NHỮNG HÀNH ĐỘNG NGƯỢC ĐỜI CỦA NHỮNG NGƯỜI MÔN ĐỆ
♦ Lm. Giuse Phạm Duy Thạch, SVD chú giải
Bản văn và dịch sát nghĩa
Hy Lạp | Việt |
27 Ἀλλ᾽ ὑμῖν λέγω τοῖς ἀκούουσιν· ἀγαπᾶτε τοὺς ἐχθροὺς ὑμῶν, καλῶς ποιεῖτε τοῖς μισοῦσιν ὑμᾶς,
28 εὐλογεῖτε τοὺς καταρωμένους ὑμᾶς, προσεύχεσθε περὶ τῶν ἐπηρεαζόντων ὑμᾶς. 29 τῷ τύπτοντί σε ἐπὶ τὴν σιαγόνα πάρεχε καὶ τὴν ἄλλην, καὶ ἀπὸ τοῦ αἴροντός σου τὸ ἱμάτιον καὶ τὸν χιτῶνα μὴ κωλύσῃς. 30 Παντὶ αἰτοῦντί σε δίδου, καὶ ἀπὸ τοῦ αἴροντος τὰ σὰ μὴ ἀπαίτει. 31 Καὶ καθὼς θέλετε ἵνα ποιῶσιν ὑμῖν οἱ ἄνθρωποι ποιεῖτε αὐτοῖς ὁμοίως. 32 καὶ εἰ ἀγαπᾶτε τοὺς ἀγαπῶντας ὑμᾶς, ποία ὑμῖν χάρις ἐστίν; καὶ γὰρ οἱ ἁμαρτωλοὶ τοὺς ἀγαπῶντας αὐτοὺς ἀγαπῶσιν. 33 καὶ [γὰρ] ἐὰν ἀγαθοποιῆτε τοὺς ἀγαθοποιοῦντας ὑμᾶς, ποία ὑμῖν χάρις ἐστίν; καὶ οἱ ἁμαρτωλοὶ τὸ αὐτὸ ποιοῦσιν. 34 καὶ ἐὰν δανίσητε παρ᾽ ὧν ἐλπίζετε λαβεῖν, ποία ὑμῖν χάρις [ἐστίν]; καὶ ἁμαρτωλοὶ ἁμαρτωλοῖς δανίζουσιν ἵνα ἀπολάβωσιν τὰ ἴσα. 35 πλὴν ἀγαπᾶτε τοὺς ἐχθροὺς ὑμῶν καὶ ἀγαθοποιεῖτε καὶ δανίζετε μηδὲν ἀπελπίζοντες· καὶ ἔσται ὁ μισθὸς ὑμῶν πολύς, καὶ ἔσεσθε υἱοὶ ὑψίστου, ὅτι αὐτὸς χρηστός ἐστιν ἐπὶ τοὺς ἀχαρίστους καὶ πονηρούς. 36 Γίνεσθε οἰκτίρμονες καθὼς [καὶ] ὁ πατὴρ ὑμῶν οἰκτίρμων ἐστίν. 37 Καὶ μὴ κρίνετε, καὶ οὐ μὴ κριθῆτε· καὶ μὴ καταδικάζετε, καὶ οὐ μὴ καταδικασθῆτε. ἀπολύετε, καὶ ἀπολυθήσεσθε· 38 δίδοτε, καὶ δοθήσεται ὑμῖν· μέτρον καλὸν πεπιεσμένον σεσαλευμένον ὑπερεκχυννόμενον δώσουσιν εἰς τὸν κόλπον ὑμῶν· ᾧ γὰρ μέτρῳ μετρεῖτε ἀντιμετρηθήσεται ὑμῖν. (Lk. 6:27-38 BGT) |
27 Nhưng Thầy nói với anh em, những người đang nghe: Hãy yêu những kẻ thù và làm điều tốt cho những kẻ ghét anh em,
28 Hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ ngược đãi anh em. 29 Hãy giơ cả má bên kia cho người vả một bên má. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản người ấy lấy áo trong. 30 Hãy cho tất cả những người xin anh, đừng đòi lại từ người lấy của anh. 31 Hệt như anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta tương tự. 32 Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì đâu là sự tốt lành dành cho anh em? Ngay cả những người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ. 33 Và nếu anh em làm điều tốt lành cho những người làm điều tốt lành cho mình, thì đâu là sự tốt lành dành cho anh em? Bởi vì những người tội lỗi cũng làm điều đó. 34 Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được, thì đâu là sự tốt lành dành cho anh em? Những người tội lỗi cũng cho những người tội lỗi vay để họ lấy lại cùng số lượng. 35 Trái lại, anh em hãy yêu kẻ thù, làm điều tốt lành và cho vay mà chẳng hề hy vọng gì. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ nhiều, và anh em sẽ là những người con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn tốt lành với cả những người vô ân và những người xấu xa. 36 “Hãy có lòng thương xót, như Cha anh em, Đấng hay thương xót. 37 «Đừng xét xử, thì anh em sẽ không bị xét xử. Anh em đừng kết án, thì sẽ không bị Thiên Chúa kết án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được thứ tha. 38 Anh em hãy cho, thì sẽ được cho lại. Một cách thức đo lường tốt, đã nén, đã lắc, đổ tràn, sẽ ban cho, vào vạt áo anh em. Vì anh em sẽ được đong lại bằng chính mức độ mà anh em đã dùng.”
