THẦY LÀ ĐẤNG KITÔ
Chú giải Tin Mừng CN XXIV TN B (Mc 8,27-35)
Lm. Giuse Phạm Duy Thạch, SVD chú giải
Bản văn và dịch sát nghĩa
Hy Lạp | Việt |
27 Καὶ ἐξῆλθεν ὁ Ἰησοῦς καὶ οἱ μαθηταὶ αὐτοῦ εἰς τὰς κώμας Καισαρείας τῆς Φιλίππου· καὶ ἐν τῇ ὁδῷ ἐπηρώτα τοὺς μαθητὰς αὐτοῦ λέγων αὐτοῖς· τίνα με λέγουσιν οἱ ἄνθρωποι εἶναι;
28 οἱ δὲ εἶπαν αὐτῷ λέγοντες [ὅτι] Ἰωάννην τὸν βαπτιστήν, καὶ ἄλλοι Ἠλίαν, ἄλλοι δὲ ὅτι εἷς τῶν προφητῶν. 29 καὶ αὐτὸς ἐπηρώτα αὐτούς· ὑμεῖς δὲ τίνα με λέγετε εἶναι; ἀποκριθεὶς ὁ Πέτρος λέγει αὐτῷ· σὺ εἶ ὁ χριστός. 30 καὶ ἐπετίμησεν αὐτοῖς ἵνα μηδενὶ λέγωσιν περὶ αὐτοῦ. 31 Καὶ ἤρξατο διδάσκειν αὐτοὺς ὅτι δεῖ τὸν υἱὸν τοῦ ἀνθρώπου πολλὰ παθεῖν καὶ ἀποδοκιμασθῆναι ὑπὸ τῶν πρεσβυτέρων καὶ τῶν ἀρχιερέων καὶ τῶν γραμματέων καὶ ἀποκτανθῆναι καὶ μετὰ τρεῖς ἡμέρας ἀναστῆναι· 32 καὶ παρρησίᾳ τὸν λόγον ἐλάλει. καὶ προσλαβόμενος ὁ Πέτρος αὐτὸν ἤρξατο ἐπιτιμᾶν αὐτῷ. 33 ὁ δὲ ἐπιστραφεὶς καὶ ἰδὼν τοὺς μαθητὰς αὐτοῦ ἐπετίμησεν Πέτρῳ καὶ λέγει· ὕπαγε ὀπίσω μου, σατανᾶ, ὅτι οὐ φρονεῖς τὰ τοῦ θεοῦ ἀλλὰ τὰ τῶν ἀνθρώπων. 34 Καὶ προσκαλεσάμενος τὸν ὄχλον σὺν τοῖς μαθηταῖς αὐτοῦ εἶπεν αὐτοῖς· εἴ τις θέλει ὀπίσω μου ἀκολουθεῖν, ἀπαρνησάσθω ἑαυτὸν καὶ ἀράτω τὸν σταυρὸν αὐτοῦ καὶ ἀκολουθείτω μοι. 35 ὃς γὰρ ἐὰν θέλῃ τὴν ψυχὴν αὐτοῦ σῶσαι ἀπολέσει αὐτήν· ὃς δ᾽ ἂν ἀπολέσει τὴν ψυχὴν αὐτοῦ ἕνεκεν ἐμοῦ καὶ τοῦ εὐαγγελίου σώσει αὐτήν. 36 τί γὰρ ὠφελεῖ ἄνθρωπον κερδῆσαι τὸν κόσμον ὅλον καὶ ζημιωθῆναι τὴν ψυχὴν αὐτοῦ; 37 τί γὰρ δοῖ ἄνθρωπος ἀντάλλαγμα τῆς ψυχῆς αὐτοῦ; 38 ὃς γὰρ ἐὰν ἐπαισχυνθῇ με καὶ τοὺς ἐμοὺς λόγους ἐν τῇ γενεᾷ ταύτῃ τῇ μοιχαλίδι καὶ ἁμαρτωλῷ, καὶ ὁ υἱὸς τοῦ ἀνθρώπου ἐπαισχυνθήσεται αὐτόν, ὅταν ἔλθῃ ἐν τῇ δόξῃ τοῦ πατρὸς αὐτοῦ μετὰ τῶν ἀγγέλων τῶν ἁγίων. (Mk. 8: 27-38 BGT) |
27 Đức Giê-su và các môn đệ của Người đi vào những làng Kai-sa-re-a của Phi-lip-pos. Và trên đường Người cứ hỏi các môn đệ của Người, nói rằng: “người ta nói Ta là ai?”
28 Họ trả lời Người, nói rằng: “Gioan Tẩy Giả, và những người khác Ê-li-a, rồi những người khác nữa rằng một trong các ngôn sứ. 29 Rồi Người cứ hỏi họ: “Còn anh em nói Ta là ai? Để trả lời, Phê-rô nói cùng Người: “Thầy là Đấng Ki-tô” 30 Rồi Người đã cảnh báo họ để họ không nói vói ai về Người 31 Và Người bắt đầu dạy họ rằng nhất thiết Con Người phải đau khổ nhiều và bị các kỳ mục và các thượng tế và kinh sư nộp và bị giết chết và sau ba ngày Người sẽ trỗi dậy. 32 Người cứ nói lời ấy một cách thẳng thắn rõ ràng, và Phê-rô đưa người ra riêng và bắt đầu cảnh báo Người 33 Nhưng khi quay lại và nhìn các môn đệ của Người, Người cảnh báo Phê-rô và nói: “Đi ra phía sau Thầy, Satan, vì đó không phải là suy nghĩ của Thiên Chúa nhưng là của người ta. 34 Rồi, sau khi gọi đám đông cùng với các môn đệ của Người lại, Người nói cùng họ nếu ai muốn theo sau Tôi thì, hãy từ bỏ chính mình và hãy vác lấy thập giá của mình và hãy theo Tôi. 35 Vì Người muốn cứu mạng sống của mình sẽ phá hủy nó; Còn người sẽ hủy bỏ mạng sống mình vì Tôi và Tin Mừng thì sẽ cứu được nó. 36 Vì một người sẽ được lợi ích gì nếu đạt được cả thế giới nhưng đánh mất mạng sống của mình. 37 Vì Người ta sẽ trao điều gì để đổi lại mạng sống của mình? 38 Vì nếu ai xấu hổ vì Tôi và những lời của Tôi trong thế hệ ngoại tình và tội lỗi này, Con Người cũng sẽ xấu hổ vì người ấy khi Người đến trong vinh quang của Chúa Cha cùng với các sứ giả thánh.
