– Tâm tư của một người trẻ gửi những những bậc giáo dục hiện tại và tương lai –
Khi nhìn ngẫm các loài vật, tôi thấy chúng thật “đơn giản”. Đơn giản ở đây có nghĩa là chúng chẳng cần ai dạy hay bắt phải học hỏi tri thức gì cả, dường như chúng sinh ra là đã biết như thế: chim di trú vào mùa đông; nhện giăng tơ; kiến thợ xây tổ… Còn khi nghĩ về con người, tôi nhận thấy nhiều thứ phức tạp với không biết bao nhiêu là cách thức giáo dục khác nhau. Nhìn vào lối giáo dục của người Việt hiện tại, tôi thấy ở đấy những nguy cơ có thể gây hại cho cả một thế hệ tương lai. Tất nhiên, dù ở đâu hay chăng nữa vẫn luôn tiềm tàng những cơ hội và nguy cơ, nhưng phải công nhận một điều, cách mà con người ta tác động lên tư tưởng vẫn mang một ảnh hưởng lớn đến nhau, có khả năng quyết định các thế hệ tiếp theo.
Khác với người châu Âu thiên về lý trí, người châu Á được xem là thiên về cảm tính, bởi thế, mọi quyết định và hành động của họ luôn bị tác động lớn bởi cảm xúc. Đa phần người Việt cũng như thế, suy nghĩ và quyết định theo cảm tính, nhất là theo những cảm xúc nhất thời. Điều này ảnh hưởng rất nhiều trong cách giáo dục của người Việt. Người viết chẳng hề có ý phân bì rằng lý trí tốt hơn cảm tính hoặc cảm tính cần phải bị loại trừ trong các quyết định. Chẳng có gì là xấu cả, nhưng chỉ là xấu khi một điều gì đó bị nhận định không đúng, từ đó sản sinh ra những hậu quả cũng không đúng. Điều bị nhận định không đúng ở đây chính là người Việt không được phát triển cảm xúc của mình một cách đúng đắn.
Hệ lụy này bắt nguồn trước hết từ xã hội, một xã hội với lịch sử vua-tôi, cha-con được tiếp nối bằng sếp-nhân viên, bề trên-bề dưới. Điều này hẳn không có gì đáng trách nếu nó không phải là “mối quan hệ một chiều”. Bởi là một chiều, vì thế người được xác định là dưới, là địa vị nhỏ hơn, là người yếu thế hơn phải là người nghe và thi hành mà không được có bất kì ý kiến nào khác. Hệ lụy là người dưới không có quyền được thể hiện quan điểm cũng như bất kì thái độ gì nếu không muốn bị trách cứ là “trứng khôn hơn vịt”. Chính từ việc này mà cảm xúc bị bịt kín, bị đè nén đến nỗi khi nó bộc phát ra thì lại bộc phát một cách sai hướng, rồi dẫn đến những hành động lệch lạc.
Kế đến, hệ lụy này lại được sinh ra từ chính nơi gia đình. Điều này không có gì khó hiểu, bởi những bậc cha mẹ âu cũng là những người trước hết chịu ảnh hưởng từ xã hội, từ nền giáo dục đương thời, vì thế họ cũng chỉ là đang thực hành, mà đôi khi là một cách vô thức, những gì xã hội đã đặt lên họ. Chế độ vua-tôi một chiều giờ đây chuyển sang phạm vi nhỏ hơn ở gia đình. Cha mẹ là những người bị bịt kín cảm xúc, giờ đây chuyển sang bịt kín chính con mình như một quy luật vận hành trong vô thức mà họ xem đó là chuyện thường tình. Cứ thế, các thế hệ tiếp theo cứ thi hành chế độ một chiều ấy và khiến những tệ nạn xảy ra mà họ không biết nguyên nhân từ đâu, chỉ biết chê trách tầng lớp trẻ ngày càng hư đốn, sa đọa, bất trị…
Trong những năm vừa rồi, những vụ thảm sát tại Việt Nam xảy ra nhiều, mà kẻ sát nhân lại là người trẻ. Điển hình mới đây ngày 21 tháng 1 vừa qua, một cô gái đã ra tay sát hại cha ruột bằng chất độc Xyanua, sau đó giấu xác và đốt nhà mình để tạo hiện trường giả. Điều đáng nói ở đây là cô gái ấy chỉ mới 21 tuổi, hiện đang là sinh viên luật năm thứ ba và nạn nhân lại chính là người cha máu mủ sinh ra mình. Đương nhiên, với tâm lí người Việt theo cảm tính thì sẽ nói nhiều điều như: “con thú tàn nhẫn”; “đứa con vô nhân tính”; “người trẻ dần sa đọa”;… Còn với tôi, sự việc này hay bao vụ sát hại khác gần đây cũng là điều dễ hiểu và không có gì bất ngờ. Với một cách giáo dục như thế trong một xã hội một chiều, sự việc này hay thậm chí những sự việc khủng khiếp và phi nhân tính hơn nữa cũng sẽ xảy ra, vấn đề chỉ là thời gian mà thôi. Cảm xúc là thứ rất tự nhiên trong bản tính con người, nhưng khi nó bị đè nén một cách tàn nhẫn, nó sẽ trở thành những quả “bom nguyên tử” và một khi “phát nổ” thì những hậu quả khủng khiếp chắc chắn sẽ đến.