|
Bối cảnh: Lc 6,27-38 nằm trong bối cảnh của «bài giảng dưới đồng bằng» của tác giả Luca (Lc 6,17-49). Gọi là “bài giảng dưới đồng bằng” là đối lại với “bài giảng trên núi” của tác giả Mát-thêu (Mt 5 – 7). Trong khi Đức Giêsu của tác giả Mátthêu đi lên núi, ngồi xuống, và giảng (Mt 5,1), Đức Giêsu của tác giả Luca lại từ trên núi đi xuống, đứng ở một nơi bằng phẳng và giảng (Lc 6,20). Trong bối cảnh trực tiếp bản văn được bố trí ngay sau đoạn nói về bốn mối phúc và bốn mối họa. Có những tư tưởng tương tự và nối kết giữa hai bản văn. Mối phúc cho các môn đệ khi vì «Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xóa tên như đồ xấu xa» (6,22) được tiếp nối bằng lời dạy «hãy yêu kẻ thù và làm điều tốt lành cho những người ghét anh em» (6,27). Các môn đệ được dạy không những đón nhận những cơn bách hại như là những phúc lành mà còn phải yêu thương và làm điều tốt cho những người bách hại. Chính Đức Giêsu đã thực hiện lời dạy này khi Người tha thứ và cầu nguyện cho những người giết Người: «Lạy Cha! Xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm » (Lc 23,34). Mối phúc cho «những người nghèo» (6,20) được thể hiện bằng lời khuyên thanh thoát với của cải: «Hãy cho tất cả những ai xin; đừng đòi lại từ những người vay mượn» (6,30). Tác giả Mátthêu ghi lại dụ ngôn «người đầy tớ không biết xót thương», trong đó, nhà vua đã tha hết nợ cho người đầy tớ nợ «mười ngàn ký vàng» (x. Mt 18,23-35). Trong bối cảnh rộng hơn, danh xưng «con trai của Đấng Tối Cao» gợi nhớ đến danh xưng của chính Đức Giêsu được nói qua miệng sứ thần (Người sẽ được nên cao cả và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao: Lc 1,32), và qua miệng của người đàn ông bị quỷ ám (Lc 8,28). Người môn đệ trở nên giống Đức Giêsu, thành con trai của Đấng Tối Cao khi họ dám yêu thương kẻ thù và cho vay mà không hy vọng đòi lại. Ngoài ra, người môn đệ được khuyên là phải có lòng thương xót như Cha của họ là Đấng hay thương xót (Lc 6,36). Thiên Chúa tỏ lòng thương xót cho những ai kính sợ Người. Người «nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Ápraham và cho con cháu đến muôn đời» (Lc 1,55). Dụ ngôn người Samari nhân hậu (chỉ có trong Tin Mừng Luca) cũng là dụ ngôn nói về lòng thương xót bằng hành động của người xa lạ dành cho người bị nạn bên đường (Lc 10,37).
Cấu trúc: Lc 6,27-38 có thể chia thành hai đoạn nhỏ. Đoạn thứ nhất (6,27-35) tập trung vào thái độ của người môn đệ đối với những người chống đối và gây hại cho họ. Nó nhìn giống như một cấu trúc đối xứng đồng tâm, với tâm là (d). Các thành phần a,b,c, trình bày những mệnh lệnh có vẻ nghịch lý, đối xứng với các thành phần a’,b’,c’, giải thích cho những mệnh lệnh ấy. Đoạn thứ hai (6,36-38) là những mệnh lệnh giúp các môn đệ hành động như cha của mình.
