Phép thử đức tin: Từ COVID-19 đến thần học và mục vụ

0
413
Photo: witf.org

(Bài thuyết trình giới thiệu chương 1 (bắt đầu từ phút thứ 29:00 YouTube) Webinar giới thiệu sách ĐƯỜNG HƯỚNG MỤC VỤ HẬU ĐẠI DỊCH COVID-19: CÁC BÀI HỌC TỪ DẤU CHỈ THỜI ĐẠI, được diễn ra trên hệ thống ZOOM ngày 9/10/2021)

__________________________

Lm. Giuse Đỗ Nguyên Vũ, SVD, M.A.

 Giới thiệu

Khi cha Anthony Đức Lê (chủ biên) mời viết một chương cho tập sách ĐƯỜNG HƯỚNG MỤC VỤ HẬU ĐẠI DỊCH COVID-19: CÁC BÀI HỌC TỪ DẤU CHỈ THỜI ĐẠI (của nhiều tác giả), tôi đã phân vân trong nhiều ngày vì thấy có rất nhiều người đã và đang viết về đề tài này, vậy mình viết gì đây? Đang trong lúc thao thức thì bỗng nhiên mô hình 4 bước, công cụ hành động mục vụ, của Joe Holland và Peter Henriot, S.J. trong quyển sách Social Analysis [tạm dịch là Phân tích Xã hội] được xuất bản những năm 1980 lóe lên trong đầu, từ mô hình này người ta đã uyển chuyển để vận dụng thành công nhiều mô hình 4 bước khác, trong đó có quy trình thực hành sứ vụ của Madge Karecki. Năm 2015, Sơ Maria Cimperman đã dũng cảm cập nhật sách Social Analysis và ra mắt phiên bản cho thế kỷ 21 với tiêu đề: Social Analysis for the 21st Century: How Faith Becomes Action, một quyển sách vô cùng ý nghĩa và được lịch sử chứng minh cho hiệu quả áp dụng, làm sao để đức tin trở thành hành động.

Vậy, công cụ đã có, nhưng tôi lại gặp phải một thách đố khác chính là thách đố về tầm nhìn trong bối cảnh diễn biến khó lường, thiên biến vạn hóa trước khi làn sóng lây nhiễm thứ 4 của Việt Nam xảy ra, lần lây nhiễm này vẫn còn đang tấn công Việt Nam, đưa đến tổn thất ghê gớm về mọi mặt, nhất là về mặt nhân mạng, khủng hoảng vật chất, tinh thần, và đức tin. Tôi cố gắng giản lược quy trình thực hành mục vụ này trong sơ đồ sau:

 

Trong xuyên suốt chương 1: Phép thử đức tin: Từ COVID-19 đến thần học và mục vụ, tôi đã và đang giữ một nguyên tắc then chốt về tính hiệp thông và cộng đồng cho dù chúng ta áp dụng bất kỳ phương pháp chiến lược nào cho mục vụ nói chung và mục vụ hậu COVID nói riêng: 

Như bao người Á Đông, người Công giáo Việt Nam rất trân quý đời sống cộng đồng và chính cộng đoàn làm nên sức sống chống đỡ cho đức tin phát triển. Trở về với Thiên Chúa không thể xảy ra một cách toàn diện nếu chúng ta không liên kết thân tình với anh chị em trong đại gia đình của Chúa. Cách ly và giãn cách vì đại dịch gợi cho chúng ta một thời gian trống vắng, nhiều người cảm thấy cô đơn trong chốn cô tịch để nghiệm lại chính mình trong những mối quan hệ chồng chéo hoặc phải đối diện thẳng thừng với những người dù quen mà lạ. Chính Thiên Chúa làm cho yếu tố xã hội của con người quý giá khi họ rơi vào hoàn cảnh vắng lặng, lẻ loi, thì thấy rằng “sỏi đá cũng cần có nhau”. Đó cũng là cảm giác của những ngày thiếu phụng vụ, đóng cửa nhà thờ, khao khát Lời Chúa và Thánh Thể mà chỉ đành chấp nhận “rước lễ thiêng liêng”; khi đó, người Kitô hữu mới thấy sự gặp gỡ và liên đới giữa con người với nhau thật kỳ diệu để làm nên đức tin, để hối thúc trở về nơi mình thuộc về. Người Công giáo không thể sống đạo theo kiểu “phụng vụ trực tuyến” mãi được, vì bản chất của Giáo hội do Chúa Giêsu thiết lập bắt buộc phải có yếu tố cộng đoàn và cộng đoàn kết hợp với Thiên Chúa. Nhờ sống tương quan, chúng ta mới nhìn rõ bộ mặt thật của chính mình hơn. Do đó, luận điệu chủ nghĩa cá nhân là sai lầm khi cho rằng ơn cứu độ của tôi là do tôi chịu trách nhiệm trong tương quan của tôi với Chúa mà thôi. Đó là luận điệu “trốn đời” và phi thực tế vì nó “tự mâu thuẫn”. Từ chối cộng đoàn là một vấn nạn đức tin và dẫn đến khập khiễng trong đời sống tâm linh. (Trích trong sách Đường hướng mục vụ hậu đại dịch COVID-19… trang 34)