|
Bối Cảnh
Trong bối cảnh chung của toàn bộ Tin Mừng Mác-cô Mc 8,27-35 được xem như là đoạn trung tâm của Tin Mừng. Nếu xem trình thuật về sứ vụ công khai của Đức Giê-su như là hai mái nhà thì đoạn văn này chính là cái “kèo” chính, điểm giao nhau giữa hai mái nhà. Tin Mừng Mác-cô được khởi đầu bằng giới thiệu rằng: “Khởi đầu Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa”. Trong câu giới thiệu này, độc giả có thể nhận ra 3 danh xưng của nhân vật chính của câu chuyện Tin Mừng: Đức Giê-su, Đấng Ki-tô, và Con Thiên Chúa. Đức Giê-su là một tên gọi mà người Do Thái đương thời ai cũng biết. Họ biết đến Người như là Giê-su Na-gia-rét, hay chàng thợ mộc Giê-su (Mc 6,3).[1] Dĩ nhiên, để hiểu rằng Người là Đấng Ki-tô, và nhất là “Con của Thiên Chúa” không phải là chuyện dễ dàng. Bằng chứng là trong Tin Mừng, không phải ai cũng hiểu, và ai cũng tin được. Tin Mừng sẽ từng bước chứng minh điều này cho dân chúng đương thời, cho các môn đệ, và cho độc giả qua mọi thời đại rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô và là Con Thiên Chúa. Chương 8 là chương giữa của Tin Mừng Mác-cô, gồm có 16 chương. Từ chương đầu tiên đến chương 8, Đức Giê-su đã làm đủ loại phép lạ và giảng dạy lời có uy quyền, để bày tỏ thân phận đích thực của mình. Đến giữa Tin Mừng, Đức Giê-su mới thăm dò, kiểm tra xem dân chúng và chính các môn đệ hiểu gì về Người. Có hai luồng tư tưởng khác biệt nhau rõ rệt: (i) Đám đông đoán chừng Người là Gioan Tẩy Giả, Ê-li-a, hay một trong cách ngôn sứ; (ii) Đại diện các môn đệ, đã nói đúng rằng “Thầy là Đấng Ki-tô” (đúng như lời tựa của Tin Mừng). Tuy nhiên, phải hiểu thế nào về Đấng Ki-tô, và phải hiểu Người cũng là Con Thiên Chúa thì từ đoạn này (Mc 8,27-35), Đức Giê-su cần phải dạy các môn đệ nhiều hơn nữa. Từ đoạn này cho đến lúc bước vào cuộc Thương Khó, Đức Giê-su dạy cho các môn đệ biết về thân phận Đấng Ki-tô chịu đau khổ. Trong bối cảnh trực tiếp đoạn văn này nằm ngay sau đoạn nói về phép lạ chữa lành người mù ở Bết-sai-đa. Trong phép lạ này, có hai giai đoạn chữa lành anh mù: (i) Anh thấy người ta trông như cây cối, họ đi đi lại lại (8,24); (ii) Anh trông rõ và khỏi hẳn; anh thấy tỏ tường mọi sự (8,25). Hai giai đoạn này có thể tượng trưng cho hai giai đoạn Đức Giê-su mạc khải (mở mắt) cho các môn đệ và dân chúng thấy Người cách tỏ tường. Trước phép lạ này, Đức Giê-su đã quở trách các môn đệ rằng: “Anh em có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe ư?” (8,18). Sau trình thuật về tuyên xưng của Phê-rô, kèm theo tiền báo và dạy về Thương Khó – Chết – Phục Sinh, Đức Giê-su “Biến Hình” trên núi cao (9,2-8) nhằm bày tỏ căn tính của mình trước mắt các Tông Đồ. Lời tiền báo về mầu nhiệm Khổ nạn – Chết – Phục Sinh có liên hệ chặt chẽ với hai lần tiến báo tiếp theo với cùng một nội dung trong 3 chương liên tiếp (8,27-30; 9,30-32; 10;32-34). Cả 3 Tin Mừng Nhất Lãm đều ghi lại 3 lần tiền báo như thế, nhưng chỉ trong Mác-cô độc giả mới thấy nhịp độ dày đặc và dồn dập của thông diệp quan trọng này. Lời tiền báo này sẽ được hiện thực hóa trong trình thuật về cuộc Thương Khó – Tử Nạn của Đức Giê-su.
Cấu trúc
Ngoài phần bối cảnh, đoạn Mc 8,27-35 được chia làm hai phần khá rõ. Phần I: là câu hỏi và giải đáp liên quan đến căn tính của Đức Giê-su. Có hai giải đáp và một lệnh cấm. Giải đáp thứ nhất của dân chúng qua lời kể của các môn đệ: (A) Gioan Tẩy Giả, Ê-li-a, hay một trong các ngôn sứ. Giải pháp thứ hai từ các môn đệ qua lời tuyên xưng của Phê-rô: (B) “Thầy là Đấng Ki-tô”. Tiếp theo sau lời tuyên xưng này là một lệnh cấm tiết lộ căn tính của Đức Giê-su cho bất kỳ ai (C). Phần II: là bài học về mầu nhiệm Thương Khó – Chết – Phục Sinh của Đức Giê-su. Phần này là một cấu trúc đảo đổi (chiasm), gồm có hai cặp thành phần song song với nhau: (A) Dạy về Thương Khó – Chết – Phục Sinh // (A’) Dạy về ý nghĩa của Cuộc Thương Khó – Thập Giá – Sự Sống; (B) Cảnh báo Phê-rô trước lời dạy của Đức Giê-su// (B’) Cảnh báo của Đức Giê-su trước phản ứng của Phê-rô.
Bối cảnh (8,27a)
I. Căn Tính Đức Giê-su: Đức Giê-su là ai? (A) “Gioan Tẩy Giả, Ê-li-a, một trong các ngôn sứ (8, 27b-28) (B) “Thầy là Đấng Ki-tô” (8,29) (C) Lệnh cấm nói với ai về Người (8,30) II. Dạy về cuộc Thương Khó (A) Dạy về cuộc Đau khổ – Chết – Phục Sinh (8,31-32a) (B) Phê-rô cảnh báo Người Đức Giê-su (8,32b) (B’) Đức Giê-su cảnh báo Phê-rô (8,33) (A’) Dạy về Thập giá – Tự hủy – Sự Sống (8,34-35) |
Một số điểm chú giải
- Kai-sa-re-a của Phi-lip-pos[2]: Trong ba tác giả Tin Mừng Nhất Lãm chỉ có Mác-cô và Mát-thêu nhắc đến địa danh này. Mác-cô nói là “những làng thuộc Kai-sa-re-a của Phi-líp-pos” trong khi đó Mát-thêu nói là “một phần đất thuộc Kai-sa-re-a của Phi-líp-pos”. Ý nghĩa của hai cách dùng này xem ra không khác nhau là mấy. Điều đáng để ý ở đây là địa danh Kai-sa-re-a Phi-líp-pos. Tại sao các tác giả lại nhắc đến bối cảnh này. Đây là một thành phố khá lớn thời Đức Giê-su. Danh xưng của nó được ghép bởi hai cái tên: (i) Hoàng đế Rô-ma Kai-sa-re-a Augustus (tại vị, 27 BCE – 14 CE, thời của Đức Giê-su; sau ông là hoàng đế Tiberius Kai-sa-re-a Augustus (tại vị,14 CE – 37 CE, Tổng trấn Pontius Pilatus, 26 CE – 36 CE); (ii) Tên của tiểu vương Phi-líp-pos, con của vua Hê-rô-đê, thường gọi là Hê-rô-đê Phi-lip-pos II (tại vị, 4 BCE – 34 CE, vùng đông Bắc sông Gio-đan). Có một thành phố khác mang tên Kai-sa-re-a nổi tiếng hơn. Đó là thành phố cảng Kai-sa-re-a Maritima, nằm trên bờ biển Địa Trung Hải. Kai-sa-re-a của Phi-líp-pos, nghĩa là thành phố mang tên hoàng đế Rô-ma (Ka-sa-re-a), được tiểu vương Phi-lip-pos xây. Đây là thành phố thờ thần Hy Lạp mang tên là Pan nổi tiếng. Ngày nay, còn có hai dấu tích về hai đền thờ, được sử dụng thờ thần Pan thời bấy giờ. Như thế, chúng ta có thể đoán ngụ ý của tác giả khi ra để cho Đức Giê-su ra “đề kiểm tra” cho các môn đệ trong bối cảnh này. Tại nơi mà người ta tôn vinh hoàng đế của Rô-ma và thần Pan của Hy Lạp, thì người ta trả lời thế nào về Đức Giê-su, các môn đệ hiểu thế nào về thầy của họ? Đâu là vị trí của Đức Giê-su so sánh với những nhân vật được tôn vinh nơi thành phố này? Câu hỏi được đặt ra có vẻ đúng lúc và đúng nơi.