(I) Những hành động để được gọi là con Đấng Tối Cao (27-35)
a. Yêu kẻ thù (27) b. Làm điều tốt cho người không làm điều tốt cho mình (28-29) c. Cho không mong đáp lại bị lấy, không đòi lại (30) d. Làm điều mình muốn người ta làm cho mình (31) a’. Lý do: Vậy mới tốt lành hơn những người tội lỗi (32) b’. Lý do: Vậy mới tốt lành hơn những người tội lỗi (33) c’. Lý do: Vậy mới tốt lành hơn những người tội lỗi (34). Kết: Hãy yêu kẻ thù, làm điều tốt lành và cho vay mà chẳng hề hy vọng gì (35a) Hiệu quả: Phần thưởng nhiều và được gọi là con của Đấng Tối Cao (35b) (II) Những hành động như Cha (36-38) Hãy có lòng thương xót như Cha (36) Đừng xét xử và đừng kết án (37a) Hãy tha thứ, thì sẽ được thứ tha (37b). Hãy cho thì sẽ được cho lại (38) |
Một số điểm chú giải
- Hãy yêu kẻ thù (ἀγαπᾶτε τοὺς ἐχθροὺς ὑμῶν): «Hãy yêu kẻ thù » là mệnh lệnh mở đầu và kết thúc của đoạn văn Lc 6,27-35. Chính vì vậy, có thể nói rằng đây là ý tưởng chính yếu của đoạn này. Yêu kẻ thù là một điều khá lạ lẫm với tất cả mọi người qua mọi thời đại. Trong một xã hội mạnh được yếu thua, đấu tranh sinh tồn, người ta luôn sẵn sàng chống lại kẻ thù của mình để tìm lợi thế cho mình, hoặc ít ra cũng là để bảo vệ bản thân mình trước sự tấn công của kẻ thù.[1] Trong Thập Điều Chúa truyền cho ông Môsê, là cốt lõi của Lề Luật, cũng không có điều nào dạy người ta yêu thương kẻ thù. Thậm chí, trong Luật Môsê còn có điều luật dạy ăn miếng trả miếng: «Mắt đền mất, răng đền răng, chân đền chân, thiêu cháy đền thiêu cháy, thương tích đền thương tích» (Xh 21,24-25 ; Lv 24,20 ; Mt 5,38). Vì thế, «yêu kẻ thù» là mệnh lệnh vô cùng mới lạ và có phần nghịch lý của Đức Giêsu.[2] Nó vượt trên cả điều răn yêu người: «Yêu người thân cận như chính mình» (Lv 19,18), mà Đức Giêsu đã nhắc lại trước câu hỏi «điều răn nào trọng nhất ?» (Mt 22,39 ; Mc 12,31.33). «Yêu kẻ thù» là mở rộng biên giới của hành động «yêu» ra vô tận. Một khi người ta có thể yêu kẻ thù thì không còn ai người ta có thể ghét nữa. Yêu kẻ thù đồng nghĩa với việc biến kẻ thù thành bạn, không còn xem ai là kẻ thù nữa.[3] Biết yêu thương kẻ thù mới vượt trội hơn là chỉ yêu thương những người yêu thương mình, bởi yêu thương những người yêu thương mình chỉ là tình yêu theo kiểu «có qua có lại», chứ chưa phải là một sự tự do trao ban hoàn toàn.
- Làm điều tốt cho những kẻ ghét anh em: «Những kẻ ghét anh em» là một cách diễn giải khác của danh xưng «những kẻ thù». Làm điều tốt cho những người ghét mình là biểu hiện cụ thể của việc «yêu những kẻ thù». Tình yêu được thể hiện trong việc làm điều tốt lành, nghĩa là, không phải bằng sự bị động khi đối đầu với đối thủ nhưng chủ động tích cực.[4] Làm điều tốt cho những kẻ ghét mình bao gồm những hành động cụ thể hơn nữa: «Chúc lành cho những người nguyền rủa» mình[5]; «Cầu nguyện cho những người ngược đãi» mình (Đức Giêsu và thánh Stêphanô cầu nguyện cho người ngược đãi họ [Lc 23,34; Cv 7,60]) ; «Ai vả một bên má thì đưa luôn cả má bên kia»[6]; «Ai lột áo choàng ngoài, thì đừng giữ áo trong».[7] Đức Giêsu của tác giả Luca mở rộng hơn phản đề của tác giả Mátthêu. Đức Giêsu của tác giả Mátthêu chỉ dạy rằng: «Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những người ngược đãi anh em» (Mt 5,44). Đức Giêsu của tác giả Luca thêm vào lời mời gọi «làm điều tốt cho những người ghét» mình và cụ thể hóa những loại hành động mà «người ghét» có thể làm và cách để đáp trả. Những hành động của những người thù ghét mà tác giả Luca thêm vào, là âm vang của những hình thức bách hại mà tác giả đã liệt kệ trong phần bốn mối phúc (oán ghét, khai trừ, sỉ vả, bỉ loại bỏ tên như những kẻ xấu xa) (Lc 6,22).[8] Theo đó, mặc cho những lời nói và hành động xấu xa mà những kẻ thù ghét làm cho người môn đệ, họ cũng phải xử đẹp với những kẻ ấy. Cách cư xử đó làm nên sự khác biệt giữa những người môn đệ Đức Giêsu và những người khác. Họ phải có lòng rộng lượng vượt bậc so với người khác. Làm điều tốt cho những người làm điều tốt cho mình chỉ là một sự đáp đền qua lại không hơn không kém. Nó không cho thấy một sự tốt lành thật sự nơi các môn đệ.