Thật vậy, Thiên Chúa đã chẳng dựng nên con người trong một cái khuôn cố định, rằng mọi người phải giống nhau từ thể xác đến tinh thần, bởi nếu như thế con người sẽ chẳng còn tự do và cũng chẳng biết yêu thương, nói đúng hơn, chỉ sống bản năng một cách vô thức mà thôi. Nhưng mỗi người được dựng nên để trở thành chính mình trong những dị bản khác nhau, không phải theo kiểu dị thường, nhưng là một kiểu đặc biệt. Hạt giống mang những điểm tương đồng và không thể phân biệt, nhưng khi hạt giống tiến triển thành cây, người ta mới biết sự khác biệt đó và nhận ra nó là cây gì. Con người cũng thế, cũng mang trong mình những sứ mệnh khác nhau mà mỗi người cần khám phá và đạt đến.
Hiểu được như thế, hẳn người Việt sẽ có cách nhìn khác đi về con người, để biết tôn trọng và để như một người “lái thuyền” chứ không phải như một vị chủ tể nắm quyền quyết định trên số phận của người khác. Chính từ sự tôn trọng đó, họ mới có thể cảm thông để nâng đỡ nhau. Cha mẹ sinh ra con cái nhưng không sống với tinh thần chiếm hữu chúng. Bề trên có quyền trên bề dưới nhưng không sống với tinh thần làm chủ bề dưới. Thật ra những điều này chẳng cần cố gắng hay phải gượng ép một cách nào đó để áp dụng, nhưng một khi biết tôn trọng phẩm giá con người, tự khắc cách hành xử đúng đắn sẽ đến.
Nhưng để biết tôn trọng, trước tiên cần biết yêu thương. Yêu thương là cội nguồn tất cả mọi sự. Tình yêu này không phải tình yêu đáp trả: “vì người tốt với tôi nên tôi tốt với người”, nhưng là tình yêu chỉ biết yêu. Nói đúng hơn, đó là một tình yêu vô điều kiện, một tình yêu không toan tính, không tư lợi và sẵn lòng chịu thiệt về mình chỉ vì tình yêu. Đây không phải một thứ tình yêu lý tưởng chỉ để “trưng bày” cho đẹp, nhưng là một tình yêu có thể thực hiện được bởi chính Thiên Chúa đã đặt sẵn tình yêu đó trong lòng mỗi người. Hay nói cách khác, Thiên Chúa đã đặt “lòng trắc ẩn” tận sâu bên trong mỗi người. Lòng trắc ẩn này có lẽ mỗi người cảm nhận trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, tuy nhiên nó đều quy về một mối: đó là sự xúc động hay rung động sâu trong tâm hồn khi chứng kiến một sự việc gì đó xảy ra trong cuộc đời mình. Chính lòng trắc ẩn là một cách thể hiện của tình yêu thuần khiết mà Thiên Chúa đã đặt vào bên trong mỗi người. Tuy vậy, vì nhiều lý do khác nhau, nhiều người dần đánh mất tình yêu thuần khiết này để thay vào đó là một thứ tình yêu có điều kiện, tình yêu toan tính, tình yêu vị kỷ.
Tổng quan lại, cái mà người Việt đang theo đuổi trên “con đường một chiều” đó là tìm “thành công” cho mình và cho người khác mà bỏ quên giá trị của tình yêu: cha mẹ tìm thành công cho con dù hiện tại đứa con chịu nhiều uất ức không thể giãi bày; sếp tìm thành công cho công ty dù nhân viên chịu nhiều bức xúc; các nhà lãnh đạo tìm thành công cho quốc gia dù người dân đã bị hao mòn đến độ đã chẳng còn chút lòng tin vào họ… Cứ thế, người ta sẵn sàng làm tổn thương cảm xúc của mình cũng như của người khác cho cái gọi là “thành công” và mặc kệ những hệ lụy xảy ra. Họ chỉ biết chê trách cho phận người đáng thương và chê trách một xã hội ngày càng tàn bạo, ghê tởm mà chẳng hiểu tại sao lại như thế. Người ta dần quên mất một điều quan trọng: Mọi thành công phải được xây nền trên hạnh phúc. Và hạnh phúc lại là hoa trái của tình yêu. Đó cũng chính là ý nghĩa của cuộc sống. Nơi nào có tình yêu, nơi đó có sự tôn trọng nhân vị, trân quý cái khác biệt, và nhất là “sợ” một điều: Sợ làm tổn thương nhau. Đây là điều mà xã hội hiện tại đang dần coi là chuyện thường tình như trong quan niệm của nhiều người: “Phải ráng chịu đau để được uốn nắn thành một chiếc bình gốm thật đẹp” mà chẳng quan tâm gì đến cảm xúc của người được đối xử. Rốt cuộc, người ta sẵn sàng làm tổn thương người, đè nén cảm xúc của người vì một thứ đẹp, một thứ thành công trong tương lai nào đó mà chính họ cũng không biết liệu nó có đến hay không, nhưng điều trước tiên mà tôi thấy, đó là những quả ‘bom” bị đè nén mà một lúc nào đó, nó sẽ phát nổ, những “mảnh bắn” chắc chắn gây tổn thương cả cho chính bản thân họ và cho người…
♦ Kim