KHI SỰ THINH LẶNG NÓI

0
505

Paulbang

Nói về thinh lặng trong cuộc sống ngày hôm nay, tôi sẽ nghĩ ngay đến câu nói nổi tiếng “Người ta mất hai năm để học nói, nhưng mất cả cuộc đời để đi tìm sự thinh lặng”. Phải chăng, trong bối cảnh của thời đại hôm nay, bài học này thực sự đang nóng hổi và rất có giá trị?

Hằng ngày, chúng ta phải đón nhận hàng ngàn thứ âm thanh khác nhau tác động vào các giác quan của mình. Tất cả những âm thanh đó có thể được ví von như một nồi lẩu với đầy đủ gia vị của nó. Trong cái nồi lẩu ấy, chúng ta được cảm nếm đầy đủ gia vị chua, cay, mặn, ngọt… Chúng ta được “bồi bổ” bởi tiếng động cơ máy bay ù ù vang vọng cả một vùng trời, tiếng “xình xịch” của các toa xe lửa nối tiếp nhau, tiếng còi inh ỏi trên đường phố của các phương tiện giao thông nơi phố thị, tiếng “chèn chẹt” đinh tai nhức óc của máy cắt đá nơi các công trường, tiếng âm nhạc vang lên với đầy đủ thể loại nhạc từ Rap cho đến Bolero nơi các quán xá, tiếng rao chào khách của các gánh hàng rong, tiếng trò chuyện í ới của các em học sinh giờ tan trường, tiếng ghi-ta nhỏ nhẹ bởi một phút ngẫu hứng bên ly café của người nghệ sĩ với bản tình ca, tiếng nô đùa của trẻ con, tiếng khóc đòi mẹ của một em bé, tiếng chim hót, tiếng dế kêu, tiếng chó sủa, thậm chí là tiếng leng keng của một thượng khách đang đánh tan những hạt đường tí tẹo trong ly café ở bàn kế bên… Trong nồi lẩu phong phú đó, chắc chắn cũng sẽ không thiếu được vị chua chát của những tiếng cãi vã, chửi mắng nhau, nhưng cũng sẽ đầy ắp âm thanh với cung giọng trầm bổng từ lời kinh thật thánh thiện được phát ra từ các ngôi nhà thờ, chùa chiền… Nhiều khi, chúng ta vừa là chủ nhân nhưng cũng là nạn nhân bị nhấn chìm vào trong nồi lẩu đang sôi sùng sục đó. Bên cạnh những thanh âm bên ngoài, còn có những thanh âm từ sâu thẳm trong tâm hồn làm cho ta phải thổn thức, sự mất bình an, những toan tính, lo lắng thỉnh thoảng làm dậy lên những lớp sóng như làm cho nồi lẩu thêm đầy đủ gia vị cần thiết. Nhìn vào xã hội hôm nay, chúng ta không khó để nhận định rằng, cuộc sống càng hiện đại, con người càng mất đi quyền được thinh lặng.

Quả thế, thinh lặng trước hết phải được nhìn nhận đó là một quyền của con người. Bởi, thinh lặng là giây phút lắng đọng quý báu nhất để nghỉ ngơi, phản tỉnh và trở về với căn cốt của mình. Vì thế, chúng ta có quyền được hưởng một sự thinh lặng. Theo Hồng Y Robert Sarah, Tổng trưởng Thánh bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, thinh lặng được biểu thị ở hai nghĩa: nghĩa thứ nhất, thinh lặng bên ngoài là sự thiếu vắng những âm thanh. Sự thinh lặng bên ngoài gồm có sự thinh lặng về lời nói và hành động; nói một cách khác là sự vắng mặt của những tiếng ồn ào của cửa nhà, xe cộ, búa khoan, máy bay, ngay cả tiếng ồn của máy chụp hình thường kèm theo ánh sáng bừng lóe lên của đèn flash, và kể cả khu rừng kinh khủng của điện thoại di động phát ra ngay cạnh mình thậm chí trong các giờ phụng vụ Thánh Thể.