- Hãy cho … đừng đòi lại: Ngoài sự rộng lượng, Người môn đệ cũng được đòi hỏi phải có lòng rộng rãi, quảng đại, và sự từ bỏ vô giới hạn.[9] Họ được mời gọi cho đi khi có ai đó hỏi xin cái gì và thậm chí khi họ không xin mà lấy, người môn đệ cũng không đòi lại. Sự rộng rãi, sẵn sàng cho đi của các môn đệ được đặt trên nền tảng tấm lòng của Chúa. Đức Giêsu đã khẳng định rằng: «Cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, và cứ gõ cửa thì sẽ mở cho» (Lc 11,9). Đây là câu kết luận cho dụ ngôn được gọi là «người bạn quấy rầy» trong đó, sự kiên trì cầu xin của một người bạn đã làm cho người bạn của mình đang ngủ với con, cũng phải dậy để cho anh ta «tất cả những gì anh ta cần» (x. Lc 11,5-8). Tác giả Gioan cảm nhận sâu sắc rằng: «Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi ban tặng Con Một của Người, để bất cứ ai tin vào Người sẽ không phải chết nhưng có sự sống đời đời» (Ga 3,16). Thánh Phao-lô diễn tả tình yêu trao tặng tất cả của Thiên Chúa như sau: «Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng ban cho tất cả cùng với Người cho chúng ta ?» (Rm 8,32).
- Lấy … cho vay: Tác giả J. Fitzmyer nghĩ rằng động từ «lấy» ở đây diễn tả hành động của một tên trộm.[10] Tuy nhiên, xem ra nó không có nghĩa như vậy. Những hành động «lấy» và «đòi lại» trong câu «ai lấy cái gì … thì đừng đòi lại» đối lại với những hành động «cho vay» và «hy vọng lấy lại được» trong câu giải thích «nếu anh em cho vay mà hy vọng lấy lại được». Sự đối xứng này cho phép hiểu «lấy» có nghĩa là «vay mượn» và không có khả năng trả. Đức Giêsu của Mátthêu nói rằng: «Ai muốn vay mượn thì đừng ngoảnh mặt đi». Nghĩa là, ai muốn vay mượn thì hãy cho họ vay. Đức Giêsu của Luca dường như đi xa hơn nữa. Người muốn rằng người cho vay mượn không hy vọng lấy lại, nghĩa là cho luôn. Hai cấp độ của lòng quảng đại được thể hiện rõ nét: Sẵn sàng cho đi và sẵn sàng cho mượn mà không mong đền trả. Khi làm được hai hành động ấy, người môn đệ vừa cho thấy họ thanh thoát với của cải, nhẹ nhàng với vật chất và quảng đại, nặng tình với con người cùng khổ.
- Làm cho người ta điều mình muốn người khác làm cho mình: Câu nói này như là một nguyên tắc vàng để cân chỉnh những hành vi của con người. Ai cũng muốn người khác làm điều tốt lành cho mình. Nếu mình muốn như thế, thì hãy biết rằng người khác cũng muốn như mình muốn. Tuy nhiên, chẳng mấy ai muốn mình bị thiệt thòi. Ai cũng muốn nhận phần hơn. Chính vì thế, người môn đệ được mời gọi luôn đi bước trước bằng cách luôn làm điều tốt lành cho người khác. Câu nói này bao hàm tất cả những hành động mà Đức Giêsu khuyên các môn đệ phải làm : Ai cũng muốn được yêu thương, kể cả những kẻ thù; Ai cũng muốn người khác đối xử tốt với mình, kể cả những người đối xử không tử tế với người khác; Ai đi xin cũng muốn được người ta cho; Và ai đi vay mà không có khả năng trả thì cũng muốn người chủ nợ rộng lượng khất nợ cho mình, hoặc tha luôn món nợ. Người môn đệ dám nhận phần thiệt về mình để làm cho người khác vui lòng. Đó là cách thức tốt nhất để hóa giải những mối thù hận, và khỏa lấp những khoảng cách giàu, nghèo trong xã hội. Đức Giêsu đã thực thi giáo huấn của Người bằng cách đón nhận sự sỉ nhục, tra tấn một cách bình thản. Những tên lý hình đã «vả vào mặt Người» (Ga 18,22; 19,3); Một số người «khạc nhổ vào Người, bịt mặt Người lại, vừa đánh đấm Người vừa nói: ‘Hãy nói tiên tri đi’ và đám thuộc hạ tát Người túi bụi» (Mc 14,65). Cũng như Đức Giêsu, thánh Phao-lô khuyên rằng: «Anh em hãy thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình… hãy chúc lành cho những người bắt bớ anh em, chúc lành chứ đừng nguyền rủa… đừng lấy ác báo ác… hãy làm tất cả những gì có thể làm được để sống hòa thuận với mọi người… kẻ thù ngươi có đói, hãy cho nó ăn; có khát hãy cho nó uống… đừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác» (x. Rm 12,9-21). Câu nói của Đức Giêsu tương tự như câu nói của ông Tôbít với con mình là Tôbia: «Điều con không thích thì cũng đừng làm cho người ta» (Tb 4,15).[11] Tuy nhiên, trong khi câu nói của ông Tôbít có chiều hướng phủ định, tránh điều xấu, lời dạy của Đức Giêsu mang chiều hướng khẳng định, chủ động làm điều tốt cho người khác.
