Chúa Giêsu Thánh Thể đang nhìn tôi

0
1426

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: Khi nhìn vào Nhà Tạm… Khi viếng Chúa Giêsu Thánh Thể, anh chị em hãy để cho Chúa nhìn ngắm mình.[1] Mượn ý tưởng này, người viết mạo muội xin được chia sẻ đôi điều suy nghĩ, cảm nghiệm về tầm quan trọng của việc hồi tâm và gặp gỡ Chúa Giêsu Thánh Thể, Hiện Thực Hóa về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa đang ở giữa chúng ta.

  1. Trước hết, Chúa nhìn ngắm những điều tốt lành nơi tôi

Tâm trạng khá thường của tôi khi đến trước Nhà Tạm, đến với Chúa Giêsu Thánh Thể là muốn xin lỗi và xin ơn. Tôi nghĩ Chúa nhìn thấy tất cả tội lỗi, sự yếu đuối và bất toàn của tôi, nên tôi tới để xin Ngài tha thứ và giúp tôi hoán cải. Nhưng bây giờ tôi khám phá ra một ý nghĩa khác tích cực hơn, có thể đây mới là điều chính yếu. Chúa nhìn ngắm điều tốt lành nơi tôi trước: Ngài nhìn đến những cố gắng nhỏ nhoi trong ngày của tôi; Ngài thấy nơi tôi điểm tích cực là còn biết nhận ra sự bất toàn của mình, khiêm nhường chạy đến với Ngài và xin Ngài tha thứ. Ngài thấy tấm lòng muốn phục thiện của tôi, dù lần này tới lần khác, tôi cứ lỗi phạm đến Ngài. Ngài vẫn yêu thương và chăm sóc tôi hằng ngày; Ngài luôn nhìn tôi với một niềm hy vọng tràn đầy như trong dụ ngôn “Cây vả không ra trái”: Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái,…(Lc 13,8-9).

  1. Tiếp đến, Chúa nhìn thấy con người tội lỗi và yếu đuối của tôi

Khi tiếp xúc với những giáo dân từ người trẻ tuổi đến người lớn tuổi, tôi nhận thấy rằng phần lớn ai cũng đều nghĩ rằng tội lỗi tôi nhiều lắm, tôi xa rời Chúa, tôi xấu xa… Những lúc như thế, tôi hay trả lời họ rằng, Chúa tạo dựng nên ta thì Ngài biết rõ ta. Ngài biết ta yếu đuối. Vấn đề là ta có biết tin tưởng và cầu xin Lòng Chúa xót thương hay không mà thôi. Tác giả Thánh Vịnh đã khẳng định rằng: “Ngài dò xét con và Ngài biết rõ, biết cả khi con đứng con ngồi” (139,1-2).

Khi đến với Chúa Giêsu Thánh Thể, con người tội lỗi của tôi được bày ra trước mặt Ngài, ấy vậy mà Ngài vẫn đoái nhìn và ban ơn, đặc biệt là sự bình an thực sự cho tâm hồn. Chúng ta nhớ lại dụ ngôn “Người Pharisêu và người thu thuế”, cả hai cùng lên đền thờ cầu nguyện. Nhưng cuối cùng, Chúa đã tha thứ cho người thu thuế tội lỗi biết khiêm tốn ăn năn thống hối, còn người kia thì không.

Đối với Đức Thánh Cha Phanxicô, khi gặp những con người mặc cảm tội lỗi, thì ngài luôn mời gọi: Đừng sợ, hãy đến với Chúa, Ngài đang chờ đợi bạn, Ngài sẽ lo mọi sự cho bạn… Vì đối với Chúa, chúng ta không phải là những con số, chúng ta quan trọng, chúng ta là điều quan trọng nhất đối với Ngài, kể cả khi chúng ta là những tội nhân.[2]

  1. Cuối cùng, Chúa vẫn trung thành và chấp nhận tôi

Hãy tin tưởng nơi Chúa, vì Tất cả đường lối Chúa đều là yêu thương và thành tín (Tv 25,10). Dẫu biết rằng tôi tội lỗi, tôi yếu đuối và bất toàn nhưng Chúa vẫn trung thành, vẫn chấp nhận tôi, ngay cả khi tôi không hay chưa sám hối. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa có tất cả 13 ưu phẩm, nhưng 11 ưu phẩm nói về lòng thương xót, chỉ có 2 ưu phẩm nói về sự công bằng của Chúa. Còn trong Tân Ước, điển hình là chương 15 của Tin Mừng Luca, lại cho ta thấy lòng thương xót vô bờ bến của Thiên Chúa qua hình ảnh người cha nhân hậu. Thiên Chúa cứ yêu thương hoài, Ngài chạnh lòng thương khi người con thứ trở về, điều đó được thể hiện qua bảy hành động trọn hảo: chạy ra, ôm cổ, hôn thắm thiết, mang áo đẹp, đeo nhẫn, xỏ giày đẹp, giết bê béo. Người cha ấy cứ thương xót, thương xót hoài đến độ người con thứ không thể không sám hối. Lòng Thương Xót của Thiên Chúa không đặt trên một điều kiện nào cả, nhưng là nền tảng dẫn tới quyết định hoàn toàn tự do để sám hối, để trở về mãi mãi bên Chúa là Cha.

Hãy để cho Chúa Giêsu Thánh Thể nhìn ngắm mình! Lời của Đức Thánh Cha Phanxicô ngỏ với các giáo lý viên, cũng là lời ngỏ với chính bản thân tôi và những ai muốn đến gần để gặp gỡ, hiểu và yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể nhiều hơn, vì Ngài là hiện thân của Lòng Chúa Thương Xót. Xin Chúa Giêsu Thánh Thể tiếp tục nhìn ngắm mỗi người chúng ta, nhìn ngắm thế giới chúng ta và xin Ngài đừng bao giờ ngoảnh mặt làm ngơ (X. 2 Sb 30,9; Tv 22,25).

Tu sĩ Giuse Trần Thanh Hải,SVD

[1]Trích tóm lược Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho các tham dự viên trong Đại hội quốc tế về Giáo lý, 27/9/2013.

[2]Xem Bài giảng trong Thánh lễ đầu tiên tại Nhà thờ Chính Tòa của Giám mục Rôma, 7/4/2013.

Bài trướcÔng Cố PHÊRÔ LÊ TRỌNG HIẾN – Thân Phụ Lm.GB Lê Quang Sáng,SVD
Bài tiếp theoThánh lễ phong Viện Mẫu đầu tiên Việt Nam tại Đan Viện Xitô Vĩnh Phước Hố Nai

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.