- “Người ta nói Ta là ai?”: Như đã nói trong phần “bối cảnh”, đây là câu hỏi kiểm tra chất lượng của học kỳ dành cho các môn đệ sau một thời gian theo Đức Giê-su học hỏi và nhìn thấy nhiều dấu lạ Người làm. Ngay trước đề thi này là những trình thuật liên tục về những phép lạ: Chữa con gái người phụ nữ gốc Phê-ni-xi, xứ Xy-ri (7,24-30); Chữa người vừa điếc vừa ngọng (7,31-37); Hóa bánh ra nhiều lần thứ hai (8,1-10). Những phép lạ này cùng với vô số phép lạ trước đó nữa là những dữ liệu quá nhiều để cho các môn đệ giải câu hỏi kiểm tra này. Câu hỏi này đã có lần được những người đồng hương giải đáp vừa đúng vừa trật: đúng là họ biết Người là bác thợ, con bà Maria, và anh em của Người là Giô-xét, Giu-đa, Simon, chị em của Người là bà con lối xóm với họ (6,3); sai ở chỗ họ nhìn nhận phẩm chất ngôn sứ nơi Người, không thấy được năng lực thần linh khác biệt nơi Người (6,5-6).
- “Gioan Tẩy Giả, Ê-li-a, một trong các ngôn sứ”: Đáp án này do các môn đệ gom góp lại từ dân chúng. Thật ra, tất cả những đáp án này đã được tác giả nói đến trong trình thuật liên quan đến sự nổi danh của Đức Giê-su được vua Hê-rô-đê nhận biết (5,14-16). Trong trình thuật đó, vua Hê-rô-đê đã khẳng định rằng Đức Giê-su chính là ông Gioan mà vua đã cho chém đầu: “Ông Gioan, ta đã cho chém đầu, chính ông ấy đã trỗi dậy” (5,16). Niềm tin rằng Đức Giê-su chính là Gioan Tẩy Giả được chứng minh bằng hiệu quả là các phép lạ Người làm: “Đó là ông Gioan Tẩy Giả đã từ cõi chết trỗi dậy nên mới có quyền năng làm phép lạ” (5,14). Sự đồng hóa Đức Giê-su với ngôn sứ Ê-li-a có lẽ cũng nằm trong lý do làm phép lạ ấy. Ông Ê-li-a là một ngôn sứ lẫy lừng thời Cựu Ước. Ông cũng làm nhiều phép lạ: Phép lạ làm cho vò dầu không cạn và hũ bột không vơi ở Xa-rép-ta (1 V 17,7-15); Làm cho con trai bà góa Xa-rép-ta sống lại (1 V 17, 17-24). Ông không chết nhưng được mang đi trong cơn gió lốc trên một cỗ xe đỏ như lửa và những con ngựa đỏ như lửa (2 V 2,1.11). Ngôn sứ Ê-li-a được ngôn sứ Mi-kha loan báo là sẽ trở lại trước ngày “vĩ đại và kinh hoàng” của Đức Chúa (Mk 4,5). Trong Tân Ước, chính Đức Giê-su ám chỉ Ê-li-a chính là Gioan Tẩy Giả (Mt 11,14; 17,10-12; Mc 9,12), qua đó gián tiếp chối từ câu trả lời của chúng. Đức Giê-su cũng không thể nào là Gioan Tẩy Giả được bởi lẽ chính Người đã chịu phép dìm của chính Gioan Tẩy Giả (Mc 1,9-11; Mt 3,13-17; Lc 3,21-22). Mát-thêu còn thêm vào “ngôn sứ Giê-rê-mi-a” ngay sau “ngôn sứ Ê-li-a” trước cụm từ “hay một trong các ngôn sứ”. Mác-cô chỉ có cụm từ “một trong cách ngôn sứ”. Đức Giê-su đã từng ví mình như một ngôn sứ khi Người bị chối từ tại quê nhà Na-gia-rét. Người xem đó như là hình ảnh một ngôn sứ bị chối từ “ở chính quê hương mình và trong gia đình mình” (Mt 13,57; Mc 6,4; Lc 4,24; Ga 4,44). Đức Giê-su đồng hóa mình với hình ảnh một ngôn sứ phải chết trong thành Giê-ru-sa-lem: “Hôm nay, ngày mai và ngày mốt tôi phải tiếp tục đi, vì ngôn sứ mà chết ngoài thành Giê-ru-sa-lem thì không được” (Lc 13,33). Trong bối cảnh Người vào thành Giê-ru-sa-lem huy hoàng, dân chúng cũng gọi Người là ngôn sứ: “Ngôn sứ Giê-su người Na-gia-rét, xứ Ga-li-lê đấy” (Mt 21,11; Cf. 21,46). Khi Đức Giê-su làm cho con trai bà góa thành Nain sống lại, dân chúng đã kính sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng: “Một ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người” (Lc 7,16; Cf. Ga 6,14; 7,40). Người phụ nữ Samari cũng nhìn nhận Đức Giê-su là một vị ngôn sứ (Ga 4,19). Người mù từ thuở mới sinh cũng tuyên xưng tương tự (Ga 9,17). Trong con mắt của các môn đệ, Người là vị “ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân” (Lc 24,19). Như thế, Đức Giê-su quả thực là một ngôn sứ theo hai nghĩa: (i) Người rao giảng và làm phép lạ; (ii) Người bị chối từ và bị giết chết.
