MỤC VỤ GIÁO DỤC của DÒNG NGÔI LỜI

0
936

MỤC VỤ GIÁO DỤC

THÀNH PHẦN CỐT LÕI VÀ TOÀN DIỆN CỦA NHỮNG SINH HOẠT TRUYỀN GIÁO TRONG DÒNG NGÔI LỜI (SVD)

Thông điệp Tháng 5 năm 2021 của Ban Lãnh Đạo Dòng Ngôi Lời trong Arnoldus Nota, May 2021, trang 1-2; Lm. Giuse Đỗ Nguyên Vũ, SVD chuyển ngữ

Mục vụ giáo dục trong Dòng Ngôi Lời luôn là thành phần cốt lõi, không thể thiếu, và toàn diện của những sinh hoạt truyền giáo. Đấng Sáng Lập Dòng, Cha Thánh Arnold Janssen, một giáo sư dạy toán và khoa học, đã đánh giá cao việc giáo dục và quan tâm chân thành đến các sinh viên. Khi những nhà truyền giáo Ngôi Lời được sai đến Nam Mỹ, Cha Arnold đã viết cho Bề trên ở đó, “Chúng ta không cứu thế giới chỉ dựa vào những bài giảng và phụng vụ mà thôi” (1984, Alt, 535). Chúng ta phải đổi mới và sáng tạo trong các việc mục vụ. Sau đó, sáu tháng trước khi cha Arnold qua đời, ngài lại nhấn mạnh đến tầm quan trọng của giáo dục. Cha đã nói với các tân linh mục tại nhà thánh Gabriel vào ngày 22/6/1908: “Giáo dục là một trong những hoạt động quan trọng nhất trong các sứ vụ, và điều này đã được chứng minh trong quá khứ… những ai được giáo dục cao thì được mời gọi thi hành tầm ảnh hưởng tốt lúc đương thời” (Alt, 993).

Bất chấp nhu cầu nhân sự cấp bách cho các sứ vụ khác, thì vào tháng 11/1902, Đấng Sáng Lập vẫn quyết định tiếp quản trường Đại học Sư phạm (Teachers’ Training College) ở Vienna. Ngài giải thích: “Tôi thấy rằng lúc này, Vienna là một trong những địa hạt sứ vụ quan trọng bậc nhất mà Giáo hội Công giáo có gần đây.” Vậy ngay từ đầu, giáo dục có tầm quan trọng chính.

Theo Bertrand Russel (1872-1969), Triết gia người Anh, “Giáo dục giúp cho đứa trẻ có được nhân đức trí tuệ, sự hiếu kỳ, tâm trí rộng mở, kiên nhẫn, tập trung, chính xác, và kiên trì.” Thi sĩ nổi tiếng người Ấn Độ, Rabindranath Tagore
(1861-1941), nói: “Giáo dục bao gồm cả sự phát triển thể lý, tâm thần, đạo đức và tâm linh; đồng thời tăng cường năng lực cho các sinh viên.” Giáo dục phác họa sự phát triển tổng thể của các sinh viên. Những tư tưởng của các triết gia về giáo dục đã được Đấng Sáng Lập biến thành hiện thực. Cách nào đó, Thánh Arnold Janssen là người đi trước thời đại!

Ngày nay, hầu hết các cơ sở giáo dục của chúng ta đều nằm trong vùng ASPAC [Châu Á – Thái Bình Dương] (72%), tiếp đến là PANAM [Châu Mỹ] (19%], AFRAM [Châu Phi] (5%), và EUROPA [Châu Âu] (4%) – (theo Catalogus SVD 2021).  Tất cả 6 trường đại học do Dòng Ngôi Lời quản lý đều nằm trong vùng ASPAC. Điều này cho thấy sự tham gia của chúng ta vào các giai đoạn giáo dục sau phổ thông, trung học và tiểu học bị giới hạn trong vài khu vực địa lý. Ngoại trừ tỉnh dòng Bắc Brazil (BRN) có hai ‘faculdades’ (Học viện Cao học): UniAcademia (mở 21 khóa) và Faculdade Arnaldo (mở 14 khóa) do SVD quản lý. Bên cạnh đó, các anh em Ngôi Lời cũng tham gia vào các cơ sở giáo dục mang tính giáo phận và những đại học không tôn giáo (ở Ấn Độ/Ghana). Chúng ta cũng có các trường học ở Argentina, Brazil, Chile, Paraguay, và Ghana.

