Sự thường khi nói đến cái “ách và gánh”, người ta nghĩ ngay đến những vật dụng dùng để thuyên chuyển một vật nặng từ nơi này đến nơi khác. Những vật dụng này thường được làm bằng gỗ, có khi bằng cây tre (đòn gánh). Ách thì đặt trên cổ động vật như trâu, bò hay ngựa để kéo: kéo cày, kéo cộ, kéo xe. Gánh thì đặt trên đôi vai con người để tạo ra sự cân bằng trọng lượng đồ vật giữa hai đầu và dịch chuyển linh hoạt hơn. Những hình ảnh trên thường thấy ở vùng miền núi hoặc nông thôn nhiều hơn so với thành thị.
“Ách và Gánh” thường mang ý nghĩa ẩn dụ hàm chứa một công việc nặng nhọc, vất vã hay một sự ràng buộc nào đó mang tính luật lệ phải giữ. Sự lệ thuộc này đôi khi được xem như một ‘gánh nặng’ của bổn phận. Do vậy, người ta cũng thường hay né tránh một sự việc hay một biến cố nào đó nếu nó không liên quan đến họ, vì nghĩ rằng tội chi “ ách giữa đàng lại quàng vào cổ”. Thái độ dửng dưng, vô cảm hoặc thiếu trách nhiệm thường nảy sinh từ cảm thức này. Ngược lại, đối với người quá bận tâm lo lắng tìm kiếm vật chất hay mãi mê công việc đến nỗi không có thời gian nghỉ ngơi bồi dưỡng thể xác và tinh thần, họ lại được mách bảo: “Hãy quăng gánh lo âu mà vui sống”.
Trong Kinh thánh, người Do thái thường sử dụng từ “ách” như một ngôn ngữ tượng hình để nói về việc người ta phải tuân giữ lề luật như thế nào. Người ta mang ách của Chúa khi tuân phục các giới răn của Người, còn kẻ tội lỗi thì vất bỏ cái ách đó (Gr. 2, 20; 5, 5). Tuy nhiên, vào thời của Chúa Giêsu, Ngài đã lên án lối sống câu nệ hình thức và việc áp đặt người dân tuân giữ lề luật một cách cứng nhắc do các nhà lãnh đạo tôn giáo tạo ra: “Các ngươi bó những gánh nặng chất lên vai người khác, nhưng chính các ngươi thì lại không buồn động ngón tay vào.” (Mt. 23,4) Thánh Phêrô cũng đã nói về ‘cái ách’ mà người Do thái đã gây khó khăn cho các môn đệ Chúa: “Vậy bây giờ, sao anh em lại thử thách Thiên Chúa, mà quàng vào cổ các môn đệ một cái ách mà cả cha ông chúng ta lẫn chúng ta đã không có sức mang nổi?” (Cv.15,10)
Ách và gánh do con người tạo ra là thế! Nó thường tạo ra sự khó khăn và có khi là gánh nặng cho nhau. Luật lệ, quyền bính, kiêu ngạo, ích kỷ, ghanh tỵ …thường là những sản phẩm ‘ưa chuộng’ của người thích tạo ra ‘ách và gánh’ cho người khác. Riêng trong đời sống cộng đoàn, gánh ‘trách nhiệm’ và ách ‘công việc’ thường là nguyên do làm ta bực bội hay ‘tức anh ách’ về người khác. Ta không hài lòng và thậm chí miễn cưỡng khi làm việc chung với những người anh em không đồng quan điểm, không đồng sức vóc hay khả năng giống ta. Vì mang một ‘cái ách so-le’ như thế, những người ‘cùng kéo’, cùng thi hành công việc sẽ mang gánh nhọc nhằn hơn và có khi đau đớn.
Nhận thấy sự nhọc nhằn của người thi hành sứ vụ, Chúa Giêsu mời gọi ta hãy đến với Ngài để được nâng đỡ và bổ dưỡng. Đồng thời Ngài cũng đề nghị: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi… vì ách của tôi thì êm ái, và gánh của tôi thì nhẹ nhàng.” (Mt. 11, 30) Lời mời gọi của Chúa gợi lên trong ta hình ảnh ‘mang chung ách’, cùng chia sẻ gánh nặng khi phải ‘kéo chung’ với nhau. Chung ách, gánh nặng sẽ nhẹ đi vì ta không còn phải một mình tự mang nữa nhưng có Chúa mang cùng. Chung ách chắc chắn sẽ phải đi chung đường vì không thể cùng một ách mà mỗi người đi một hướng. Chia sẻ cùng con đường nên trong hai có một làm chỉ đạo. Chúa đi bước trước, ta ‘phụ hoạ’ bước theo sau. Thêm vào đó, Ngài còn ban thêm sức mạnh, bồi dưỡng để ta có thêm sức, tiếp tục cùng với Ngài mang gánh nặng. Cảm nhận được điều này, thánh Phao lô đã nói rằng ơn Chúa đủ cho ta vì sức mạnh của Chúa được biểu lộ trong sự yếu đuối của ta (2Cr. 12,9).
Ách không cất đi nhưng lại còn trao thêm. Gánh không hề vơi nhưng lại chất đầy. Điều nghịch lý với thế gian nhưng lại trở thành khôn ngoan đối với ai khiêm nhường và biết cậy dựa vào Thiên Chúa. Mang chung ách với Chúa, ‘ách và gánh’ của ta sẽ trở nên nhẹ hơn và dễ dàng hơn. Hãy tìm đến Đức Giêsu, người thợ mộc thành Nazareth để Ngài hướng dẫn bạn học biết cách tạo ra một cái ách tốt và êm ái như thế nào.
Joseph MH,SVD