Bài đọc: Is 49,8-15
Tin mừng: Ga 5, 17-30
17 Khi ấy, sau khi chữa lành một người bệnh trong ngày sa-bát, Đức Giê-su tuyên bố với người Do-thái rằng: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc.”
18 Bởi vậy, người Do-thái lại càng tìm cách giết Đức Giê-su, vì không những Người phá luật sa-bát, lại còn nói Thiên Chúa là Cha của mình, và như thế là tự coi mình ngang hàng với Thiên Chúa.
19 Đức Giê-su lên tiếng nói với họ rằng: “Thật, tôi bảo thật các ông: người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm; vì điều gì Chúa Cha làm, thì người Con cũng làm như vậy.
20 Quả thật, Chúa Cha yêu người Con và cho người Con thấy mọi điều mình làm, lại sẽ còn cho người Con thấy những việc lớn lao hơn nữa, khiến chính các ông cũng phải kinh ngạc.
21 Chúa Cha làm cho kẻ chết trỗi dậy và ban sự sống cho họ thế nào, thì người Con cũng ban sự sống cho ai tuỳ ý.
22 Quả thật, Chúa Cha không xét xử một ai, nhưng đã ban cho người Con mọi quyền xét xử, 23 để ai nấy đều tôn kính người Con như tôn kính Chúa Cha.
Kẻ nào không tôn kính người Con, thì cũng không tôn kính Chúa Cha, Đấng đã sai người Con.
24 Thật, tôi bảo thật các ông: ai nghe lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống.
25 “Thật, tôi bảo thật các ông: giờ đã đến -và chính là lúc này đây- giờ các kẻ chết nghe tiếng Con Thiên Chúa; ai nghe thì sẽ được sống.
26 Quả thật, Chúa Cha có sự sống nơi mình thế nào, thì cũng ban cho người Con được có sự sống nơi mình như vậy, 27 lại ban cho người Con được quyền xét xử, vì người Con là Con Người.
28 Các ông chớ ngạc nhiên về điều này, vì giờ đã đến, giờ mọi kẻ ở trong mồ sẽ nghe tiếng người Con 29 và sẽ ra khỏi đó: ai đã làm điều lành, thì sẽ sống lại để được sống; ai đã làm điều dữ, thì sẽ sống lại để bị kết án.
30 “Tôi không thể tự ý mình làm gì. Tôi xét xử theo như tôi được nghe, và phán quyết của tôi thật công minh, vì tôi không tìm cách làm theo ý riêng tôi, nhưng theo ý Đấng đã sai tôi.”
—– o0o —–
—– SUY NIỆM —–
TỪ BỎ Ý RIÊNG (Tu sĩ P. X. Nguyễn Tuấn Kiệt, SVD)
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã thẳng thắn tuyên xưng mình là Con Thiên Chúa khi Người gọi Thiên Chúa là Cha. Điều này làm cho người Do Thái phản kháng mạnh mẽ, họ cho rằng Chúa Giêsu đã phạm thượng và muốn giết Người.
Chúa Giêsu đã cho mọi người thấy mối quan hệ mật thiết của mình và Chúa Cha. Chúa Cha cho người Con thấy mọi điều mình làm, cho người Con quyền ban sự sống và quyền xét xử. Ai nhận biết và tôn kính Chúa Cha cũng phải tôn kính người Con. Tuy Chúa Giêsu được Thiên Chúa ban cho mọi quyền năng, Người không bao giờ tự làm theo ý riêng mà làm theo ý của Thiên Chúa: “Tôi không tìm cách làm theo ý riêng tôi, nhưng theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 5,30).
Chúa Giêsu là mẫu gương của sự vâng phục vì Người đã hoàn toàn từ bỏ ý riêng. Qua bài Tin Mừng hôm nay, mỗi người chúng ta được mời gọi biết từ bỏ ý riêng của mình và vâng theo thánh ý của Thiên Chúa. Mỗi sáng thức dậy, thay vì ngay lập tức cầm chiếc điện thoại và lướt, ta có thể dâng những giây phút quý giá của ngày mới lên cho Chúa, xin Chúa hướng dẫn, ban ơn và thánh hóa một ngày sống mới. Đối với tha nhân, biết từ bỏ ý riêng của mình để lắng nghe cũng là một biểu hiện của sự khiêm nhường. Có những lúc, ta quá cố chấp đến nỗi cho rằng chỉ có mình đúng, còn mọi người khác đều sai. Ta ra sức bảo vệ ý kiến của mình mà bỏ ngoài tai ý kiến của người khác. Tuy nhiên, sự khiêm nhường đòi hỏi chúng ta phải mở lòng, lắng nghe, và cân nhắc ý kiến của những người xung quanh để có thể hiểu thấu hơn.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã biết từ bỏ ý riêng của mình để làm theo ý Chúa Cha trong mọi sự, xin cho con cũng biết luôn kiếm tìm thánh ý Chúa, để mọi sự con thực hiện được đẹp lòng Chúa. Xin cho con biết khiêm nhường nhận ra những thiếu sót và bất toàn của mình để đón nhận, cảm thông và yêu mến tha nhân nhiều hơn. Amen.