- “Đấng Ki-tô”: Đây chính là danh xưng mang ý nghĩa ki-tô học khá cao trong truyền thống Tân Ước. Danh xưng này đã được Mác-cô giới thiệu ngay trong câu đầu tiên của Tin Mừng thứ hai. Thế nhưng, đó là một danh xưng được các môn đệ nghiệm ra với một nửa ý nghĩa, sau một quá trình dài theo Đức Giê-su. Sau này, danh xưng Giê-su Ki-tô đi liền với nhau quen thuộc đến nỗi người ta nhiều khi nhầm tưởng đó là tên gọi bình thường mà quên đi ý nghĩa ki-tô học cao sâu thẳm của nó. Đó là câu trả lời long trọng của Phê-rô đại diện cho các môn đệ. Câu trả lời này tách biệt Phê-rô và nhóm môn đệ ra khỏi nhóm dân chúng. Christos có nguồn gốc từ trong tiếng Do Thái, [המשיח] (Mê-si-a), người được xức dầu. Nó được dùng như một danh hiệu thuộc hoàng gia. Đức Giê-su được gọi Mê-si-a nhiều lần khác, như trong Mc 8,29, 14,61 và 15, 32 và được ám chỉ như Đấng Mê-si-a trong Mc 9,42, 12,35 và 13,21.[3] Lời tuyên xưng của Phê-rô gắn liền với một truyền thống lâu đời trong dân Do Thái. Đấng Mê-si-a là Đấng hằng được mong đợi, sẽ mang đến một vương quốc bền vững mãi mãi. Truyền thống này xuất phát từ lời hứa với vua Đa-vít trong sách Samuel quyển thứ hai chương 7 và lời của ngôn sứ Isaiah với nhà Đa-vít, vua A-khát trong sách ngôn sứ Isaiah, cũng chương 7. Sách Samuel quyển thứ hai kể rằng, khi vua Đa-vít đã yên vị trong cung điện bằng gỗ bá hương còn Hòm Bia Thiên Chúa thì ở trong lều vải. Đa-vít chạnh lòng và muốn xây cho Chúa một ngôi nhà đẹp. Ít ra thì ngôi nhà ấy cũng bằng gỗ bá hương như cung điện của ông. Tuy nhiên, Đức Chúa đã bảo Na-than nói với Đa-vít rằng: “Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi, một người do chính ngươi sinh ra, và Ta sẽ làm cho vương quốc của nó được vững bền…nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt Ta; ngai vàng của ngươi sẽ vững bền mãi mãi” (2Sm 7,12-16). Và trong bối cảnh liên quân A-ram và vương quốc miền bắc (Ít-ra-el) đang tiến đánh Giu-đa. Vua A-khát và thần dân của vương quốc miền nam (Giu-đa), Isaiah được sai đến an ủi và khích lệ A-khát đến hai lần. Lần thứ nhất, Đức Chúa bảo Isaiah nói với A-khát cứ bình tĩnh, chớ sờn lòng, chuyện ấy sẽ không xảy ra: “Nếu các ngươi không vững tin, thì các ngươi sẽ không đứng vững” (Is 7,9). Lần thứ hai, Đức Chúa bảo vua A-khát hãy xin một dấu. Nhưng A-khát trả lời rằng: “Tôi sẽ không xin, tôi không dám thử thách Đức Chúa”. Isaiah bèn nói : “Chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu: “Này đây một trinh nữ sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Emmanuel” (Is 7,14 ; Cf. Is 11,1-5).[4] Ngôn Sứ Giê-rê-mi-a cũng nói đến lời hứa của Đức Chúa: “Ta sẽ làm nẩy sinh cho nhà Đa-vít một chồi non chính trực. Vị vua lên ngôi vị sẽ là người khôn ngoan tài giỏi trong xứ sở, vua sẽ thi hành điều chính trực công minh. Thời bấy giờ Giu-đa sẽ được cứu thoát, Ít-ra-el được sống yên hàn. Danh hiệu người ta tặng vua ấy sẽ là ‘Đức Chúa sự công chính của chúng ta’” (Gr 23,5-6). Ngôn sứ Mi-kha nói về nơi mà Đấng chăn dắt Ít-ra-el sẽ ra đời: “Phần ngươi, hỡi Bê-lem Ép-ra-tha, ngươi nhỏ bé nhất trong các chi tộc Giu-đa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Ít-ra-el, nguồn gốc của người có từ trước, từ thuở xa xưa” (Mk 5,1). Đức Giê-su không từ chối câu trả lời của Phê-rô, nghĩa là lời tuyên xưng của Phê-rô đúng về cơ bản. Còn về ý nghĩa thực sự của danh xưng này thì Phê-rô và các môn đệ cần phải học hỏi thêm. Mát-thêu thêm vào danh xưng “Con Thiên Chúa Hằng Sống” sau danh xưng “Đấng Ki-tô”: “Thầy là Đấng Ki-tô Con Thiên Chúa Hằng Sống” (Mt 16,16), trong khi Luca nói rằng “Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa” (Lc 9,20). Dường như Luca và Mát-thêu muốn mạc khải căn tính thần linh nơi Đức Giê-su.
- Cảnh cáo: Động từ “cảnh cáo” (ἐπιτιμάω) được dùng 3 lần trong đoạn Tin Mừng này. Hai lần có chủ ngữ là Đức Giê-su và một lần chủ ngữ là Phê-rô. (i) Sau khi Phê-rô tuyên xưng “Thầy là Đấng Ki-tô”, Đức Giê-su liền “cảnh cáo” (có thể hiểu là căn dặn, khuyến cáo, hoặc cấm) họ để họ không nói cho ai về Người. Mát-thêu nói rõ hơn “để họ không nói với ai Người là Đấng Ki-tô” (16,20). Luca chỉ dùng đại từ “điều này” (touto) (9,21), có thể thay thế cho nội dung lời tuyên xưng. Đây được gọi là “bí mật Mê-si-a”.[5] Trong bối cảnh này các môn đệ chưa được tiết lộ thân phận của Người vì họ chưa hiểu hết ý nghĩa của danh xưng “Đấng Ki-tô”. Họ chỉ mới hiểu được khía cạnh vinh quang của Người như là: Giảng dạy uy quyền, làm nhiều phép lạ, dẹp yên sóng biển, hóa bánh ra nhiều[6]… Họ cần phải hiểu những khía cạnh khác nữa của Đấng Ki-tô. (ii) Sau khi Đức Giê-su tiền báo về mầu nhiệm Khổ Nạn – Chết – Phục Sinh, Phê-rô liền dẫn Người riêng ra và bắt đầu “cảnh cáo” (có thể hiểu là can gián) Người. Đây có thể là phản ứng tiêu cực của Phê-rô trước Mầu Nhiệm Khổ Nạn. Mát-thêu còn thêm vào nội dung lời can gián của Phê-rô: “Xin Thiên Chúa ban ân sủng cho Ngài, Chúa ơi! Điều này sẽ không xảy ra cho Ngài” (Mt 16,22). (iii) Sau phản ứng này, Đức Giê-su quay lại nhìn các môn đệ, rồi “cảnh cáo” (có thể hiểu là khiển trách) Phê-rô. Phê-rô nói riêng với Đức Giê-su, nhưng Đức Giê-su “khiển trách” Phê-rô khi “quay lại và nhìn” các môn đệ. Điều này ngụ ý rằng nếu có ai trong các môn đệ cùng chung ý hướng như Phê-rô, tức là can ngăn Thầy, thì cùng chịu một lời trách mắng tương tự.