- Đâu là sự tốt lành dành cho anh em? (ποία ὑμῖν χάρις ἐστίν). Câu hỏi này được lặp lại ba lần (6,32.33.34) như một điệp khúc nhằm cật vấn các môn đệ, cũng như các độc giả về lòng tốt của họ. Câu hỏi này giả định rằng những người môn đệ của Đức Giêsu phải ước muốn một sự tốt lành trổi vượt hơn những người khác. Nói theo kiểu Đức Giêsu của tác giả Mátthêu là, họ phải «công chính hơn các Kinh Sư và những người Pharisêu» (Mt 5,20); Hay là «hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện» (Mt 5,48). Nếu các môn đệ không có khao khát một sự hoàn thiện như Cha của họ trên trời và một sự công chính hơn các Kinh Sư và những người Pharisêu, thì câu hỏi của Đức Giêsu trở nên vô nghĩa đối với họ. Câu hỏi của Đức Giêsu giúp cho họ nhìn nhận mức độ tốt lành tầm thường của họ và tiếp tục vươn lên cho đến mức hoàn thiện.
- Những người tội lỗi (οἱ ἁμαρτωλοὶ): Tác giả Mátthêu dùng nhân vật «những người thu thuế » (Những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao ?) thay cho «những người tội lỗi». Hai loại nhân vật này thường đi với nhau và đều bị xem là xấu như nhau trong con mắt của những người Do Thái (Mt 9,10.11; 11,19 ; Mc 2,15.16). Tác giả Luca có cái nhìn khá tích cực và lạc quan với những người tội lỗi. Họ là những người được Đức Giêsu ưu tiên nhắm đến trong sứ vụ rao giảng của Người: «Người đàn ông này đón tiếp những người tội lỗi và ăn uống với chúng». Luca là tác giả sử dụng danh xưng «những người tội lỗi » nhiều nhất trong tất cả các tác giả sách Tin Mừng (Lc : 6 lần [6,32.33.342;13,2 ; 15,1] ; Mt : 1 lần [9,10] ; Mc : 1 lần [2,15] ; Ga : 0 lần). Luca cũng là tác giả duy nhất kể dụ ngôn «người cha nhân hậu» kèm theo hai dụ ngôn «đồng bạc bị mất» và «con chiên lạc» để biện minh cho lòng thương xót vô bờ bến của Thiên Chúa dành cho những người tội lỗi (Lc 15,1-32). Riêng trong đoạn văn này danh xưng «những người tội lỗi» được lặp lại bốn lần liên tục, như một điệp khúc, nhằm nhấn mạnh đến lòng tốt bình thường của «những người tội lỗi» so với lòng tốt mà các môn đệ phải vươn tới. «Những người tội lỗi» cũng biết yêu thương những người yêu thương họ. Họ cũng biết đáp trả lại ân tình của người khác dành cho họ và họ cũng cho vay và lấy lại sòng phẳng. Những cách cư xử này hẳn là những điều tốt nhưng chỉ ở mức bình thường. Ai ai cũng có thể làm như thế. Thậm chí những người tội lỗi, những người được xem là không tốt, cũng thường làm như thế.
- Con Đấng Tối Cao: Tước vị, và địa vị mà những người môn đệ phải vươn tới là «những người con của Đấng Tối Cao». Hay nói đúng hơn, họ vốn là con của Đấng Tối Cao rồi, nhưng họ chưa có được những phẩm tính tốt lành đủ để bộc lộ căn tính của mình trước thế gian. Đấng Tối Cao luôn tỏ lòng tốt với tất cả mọi người, kể cả những người xấu xa. Những phẩm tính như «yêu kẻ thù, làm điều tốt lành và cho vay mà không hy vọng lấy lại» là những phẩm tính chứng minh các môn đệ là «những người con của Đấng Tối Cao»[12] và kèm theo nhiều phần thưởng cho Đấng Tối Cao ban tặng. Trước đó, Đức Giêsu cũng hứa phần thưởng nhiều ở trên trời dành cho những người chịu bách hại (Lc 6,23). Đức Giêsu muốn nói đến phần thưởng cánh chung hơn là phần thưởng trong cuộc sống hiện tại. Làm «con của Đấng Tối Cao» nghĩa là chia sẻ cùng địa vị với Đức Giêsu, bởi vì Người được gọi là «Con Đấng Tối Cao» (Lc 1,32). Thánh Phaolô diễn tả hình ảnh này trong thư gửi tín hữu Rôma: «Đối với những ai Người chọn trước, Người cũng đã tiền định làm cho nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử trong số nhiều người anh em» (Rm 8,29).