TƯƠNG QUAN MẬT THIẾT VỚI CHÚA (Tu sĩ Carôlô Lê Văn Toàn, SVD)
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu diễn tả cho chúng ta thấy tương quan mật thiết của Người và Chúa Cha. Không chỉ vậy, Người còn chỉ cho chúng ta con đường để đi vào trong tương quan mật thiết đó.
Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta cách thế để xây dựng mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa: “Ai nghe lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời” (Ga 5,24) và “Ai đã làm điều lành, thì sẽ sống lại để được sống” (Ga 5,29). Như vậy, để đi vào trong tương quan mật thiết với Chúa, chúng ta cần thực thi ba điều quan trọng: nghe Lời Chúa, tin vào Chúa, và làm việc lành.
Trước hết, chúng ta muốn trở nên thiết thân với Chúa thì phải biết lắng nghe Lời Chúa. Chúng ta cần để Lời Chúa như là lương thực hàng ngày và để Lời Chúa thấm nhập vào trong tâm tưởng, lời nói và hành động của chúng ta. Tiếp đến, trong tương quan với Chúa chỉ lắng nghe không thì chưa đủ. Phải có niềm tin vững chắc vào đối tượng mình yêu thương. Tin là làm những điều Chúa dạy mà không nghi ngại thắc mắc hoặc đòi kiểm chứng. Chúng ta tin vào Chúa là đúng bởi Chúa là chân lý và là sự sống (Ga 3,15). Cuối cùng, khi đã có niềm tin thì cần diễn tả bằng những việc làm cụ thể. Thánh Giacôbê Tông Đồ đã nói: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,26). Đức tin cần phải được minh chứng bằng việc làm. Chúa Giêsu hôm nay đã nói rõ việc làm của đức tin phải là việc lành. Hoa trái của niềm tin vào Thiên Chúa phải là những việc tốt lành chúng ta thực thi cho anh chị em mình. Như vậy, khi làm được những điều trên, chúng ta cũng sẽ đi đến đỉnh vinh quang mà Chúa Giêsu đã đến. Đó là sống lại để được sống đời đời. Việc của chúng ta là chỉ cần bước theo chỉ dẫn của Đức Giêsu.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban ơn và trợ giúp chúng con luôn biết xây dựng mối tương quan thân tình với Chúa và với anh chị em trong tình thương theo gương mẫu của Ngài. Amen.
TƯƠNG QUAN TÌNH YÊU (Tu sĩ Phêrô Nguyễn Kim Kỳ Anh, SVD)
Nếu được hỏi điều gì là quan trọng nhất trong cuộc sống, ắt hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay đến các mối tương quan. Thật vậy, chính nhờ các mối tương quan mà chúng ta kết hiệp với nhau để cùng xây dựng và làm triển nở đời sống của mình.
Bài Tin Mừng hôm nay cho ta thấy mối tương quan mật thiết giữa Chúa Cha và Chúa Con trong diễn từ của Chúa Giêsu: “Người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm; vì điều gì Chúa Cha làm, thì người Con cũng làm như vậy” (Ga 5,19). Có thể nói, sự kết hiệp của Chúa Giêsu với Chúa Cha dựa trên nền tảng tình yêu, một tình yêu thuần khiết và vô điều kiện. Vì thế, Chúa Giêsu hoàn toàn dâng hiến mình cho Chúa Cha để thực thi ý Ngài một cách trọn hảo: “Tôi không thể tự ý mình làm gì. Tôi xét xử theo như tôi được nghe, và phán quyết của tôi thật công minh, vì tôi không tìm cách làm theo ý riêng tôi, nhưng theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 5,30).
Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, nhiều người đang dần chạy theo chủ nghĩa vị kỷ và từ bỏ các mối tương quan vì cho rằng chúng phiền phức và làm mất tự do. Nhiều người thì giữ các mối tương quan chỉ vì lợi ích nào đó cho riêng mình, nói đúng hơn, họ chỉ lợi dụng các mối tương quan để thăng tiến về vật chất, danh dự và địa vị trong xã hội. Họ không thể xây dựng được các mối tương quan đích thực chính vì họ đã bỏ quên tình yêu. Đó không phải thứ tình yêu tư lợi và chóng vánh của con người, nhưng là tình yêu xuất phát từ Đấng đã hiến mình vì nhân loại. Đó là tình yêu dám chịu đau khổ, chịu thiệt thòi, chịu từ bỏ ý riêng vì Cha và vì tha nhân. Liệu rằng còn mấy ai dám chấp nhận thứ tình yêu như thế để kiến tạo các mối tương quan đích thực trong cuộc đời này?
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con được kết hiệp trọn vẹn với Chúa trong hành trình cuộc đời này để mọi điều con nghĩ và mọi việc con làm là lời chứng đích thực cho tình yêu Chúa. Amen.
