“Chúng tôi rao giảng một Đức Giêsu chịu đóng đinh”

0
794

Giuse Nguyễn Đình Trường – Học Viện Ngôi Lời

Ngay trong phần mở đầu tác phẩm Zarathustra Đã Nói Như Thế nổi tiếng của mình, triết gia Friedrich Nietzsche cho thấy sứ mạng của mình (ngang qua nhà tiên tri Zarathustra) là đi thức tỉnh thời đại đang ngủ mê bởi các giáo lý thời bấy giờ mà cụ thể là giáo lý Kitô giáo. Ông chỉ cho thấy cách thực hành đức tin đang kéo con người xa rời trách nhiệm với cuộc đời. Ông đã có không ít những phê phán và chất vấn đối với Kitô giáo.

  1. Những chất vấn của triết gia F. Nietzche
Photo: tiki.vn

Trong tác phẩm Zarathustra Đã Nói Như Thế, Nietzsche triển khai phê bình Kitô giáo qua bốn điểm chính: Đức hạnh Kitô giáo “ru ngủ” con người, những ảo tưởng về cõi bên kia, khinh miệt thân xác, và rao giảng về sự chết. Trong đó, hai điểm được Nietzche nhấn mạnh hơn cả khi phê bình giáo lý Kitô giáo là rao giảng về sự chếtnhững ảo tưởng về cõi bên kia.

Những ảo tưởng về cõi bên kia

Sự sống đời sau của Kitô giáo, với Nietzsche, bị xem như một liều thuốc độc: “Đau khổ và bất lực, đấy là cái đã tạo nên những cõi bên kia”[1]. Con người ảo tưởng về cõi bên kia để né tránh đối diện với những khổ đau kiếp này. “Đối với kẻ đang chịu đựng thống khổ, quả là một niềm vui ngây ngất khi được rời mắt khỏi nỗi khổ đau và được tự quên lãng mình”[2]. Thậm chí, như trong Zarathustra Đã Nói Như Thế cho thấy, các Kitô hữu được dạy phải bóp nghẹt lý trí, thỏa hiệp với lương tâm trước những “cám dỗ” mách bảo họ sống cho thế giới vật chất này. Sự sống là tôi, nên tôi không thể chối bỏ chính mình được. Cõi bên kia chỉ là những hy vọng lững lờ và bất khả tri. Vì nó được cho là cõi vô hạn nên người đời dễ phủi chân với cõi hữu hạn này.

Rao giảng sự chết

Rao giảng sự chết là rao giảng về sự tuyệt vọng nơi những gì con người đang xây dựng trên trần gian này. Con người đối diện với một sự thật phũ phàng, cả đời vất vả ngược xuôi lo cho sự nghiệp công danh, vật lộn với thân phận khắc khổ, cuối cùng cũng phải chết[3]. Trong giáo lý của mình, Kitô giáo mời gọi hãy từ bỏ chính mình: “ai tìm giữ mạng sống mình ở đời này thì sẽ mất” (x. Ga 12,25)…và đỉnh cao là rao giảng về một Đức Giêsu chết trần truồng trên thập giá cùng với thông điệp “hãy cùng chịu đóng đinh với Đức Giêsu vào thập giá” (Gl 2,19). Nietzsche gọi những người này là “những kẻ đã chết ngay khi còn đang sống”[4].

Đối với Nietzsche, cả hai điều trên, rao giảng về sự chết hay rao giảng về đời sống vĩnh cửu cũng chỉ là một. Nó xuất phát từ hiện tượng tâm lý của bản năng sinh tồn “ham sống sợ chết”. Con người ngập tràn nỗi sợ hãi về sự chết nên phải ảo tưởng về sự sống vĩnh cửu để tự chữa lành mình. Kết quả cho thấy, họ trốn tránh trách nhiệm với cuộc sống của mình, sống thụ động, sống cho qua ngày đoạn tháng.