Ngày nay, hầu hết các cơ sở giáo dục đều ở Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, và Đài Loan – nơi mà các Kitô hữu ít ỏi ở giữa chủ nghĩa đa nguyên tôn giáo và văn hóa. Đôi khi, chúng ta cũng đối diện với chủ nghĩa nền tảng tôn giáo nữa.  Điều này mời gọi chúng ta hãy suy tư nhiều hơn về bản chất truyền giáo và chiều kính tôn giáo của mục vụ giáo dục. Chúng ta làm âm vang sự hiểu biết về giáo dục ngày nay, kết hợp với các giá trị Tin Mừng, với tầm nhìn sứ vụ SVD như ‘đối thoại ngôn sứ’ và các ‘chiều kích đặc trưng’.

Các chiều kích đặc trưng là căn tính và là cốt lõi cho đời sống và phục vụ truyền giáo. Chúng biểu thị đặc điểm cách chúng ta thi hành sứ vụ và sống đời tu. Chúng là thành phần của những hoạt động chương trình giáo dục và ngoài chương trình giáo dục cho các sinh viên trong các trường của chúng ta. Điều đó đem lại cảm thức sứ vụ, bám rễ vào Kinh Thánh, học những kỹ năng thông truyền Tin Mừng, và dấn thân cho công lý, hòa bình, và sự toàn vẹn của tạo thành. Giống như chúng ta cân nhắc đưa những chiều kích đặc trưng này trở thành “nét tiêu biểu của gia đình [SVD]”, thì chúng ta cũng hãy truyền lại những nét tiêu biểu này cho hội đồng và các sinh viên của trường mình.

Sau khi tồn tại với chúng ta trong các cơ sở giáo dục nhiều năm, chúng ta hãy truyền lại cho các sinh viên những gì là đặc trưng SVD và làm cho chúng trở nên những dấu ấn riêng biệt trong chương trình đào tạo của mình. Xem xét hoàn cảnh địa phương, chúng ta hãy tổ chức những hội nghị chuyên đề và giới thiệu linh đạo của Cha Thánh Arnold Janssen và di sản thiêng liêng của ngài. Chúng ta đọc lời nguyện “Một Phần Tư Giờ – the Quarter Hour prayer” và cầu nguyện cho những nhà truyền giáo. Chúng ta hãy truyền lại những yếu tố về căn tính và di sản thiêng liêng của SVD. Những cộng đoàn liên văn hóa/quốc tế của chúng ta có thể trở thành một minh chứng mạnh mẽ cho những dấu chỉ của tình huynh đệ phổ quát, bao dung, và chấp nhận sự đa dạng. Những giá trị này là món quà của Thiên Chúa và lối sống của chúng ta. Theo tiến trình đó, các sinh viên có thể bị cuốn hút vào lối sống của chúng ta.

Trong quá khứ, chúng ta có những ngôi trường chuẩn bị cho những bé trai trở thành những nhà truyền giáo. Ví dụ, Arnold-Janssen Gymnasium, thuộc về Ngôi Nhà Truyền Giáo của thánh Wendel ở Saar (phía tây nam nước Đức), được thành lập năm 1898 như là một tiểu chủng viện mang tính truyền thống. Có khoảng 600 nhà truyền giáo đã được giáo dục phổ thông ở trường thánh Wendel. Cho đến năm 2002, nhiều anh em SVD còn đang dạy những môn học khác nhau ở trường này. Việc mở rộng sứ vụ tương tự là trường thánh Rupert, Bischofshofen in Salzburg, nước Áo, năm 1904. Tất nhiên, ngày nay hoàn cảnh có khác! Một số trường của chúng ta có thể là mùa xuân cổ vũ ơn gọi, nơi nào có thể không?

Trong mục vụ giáo dục, chúng ta thúc đẩy những nguyên tắc cổ vũ tình huynh đệ phổ quát và tình bằng hữu xã hội. Chúng ta giúp cho các sinh viên nhận ra căn tính và phẩm giá của mỗi người trong xã hội và nhìn tha nhân, đối xử với họ phi mục đích và thái độ vô vị lợi. Chúng ta giúp các sinh viên nhận thức rằng tất cả các nguồn tài nguyên có quan hệ với nhau. Có sự phong phú nơi sự hiệp nhất trong đa dạng. Ở đây, hình ảnh hình học khối đa diện là thích hợp. Khối đa diện có những mặt, bề mặt và góc lại cùng nhau tạo nên một hình thống nhất. Chúng ta phải trân quý và tôn trọng mọi người đồng thời dạy cho các sinh viên như vậy.