- Người phải đau khổ – bị giết chết – phục sinh: Sau lời tuyên xưng của Phê-rô, Đức Giê-su cấm họ không được nói cho ai điều này, vì họ chưa hiểu biết trọn vẹn về Đấng Ki-tô. Chính vì vậy, người thuật chuyện cho chúng ta biết rằng “Người bắt đầu dạy họ rằng”. Mở đầu cho lời dạy quan trọng này là động từ không ngôi: “cần thiết, phải” (δεῖ: Con Người cần phải, nhất thiết phải…).[7] Động từ không ngôi này thường được dùng để diễn tả một nhiệm vụ thần linh có tính bắt buộc. Đây là mạc khải quan trọng về mầu nhiệm Khổ Nạn – Chết – Phục Sinh, thông điệp nền tảng, mà Đức Giê-su sẽ mạc khải nhưng cũng là mệnh đề khởi đầu cho toàn bộ quá trình mạc khải về những điều mà các môn đệ chưa hiểu về Đấng Ki-tô, mà họ vừa tuyên xưng. Từ lúc này trở về sau, Đức Giê-su bắt đầu từ từ dạy họ tất cả.[8] Sau lần tiền báo này, sẽ có thêm hai lần nữa (tổng cộng có ba lần)[9] Đức Giê-su thông báo cùng nội dung tương tự (8,31; 9,31; 10,33-34).[10] Thông điệp nền tảng này chính là đỉnh cao của sứ vụ công khai của Đức Giê-su, là mấu chốt cho ơn cứu độ nhân loại. Mạc khải này quả thật mang đến một cú sốc quá lớn đối với Phê-rô và các môn đệ. Trong mạc khải của Đức Giê-su có một điều rất quan trọng, “sau ba ngày Người sẽ trỗi dậy”. Tuy nhiên, các môn đệ dường như quên bẳng đi chi tiết này và không muốn để ý đến. Họ bị hoảng sợ trước sự đau khổ và cái chết của Đấng Ki-tô quyền uy, vinh quang mà họ đang say mê. Đó là Đấng họ đang mong chờ, chứ sống lại thì có nghĩa lý gì đâu. Họ quên hẳn đi chi tiết quan trọng đó cho đến khi Người thật sự sống lại, nên ai nấy đều ngỡ ngàng không tin nổi điều đó là sự thật. Đức Giê-su phải hiện ra lần này đến lần khác với cá nhân có và tập thể có để tỏ bày, giải thích, khiển trách, nhắc nhở. Cuối cùng, họ cũng hiểu ra được và tin vào Đấng Phục Sinh và nhận lãnh sứ mệnh rao truyền.
So sánh ba lần tiền báo về cuộc khổ nạn – chết – Phục Sinh | ||
8,31 | 9,31 | 10,33-34 |
Nhất thiết là…
Con Người Phải đau khổ nhiều và bị chối bỏ Bởi các kỳ mục, thượng tế và kinh sư
Bị giết chết Và sau ba ngày Người sẽ trỗi dậy |
Con Người Sẽ bị nộp cho người đời
Họ sẽ giết người Và sau ba ngày Người sẽ trỗi dậy |
Con Người Sẽ bị nộp Cho các thượng tế và kinh sư Họ sẽ kết án tử hình Người Nộp Người cho dân ngoại Và họ sẽ đánh Người, khạc nhổ vào Người và hành hạ Người Và họ sẽ giết Người Và sau ba ngày Người sẽ trỗi dậy |
- Ba ngày: Con số 3 là một con số khá đặc biệt trong truyền thống Tân Ước: Ba lần Đức Giê-su tiền báo về cuộc khổ nạn – Phục Sinh; bộ ba môn đệ Phê-rô, Gia-cô-bê và Gioan; Phê-rô chối Chúa ba lần; Đức Giê-su đi cầu nguyện ba lần cùng một nội dung trong Vườn Cây Dầu (Mc 14,41) ; Đức Giê-su hỏi Gioan ba lần “Con có yêu mến Thầy không” (Phê-rô đáp trả ba lần là “thưa Thầy có”); Dân chúng ở với Đức Giê-su ba ngày rồi mà không có gì ăn (Mt 15,32; Mc 8,2); Ông Phê-rô muốn dựng ba cái lều cho Đức Giê-su, Mô-sê và Ê-li-a trên Núi Biến Hình (Mc 9,5; Mt 17,4; Lc 9,33); Ba người họp lại nhân danh Đức Giê-su thì có Người ở giữa (Mt 18,20); Đức Giê-su ở lại trong đền thờ ba ngày (Lc 2,46); … Con số ba đặc biệt liên quan đến sự chết và sự sống lại. Đức Giê-su của Mác-cô nói rằng ba ngày sau khi chết Người sẽ trỗi dậy (Mc 8,31; 9,31) trong khi đó Đức Giê-su của Mát-thêu và Luca thì nói là “ngày thứ ba”, Người sẽ trỗi dậy (Mt 17,23; Lc 9,22; Cf. Lc 24,7.21) (Kinh Tin Kính, “Ngày thứ ba”, Người sống lại như lời Thánh Kinh). Đức Giê-su cũng báo trước bằng những hình ảnh khác nhau về cái chết và sự sống lại của Người liên quan đến con số “ba ngày”: Ông Giô-na đã ở trong bụng kình ngư ba ngày ba đêm, thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm như vậy (Mt 12,40; Gn 2,1); Ông La-da-rô cũng được mai táng 3 ngày, ngày thứ bốn được Đức Giê-su gọi ra khỏi mồ (Ga 11,39.43-44); Các ngươi cứ phá hủy đền thờ này đi nội trong ba ngày, Ta sẽ hồi phục lại nó (Ga 2,19-20: Cf. Mt 26,61; 27,40.63; Mc 14,58; 15,29). Trong văn hóa Do Thái, chết 3 ngày thì mới là chết thật sự. Chính vì thế, Đức Giê-su dùng con số ba ngày như muốn chứng mình rằng Người đã chết thật sự chứ không phải giả chết.[11]
- Kỳ mục – Thượng tế – Kinh sư: Đây là bộ ba các nhóm nhân vật đức cao vọng trọng, quyền chức, hiểu biết, và cả kinh nghiệm bậc nhất trong dân Do Thái. Họ đồng thời cũng có thể là các thành viên của Thượng Hội Đồng Do Thái.[12] Họ là những đối thủ chính yếu của Đức Giê-su. Trong 3 lần tiền báo về cuộc Thương Khó – Chết – Phục Sinh trong Tin Mừng, có đến hai lần Mác-cô nhắc đến những nhóm người này. Trong lần tiền báo thứ nhất, cả ba nhóm người cũng được nhắc đến như là những người chối bỏ Đức Giê-su (8,31; Lc 9,22; Mt 16,21). Trong lần tiền báo thứ ba, chỉ có nhóm các thượng tế và kinh sư, được nhắc đến như là những kẻ lên án xử tử Người và nộp Người cho dân ngoại (ngụ ý là Phi-la-tô) (10,33). Riêng lần thứ hai, động từ “nộp” được dùng ở thể bị động (Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta). Tác nhân của hành động nộp có thể là nhóm kinh sư và pha-ri-sêu như ở lần thứ ba, hoặc cũng có thể ám chỉ đến Giu-đa Ít-ra-ri-ốt. Sau khi Đức Giê-su thanh tẩy đền thờ, bộ ba nhóm này đã chất vấn Đức Giê-su về quyền của Người: “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy, hay ai đã cho ông quyền để làm các điều ấy” (11,27-28; Lc 20,1; Mt 21,23). Sau khi Đức Giê-su kể dụ ngôn những người làm vườn nho sát nhân, hạ nhục, đánh đập, giết chết các đầy tớ của ông chủ, thậm chí giết luôn cả đứa con duy nhất của ông, họ đã tìm cách bắt Người (Mc 12,12). Cuối cùng họ sai người đi bắt Đức Giê-su trong Vườn Cây Dầu (14,43; Lc 22,52; Mt 26,47); Tề tựu đầy đủ để xét xử Người (Mc 14,53; Mt 26,57); Bàn kế hại Đức Giê-su, để xử tử Người (Mt 27,1); Họp bàn với nhau, rồi trói Đức Giê-su lại, giải đi nộp cho Phi-la-tô (Mc 15,1); Xúi đám đông đòi tha cho Ba-na-ba mà giết Đức Giê-su (Mt 27,20). Tất cả đều xảy ra đúng như lời Đức Giê-su đã báo trước.