Nghĩa thứ hai, về sự tĩnh lặng trong tâm hồn, nó có thể đạt được qua sự thiếu vắng những ký ức, những kế hoạch, những thì thầm trong lòng, những lo lắng,những bất an… Điều còn quan trọng hơn, nhờ vào hành vi của ý chí, nó có thể là kết quả của sự thiếu vắng những tình cảm lộn xộn hay những khát khao quá mức. Dom Dysmas đã đúng khi nhấn mạnh rằng: “Giữ thinh lặng với cái miệng của chúng ta thì không khó; chỉ cần dùng ý chí là được. Giữ thinh lặng trong những suy nghĩ lại là vấn đề khác… Thật ngược đời, sự thinh lặng và cô độc bên ngoài, với mục đích thúc đẩy sự thinh lặng trong tâm hồn, bắt đầu từ việc làm lộ ra tất cả những sự ồn ào cư ngụ trong chúng ta.” Thinh lặng không phải là im lặng, bởi im lặng là hành vi của giác quan, chúng ta chỉ cần không nói, không gây ra tiếng ồn là đã đạt được trạng thái im lặng. Còn thinh lặng ở một cảnh giới cao hơn, đó là sự bình an nội tâm, là trạng thái nghỉ ngơi của tâm hồn, là “Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”. Thinh lặng thực sự không đơn thuần là sự thụ động, nhưng là một thực tại tích cực dẫn đến sự gặp gỡ và hiệp nhất.

Trong Kinh Thánh, chúng ta thật dễ dàng để tìm thấy nhiều chương sách nói về giá trị của thinh lặng như sách Isaia viết “Thinh lặng là hoa trái của đức công chính” (x. Is 32,17); hay trong sách châm ngôn “nói nhiều không tránh khỏi tội (Cn 13, 3) và cả sách huấn ca “ai nói nhiều thì làm tổn thương linh hồn mình” (Hc 20, 8). Đặc biệt trong Tin Mừng, Chúa Giêsu cũng nhắn nhủ chúng ta: “Đến ngày phán xét người ta phải trả lẽ với tất cả những lời nói vô ích mình đã nói” (Mt 12, 36). Như thế, thinh lặng vừa mang yếu tố ngoại tại nhưng đồng thời trong chiều kích nội tại, nó là khao khát ẩn tàng trong mỗi chúng ta. Vậy trong bối cảnh xã hội hôm nay, chúng ta có thể tìm thấy sự thinh lặng thực sự cho cuộc đời của mình?

 Ngày nay, vượt trên cái quyền lợi đáng được hưởng, con người đang tìm về với giá trị thinh lặng như một nhu cầu không thể thiếu cho cuộc đời mình. Chúng ta dần nhận ra rằng, khi chúng ta có được một đời sống thinh lặng thực sự, chúng ta sẽ nắm giữ sức mạnh lớn gấp bội phần so với khi đón nhận sự ồn ào. Bởi đó, chúng ta vẫn tìm đến với Tĩnh tâm của Công giáo, Thiền định của Phật giáo, Pháp luân công, Yoga,… như là những con đường đúng đắn dẫn ta về với thinh lặng. Khi nhận ra giá trị đích thực của thinh lặng, nhiều người đã không ngần ngại bỏ ra cả thời gian và tiền của tìm đến những Đan viện với ước mong được hưởng một bầu khí tĩnh lặng thánh thiêng. Nhiều tổ chức cũng đang mời gọi con người hãy tránh xa công nghệ và sự ồn ào của cuộc sống hiện đại để trở về với thiên nhiên như một hành động trở về với sự tĩnh lặng thuần khiết. Tuy nhiên, tất cả những cuộc hành trình tìm về với thinh lặng sẽ thực sự ý nghĩa khi phục vụ cho mục đích cuối cùng là tìm kiếm một sự bình an đích thực cho cuộc đời. Như Baba Ram Dass đã khẳng định “Càng trong thinh lặng, càng nghe thấy nhiều”. Bởi thế, ngày nay người ta vẫn quan niệm rằng, người xuất chúng là người giúp người khác tìm được đường trở về với sự thinh lặng.

Để kết thúc những dòng suy tư của mình, tôi xin mượn lời của sách Châm Ngôn như một thông điệp cho bản thân mình“Nếu biết giữ thinh lặng, kẻ ngu cũng được kể là người khôn ngoan; nếu biết ngậm môi, kẻ đó được coi là người thông hiểu” (Cn 17, 28). Nguyện xin Chúa là nguồn bình an luôn chúc lành cho tất cả chúng ta.

Bài trướcNHÀ CHÍNH SVD NHA TRANG: TĨNH TÂM THÁNG MÂN CÔI
Bài tiếp theoCần Một Đối Thoại Ngôn Sứ Cho Những Vấn Đề Truyền Giáo Hôm Nay