TƯƠNG QUAN CHA-CON (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)
NIỀM HY VỌNG TRONG SỰ CHẾT (Tu sĩ Phaolô A Hoá, SVD)
Khi nói về sự chết, người đời cho rằng, chết là hết, chết là xuống cõi diêm vương, chết là bước sang một thế giới mới của cõi âm, … Ngược lại, người có đức tin xác tín rằng, chết là trở về với Chúa, về với nguồn sống đích thực. Cuộc trở về ấy mĩ mãn hay không là phụ thuộc vào đời sống của ta ở đời này.
Thánh Kinh cho thấy, sự chết xuất hiện là do tội lỗi của con người. Tội lỗi đưa con người vào tình trạng của sự chết, chứ Thiên Chúa không tạo ra sự chết (x. St 2,17). Thiên Chúa là Thiên Chúa của sự sống, Người có quyền làm cho kẻ chết được sống lại. Cụ thể, khi đối diện với cái chết của Ladarô em mình, cô Mátta nhờ tin vào Đức Giêsu Kitô mà em cô đã được sống lại thật (x. Ga 11,24-44). Chúng ta càng vui mừng và hy vọng hơn khi Đức Giêsu mạc khải rõ trong Tin Mừng ngày hôm nay: ai nghe và tin vào lời Ngài thì sẽ được sống muôn đời (x. Ga 5,24-29). Nếu chúng ta sống đức tin cách mạnh mẽ luôn đặt niềm hy vọng tuyệt đối vào Thiên Chúa thì chúng ta sẽ thấy được ánh sáng thật của niềm hy vọng trong sự chết. Bởi, chết không phải là kết thúc nhưng là bước sang một thế giới thánh thiêng, khác hẳn với thế giới của trần tục. Khi ngày Chúa đến, thân xác sẽ được phục sinh cùng với linh hồn thành một.
Tin Mừng ngày hôm nay mời gọi người Kitô hữu chúng ta sống mở lòng ra để hạt giống đức tin nơi mỗi tâm hồn được lớn lên trong tình yêu Đức Kitô. Nhờ có đức tin mạnh mẽ vào Đức Kitô, vào mầu nhiệm Phục Sinh của Người, chúng ta sẽ không còn sợ hãi khi đối diện trước cái chết nơi trần thế, nhưng được sống trong niềm hy vọng và được Phục Sinh với Người.
Lạy Chúa, xin ban thêm đức tin trên chúng con, để chúng con có thể sống thực tại hết mình trong tâm thức phó thác nơi Chúa, và luôn luôn sẵn sàng khi Chúa gọi về với Ngài. Amen.
————
CÔNG VIỆC CỦA CHÚA (Thầy Giuse Nguyễn Văn Hiền – Học viện Ngôi Lời)
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã nói với những người Do Thái rằng: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc”(Ga 5,17). Chúa Cha vẫn làm việc, vậy Ngài làm việc gì? Chúa Con cũng làm việc, vậy công việc của Ngài có gì khác với Chúa Cha?
Công việc của Thiên Chúa chính là đem tình thương vô biên của Ngài đến cho nhân loại. Thiên Chúa muốn cho con người chúng ta được sống hạnh phúc. Vì thế, Thiên Chúa đã dùng tình yêu của Ngài để chăm sóc, gìn giữ chúng ta bằng nhiều phương thế khác nhau. Công trình sáng tạo và công trình cứu chuộc là những bằng chứng sống động về tình yêu Thiên Chúa dành cho con người. Thiên Chúa sáng tạo muôn loài muôn vật vì con người và cho con người. Sau biến cố sa ngã trong vườn Địa Đàng, Thiên Chúa không hề bỏ rơi con người nhưng vẫn tiếp tục thương yêu bằng cách thực hiện chương trình cứu độ để cứu nhân loại. Chúa Giêsu đã vâng trọn thánh ý của Chúa Cha để đến trần gian thực thi tình yêu thương. Ngài đã rảo khắp mọi nẻo đường để chữa lành, để đồng cảm, để cùng sống với những phận người mỏng manh. Không chỉ thế, Ngài đã hiến dâng trọn mạng sống của chính mình vì yêu thương nhân loại chúng ta.
Hôm nay, chúng ta có cảm nhận được cuộc sống của chúng ta đang có là do tình yêu của Thiên Chúa hay không? Hay chúng ta chỉ xem những gì chúng ta đang sở hữu là do sức riêng của mình tạo nên? Công việc của Chúa là đem tình yêu đến cho chúng ta. Vậy, chúng ta hãy mở rộng tâm hồn để đón nhận tình yêu của Ngài.
Lạy Chúa, Chúa luôn luôn làm việc vì yêu thương chúng con. Xin cho chúng con biết cảm nhận tình yêu của Ngài dành cho chúng con, để từ đó chúng con cũng dám trao ban tình yêu của mình cho tha nhân.