Cộng đồng là tiếng gọi thiêng liêng của trái tim, nơi tình yêu nói và hành động, nơi trao ban và nơi nhận lại, nơi kết nối và nơi tháo gỡ, công tác thiện nguyện chúng ta thấy trong thời gian qua là một minh chứng cho sự “tương thân tương ái” và là nơi “tẩy chay cái ác” “vạch trần sự dữ”.

Chương 1: Phép thử đức tin có 3 phần

THỬ: Để xác định được có bị dương tính với COVID-19 hay không, đôi khi phải cần đến 5-6 phép thử test nhanh kháng nguyên, rồi khi cần chính xác hơn thì lại phải thử bằng phương pháp xét nghiệm sinh học phân tử (Real-time PCR). Đại dịch này cũng thách thức đưa đức tin của chúng ta vào phép thử trên nhiều phương diện và cấp độ mà tôi gọi tên 3 phép thử: thử nghi, thử độc, và thử tín để mời gọi chúng ta nhìn lại sức khỏe của đức tin giữa rất nhiều “mẫu” thu được trong khuôn mặt thiên hình vạn trạng của cuộc sống, để cuối cùng chúng ta cần xác tín một điều rằng: “Thiên Chúa có phải là người tình của sự sống” như trong sách Khôn ngoan 11,26 khẳng định không? Đại dịch này dịch này mời gọi chúng ta đi sâu và bóc tách những lớp cặn cáu đóng sâu, những mảng bám cứng đầu của nhân tình thế thái, của thâm cung tham vọng dã tâm con người đang bao phủ như đám mây mờ của cuộc sống ngột ngạt và nguy hiểm.

NGHIỆM: Hãy nghiệm ra SỐNG là gì? SỐNG ở đâu? Ai là chủ thể của SỰ SỐNG? Làm sao để SỐNG? Sau đại dịch, mỗi người, mỗi tổ chức, muốn sống thì phải tìm ra được lời giải cho mình. Trong phép nghiệm thiêng liêng, mọi người mong ước một bình thường hóa có biến đổi, tức là cần một sự đột phá về đức tin sau khi đại dịch được kiểm soát chứ không phải là kiểu chểnh mảng ăn mừng rồi tà tà theo lối sống bình thường không có gì thay đổi cả. Sự vững mạnh trong đức tin là câu trả lời thách thức nhất khi ta biết đón nhận “mùa dịch” với tâm thái cơ hội đón “mùa hồng ân” đổi mới đa phương diện và đa chiều kích.

Bài toán của sự sống đời này và sự sống đời sau cần một lời giải mới và tối ưu hơn, không thể cứ lôi thôi lòng thòng, mà cần tối ưu và chuẩn hóa để cắt bớt những di chứng bê bối của trước COVID và trong COVID. Theo thần học gia Paul Tillich, để yêu mình và yêu tha nhân hoàn toàn đồng nghĩa với việc cởi mở và đón nhận sức mạnh biến đổi của Đấng là Nền Tảng của tất cả Hiện Hữu.[1] Vậy, Thiên Chúa mời gọi chúng ta khi được thử thách và trải nghiệm, hãy sống và hành động bằng tất cả nhiệt huyết, căn tính và lòng trung thành của người mang danh Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế Yêu Thương.