- Hãy có lòng thương xót… tha thứ … đừng xét xử… đừng kết án: Sau khi nhắc đến những điều nên làm để chứng tỏ mình là «những người con của Đấng Tối Cao», các môn đệ lại được mời gọi hành động như Cha của mình, bắt chước Cha của mình. Đó là «hãy có lòng thương xót, như Cha của anh em cũng hay thương xót ». Đức Giêsu của tác giả Mátthêu nói rằng: «Hãy nên hoàn thiện như Cha của anh em là Đấng hoàn thiện» (Mt 5,48). «Lòng thương xót» có thể có hai nghĩa: (1) Thương xót đối với những người nghèo khổ, đói kém ; (2) Thương xót với những người tội lỗi, cảm thông với những lỗi lầm của người khác. Trong bối cảnh này, nghĩa thứ hai có vẻ rõ nét hơn, bởi vì những hành động tiếp theo như «tha thứ», «xét xử »[13], «kết án». Như đã nói trên, Đức Giêsu có sự yêu thương cách đặc biệt đối với những người tội lỗi. Người đến để kêu gọi những người tội lỗi hoán cải. Người không ngần ngại gọi Lêvi, một người thu thuế làm Tông Đồ. Người thường đồng bàn, làm bạn với những người tội lỗi. Bộ ba dụ ngôn «đồng bạc bị mất»; «Con chiên lạc»; «Người cha nhân hậu» trong Tin Mừng Luca là hình ảnh rõ nét cho lòng thương xót dành cho những người tội lỗi. Tác giả dùng toàn là ngôn ngữ tòa án để diễn tả cách thức người môn đệ phải đối xử với những người tội lỗi. Họ được mời gọi thương xót bằng cách sẵn sàng tha thứ lỗi lầm cho người khác. Hành vi «tha thứ» giả định một sự phán xét người nào đó có tội rồi. Đức Giêsu mời gọi đi xa hơn nữa: Không những tha thứ mà còn không «xét xử». Không xét xử thì sẽ không có sự kết án, không công bố bản án. Sự tha thứ, không xét xử, không kết án, cũng không đi ra khỏi lời mời gọi «hãy yêu kẻ thù» được nhắc đến lúc đầu như là sợi chỉ đỏ xuyên suốt bài giảng này. Ông Phêrô được mời gọi tha thứ đến «bảy mươi lần bảy» (vô tận) (Mt 18,22). Đức Giêsu, trong giây phút đau khổ nhất, đã nhẹ nhàng xin Chúa Cha tha thứ cho tất cả những ai tham gia kết án và xử tội Người cách bất công (Lc 23,34). Động lực lý tưởng nhất của những hành động này là «làm như Cha làm» (thương xót như Cha hay thương xót). Ngoài ra, mục đích của những hành động này là để nhìn nhận thân phận của mình: Mình cũng là những tội nhân, cũng cần được thương xót, được tha thứ, không muốn bị xét xử và kết án. Như vậy, ở mức độ thấp hơn, người môn đệ làm những hành động này là để tránh bị Thiên Chúa đối xử tương tự.[14]
- Cho… được cho lại: Động từ cho được lặp lại một lần nữa. Ở trên, người môn đệ được mời gọi «cho bất cứ người nào xin» họ. Ở đây, hành động cho được mở rộng hơn nữa. Đó là một thái độ cởi mở, tự nguyện, nhìn thấy nhu cầu của người khác trước khi họ cầu xin. Phúc lành «được cho lại» ở đây có thể tương tự như «nhiều phần thưởng» dành cho những người yêu kẻ thù và làm những điều tốt lành cho những người ghét mình đã được nói ở trên. Một cách lý tưởng, người môn đệ được mời gọi cho người khác, cho vay, mà không hy vọng một sự đáp đền. Tuy nhiên, Thiên Chúa sẽ không bao giờ thua kém lòng quảng đại của con người. Sự «cho lại» là những món quà tương xứng mà Thiên Chúa trao ban dồi dào cho những người luôn sống quảng đại với người khác.