- “Đi ra phía sau Ta”: Đức Giê-su gọi khiển trách Phê-rô là “Xa-tan”. Xa-tan chính là tên cám dỗ Đức Giê-su trong hoang địa và Đức Giê-su đã chiến thắng (Mt 4,1-11). Vào cuối cuộc cám dỗ ấy, Đức Giê-su đã ra lệnh cho Xa-tan: “Hãy cút khỏi đây”, Xa-tan. Trong bối cảnh này, Đức Giê-su cũng như đang gặp lại cơn cám dỗ của Xa-tan trong suy nghĩa và lời nói của Phê-rô. Xa-tan muốn Đức Giê-su nghe theo lời nó, để thỏa mãn những nhu cầu của bản thân mà quên đi ý định của Chúa Cha. Phê-rô cũng mong Đức Giê-su không phải trải qua mầu nhiệm đau khổ và sự chết như Người vừa tiền báo. Chính vì thế, Đức Giê-su đã không ngần ngại gọi Phê-rô là Xa-tan và cũng ra lệnh “Đi về phía sau Thầy” (biến đi khỏi mắt Thầy). Động từ được sử dụng cho cả Xa-tan và Phê-rô là một: “Đi khỏi”, ở mệnh lệnh cách (ὕπαγε). Phê-rô dường như đang muốn đi trước Thầy mình, muốn hướng dẫn cho Thầy mình cách tránh né sứ vụ. Chất Xa-tan của Phê-rô có thể được hiểu như là “không suy nghĩ theo công việc của Chúa mà nghĩ theo phi vụ của con người” (8,33).
- Từ bỏ chính mình – vác lấy thập giá của mình – theo: Trước khi Đức Giê-su nói lời (từ bỏ, vác lấy thệp giá, theo) người thuật chuyện cho biết rằng Đức Giê-su đã “gọi” đám đông và các môn đệ đến với Người (προσκαλεσάμενος) (Mc 8,34). Đây là tiếng gọi thần linh cho một sứ vụ thần linh. Lời mời gọi này dành cho cả các môn đệ và đám đông. Muốn đi theo lời mời gọi này, phải làm 3 hành động cùng lúc: “Từ bỏ chính mình”, “vác thập giá của mình”, và “đi theo” Chúa. Đây được xem là một tiến trình hoàn hảo của một người môn đệ. Các môn đệ đã từ bỏ gia đình, công việc và cuộc sống ổn định để theo Chúa. Tuy nhiên, đó chỉ là bước khởi đầu. Muốn theo Đức Giê-su đúng nghĩa hơn, họ được mời gọi phải từ bỏ chính mình và vác thập giá của mình. Thánh Luca còn thêm vào cụm giới từ “suốt ngày, từng ngày” (καθ᾽ ἡμέραν) vào sau động từ “vác thập giá của mình” (Lc 9,23). Thánh Luca và Mát-thêu còn ghi lại tính chất quyết định của việc “vác thập giá” trong ơn gọi làm môn đệ của Đức Giê-su: “Ai không vác lấy thập giá mình mà theo tôi thì không thể làm môi đệ tôi được” (Lc 14,27; Mt 10,38). Từ bỏ chính mình trong bối cảnh này, bối cảnh sau lời “can gián” của Phê-rô, có nghĩa là từ bỏ những suy nghĩ về lợi ích riêng tư của mình; Suy nghĩ theo cách của con người mà quên đi ý muốn thật sự của Thiên Chúa. Trong bối cảnh rộng hơn là từ bỏ ý riêng của mình để làm theo ý Chúa Cha (x. Mt 7,21; 12,50; Mc 3,35; Ga 4,34; 5,30; 6,38). “Thập giá” trong bối cảnh này tương tự như thập giá của Đức Giê-su: “Phải đau khổ nhiều và bị các kỳ mục và các thượng tế và kinh sư nộp và bị giết chết và sau ba ngày Người sẽ trỗi dậy”. Thập giá trong bối cảnh xa hơn là toàn bộ cuộc khổ nạn và các chết của Đức Giê-su trên thập giá. Đại từ sở hữu (của chính mình, của chính người ấy) đi ngay sau danh từ thập giá xác định rõ ràng “thập giá” đó là của mỗi cá nhân những người muốn theo Chúa chứ không phải là của Chúa. Đức Giê-su đã vác lấy thập giá của chính mình (Ga 19,17). Cả 3 Tin Mừng Nhất Lãm đều nhắc đến sự kiện ông Si-môn vác thập giá đỡ cho Đức Giê-su (Mc 15,21; Mt 27,32; Lc 23,26), trong khi đó Gioan nhấn mạnh rằng “chính Người vác thập giá của mình”. Điều này có thể đánh tan suy nghĩ bình dân rằng Chúa gửi thập giá đến cho từng người. Có lẽ không phải như thế! Thập giá vẫn có đó trong cuộc đời mỗi người như một phương tiện để người ta bày tỏ niềm tin, lòng thành tín và tình yêu đối với Chúa và với tha nhân. Tình yêu không thập giá là tình yêu dổm; Thập giá không tình yêu là thập giá hờ. Thập giá chỉ có giá trị thực sự khi nó phát xuất từ sự tự nguyện dâng hiến vì yêu thương. Tình yêu đích thực luôn đòi hỏi một sự trả giá và hy sinh. Đức Giê-su đã chịu đóng đinh và chết trên chính thập giá mà người ta trao cho Người vác (Mt 27,35; Mc 15,24; Lc 23,33) mặc cho người đời vẫn thách thức và cám dỗ Người “xuống khỏi thập giá” (Mt 27,40.42; Mc 15,30.32; Lc 23,39). Đó là hình ảnh rõ nét và hoàn hảo cho mầu nhiệm tự hủy chính mình, vác lấy thập giá mình và làm theo ý muốn Chúa Cha.
