf. nt. 18), 4.7.

[63] Cf. Canada (cf. nt. 16), VII, Những lưu ý sơ bộ, 3.

[64] Cf. Ai len (cf. nt. 8), 4.1.

[65] Chúng tôi tìm thấy một kiểu mẫu của các cơ cấu này trong các quy định của Hội đồng giám mục Úc, nơi mà một người tiếp xúc (contact person) được quy định. Người này nhận các tố cáo. Họ cũng quy định một người giám định chung chung (assessors), một người hổ trợ cho nạn nhân và cho người bị tố cáo (victims’ and accuseds’ Support), một người phụ trách hướng dẫn (facilitator) và một người chịu trách nhiệm xem lại tiến trình tố tụng (reviewers). Cf. Úc (cf. nt. 6), 3.4. Cũng hãy xem Ai len (cf. nt. 8), 4.5.2, Philippines (cf. nt. 59), 3.5.22tt.

[66] “Quan tâm mục vụ cần hướng đến tất cả những người bên cạnh nạn nhân, vốn chịu ảnh hưởng, khi một linh mục hay tu sĩ được biết là phạm tội lạm dụng tình dục. Gia đình và các bạn thân của nạn nhân chịu ảnh hưởng rất nhiều. Nhưng giáo xứ hay cộng đoàn trường học, nơi mà người phạm tội đã làm việc, gia đình và bạn bè của người phạm tội, các anh em linh mục trong giáo phận, cộng đoàn tu sĩ (cả địa phương và tỉnh dòng) nếu người phạm tội là tu sĩ – tất cả chịu đau khổ ở nhiều cấp độ và cách thức khác nhau khi một linh mục hay tu sĩ phạm tội lệch lạc tình dục”. Tân Tây Lan (cf. nt. 18), 7.1.

[67] Hãy xem nt. 108.

[68] Cf. Anh, Chương trình hành động (cf. nt. 59), 3.5.25; Tân Tây Lan (cf. nt. 18), 7.4.

[69] Cf. Ai len (cf. nt. 8), 6.2.

[70] Cf. Ai len (cf. nt. 8), 6.6-6.8; Tân Tây Lan (cf. nt. 18), 7.4.1-7.4.5.

[71] Cf. Ai len (cf. nt. 8), tr. 15-16. Đặc biệt khi nói rằng: “Nhưng các linh mục và tu sĩ phạm tội là những thành viên của Giáo hội, vốn được xây dựng trên sứ điệp Tin mừng về tình yêu và sự tha thứ; điều này muốn nói rằng những người đã phạm tội có thể được giúp đỡ để hy vọng và làm việc nhằm chữa trị và tái sinh trong đời sống của họ.”

Bài trướcGiáo phận Orange có tân Giám mục người Việt
Bài tiếp theoGp Thanh Hóa hân hoan chào đón HĐGMVN về tham dự hội nghị thường niên kỳ II – 2017

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.