- Một cách thức đo lường tốt, đã nén, đã lắc, đổ tràn, sẽ ban cho: Hình thức «cho lại» được diễn tả một cách chi tiết với nhiều động từ (nén, lắc, đổ tràn) diễn tả sự dư đầy trong cách Thiên Chúa đáp trả cho những ai sẵn sàng cho đi. Cách diễn tả này ngụ ý rằng Thiên Chúa đã dùng mọi cách để làm đầy nhất có thể, trên một dụng cụ đo lường Người dùng để đền đáp cho con người. Thiên Chúa luôn đền đáp dư đầy những điều tốt lành người ta dành cho tha nhân.
Bình luận tổng quát
Bài giảng dưới đồng bằng (Lc 6,20-49) khởi đầu bằng những mối phúc xem ra nghịch lý với người đời (phúc cho những người nghèo, phúc cho những người đói, phúc cho những người khóc lóc, và phúc cho những người bị bách hại) và được tiếp tục cách chặt chẽ, hợp lý với những cách hành xử ngược đời của những người môn đệ. «Hãy yêu kẻ thù» quả là một lời mời gọi chấn động đối với tất cả mọi người. Tuy nhiên, đó lại là cách hành xử làm cho các môn đệ tạo ra sự khác biệt, vượt trội so với những người còn lại. Nếu các môn đệ của Đức Giêsu chỉ yêu thương những người yêu thương họ thì lòng tốt của họ cũng chỉ bằng với những người tội lỗi không hơn không kém. «Yêu thương kẻ thù» được khai triển bằng những hành động cụ thể, đôi khi rất khắc nghiệt, được diễn tả cách chung là «làm điều tốt cho những người thù ghét mình». Cụ thể là họ phải «chúc lành cho những kẻ nguyền rủa» ; «Cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi» ; «Ai vả một bên má thì đưa cả má bên kia nữa» ; «Ai đoạt áo choàng ngoài, thì đừng cản người ấy lấy áo trong». Tất cả những hành động này có liên hệ mật thiết với mối phúc thứ tư: «Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả, và loại bỏ tên như đồ xấu xa» (Lc 6,22). Ngoài ra, người môn đệ cũng được mời gọi thực hành mối phúc «nghèo khó» một cách triệt để khi luôn sẵn sàng rộng tay giúp đỡ những người túng thiếu khi họ kêu cầu, thậm chí họ phải nhìn thấy được những nhu cầu của người khác để rồi chủ động cho đi. Họ cũng sẵn sàng cho luôn, quên luôn món nợ mà những người cùng khổ vay mượn mình. Đó là cơ hội để người môn đệ bày tỏ lòng yêu thương đối với đồng loại, bày tỏ lòng biết ơn đối với những gì Chúa ban cho mình, trở nên thanh thoát với của cải, vật chất, và sống tinh thần phó thác nơi Cha trên trời. Khi làm những hành động ngược đời ấy, một mặt trên bình diện tâm lý, các môn đệ đang làm những điều mà họ cũng muốn người khác làm cho mình; mặt khác trên bình diện tâm linh, họ đang chứng tỏ mình là con cái của Cha trên trời, «những người con của Đấng Tối Cao». Nếu họ là những người con của Đấng Tối Cao thì họ được chia sẻ địa vị làm Con với Đức Giêsu. Căn tính là con của Đấng Tối Cao buộc các môn đệ phải làm luôn biến đổi để nên giống Cha mình trong mọi suy nghĩ và hành động. Họ phải trở nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện, phải công chính hơn các Kinh Sư và những người Pharisêu, phải có lòng thương xót như Cha trên trời là Đấng hay thương xót. Có lòng trắc ẩn đồng nghĩa với việc sẵn sàng trao ban cho những người gặp khó khăn, thiếu thốn một cách nhưng không, không tính toán, không trông đợi đáp đền, thu lại. Có lòng thương xót đồng nghĩa với việc họ luôn sẵn sàng tha thứ cho những lỗi lầm, thiếu sót của người khác. Khi biết tha thứ cách triệt để, họ có thể hóa giải mọi xung đột trong bình an, biến kẻ thù thành bạn bè. Thế giới sẽ bớt đi những cuộc trả đũa đẫm máu, «ăn miếng trả miếng», hay «một mạng đền một mạng». Hơn thế nữa, họ cũng không xét xử, không kết án, định tội người khác vì xét xử và kết án là đặc quyền của Thiên Chúa. Khi làm như thế, họ ý thức mình cũng là những tội nhân, cũng có những lỗi lầm thiếu sót, cần lòng nhân từ của Chúa. Thiên Chúa không bao giờ chịu thua lòng quảng đại của con người. Cuối cùng, khi dám yêu kẻ thù, dám thương xót thứ tha mọi lỗi lầm của người khác, dám làm điều tốt cho những người thù nghịch, dám cho đi mà không tính toán thiệt hơn, họ sẽ được Thiên Chúa đền đáp cách tương xứng và còn tràn trề hơn nữa.