- Cứu – phá hủy – phá hủy – cứu (mạng sống): Mác-cô dùng cấu trúc đảo đổi (chiamus), một cấu trúc đặc trưng trong văn chương Hy Lạp, để diễn tả mối liên hệ vừa hỗ tương vừa nghịch lý của nguyên do sâu xa của mầu nhiệm tự hủy, mà Đức Giê-su mời gọi các môn đệ và đám đông dấn thân. Các mệnh đề này được bắt đầu bằng một liên từ chỉ nguyên do “bởi vì” (yar, γὰρ).[13] Rõ ràng, các mệnh đề sau có liên hệ cách chặt chẽ với lời mời gọi ngay trước đó: “Từ bỏ chính mình” – “Vác thập giá mình” – “Đi theo” Đức Giê-su. Động từ “từ bỏ” ở trên được minh họa cách cụ thể, sống động bằng hành động “phá hủy” (có thể là giết chết) mạng sống mình. Danh từ “ψυχή” có nghĩa là “linh hồn”, “sự sống thể lý”; hay toàn bộ con người cả hồn và xác. Tạm gọi 4 lần xuất hiện của danh từ “xukhe” trong đoạn này theo thứ tự từ 1 dến 4. Trong bối cảnh này, “xukhe1” có thể hiểu là sự sống thể lý (muốn cứu sự sống thể lý); “xukhe2” là toàn bộ xác và hồn. Nghĩa là muốn cứu sự sống thể lý thì mất hết cả hồn lẫn xác, đồng nghĩa với vào hỏa ngục. Tương tự, “xukhe3” có thể hiểu là sự sống thể lý (muốn cứu sự sống thể lý); “xukhe4” là toàn bộ xác và hồn. Nghĩa là, sự tự hủy sự sống thể lý có thể mang lại sự sống xác hồn vĩnh cửu. Đức Giê-su là minh họa cụ thể cho triết lý này. Người đã tự hủy, chết đi về thể xác rồi được Phục Sinh vinh quang và được trao ban toàn quyền trên trời dưới đất (Mt 28,18). Các thánh tử đạo, đầu tiên là thánh Ste-pha-no là những minh chứng sống động cho mầu nhiệm tự hủy và đạt đến vinh quang sáng ngời. Động từ “cứu” (σῴζω) được dùng hai lần trong câu này cũng rất có chủ ý (Mt 1,21). Đức Giê-su là Đấng Cứu Độ (σωτὴρ), là Đấng Ki-tô và là Đức Chúa (Lc 2,11). Thánh Giuse được chỉ thị phải gọi tên Người là Giê-su vì Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ (Mt 1,21). Gioan Tẩy Giả giới thiệu Đức Giê-su là “Chiên Thiên Chúa”, Đấng xóa bỏ tội trần gian. Những người dân làng Sa-ma-ri đã tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Cứu Độ trần gian khi Đức Giê-su đến đó và lưu lại hai ngày (Ga 4,42). Năng lực cứu độ ở nơi Đức Giê-su. Người ta có cứu được mạng sống mình cũng nhờ vào Đức Giê-su Phục Sinh. Mục tiêu cuối cùng của cả đời người là “sự sống đời đời”. Mục tiêu cuối cùng của toàn bộ Tin Mừng cũng là để người ta có thể tin “Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, để nhờ tin mà có sự sống” (Ga 20,31). Nhìn vào phần cấu trúc (phần II) chúng ta có thể nhận ra cách dễ dàng sự song song giữa hai lần dạy của Đức Giê-su: (A) Khổ Nạn – Chết – Phục Sinh // (A’) Thập Giá – Tự Hủy – Sự Sống (xukhe). Sự phục sinh song song với sự sự sống. Sự sống ở đây chính là sự sống lại và sự sống đời đời, khởi đầu bằng sự phục sinh của Đức Giê-su.
Cấu trúc đảo đổi (chiasmus) (Mc 8,35) ABB’A’ |
(A) ὃς γὰρ ἂν θέλῃ τὴν ψυχὴν1 αὐτοῦ σῶσαι
(B) ἀπολέσει αὐτήν2· (B’) ὃς δ᾽ ἂν ἀπολέσῃ τὴν ψυχὴν3 αὐτοῦ ἕνεκεν ἐμοῦ (A’) οὗτος σώσει αὐτήν4. (Lk. 9:24 BGT) |
(A) Ai muốn cứu mạng sống1 mình
(B) Sẽ phá hủy nó2 (B’) Ai phá hủy mạng sống3 (A’) Sẽ cứu nó4 |
Bình luận tổng quát
Sau một quãng thời gian dài các môn đệ theo Đức Giê-su, chứng kiến bao nhiêu phép lạ Người làm, từ trừ quỷ, đi trên nước, chữa mọi loại bệnh tật, hóa bánh ra nhiều (2 lần), và cho người chết sống lại, đã đến lúc các môn đệ phải bước vào kỳ thi kiểm tra nhận thức về Thầy của mình. Câu hỏi rất đơn giản: “Người ta nói Con Người là ai? Còn anh em nói Thầy là ai?” Câu trả lời của các môn đệ về suy nghĩ của dân chúng được gop góp từ đoạn văn Mc 6,14-16: Gioan Tẩy Giả, Ê-li-a, một trong các ngôn sứ. Câu trả lời của Phê-rô như một phần kết tốt đẹp cho nửa phần đầu của Tin Mừng Mác-cô (từ chương 1 đến chương 8). Mác-cô giới thiệu đây là Tin Mừng của Đức Giê-su, Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa (Mc 1,1). Giờ đây, Phê-rô đã tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô. Lời tuyên xưng ấy là đúng chính xác rồi. Tuy nhiên, Đức Giê-su lại cấm ngặt không cho các ông nói về Người. Điều này chứng tỏ rằng các môn đệ vẫn chưa hiểu đầy đủ ý nghĩa của căn tính “Ki-tô” mà họ tuyên xưng. Đấng Ki-tô mà họ đang thấy là một Đấng Ki-tô quyền năng huy hoàng theo kiểu hoàng gia và nhà giải phóng. Còn một mặt khác của Đấng Ki-tô mà họ chưa biết và cũng không bao giờ muốn biết. Đó là Đấng Ki-tô chịu nhiều đau khổ – chịu chết – phục sinh. Đây là mầu nhiệm nền tảng trong sứ vụ của Đấng Ki-tô. Thế nhưng, vừa khi nghe điều đó, Phê-rô đã vội can gián, không muốn Đức Giê-su nói về điều đó. Vì nếu điều đó xảy ra, thì mộng vàng của tất cả các môn đệ đều tan thành mây khói. Đức Giê-su chết là hết, chẳng còn danh vọng gì nữa. Ơn gọi môn đệ sẽ kết thúc trong bi thảm, thất bại. Đức Giê-su đã cho Phê-rô thấy, đó là ý tưởng của Xa-tan. Tên cám dỗ đã dùng mọi cách khiến Đức Giê-su phải sa ngã trong sa mạc 40 đêm ngày. Tuy nhiên, cuối cùng Đức Giê-su đã chiến thắng nó. Câu mệnh lệnh: “Xa-tan kia xéo đi! (biến đi)” (Mt 4,10), có cùng động từ với câu mệnh lệnh Đức Giê-su dùng cho Phê-rô: “Xa-tan, xéo ra đằng sau Thầy” (Mc 8,33). Phê-rô không phải Xa-tan nhưng ý tưởng suy nghĩ của ông lặp lại y chang mưu đồ cám dỗ của Xa-tan. Ý tưởng cám dỗ lại một lần nữa xuất hiện khi Đức Giê-su đang trong giây phút thập tử nhất sinh. Người qua kẻ lại xúi dục Người xuống khỏi thệp giá: “Nếu mi là Con Thiên Chúa, thì xuống khỏi thập giá xem nào” (Mt 27,40; Mc 15,30); “hắn là vua Ít-ra-el! Hắn cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, chúng ta tin hắn liền! (Mt 27,42; Mc 15,32). Đức Giê-su lại một lần nữa chiến thắng cám dỗ của ma quỷ. Người đã sẵn sàng tự hủy và chết trên thập giá, vì vâng theo thánh ý Cha và yêu thương nhân loại. Người mời gọi tất cả những ai muốn theo Người, muốn làm môn đệ Người, phải từ bỏ chính mình, vác lấy thập giá mình mà theo. Từ bỏ mình để nghe theo thánh ý Chúa Cha. Vác thập giá của mình là bước vào hành trình Khổ Nạn với Đức Giê-su. Chỉ khi dám phá hủy sự sống thể lý thì người môn đệ mới cứu được sự sống hồn xác đời đời như Đức Giê-su Ki-tô. Sự tự hủy sự sống thể lý chỉ có giá trị cao quý thật sự khi nó bắt nguồn từ tình yêu và cho tình yêu. Ngược lại một tình yêu không có sự tự hủy, sự hy sinh thì khó có thể nảy sinh hoa trái hạnh phúc.