“Hãy trung thành với mặt đất” là lời van xin của Zarathustra: “Hỡi những người anh em, ta van xin các ngươi, hãy trung thành với mặt đất và chớ có tin những kẻ nói với các ngươi về những hy vọng lững lờ bên trên mặt đất! Họ là những kẻ đầu độc.”[5]

Những điều mà Nietzche lên án Kitô giáo chẳng khác gì những “cú trời giáng” lên niềm tin của mỗi người Kitô hữu. Vì, quả thật, Kitô giáo rao giảng, loan báo về sự chết của một Đấng  chịu đóng đinh, chịu chết trên cây thập giá. Đồng thời, niềm tin ấy mời gọi mỗi Kitô hữu “hãy cùng chịu đóng đinh với Đức Giêsu vào thập giá” (Gl 2,19) vì “nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người: đó là niềm tin của chúng ta” (Rm 6,8).

Vậy, những điều mà Nietzche lên án có chăng là quá nặng nề, không có lý chứng hay xem ra Kitô giáo phải nhìn nhận những nét chính đáng nào đó nơi những chất vấn trên? Đứng trước những chất vất đó, Giáo hội không né tránh cũng không phản ứng tiêu cực vì nếu vắng bóng những chất vấn như vậy, Giáo Hội có nguy cơ trở thành một pháo đài. Đối lại, người Kitô hữu nhìn nhận đây là cơ hội để nhìn lại những xác tín đức tin của mình. Điều mà Kitô giáo nhắm tới là mang đến cho sự chết một ý nghĩa, một ý nghĩa đích thực. Ý nghĩa đó là gì và tại sao điều đó quan trọng?

  1. Câu trả lời của Kitô giáo

Cái chết: một vấn đề của đời người

Con người được sinh ra cũng báo hiệu họ sẽ phải chết đi. Sự chết có giá trị của nó. Sự chết biểu hiện tính giới hạn mong manh của kiếp sống. Con người chinh phục và làm chủ được nhiều lĩnh vực nhưng hoàn toàn bất lực trước sự chết. Sự chết đến cất đi chính sự sống của con người và xóa sạch mọi điểm tựa của họ. “Trước cái chết, bí ẩn về thân phận con người lên tới tột độ…Trước cái chết, óc tưởng tượng của con người đành bất lực.”[6] Sự chết là một mầu nhiệm, vì con người chẳng thể nào nắm bắt được thực tại của nó.

Cần lưu ý rằng Kitô giáo rao giảng về sự chết không chỉ nhắm đến sự chết, xét về mặt hiện tượng (phenomene, hiện tượng), nhưng quan trọng là nhắm đến điều lớn lao hơn, đó là giá trị của sự chết (nomeme, bản chất), nghĩa là Kitô giáo không nhắm đến hiện tượng sự chết hay sự ý thức về sự tồn tại của nó cho bằng hướng con người khám phá ý nghĩa và giá trị của sự chết. Nói theo kiểu của Đức Hồng y Cantalamessa là “ý thức về mầu nhiệm không bằng chính mầu nhiệm.”[7] Từ đó, chúng ta không còn loay hoay với vấn nạn “sự chết” nhưng là đi tìm câu trả lời cho vấn nạn: “Có khi nào sự chết lại trở nên ý nghĩa cho sự sống”?

Sự chết sẽ là ngõ cụt và trở nên vô nghĩa nếu nó không phải là cánh cửa hy vọng bước vào một thế giới mới. Sự chết ngăn cách giữa thế giới hữu hạn (thế gian) và thế giới vô hạn (thực tại Nước Trời). Thế giới vô hạn trở nên ý nghĩa nhờ sự chết; đồng thời sự chết có ý nghĩa nhờ thế giới hữu hạn. Do vậy, bất kể đời sau hay sự chết sẽ chẳng có nghĩa lý gì nếu con người không thành toàn chính mình. Vì thế, người Kitô hữu đích thực nhìn vào sự chết bằng tinh thần lạc quan vì tin vào sự phục sinh. Hành trình đời người là để người Kitô hữu thành toàn ơn gọi của mình trước giờ chết.

Con người thành toàn chính mình trong nhờ cái chết của Đức Giêsu Kitô

Dưới nhãn quan Kitô giáo, chết không phải là ý định của Thiên Chúa. Con người không thể tự cứu nổi mình. Con người vẫn phải chết. Con người dường như bất lực và bế tắc trước thân phận phải chết của mình. Chính lúc này Thiên Chúa đã can thiệp vào. Ngài đã ban chính Con Một Mình cho nhân loại để ai tin và sống đời sống mới trong Con của Ngài thì sẽ được cứu.