Trong thế giới động vật luôn có những cuộc đấu tranh sinh tồn khốc liệt. Trong thế giới ấy, kẻ mạnh thì thắng, kẻ yếu thì thua. Những kẻ mạnh có quyền đàn áp và tiêu diệt kẻ khác, thậm chí biến kẻ yếu thành con mồi, miếng ăn của mình. Không may thay, trong thế giới con người, những động vật cấp cao, vẫn còn đó những con người hiếu chiến, luôn muốn gây hấn, tấn công, chiếm đoạt và làm chủ người khác. Trong các gia đình, trường học, công ty, cộng đoàn đều không thiếu những người đang hành động như thế. Lại có những người có thói quen nuôi thù, ôm hận, trả đũa kiểu như «ân đền oán trả», «quân tử trả thù mười năm chưa muộn», «oan oan tương báo». Đức Giêsu mời gọi xây dựng một thế giới hòa bình. Đó là thế giới của những người con của Cha trên trời, những người con của Đấng Tối Cao. Trong thế giới ấy, người mạnh là người làm chủ được thú tính của mình, để rồi có thể yêu kẻ thù, chúc lành cho những người nguyền rủa, cầu nguyện cho những người ngược đãi, … Những người con Chúa luôn biết hóa giải những hận thù bằng lòng thương xót, tha thứ chân thành. Trong thế giới của Đức Giêsu, những người mạnh còn là những người biết tỏ lòng thương xót bằng cách xoa dịu, khỏa lấp những sự thiếu thốn của những người cùng khổ với lòng quảng đại, sẻ chia không tính toán của mình. Thiết nghĩa, thế giới nhận loại sẽ trở thành gia đình Thiên Chúa khi tất cả mọi người dám tin và làm theo lời dạy của Đức Giêsu trong đoạn Tin Mừng này.
Lm. Joseph Phạm Duy Thạch, SVD
Chú thích:
[1] “The world governed by patronal ethics cannot exemplify the ethic of enemy-love” [J.B. Green, The Gospel of Luke (NICNT; Grand Rapids 1997) 273]; “A twentieth-century Jewish scholar can write: “Gloating, hatred of enemies, and returning evil for evil are thus forbidden, while generosity and loving deeds toward the enemy in need are commanded—but Judaism does not have the love of enemies as a moral principle” [F. Bovon – H. Koester, Luke 1. A commentary on the Gospel of Luke 1:1–9:50 (Hermeneia; Minneapolis 2002) 234.].
[2] “Jesus’ words, “Love your enemies,” lack any commonly held ethical base and can only be understood as an admonition to conduct inspired by God’s own graciousness (vv 35d–36)” [J.B. Green, The Gospel of Luke, 272].
[3] “If we love our enemies, then they are no longer our enemies. Then the hope cannot be excluded that we, too, will no longer be enemies in their eyes” (F. Bovon – H. Koester, Luke 1, 239).
[4] Ibid.
[5] Ngược lại với lời Chúa trong sách Sáng Thế: “Ta sẽ chúc lành cho người chúc lành ngươi, và người nguyền rủa ngươi Ta sẽ nguyền rủa” (St 12,3; 27,29).
[6] “The saying probably refers to an insulting blow, from one who assails the Christian disciple for his/her allegiance to Christ (see J. Jeremias, The Sermon, 28). If so insulted, the disciple does not go to court about it but bears the insult and is ready to take more in the spirit of love expected of a follower (6:27)” [J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke I–IX. Introduction, translation, and notes (AnB; New Haven – London 2008) XXVIII, 638].
[7] Người lột áo có thể là kẻ trộm, người thiếu thốn, hay người giữ áo choàng vì cầm cố theo luật (J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke I–IX, 639).
[8] “The “enemy” is thus the one who hates, outlaws, denounces, and rejects the Christian name, i.e. the enemy of Christians as a group” (J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke I–IX, 637).
[9] J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke I–IX, 639.
[10] Ibid.
[11] Khổng Tử cũng có lời dạy tương tự: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (Điều gì bản thân không muốn, đừng làm cho người khác); Sách Didache cũng ghi lại lời dạy tương tự: «Con đường sự sống là : ‘Bất cứ thứ gì người không làm cho chính mình thì đừng làm cho người khác» (Didache 1,2).
[12] “The command is also connected with a promise, indeed the highest that humans can hope for: to become children of God” (F. Bovon – H. Koester, Luke 1. A commentary on the Gospel of Luke 1:1–9:50, 239).
[13] “If we judge other people, we put ourselves in God’s place” (F. Bovon – H. Koester, Luke 1, 242).
[14] “Jesus’ followers are to behave in certain ways toward others, and God will behave in seemingly symmetrical ways toward Jesus’ followers” (J.B. Green, The Gospel of Luke, 275).