Mỗi người sinh ra trên cuộc đời này đều được Thiên Chúa đặt để trong một mối dây ràng buộc yêu thương đối với một hay nhiều người khác. Tất cả đều được sinh ra từ tình yêu quan phòng của Thiên Chúa Ban Ngôi. Những đứa con đều được sinh ra và dưỡng dục trong vòng tay yêu của cha mẹ, anh chị em, ông bà cũng như những người thân ruột thịt. Những người trẻ tuổi dậy thì hừng hực trong tình yêu nam nữ. Tình yêu này được kết ước trong một giao ước tình yêu tròn đầy và duy nhất của đôi uyên ương. Tình yêu vợ chồng này lại sinh ra những hoa trái tình yêu là những người con. Đó là vòng tròn khéo kín nối kết nhân loại với với nhau và với Thiên Chúa. Ngoài ra, còn biết bao nhiêu tình yêu khác chất chứa trong trái tim nhỏ bé của con người: Yêu bạn bè, yêu thầy cô, yêu người, yêu quê hương, yêu xóm làng, yêu thiên nhiên… Muốn cảm nhận hương vị ngọt ngào của tình yêu thì những “tình nhân” đều cần phải có những sự hy sinh nhất định. Chúng ta có thể gọi những hy sinh đó là thập giá tình yêu mà Đức Giê-su đã vác và mời gọi mỗi người hãy chung đường với Người.
Lm. Joseph Phạm Duy Thạch, SVD
Chú thích:
[1] The people in Nazareth take offense at him because of the disparity between their alleged knowledge of who he is and his (authoritative) teaching in their synagogue [A.Y. Collins – H.W. Attridge, Mark. A Commentary on the Gospel of Mark (Hermeneia; Minneapolis 2007) 401].
[2] X. M.K.M, “Caesarea Philippi”, The HarperCollins Bible Dictionary (ed. P.J. Achtemeier) (New York 1996) 162-163; “In the oldest days it was called Balinas, for it had once been a great centre of the worship of Baal” [W. Barclay, The Gospel of Mark (DSB; Philadelphia 2000, c1975) 191].
[3] J.R. Donahue – D.J. Harrington, The Gospel of Mark (SP 2; Collegeville 2002) 60; A.Y. Collins – H.W. Attridge, Mark. A Commentary on the Gospel of Mark, 402.
[4] J.P.D. Thạch “Khởi Đầu Tin Vui của Đức Giê-su Ki-tô Con Thiên Chúa” [LỜI BAN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI (ῥήματα ζωῆς αἰωνίου): KHỞI ĐẦU TIN VUI CỦA ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ CON THIÊN CHÚA (josephpham-horizon.blogspot.com)] (truy cập 07/09/2021).
[5] Trong Tin Mừng Mác-cô, Đức Giê-su cấm 3 nhóm nhân vât nói về Người, với những lý do khác nhau: (1) Quỷ; (2) Các môn đệ; (3) Những người được chữa lành. X. J.L.M. Thông, “‘Bí Mật Công Khai’. Cấm Không Được Nói Mà Ai Cũng Biết!” [Tin Mừng Gio-an, Évangile de Jean, Gospel of John: “Bí mật công khai”. Cấm không được nói mà ai cũng biết! (TM Mác-cô) (leminhthongtinmunggioan.blogspot.com)] (truy cập 02/09/2021).
[6] Phê-rô cố giữ vinh quang này không muốn đi vào đau khổ (8,32, 9,5) [J.E.A. Chiu, “Mark”, The Paulist Biblical Commentary (ed. J.E.A. Chiu) (Collegeville 2018) 999].
[7] Ê-li-a phải đến trước (Mc 9.11); Tin Mừng phải được loan báo cho tất cả các nước (13,10); Cha mẹ không biết là con phải ở trong nhà của Cha Con sao (Lc 2,49).
[8] “The fact that its theme will be repeated prominently from now on, suggests that we should read it as signaling a new and central theme in Jesus’ teaching to his disciples” [[8] R.T. France, The Gospel Of Mark. A Commentary on The Greek Text (NIGTC; Grand Rapids 2002) 333]; According to J. Marcus, “began to” thus suggests the beginning of a series” [J. Marcus, Mark 1–8. A New Translation with Introduction and Commentary (AYB; New Haven – London 2008) XXVII, 603].
[9] Mát-thêu có thêm một lần thứ tư nữa ngay trước dịp Lễ Vượt Qua: Anh em biết còn hai ngày nữa là đến Lễ Vượt Qua, và Con Người sắp bị nộp để chịu đóng đinh vào thập giá” (Mt 26,2).
[10] The similarities and differences of the three passion predictions: All have a similar structure: (a) a reference to the Son of Man, (b) a reference to those who will be responsible for his death, (c) a prophecy of his death, and (d) a prophecy of his resurrection “after three days.” There are individual variations; the second and third, for example, speak of the Son of Man being “turned over” to his enemies, whereas the first speaks of the necessity of his suffering and rejection by them; the second speaks of these opponents in a very general way, as “human beings,” whereas the first and third spell them out as the chief priests and the scribes. Most strikingly, the third gives a detailed description, unparalleled in the other two, of the specific sufferings that the Son of Man will endure. [J. Marcus, Mark 1–8. A New Translation with Introduction and Commentary, 604].
[11] Cũng có thể hiểu như J.Marcus, ba ngày không phải là một con số chính xác như chỉ là cách nói diễn tả một khoảng thời gian ngắn có độ dài không xác định (. Marcus, Mark 1–8. A New Translation with Introduction and Commentary, 487)
[12] Các hội đồng của những lãnh đạo và kỳ mục (Mt 5,22; 10,17; Mc 13,9; Cv 22,5), tòa án tối cao của các thượng tế và kỳ mục tại Giê-ru-sa-lem. Họ xét xử Đức Giê-su (Mt 26,59); Kiểm tra và trừng phạt các mông đệ (Cv 4 – 6; 23 – 24); Giuse Arimathea là một thành viên của hội đồng (Mc 15,43); Hội Đồng Giê-ru-salem bao gồm những kinh sư, tư tế, pha-ri-sêu; trong Mác-cô các thượng tế, kỳ mục và kinh sư (14,54 -55; 15,1) được nối kết cụ thể với Hội đồng trong vụ xét xử Đức Giê-su [x. A.J.S, “Sinhedrin”, The HarperCollins Bible Dictionary, 971-972]; Luca nói đến một hội cuộc họp của các kỳ mục, gồm có các thượng tế và kinh sư (Lc 22,66) trong khi Mác-cô dường như ám chỉ một nhóm kỳ mục tách biệt khỏi nhóm thượng tế và nhóm kinh sư (J. Marcus, Mark 1–8. A New Translation with Introduction and Commentary, 605).
[13] Thật ra, câu 35 chỉ là câu đầu tiên trong loạt 4 câu bắt đầu bằng liên từ “γὰρ”:
35 Vì Người muốn cứu mạng sống của mình sẽ phá hủy nó; Còn người sẽ hủy bỏ mạng sống mình vì Tôi và Tin Mừng thì sẽ cứu được nó.
36 Vì một người sẽ được lợi ích gì nếu đạt được cả thế giới nhưng đánh mất mạng sống của mình.
37 vì Người ta sẽ trao điều gì để đổi lại mạng sống của mình?
38 vì nếu ai xấu hổ vì Tôi và những lời của Tôi trong thế hệ ngoại tình và tội lỗi này, Con Người cũng sẽ xấu hổ vì người ấy khi Người đến trong vinh quang của Chúa Cha cùng với các sứ giả thánh.