CHỨNG: “Đức tin không việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17). Chúng ta không thể chỉ cầu nguyện và “ai ở đâu ở yên đó”. Sống là “động” – động cả lòng, động cả chân tay, để sáng tạo, để xây dựng, để góp phần vào kế hoạch cứu độ làm rạng rỡ vinh quang Thiên Chúa. Phần này tôi đã đề xuất những kế hoạch hoạt động mục vụ dựa trên nền tảng của 3 nhân đức đối thần (đức tin, đức cậy, đức mến) và 4 nhân đức luân lý (khôn ngoan, công bình, dũng cảm, tiết độ). Chúng ta cũng có thể lấy tinh thần của 14 mối thương người (the works of mercy). Để những nhân đức Kitô giáo này định hướng đời sống, thì chính chúng ta phải sống (tức là phải thực hành) chúng. Thực tế, những giá trị Tin Mừng và học thuyết xã hội của Hội Thánh Công Giáo dạy chúng ta đầy tính nhân văn và hướng thượng. Đừng chỉ hỏi Phải làm gì? rồi tự trả lời một mình mà hãy trả lời câu hỏi này với cộng đoàn của bạn (gia đình, nhóm, câu lạc bộ, giáo xứ, đoàn hội, Giáo hội, xã hội), tất cả đều phải làm cùng với nhau thì kế hoạch bình thường mới của chúng ta mới khả thi và bền vững được.

Tạm kết

COVID đã làm cho xã hội loài người như cái pít-tông đang bị nén đến cực độ, điều gì sẽ xảy ra khi cái pít-tông của các nguồn lực được giải phóng? Chúng ta mong muốn một cuộc “đại nhảy vọt” bình tĩnh và an toàn nhằm có một bước chuyển mình bền vững, chứ không phải là một sự bật tung làm đổ vỡ và mất phương hướng trong những kế hoạch vội vàng và bất chấp hậu quả. Trong đời sống mục vụ và thiêng liêng, các tác giả của tập sách này sẽ giúp chúng ta đi sâu vào từng lãnh vực cụ thể. Riêng tôi, tôi xem đây là một cơ hội hồng ân để thử, để nghiệm, và để minh chứng rằng cộng tác cá nhân đầy chân thành làm nên sức sống cộng đồng màu nhiệm. Trước và trong cuộc “đại linh thao” kéo dài từ giữa tháng Tư (2021) đến nay, chúng ta đã thấy cái ác hoành hành và cuộc đấu tranh không mệt mỏi để chống lại nó của cộng đồng hướng thiện. “Hãy làm việc thiện, đừng sờn lòng nản chí” (2Tx 3,13) là điều thánh Phaolô nhắn nhủ chúng ta.

Hậu đại dịch là cơ hội để chúng ta kiến thiết mọi mặt, kể cả đời sống đức tin, trong bối cảnh của một Giáo hội hậu COVID đang biến đổi về các khía cạnh (theo Lm. Joshan Rodrigues): “các Hội Thánh tại gia” khi các cộng đoàn bị chia nhỏ, “ranh giới địa lý của các giáo xứ” có thể biến mất trong không gian, phụng vụ trên mạng có thể làm nhiều người hiểu sai về tác phong và thái độ đối với các bí tích và nghi thức thánh, nhiều người đã học được những kiến thức sai lạc hoặc hiểu nhầm do những video và bài học không rõ nguồn gốc trên mạng, các hoạt động mục vụ khác: tĩnh tâm, giáo lý, ý thức bảo vệ môi trường, sử dụng công nghệ internet/truyền thông, [và theo tôi còn là đồng hành và nâng đỡ những gia đình gặp khó khăn trong các yếu tố tâm lý, kinh tế và đời sống gia đình. DI CHỨNG của COVID sẽ không nhanh chóng biến mất]. Tất cả đều cần được cân nhắc, phân tích, lên kế hoạch và thực hiện tại các giáo xứ/ cộng đoàn.

____________________________________

Kính mời bạn đọc chi tiết trong sách Đường hướng mục vụ hậu đại dịch COVID-19 (nhiều tác giả). Xem thêm>>>

Sách đã phát hành tại một số nhà sách công giáo tại Hà Nội và TP.HCM (Việt Nam) hoặc: https://ducbahoabinhbooks-osp.com/sach/than-hoc/muc-vu/duong-huong-muc-vu-hau-dai-dich-covid-19/

__________________________________

Chú thích:

[1] Xem bài viết của Derek A. Michaud, “The Multidimensional Unity of Life, Theology, Ecology, and COVID-19” trong Pandemic, Ecology, and Theology, Alexander J. B. Hampton biên tập (New York: Routledge, 2020), trang 108.

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Năm, Tuần 34 TN)
Bài tiếp theoAI TÍN: Ông Cố Phêrô Hoàng Anh Đức (thân phụ của Thầy Phêrô Hoàng Quốc Việt, SVD)