Là những nhà giáo dục, chúng ta thúc đẩy nghệ thuật và kiến tạo hòa bình và sự hài hòa của các sinh viên, sự thánh thiêng của sự sống, tôn trọng nhân phẩm và tự do của mọi người. Chúng ta giúp họ là những nhân tố của thay đổi và phát triển xã hội và giúp đỡ họ xây dựng quốc gia dân tộc. Chúng ta phải chăm sóc nhằm ủng hộ việc sử dụng hiệu quả và đầy đủ những cơ sở hạ tầng của mình bằng những hoạt động sáng tạo và tân tiến trong các giờ ngoại khóa.

Gần đây, chúng ta sống trong kỷ nguyên hậu hiện đại. Chúng ta nhận ra tài năng thiên niên kỷ và xuất sắc trong nhiều lãnh vực, nhưng lại bị kiềm chế bằng những giới hạn nhất định và những ảnh hưởng tiêu cực. Những khuynh hướng thế giới thay đổi như sự toàn cầu hóa, thế tục hóa, di cư, thuyết tương đối, đô thị hóa làm ảnh hưởng đến tư duy của các sinh viên. Việc dùng ma túy, quan hệ tình dục bừa bãi, lạm dụng truyền thông xã hội, và những khuynh hướng hậu hiện đại dẫn đến những giá trị luân lý xuống cấp.

Vào lúc này, chúng ta tiếp tục khuyến khích và giáo dục các sinh viên các khóa học về đạo đức, tôn giáo, và nhân phẩm. Chúng ta cần phải tạo ra một nền tảng thực sự nhằm sống và thực hành nhân phẩm – sự liên đới, tình huynh đệ/tỉ muội phổ quát, sự chân thành, sự giản dị, sự kiên trì, sự bền bỉ, và niềm vui sống khỏe.

Bên cạnh giáo dục truyền thống, nhiều anh em SVD đã tham gia vào các trường kỹ thuật, ơn gọi và nông nghiệp. Nhiều học viện/cơ sở giáo lý, truyền giáo, nhân học, triết học, thần học, Kinh Thánh và ngôn ngữ tiếp tục cộng tác vào các sứ vụ nhờ những anh em có đủ khả năng đảm nhiệm. Chúng tôi khuyến khích có thêm những anh em SVD đảm trách việc nghiên cứu nghiêm túc trong các lãnh vực nghiên cứu sứ vụ.

Là những nhà giáo dục, cùng nhau vì giáo dục chất lượng, chúng ta cũng cố gắng tạo ra những mô hình giáo dục thay thế. Những mô hình làm nên tính căn cốt cho những ai thấy thách thức tham gia vào giáo dục lớp học truyền thống do sự nghèo đói, phân biệt đối xử, hoặc bị gạt ra bên lề xã hội.  Một cảm thức liên đới mạnh mẽ với người nghèo là phần tổng thể cho mục vụ giáo dục của chúng ta. Ở nhiều tỉnh dòng/miền dòng/giáo điểm (PRM), nhiều trường học của chúng ta có nguồn tự lực. Nhưng, chúng ta phải cố gắng cẩn thận sao cho cân bằng giữa phục vụ và tự lực.

COVID-19 đã gây ra nhiều thách đố. Hơn nữa, nó cũng cho chúng ta các cơ hội. Chúng ta tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc sống cho các sinh viên của mình bằng việc đồng hành trợ giúp liên lỉ. Chúng ta hãy mang đến một hương vị SVD chân thực đến những ngôi trường của mình bằng đời sống chứng nhân và hình thành những mối cộng tác thực chất với giáo dân và những cộng tác viên sứ vụ khác. Ước gì tầm nhìn của thánh Arnold Janssen hướng dẫn và cổ vũ những nỗ lực của chúng ta! 

Cha Tổng Quyền Paulus Budi Kleden, SVD và Ban Lãnh Đạo Dòng Ngôi Lời

Bài trướcNgày 6/5: THÊM SỨC ĐỂ TRƯỞNG THÀNH
Bài tiếp theoNgày 7/5: THÊM SỨC ĐỂ LÀM CHỨNG NHÂN