Từ góc nhìn của những triết gia hiện sinh khi xem sự chết là một đau khổ lớn nhất của đời người, Đức Giêsu đã trả lời cho vấn nạn đó. Vì chính Con Thiên Chúa đã bước qua sự chết để cho con người thấy rằng, sự chết không phải là nỗi u sầu, buồn thảm lớn nhất. Đức Giêsu đã chiến thắng sự chết, bước qua sự chết và đã phục sinh vinh hiển, từ nay “sự chết không còn quyền chi đối với Người” (x. Rm 6,9). Và những người môn đệ của Đức Giêsu cũng sẽ bước qua sự chết để được hưởng hạnh phúc muôn đời với Đức Giêsu (x. Rm 6,5). Vậy sự chết đâu còn là đau khổ nữa!

Nói cách khác, chính Thiên Chúa đã mang đến cho sự chết một ý nghĩa, một hy vọng mới: Đức Kitô khi xuống thế đã đảo lộn tình trạng bi đát của con người. Đức Kitô, Con Thiên Chúa, đã lãnh lấy sự chết loài người và đã chiến thắng sự chết bằng sự phục sinh. Đức Kitô đã đem lại một hy vọng mới cho con người: ngang qua sự chết, nhờ Đức Kitô, con người cũng sẽ được phục sinh để vĩnh viễn gặp gỡ Thiên Chúa. “Đức Kitô đã đem lại chiến thắng ấy khi Người sống lại và nhờ cái chết của Người, Người đã giải phóng con người khỏi sự chết. Vậy đức tin với những lý chứng vững chắc đem lại giải đáp cho bất cứ ai khắc khoải ưu tư về số phận tương lai của mình. Đồng thời đức tin còn cho con người khả năng hiệp thông với những anh em thân yêu đã chết trong Đức Kitô, và làm cho họ hy vọng rằng những người ấy đã được sống thực sự nơi Thiên Chúa”.[8]

Những ngày còn lại trong tháng mà Giáo hội dành riêng để cầu nguyện cho những tín hữu đã qua đời, đồng thời suy gẫm về niềm hân hoan của các thánh tử đạo Việt Nam, những người đã theo chân thầy Giêsu, bước qua sự chết để đi vào chốn hiển vinh muôn đời, chúng ta tìm thấy được niềm an ủi và sự xác tín cho điều mà chúng ta tin tưởng.

Tóm lại

Những chất vấn của triết gia Nietzche như một lời chất vấn đức tin của chúng ta. Liệu người Kitô hữu có còn nhớ mình phải rao giảng điều gì? Và tại sao chúng ta lại rao giảng điều đó? Quả vậy, hơn ai hết, chính mỗi người Kitô hữu phải hiểu và xác tín được sứ vụ của mình. Từ góc nhìn đó, những chất vấn của Nietzche thật đáng trân trọng. Cảm ơn triết gia Nietzche với những chất vấn của ông, nhờ đó, người Kitô hữu một lần nữa tái khám phá và xác tín: chúng tôi rao giảng về “sự chết”, về sự sống đời sau và quả thật, “chúng tôi rao giảng một Đức Giêsu chịu đóng đinh”.

Chú thích:

[1] Friedrich Nietzsche, Zarathustra đã nói như thế, Dg.Trần Xuân Khiêm, Nxb Văn học (2021), tr. 47.

[2] Sđd, tr.46.

[3] Sđd, tr.82.

[4] Sđd, tr.81.

[5] Sđd, tr.9.

[6] Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Gaudium et Spes, Dg: Giáo Hoàng Học Viện Pio X, số 18.

[7] Raniero Cantalamessa, Chúng tôi rao giảng một Đức Kitô bị đóng đinh, Dg: Lm. Micae Trần Đình Quảng, Nxb Đồng Nai (2020), tr. 402.

[8]Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Gaudium et Spes, Dg: Giáo Hoàng Học Viện Pio X, số 18.

Bài trướcCác CĐ. Ngôi Lời hiệp thông cầu nguyện cho các nạn nhân COVID-19
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Thứ Năm, Tuần 34 TN)